Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Ký ức Cao nguyên - Câu chuyện ăn uống...

Kỳ này tôi muốn nói về chuyện ăn uống của dân tộc Thiểu số vùng cao, dĩ nhiên là cách nay 40 năm, vào những năm tháng tôi có dịp sống với họ. Thực ra thì chuyện ăn uống của các dân tộc vùng cao hoàn toàn không có gì đặc biệt, thậm chí thời ấy họ sống khá sơ khai, rất đơn giản trong việc nấu nướng, có lẽ đấy lại là cái đặc biệt của họ.

Trong nhóm công tác của tôi chưa đến mười người, hết phân nửa là người Thiểu số, tôi còn nhớ những cái tên Y Huel, Ksor Bai, Siu Che, Y Nhút... Họ là những người thuộc tộc Bahnar, và Jrai, ở vùng Pleiku, Kontum... Nói họ là người Bahnar, hay Jrai cũng là nói chung, vì dân tộc họ còn chia ra làm nhiều nhánh nhỏ, sống rải rác, có khi người Bahnar ở làng này không hiểu được ngôn ngữ của người Bahnar ở làng khác... Ở trong quân đội, họ sống như người Kinh, ăn bằng gà mên, chén bát, dùng đũa, muỗng, uống nước bằng bi đông, ly cốc... Chứ cuộc sống trong những ngôi làng của họ ngày ấy thì khác hẳn. Cơm nấu trong nồi (gạo của họ rất dẻo, gần như gạo nếp, mới ăn thấy ngon nhưng ăn nhiều thì ngán), được họ đổ ra lá, mẹt tre, đặt dưới sàn nhà, rồi cứ thế mà bốc ăn, cùng với những món ăn họ chế biến. Uống thì cái bầu nước của họ, làm bằng trái bầu khô, là vật bất ly thân khi lên nương rẫy hay vào rừng, cứ thế mà tu.


                                              Thiếu nữ miền cao. Ảnh Internet.


Họ đốt rừng làm rẫy, nơi những sườn đồi và trồng lúa rẫy, khoai, sắn, cũng có một vài vùng có nước họ trồng lúa nước, nhưng rất ít... Thực phẩm của người dân tộc Thiểu số Tây nguyên, là tất cả những gì họ có thể kiếm được trên nương rẫy và trong rừng. Kinh nghiệm ngàn năm đã cho họ biết những gì ăn được để sống còn. Họ có nuôi trâu bò, nhưng không phải là sức kéo trong trồng cấy như ở miền xuôi, mà thuần túy chỉ dùng trong việc hiến tế, làm thực phẩm khi có dịp ăn uống. Việc trồng trọt của họ là xới đất bằng cuốc, tỉa hạt, gieo trồng rồi phó mặc cho trời đất,

Ngày trước họ sống cuộc sống du canh, du cư, chọn được một ngọn đồi, một góc rừng gần nguồn nước, thế là cất nhà đốt rừng làm rẫy, hai ba mùa đất đã bạc màu, lại kéo nhau sang ngọn đồi hay vạt rừng khác. Người mình cứ tưởng như thế là họ phá rừng, hại thiên nhiên, nhưng sự thực không phải, vài năm sau chốn cũ của họ lại phủ xanh cây cỏ, cuộc sống của họ cứ quay vòng như thế.

Người dân tộc Thiểu số không dùng liềm gặt lúa như người Việt, mà họ dùng tay không tuốt những hạt lúa khi lúa chín. Thật đáng nể, bởi họ thờ Thần lúa, không dám dùng vật sắc cắt ngang thân lúa, sợ phạm đến thần linh. Thời tôi ở họ đã theo đạo Tin Lành. Những người của đạo Tin Lành (được tài trợ bởi nước ngoài) thường đến những làng Thượng giảng đạo. Họ cho gạo muối, dầu ăn, sữa bột, quần áo, chăn màn... nên có những vùng người dân tộc Thiểu số theo đạo Tin Lành khá đông. Tuy nhiên trong buôn làng vẫn có thày mo cúng tế, chữa bệnh, phù phép... Và người Thiểu số còn thờ đủ thứ, Giàng (Trời), Thần lúa, Thần rừng, Thần suối, và sợ đủ thứ tà ma... Điều này có lẽ cũng giống như người miền xuôi.

Thóc lúa mang về được những thiếu nữ giã ngoài trời trong những cái cối làm bằng thân cây gỗ, và sàng trong những cái nong, nia bằng tre giống như người Việt. Gạo ăn đến đâu thì giã thóc đến đó, chẳng tích trữ gì nhiều... Vào ngôi nhà sàn của họ thì biết, người dân tộc Thiểu số không có khái niệm lo xa như người miền xuôi, ăn hôm nay lo ngày mai, họ ăn ngày nào biết ngày ấy, trồng trọt thu hoạch, hay bắt được con cheo con mễn, ăn hết mới đi làm tiếp, và có dịp là ca hát, rượu chè vui chơi... Kể cũng thiên đường.


                                               Giã và sàng gạo. Ảnh Internet.

Về món ăn thì người Thượng... dở tệ (không biết bây giờ họ có thay đổi gì không?). Sống gần họ mới thấy họ đơn giản, hồn nhiên cả trong việc ăn uống, ngày thường cũng như trong những lễ hội. Món chính họ thường ăn nhất là nướng, gì cũng nướng, con gì cũng nướng trên lửa, trên than. Entry trước bạn Marguerite nói chuyện họ ăn chuột cũng giống như ở miền Tây Nam bộ. Có lần đi về miền Tây tôi đã sợ hết vía với món chuột trong nhà hàng, nhưng chuột hay rắn, rùa, ba ba... ở miền Tây không thấm gì với những gì người Thượng xơi. Họ chẳng chế biến gì hết, chẳng khìa nước dừa, hay um xả, cuốn lá lốt... Kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, rắn, chuột, nhím, cheo... cho đến heo mọi, heo rừng, trâu bò tế lễ, sâu, bọ... Cái gì họ cũng cho lên than lửa nướng, có lẽ đây là món ăn sơ khai nhất của con người từ khi tìm ra lửa, họ nướng xong rồi lấy con dao, hay miếng tre, nứa mỏng sắc lẻm cạo đi lớp cháy bên ngoài rồi chấm với muối hột mà xơi. Họ thích ăn muối hột chứ không ăn muối bọt như người Việt. Có lần bây giờ tôi đi ăn ở tiệm, ăn món "chim cu đất nướng mọi", chim cu được nướng và chấm muối ớt (muối hột), có lẽ đây là món ăn bắt chước cách ăn của người Thiểu số Cao nguyên.

Tôi còn nhớ vào mùa xuân ở vùng cao nguyên, có những con sâu nho nhỏ nhả tơ treo lủng lẳng, ngay tầm mặt người, thế là phụ nữ đi bắt những con sâu xanh ấy, cả rổ, rồi đem về nướng sơ sơ mà ăn, cũng giống như ta ăn con nhộng, con đuông. Họ cũng có một điều đặc biệt nữa là ít thấy dùng nước rửa trước khi nấu nướng, nhất là khi nướng. Đến căn nhà sàn của họ chẳng thấy chum vại đựng nước ngoài hiên hay trong bếp, như nhà ở miền xuôi, họ ra suối lấy nước đựng vào những quả bầu rồi gùi về treo trên giàn bếp, cần thì lấy xuống đổ vào nồi mà nấu, và dĩ nhiên đấy là thứ nước suối thiên nhiên, chẳng cần phải nấu sôi để nguội trước khi uống...


                                                Uống rượu cần, Ảnh Internet.

Rượu cần là thứ uống của họ trong những dịp cúng tế, lễ lạt. Trai gái, già trẻ đều uống tất. Say quá thì lăn ra mà ngủ, dậy lại uống. Ghè rượu được đặt dưới đất ngoài trời, hay trên sàn nhà, cắm những ống bằng tre vào và cứ thế mà hút, như ta hút... sinh tố trong quán. Ghè rượu mang ra nước đầu tiên là ngon nhất, đậm đà nhất, thường được dành cho người già trong làng, hay khách. Uống vơi lại đổ thêm nước suối vào, cho đến khi nhạt thì thôi. Rượu cần thường được nấu bằng gạo hay khoai mì, cho thêm men, lá rừng gì đó, uống hơi ngọt nhưng say là quên trời đất. Một lần trong một làng Thượng, dịp cúng tế gì đó của họ tôi được mời ăn uống. Trong ngôi nhà sàn của họ bày những món ăn, ghè rượu ra giữa nhà, cũng tựa như người Việt nhà chật ăn uống khi có tiệc, có khách. Và trời đất ạ, phụ nữ trong nhà cần lấy gì, không đi phía sau lưng, mà cứ thế bước qua những mẹt đồ ăn để dưới sàn, trước mặt mọi người...

Entry trước ông bạn Toro có nói tôi viết về những thiếu nữ miền cao hồn nhiên, thì họ hồn nhiên như thế. Người miền cao theo chế độ mẫu hệ, con gái bắt chồng. Họ có một tục lệ khá lạ, trong nhóm của tôi có một ông người dân tộc, tôi còn nhớ ông Siu Che. Khoảng thời gian năm 73, 74 ông đã khá lớn tuổi, chừng ngoài 40, vợ ông mới chừng 17, 18. Thì ra đây là vợ thứ ba, cùng là chị em ruột, người này lỡ mất, thì chị em nếu chưa có gia đình phải thế vào. Lạ, đụng tới họ có mà phải ở luôn làng Thượng, còn tôi thì may quá, như các bạn đã biết, sau tháng 4 năm 1975 thì tôi đã dông tuốt về Sài Gòn...

12 nhận xét :

  1. Cuộc sống miền cao là thế, lặng lẽ và yên bình như cái thiên nhiên khổng lồ rừng núi xưa nay thức ngủ theo ánh mặt trời, sướng và khổ song hành.
    Thật là kì bí!

    Đã ai hiểu hết miền cao, có người còn dông tuốt về Sài Gòn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu không có mặt ở Saigon ngày ấy, chắc bây giờ tôi đang đeo cái gùi mò cua bắt ốc trên suối rồi, hì hì, có khi thế cũng hay :-)))

      Xóa
  2. Họ sống hồn nhiên như cây cỏ vậy, thế mà rắn rỏi, khỏe mạnh. Người dân tộc bây giờ cũng khôn ngang người Kinh chứ không mộc mạc như ngày xưa bác kể đâu (đấy là hồi em đi Sapa gặp và cảm nhận thấy thế)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người dân tộc ngày xưa trông rắn rỏi khi khỏe, vậy mà họ không thọ, chừng 50 tuổi là... sụm bà chè rồi, bởi điều kiện vệ sinh, y tế của họ quá tệ.
      Chỗ nào có du lịch tới là dân bản xứ đâm hư hỏng, thế đấy TT. Họ bị lây cái láu lỉnh của người miền xuôi.

      Xóa
  3. Ở Sapa có loại hình du lịch Stay home , tức vào ở chung trong ngôi nhà người dân tộc . Ở vài ngày , một tuần trãi nghiệm cuộc sống cùng họ chắc cũng thích .Thường thì thấy đa số người ngoại quốc chọn kiểu du lịch như vậy . Và ở Sapa cũng thấy nhiều trẻ lai ...
    Hôm đi Sapa vào một làng dân tộc , một bà cụ cứ đi theo mình mời mua hàng thổ cẩm . Mình gọi bằng bà một cách ...kính cẩn . Một lát hỏi ra chỉ hơn mình vài tuổi , hihihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở Tây nguyên ngày xưa cũng có những trẻ lai, xưa thì lai Tây, rồi đến lai Mỹ, bây giờ thì lai lung tung. Chắc kiểu Stay home bây giờ cho Tây nhà cửa phải sạch sẽ, chứ thời trước không thể ở trong ngôi nhà của họ nổi, nó... hôi đến phát khiếp, chẳng bao giờ họ lau nhà đâu.

      Đấy, việc ăn ở, vệ sinh của họ, thêm điều kiện y tế khó khăn khiến chừng bốn mươi, năm mươi tuổi là trông họ lọm khọm lắm rồi, hihi!

      Xóa
  4. Đọc thôi, hong dám ý kiến dù Già tui từng sống chung với nhiều sắc tộc M'Nông, R'dé, Nùng, Thái trắng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy là bác Người già cũng "dân tộc" dữ ha :-)))

      Xóa
  5. Hồn nhiên, chân chất, gần gũi thiên nhiên phải không bác. Chính vì thế mà hấp dẫn. Con gái Tây Nguyên không buộc được bác H, cũng may nếu không bây giờ đang phơi cafe ở trển... Hii. Hồi đó, anh không thích hay có mối tình nào đó thì kể luôn cho vui đi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, hồi đó có chuyện tụi tôi ra sông, suối... lén xem mấy cô Thượng tắm sông, đâu có tới gần được, họ biết là lên bờ liền. Tôi không biết sao trong văn học, bài hát người ta ca mấy cô sơn nữ, chứ ngày đó ở trong làng Thượng thì biết, từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới già họ đâu có xài xà bông tắm và giặt quần áo, thêm cái ăn ở không có vệ sinh, mùi khói, mùi gia súc. Vào nhà sàn hay nói chuyện với họ vài phút là... choáng rồi. Mê không nổi đâu Toro à.

      Xóa

  6. Nhiều nhà hàng Karaoke ở Play cu (cách này trên 10 năm) có nhiều em người thượng xinh đáo để, áo váy thượng thơm phức. Chủ nhà giới thiệu em này Bana, em này Ê đê, nhưng tìm hiểu ra toàn người Long An và Đồng tháp đóng giả Tây Nguyên. Bây giờ chắc còn nhiều thứ giả nửa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, mấy em Thượng này cũng miền Tây, nhưng không phải Tây nguyên, gái miền cao thuộc chủng Nam đảo, Môn Khmer, cũng giống như người Chăm vậy, khuôn mặt, đôi mắt, của họ nhìn biết liền. Bây giờ không biết sao...? Hôm nào bác Bu phóng sự "điền dã" một chuyến xem sao?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))