Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Đá cá lia thia.

Mấy hôm nay đọc báo thấy ngán ngẩm, ôi thôi đủ thứ chuyện, xã hội cứ như là một mớ bòong boong, như đám tơ vò, toàn chuyện đâu đâu, đau lòng có (như chuyện chích ngừa trẻ sơ sinh), hoặc khôi hài, tiếu lâm Giao Chỉ (như mấy chuyện cộng điểm thi đại học cho bà mẹ VN anh hùng, người có công năm 45, hay hạ điểm thi đua của địa phương nào có điểm, hoặc tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn năm trước vì lý do trung thực với đảng, với dân...). Để bảo vệ cái đầu của mình khỏi tửng theo, đành phải quay về với cái trò chơi trẻ con là làm mấy con vật nho nhỏ bằng giấy. Có lẽ ngồi làm mấy con này ta phải để tâm hết vào nó, như trò chơi gấp giấy Origami của Nhật, hoặc như mấy người ngồi nặn mấy con tò he đủ màu sắc trước cổng trường cho con nít mẫu giáo, tiểu học xem. Cũng có thể như những người tu hành tụng kinh hay lần tràng hạt.

Một trong những trò chơi thời nhóc tì của tôi và cũng của đám trẻ con cùng xóm là đá cá lia thia, là một trò chơi rất hấp dẫn đám trẻ, cũng giống như đá dế vậy. Cá lia thia đã đi vào ca dao "Lia thia quen chậu/ vợ chồng quen hơi", Đại Nam Quấc âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Paulus Của cũng có nhắc đến cá lia thia "Thua thì thua mẹ thua cha/ Cá sinh một lứa, ai mà thua ai". Thế là đủ biết con cá lia thia hấp dẫn bá tánh như thế nào. Trong quyển Phong lưu cũ mới cố học giả Vương Hồng Sển đã dành ra cả một chương để nói về thú chơi cá lia thia của người Nam bộ xưa, mà ông gọi là cá thia thia, đó không chỉ là thú chơi của con nít hay người vùng dân dã, xưa ở bên Miên, bên Thái, hoàng gia cũng chơi cá lia thia như ai, và những con cá "chiến" được xem như quốc bảo, cấm xuất ra khỏi nước..







Bây giờ vài nơi bán các loại cá kiểng ở Saigon cũng có bán cá lia thia, đủ loại, đủ màu sắc, có những con đuôi, vây trông te tua như... mới thua độ nhưng không phải, giống cá nó thế, có những con cá đủ màu sắc xanh, đỏ, tía, đậm, lợt..., chắc sau này đã được lai tạo, chứ thời tôi còn nhỏ mấy chục năm trước chỉ có hai loại, đó là cá Xiêm và cá Phướn. Cá Xiêm là loại cá gốc từ Thái Lan, xưa tên là Xiêm La, loại này có màu xanh thẫm, đuôi tròn, vây gọn gàng. Còn cá Phướn có màu đỏ hồng,  gọi là cá Phướn vì vây, đuôi của nó dài như lá cờ phướn. Xét hai loại thì cá Xiêm được tụi nhóc ưa thích hơn vì cá này đá chiến hơn, dai sức hơn, có con đá chết bỏ chứ không bao giờ bỏ chạy, còn cá Phướn do vây, đuôi dài thậm thượt, trông đẹp nhưng xoay xở chậm, nhát đòn, bị đá đau là chạy... có cờ.





Bạn nào đã từng nuôi và đá cá lia thia chắc biết rõ đặc tính hiếu chiến của loài cá này, mỗi con phải được nuôi riêng trong một keo (lọ) thủy tinh, hay chậu sành, cũng gống như mấy con dế, nhốt chung mấy con thể nào chúng cũng cắn nhau chí chết. Ở những chỗ bán cá lia thia người ta bày nhiều keo cao cao như thế sát cạnh nhau, được ngăn cách bởi một tấm bìa, tụi nhóc tì đi mua sau khi ngắm nghía thường nhấc tấm bìa ra, hai con cá nhìn thấy nhau qua lớp thủy tinh trong suốt sẽ lập tức phùng mang trợn mỏ, quẫy đuôi so kè nhau trong chiếc keo thủy tinh nhốt nó, trông cũng rất ấn tượng.

Đá cá lia thia cũng giống như đá dế vậy, tuy gọi là đá nhưng thực ra chẳng có gì là "đá" nghĩa là dùng chân cẳng cả, với dế thì chúng dùng đôi hàm sắc khỏe để tấn công đối thủ, còn với cá lia thia chúng cũng dùng miệng để cắn đối phương, cú cắn được phóng ra rất nhanh và mạnh, sau một trận chiến thì thường cả con thắng lẫn con thua đều "te tua" hết. Tụi nhóc chơi đá dế, đá cá là thuần túy để chơi, hoặc "độ" nhau thua thì ăn ký vào đầu gối, búng tai... cùng lắm là đá bắt xác, nghĩa là con thua bị đứa thắng bắt mất, mà lấy được con dế hay con cá lia thia đá thua cũng chẳng thích thú gì, vì thường nếu còn sống, sau đó chúng cũng ê càng, ê mỏ rất nhát, có khi chưa đá mới trông thấy đối phương dương oai đã bỏ chạy...

Tụi nhóc tì chúng tôi ngày trước đá dế, đá cá lia thia là để chơi, thường là trong mấy tháng hè rảnh rỗi được nghỉ học, xưa tiểu học thì hè chẳng có học thêm học nếm nhà thày cô gi cả, được chơi thả giàn, khác xa với con nít thời nay...

Bây giờ... già, chẳng có công đâu mà kiếm nuôi mấy con dế, con cá lia thia xem chúng đá, thời nhỏ còn hăng máu, giờ già nghĩ lại chúng cắn nhau chí tử cũng tội nghiệp, ngồi làm đám dế đám cá chơi trông cũng vui mắt, lại có quà để cho mấy đứa cháu mỗi khi chúng ghé chơi...


18 nhận xét :

  1. Hihihi trong mỗi ông già vẫn còn đó một cậu bé dễ thương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về già thì người ta thành trẻ con, hìhì!

      Xóa
  2. "Đôi mắt cá ươn" làm cho chú cá lia thia giấy nhìn thật có hồn .

    Tràng hạt thì M chưa nghĩ tới chuyện ngồi lần , xếp giấy thì không đủ tỉ mỉ khéo tay . Mấy nay có việc vào Exel , vui đùa với mấy con số , mấy phép tính , hàm ( functions )thấy cũng thú vị . Không khéo vài năm nữa sẽ giống như mấy ông bà già đã thấy ở Nhật , ngồi lắc lư , gật gù trước màn hình đủ màu sắc với đủ loại trò chơi games , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dế, ve, chuồn chuồn, bọ ngựa, cào cào, cá, cua... đủ cả, hihi!

      Khi chú tâm vào một việc gì, kể cả rửa chén quét nhà, hay vui đùa với những con số trên máy tính cũng đều là Thiền hết :-)))

      Kệ, về già cũng cần phải như thế chứ cứ hết ăn lại ngủ mau lẩn thẩn lắm :-(((

      Xóa
  3. Haha.. Các bác quay lưng vào thế sự như Bác Bu thì vùi vào đống sách, bác Hiệp thì ngồi cắt giấy vẽ voi.. Thu Thủy thì vùi đầu vào kinh kệ, Toro thì vẫn còn khắc khoải mong đợi có văn hóa biết từ chức xảy ra.. hix, Cho nên bà già cũng quay đầu lại với dãy số, tưởng chỉ có mình bà già này hứng thú với cái hàm, các array, các function... của excel há ra cũng còn có bạn Marg của mình cùng thú vui tiêu khiển chơi trò này. Hôm nào về gặp nhau chơi trò này nha Marg ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng không phải là quay lưng, nhưng bị không có khả năng... tuyệt thực cho nên phải thế, hehe!

      Xóa
  4. Đây cũng là cách Thiền đây ạ. Rõ ràng tâm hồn anh H đang phơi phới hoa niên... trước mấy con cá rất sinh đông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Càng già người ta càng trẻ ra, haha, mỗi người có một cách thiền cho riêng mình, miễn là ta chú tâm vào việc mình làm, phải không Toro?

      Xóa
  5. Làm việc gì mà tập trung hết sức vào đó chính là thiền đấy bác nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi chính thế, Lục tổ Huệ Năng đã được trao y bát khi chỉ là một chú điệu gánh nước quét chùa, nhưng Tổ đã để hết tâm trí vào việc được giao :-))

      Xóa
  6. Khi lên lớp đệ ngũ gia đình HN mới rời quê ra phố, ngày ở quê HN thường bắt cá lia thia về bỏ vào lọ thủy tinh mà nhìn, không biết đá. Bắt cá cũng thích lắm. Vào vụ hè, nước ruộng chỉ chừng 7-8cm, lúa cao vài mươi cm chừng 11g trưa nước ruộng do bức xạ mặt trời và mắt đất nóng lên là cá trốn vào dưới các "mà" là đám bọt nước tụ lại như cái dù nhỏ bằng trái quýt, chỉ cần đưa tay xuống nước bên dưới cái dù thế nào cũng có một hoặc hai chú, nếu hai thì hình dáng khác nhau chừng như trống mái. Bây giờ có lẽ ở ruộng ở quê không còn cá vì thuốc rầy, phân hóa học!
    Có việc để thiền như bác NHP là vui rồi. Dại gì để tâm hồn mình bị đầu độc bằng những sản phẩm làm ra bởi những đầu óc ngu dốt bác há!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc trong Phong lưu cũ mới cụ Vương Hồng Sển tả thuở nhỏ cụ đi "hớt" cà thia thia cũng giống như bác HN nói, nghe mê lắm, cá lia thia chỉ sống trong đồng ruộng lúp xúp nước chứ không sống ở sông suối.
      Bây giờ người ta nuôi, lai tạo được cá, ép cho sinh sản, nhiều con cá lia thia có đuôi, vây đủ màu trông đẹp lắm.
      Đi giữa cuộc đời này cứ như là làm xiếc trên giấy đó bác HN, ráng mà giữ thăng bằng, hihi! Nói vậy chứ cũng không thể "trốn" mãi được, Bồ đề Đạt ma diện bích chín năm rồi... chán quá cũng phải trở về đời thường đấy thôi :-)))

      Xóa
  7. HỒi nhỏ ở quê em hay bắt cá xin xít ở cái áo của nhà, không biết có phải thia lia không? Cá rất đẹp, giống như cá rô nhưng màu ngũ sắc, đặc biệt là hai cái râu màu đỏ rất oai vệ. Cá khỏe, dễ nuôi nhưng nuôi trong nước mưa, nước giếng là màu sắc nhạt dần, mất đẹp.Có điều chúng không đánh nhau... mà chung sống hòa bình các bác ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như ở miền Bắc không có cá lia thia vì xưa nay không thấy ai nhắc đến, trong văn học cũng không thấy nói. Cá lia thia cũng như loài chim, gà vậy, chỉ có cá trống mới nhiều màu sắc và hiếu chiến.

      Xóa
    2. tai vi ca lia thai dong ..thuong song vao mua nang va mua ...mua la thang dau mua cua ca khi mua suong thi ca se sung lenh va thoi bot de ep mai ...con o bac thi wa lanh nen co hk song duoc vi the nen ngoai bac hk co ca lia thia

      Xóa
    3. Cám ơn bạn DONG LE KHANH đã vào giải thích.

      Xóa
  8. Hồi nhỏ mình hay bắt cá lia thia, rồi cắt một cái chai nuôi trong đó thật thích. Tuổi thơ đã trôi qua có quá nhiều kỷ niệm, vậy mà bây giờ thấy cá Ngọc Hiệp làm bằng tay, thích làm sao. Heee

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kỷ niệm tuổi thơ bao giờ cũng dễ thương hết, hihi, cám ơn bạn đã thích mấy con cá giấy này :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))