Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Ký ức Cao nguyên - Âm vang cồng chiêng.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nhắc đến Cao nguyên mà không nói đến cồng chiêng, là một loại nhạc cụ độc đáo tiêu biểu cho âm thanh của núi rừng, của người dân tộc Thiểu số Tây nguyên. Người Thiểu số Tây nguyên có nhiều nhạc cụ khác nhau, nhưng cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu của họ, được sử dụng trong những dịp lễ hệ trọng. Có thể bây giờ chúng ta dễ dàng được nghe cồng chiêng, trong những tour du lịch đến Đà Lạt, hoặc Buôn Mê Thuột. Vào một buổi tối trong tour, trong chương trình đã được định sẵn, hướng dẫn viên du lịch sẽ đưa bạn đến một ngôi làng du lịch của người Thiểu số, để nghe họ đánh cồng chiêng, uống rượu cần, và cả nhảy múa cùng họ.

                                    Những bộ cồng chiêng Tây nguyên. Ảnh Internet.

Điều này kể ra cũng hay, tôi cũng đã có lần tham dự. Nhưng âm thanh của cồng chiêng được nghe như thế, là âm thanh của cồng chiêng hợp đồng. Mỗi buổi tối những người dân tộc Thiểu số lại "đóng bộ" khố áo, cầm lấy cồng chiêng, và những cô thiếu nữ lại choàng váy thổ cẩm, để biểu diễn hay cùng nhảy múa với du khách. Cái hồn của cồng chiêng không nằm ở trong bản hợp đồng biểu diễn. Âm thanh cồng chiêng, đó là sợi giây thiêng liêng từ ngàn xưa nối họ với Thần linh, với Tổ tiên, với núi rừng.  Và để có thể nghe được hết âm thanh, cảm nhận được "cái hồn" của cồng chiêng Tây nguyên, có lẽ chúng ta phải được nghe tiếng cồng chiêng trong những buôn làng người Thượng, giữa cái mênh mông của núi rừng, trong những buổi lễ của dân tộc họ, như Lễ đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ mừng lúa mới, hay trong tang ma, cúng tế, cầu khẩn trước Thần linh...

 Ở đây tôi muốn nói là trong những buổi lễ "thật" của họ, chứ không phải là những buổi lễ "diễn" cho du khách theo hợp đồng, hay để quay truyền hình... Và những năm tháng xa xưa ấy, có dịp ở cùng họ, tôi đã được nghe âm vang của cồng chiêng như thế...       


                                     Đánh cồng chiêng trong một buổi lễ. Ảnh Internet.

Ngày ấy tôi đã nghe cồng chiêng, cảm nhận được những âm thanh của núi rừng qua tiếng cồng chiêng, tôi còn được họ hướng dẫn cho đánh một vài điệu cồng chiêng, nhưng không hiểu rõ lắm về loại nhạc cụ độc đáo này của họ. Sau này qua sách vở mới biết rõ hơn. Thường cồng chiêng là dành cho nam giới, và người nữ không được chạm đên cồng chiêng, nhưng cũng có nơi thoáng hơn, cồng chiêng dành cho cả nữ giới, nam nữ đều sử dụng được.

Cồng chiêng là loại nhạc cụ thể hiện tính cộng đồng rất cao, các nhạc cụ khác như đàn, sáo có thể được chơi một mình (độc tấu), nhưng cồng chiêng phải đi theo bộ, và sử dụng lúc lễ lạt, đông người... Cồng chiêng là tên của người Việt gọi, còn theo cách gọi của người Bahnar và Jrai, là 2 dân tộc sử dụng cồng chiêng rất thành thạo ở Tây nguyên,  là Ching Chêng. Ching tương ứng với Chiêng, còn Chêng tương ứng với Cồng. Tùy từng dân tộc, từng vùng có những phân biệt khác nhau, nhưng tựu trung Ching là chiêng, loại nhạc cụ không có núm ở giữa, dùng để đánh giai điệu. Chêng là cồng, loại nhạc cụ có núm tròn ở giữa, thường là âm thanh trầm, dùng để đánh đệm trong giàn cồng chiêng. Họ cũng đánh cồng chiêng kết hợp với trống bịt bằng da trâu...

Đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai, còn căn cứ vào kích thước và tính chất âm thanh để đặt tên cho từng loại cồng chiêng, như chiêng bố, chiêng mẹ, chiêng chị, chiêng em..., hoặc cũng theo âm thanh cao thấp, hoặc âm sắc của cồng chiêng mà đặt... Tôi cũng thấy có sách viết cồng (âm sắc trầm, dùng để đệm) được gọi là chiêng bố, còn chiêng (âm sắc cao, dùng đánh tiết tấu) được gọi là chiêng mẹ. Họ cũng có thể đánh bằng mặt ngoài hay mặt trong của cồng chiêng, dùng dùi bằng gỗ mềm, hay có bọc da, giẻ, hoặc dùng nắm tay mà đánh. Khi đánh có thể đánh tự nhiên cho âm thanh vang xa, hoặc dùng tay chặn, bịt, để tạo ra những âm điệu theo ý muốn, và tùy trong những buổi lễ...

                                                            Ảnh Internet.

 Ở Tây nguyên, trong những buôn làng, có những nghệ nhân chuyên điều chỉnh âm thanh cho cồng chiêng theo như ý muốn, họ là những người có đôi tai thẩm âm điêu luyện, chỉ nghe tiếng cồng chiêng là họ biết bộ cồng chiêng ấy hoàn chỉnh hay chưa, và công việc của họ là dùng những chiếc búa nhỏ gõ lên cồng chiêng, tùy chỗ để tạo ra độ dày mỏng khác nhau, cho đến khi âm thanh đánh lên họ nghe vừa ý...

Ngày xưa nhà nào trong buôn làng Thượng cũng có cồng chiêng, và nhà càng khá giả số bộ cồng chiêng có càng nhiều. Tiếng cồng chiêng cũng là âm thanh thông báo cho cả làng biết nếu trong nhà ai đó có chuyện gì, chẳng hạn xưa tôi ở trong một ngôi làng ở Pleiku, trong nhà có người chết, người nhà lấy cồng chiêng ra đánh, tùy từng nơi, từng lúc tiếng cồng chiêng được đánh khác nhau. Lúc nhanh, lúc chậm, lúc khoan, lúc nhặt, rộn ràng, hay buồn bã... Nhìn họ vui chơi, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng, giữa bản làng với những ghè rượu đầy ắp, mới thấy cuộc sống của họ thật thần tiên. Trong lễ đâm trâu họ đánh cồng chiêng khác lễ bỏ mả, hay lúc tang ma, mừng lúa mới...

Giữa những buổi chiều tà, nhìn khói lam chiều, sương mù giăng khắp ngọn đồi, hay lúc đêm khuya, xa xa tiếng thú rừng hú... lúc ấy nghe những giai điệu cồng chiêng của họ âm vang giữa núi rừng, mới thấy hết cái hay, cái hồn của cồng chiêng...

                            Đánh cồng chiêng bằng dùi gỗ vào mặt trong. Ảnh Internet.

Cồng chiêng thường được đúc bằng đồng, cũng có loại được đúc bằng hợp kim có pha gang, chì..., loại quý pha vàng, bạc, cho âm thanh tốt hơn, vang hơn. Có một câu hỏi được đặt ra, cồng chiêng là loại nhạc cụ do chính người Tây nguyên làm ra? Hay được du nhập từ nơi khác đến? Qua những nghiên cứu, kết luận cồng chiêng được du nhập từ nơi khác, cụ thể là những nước trong khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như Lào, Khmer, Thái lan, hoặc Miến Điện (Myanmar). Cồng chiêng phổ biến trong những dân tộc ít người ở khu vực Đông Nam Á (các khu vực khác không có loại nhạc cụ này), với dân tộc Thiểu số Tây nguyên ở Việt Nam, trình độ đúc kim loại của họ xưa nay cho thấy họ không có khả năng làm ra được cồng chiêng.

Bây giờ Không gian văn hóa cồng chiêng đã được Unesco công nhận là "Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu" của nhân loại, đấy là một sự công nhận giá trị của cồng chiêng, bao gồm cả "không gian văn hóa" của cồng chiêng. Quốc tế ghi nhận như thế, nhưng ở Tây nguyên thì sao? Qua những thông tin đại chúng thì người Tây nguyên đang bán dần những bộ cồng chiêng của họ, người Tây nguyên đang mất dần cồng chiêng. Tại sao một loại nhạc cụ đã gắn liền với cha ông họ cả ngàn năm nay, là linh hồn trong lễ hội, đời sống, tâm linh của người miền cao, lại bị chính họ thờ ơ? Điều này thật dễ hiểu, cồng chiêng là âm vang của núi rừng, của những nếp nhà sàn sương khói, của những dân tộc Thiểu số gắn cuộc đời họ rừng núi, với nương rẫy, sông suối...

Có thể bây giờ cuộc sống của họ đã khác, đã "văn minh" hơn, cuộc sống của họ đã định cư. Họ đã ở gần phố, hay phố cũng đã đến gần họ, trong ngôi nhà của họ đã có truyền hình, xe máy, đầu đĩa, và cả giàn karaoke... những cái của nền văn minh hiện đại đang thay thế nếp văn hóa cổ truyền. Ngôi nhà rông, nhà sàn của họ ngày xưa ở giữa núi rừng, bây giờ rừng đã lùi xa, có thể họ vẫn còn nương rẫy, nhưng rừng không còn, không còn Thần rừng, Thần suối, Thần lúa... Đi du lịch Đà Lạt, tour du lịch đưa chúng ta đến một điểm du lịch, ở đó những chàng trai, cô gái đánh cồng chiêng cùng với giàn nhạc, ampli, trống đàn hiện đại... Về phố, tiếng cồng chiêng nghe lạc lõng, rời rạc, chói tai... Không còn cái hồn của thần linh, không gian của núi rừng, sông suối... Cồng chiêng sẽ không còn đất sống.

                                                    Ảnh Internet.

Khi được Unesco công nhận, có chức sắc đã cao hứng đề nghị đưa cồng chiêng vào giàn nhạc thính phòng, chắc chắn vị này không hề biết tí gì về cồng chiêng. Lúc đó GS âm nhạc Trần Văn Khê có nói, đại ý: "Muốn thử nghiệm thì cứ thử nghiệm, nhưng nơi chốn của cồng chiêng là ở núi rừng". Chúng ta thử tưởng tượng ngược lại, nếu đem cây đàn vĩ cầm và piano vào làng Thượng giữa núi rừng, chơi trước nếp nhà rông, hay trước ngôi nhà mồ Tây nguyên, hình ảnh đó quay lên tivi chắc trông cũng hay, nhưng  chỉ để mà chơi trong chốc lát...

Tham khảo:

- Nhạc khí dân tộc Jrai và Bahnar (Musical instruments of the Jrai & Bahnar), Đào Huy Quyền, NXB Trẻ xuất bản năm 1998.



18 nhận xét :

  1. Không được dịp nào để cảm nhận "cái hồn" của cồng chiêng Tây nguyên giữa núi rừng , nên vào đây đọc để mà tưởng tượng vậy. Có lẻ tiếng cồng chiêng vang trong chiều tà , hòa quyện với khói lam chiều và sương mù rừng núi sẽ tuyệt hơn nhiều .
    Có lần đi tới Lang biang , bị nhốt trong một cái nhà mái tôn , đống lửa củi đốt lên nhìn phát sốt , tiếng cồng chiêng ầm ào , một lát thì biến tấu với bản nhạc Ly cà phê Ban Mê , chịu hết nổi phải bỏ qua bên kia đường ngồi luôn , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế, cồng chiêng du lịch nó vậy. Đến Đà Lạt du khách hay bị nhét vào mấy chỗ đấy, ở cái đồi Mộng Mơ có cái Vạn Lý Trường Thành cũng vậy, có khu cho mấy chàng trai cô gái mặc thổ cẩm xà rông đàn hát ca múa, trống Tây, ghi ta điện cùng cồng chiêng gõ beng beng, chẳng thấy cái hồn phách cao nguyên đâu... Hihi!

      Xóa
  2. Cồng chiêng là âm vang của núi rừng, của những nếp nhà sàn sương khói, của những dân tộc Thiểu số gắn cuộc đời họ rừng núi, với nương rẫy, sông suối...
    .
    Cảm ơn Bạn. Ngoài bắc, xưa trong lễ tế đình, tiếng cồng (có núm) nghe rất thâm u và đám tang, tiếng thật ai oán tiếc thương. Họ thường đánh bằng dùi bịt vải bay bẹ dừa. Còn tôi mới chỉ biết cồng chiêng ở Hòa Bình, nghe ghi âm và trên TV, chưa bao giờ nghe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã khá lâu, có lần trong một buổi liên hoan các dân tộc VN ở Saigon, tôi có được xem và tiếp xúc với một đội cồng chiêng người Mường Hòa Bình, ở người Mường thì phụ nữ cũng đánh cồng chiêng.

      Người Mường là người Việt cổ, ngôn ngữ của họ khá giống ngôn ngữ người Việt, họ cũng gọi cồng chiêng là chiêng. Loại cồng (có núm) rất dày cho âm trầm, thường rất nặng, có cái nặng cả 70, 80 kg, phải 2 người gánh. Người miền cao quen, đeo và đánh trông nhẹ nhàng, hồi đó tôi thử đeo cái nhỏ, họ dạy đánh 5 phút là mỏi rã tay.

      Xóa
  3. Tôi lớn lên ở cao nguyên mà chưa được nghe tiếng cồng chiêng trong buông làng , nghe tả cũng thấy hay cái hồn của núi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bốn mươi năm trước trong buôn làng người dân tộc thiểu số sống rất thiên nhiên, bây giờ chắc khác rồi. Phải sống cùng với họ mới thấy được hết cái hay của cồng chiêng bạn ạ.

      Xóa
  4. Cao nguyên mất cồng chiêng, chỉ còn Karaoke thôi... Hồn Tây Nguyên bay mất,hóa vô hồn chịu sao thấu, anh H ơi!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ chắc dân Tây nguyên buôn làng thích nghe nhạc rock và hát karaoke hơn là nghe cồng chiêng, cũng chẳng trách họ được. Chỉ trách những người làm văn hóa, du lịch, không có tầm nhìn gìn giữ những gì đích thực là văn hóa, và mang lại lợi ích lâu dài cho du lịch...

      Xóa
  5. Thôi bi giờ về nghe Siu Black hát cũng tưởng tượng được cái hồn cao nguyên rồi anh Hiệp nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời nghe bà chị này hát còn càng không thấy cao nguyên đâu nữa chị M. ơi, hù hù! Phụ nữ cao nguyên hồi tôi ở đâu có giống như bà chị này, hihi!

      Xóa
    2. Bởi dzị Chị Bà già mới nói về nghe Siu hát hihi

      Xóa
    3. Hìhì, lâu lâu thấy chị này trên tivi là được rồi...

      Xóa
    4. Ôi Siu, đâu còn cao nguyên nữa.
      Ai dzồ.

      Xóa
    5. Cái tính cách của chị này cũng hay, nhưng lanh quá, người cao nguyên không thê :-)))

      Xóa
  6. Tiếng cồng chiêng nguyên bản để giao tiếp với thần linh nay mang nó về phố thị giao tiếp với "thượng đề" để kiếm tiền thì không còn thiêng liêng là phải...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, giữa "thần linh" với "Thượng đế" có khác nhau ha bác Bu?

      Xóa
  7. Người ta đáng đồng thượng đến tiền và thần linh truyền thống nên cái gì cũng lệch lạc méo mó theo...

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))