Sắp hết tháng ba, sang tháng tư, thời gian trôi qua vèo vèo, nhanh như tên bay, và cứ mỗi tháng tư về, những ký ức Cao nguyên lại trở về trong tôi...
Nửa thời gian đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tôi đã có những năm tháng xa nhà sống tại Cao nguyên miền Trung. Khi ấy tôi chỉ mới ở vào tuổi hai mươi. Đấy là những năm tháng chiến tranh ác liệt, cả một thế hệ thanh niên Việt Nam bị cuốn vào cái guồng máy chiến tranh ghê hồn ấy. Tôi không muốn nói đến chuyện đúng sai, phải trái, thắng thua, hay những toan tính thiệt hơn của những "ông trùm" thế giới, ở tận mãi những đâu đâu... Tôi chợt nhớ đến một câu hát, trong một bài hát được gọi là "phản chiến", của một nhạc sĩ nổi danh ở miền Nam trước đây, mà chỉ vài ngày nữa là đến ngày giỗ của ông, câu hát "Người Việt nào da không vàng...", câu hát này tôi đã được nghe nhiều lần trong những quán cà phê trên Cao nguyên, trong những năm tháng xa nhà ấy...
Những thành phố Cao nguyên tôi đã sống, đã đi qua, Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Cheo Reo..., mà khi ấy còn gọi là Thị xã, hay Thị trấn, ở vào những năm tháng xa xôi, đúng nghĩa là những phố núi, đường phố nhỏ, quanh co những bờ dốc, dã quỳ, sao nhái, cúc trắng... trong sân nhà, cùng nhiều loại hoa dại khác mọc ngoài đường. Có khi rừng còn vào tận Thị xã, Trị trấn... Trời đất quanh năm mây mù, như một câu thơ đã được một nhạc sĩ phổ thơ lừng danh phổ thành bài hát, nổi tiếng một thời (ông mới mất trong năm), phổ biến trong những băng nhạc cassette, hay những băng tape thường được nghe trong những quán cà phê phố núi, "phố núi cây xanh trời thấp thật gần... phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng...".
Những phố núi ngày ấy loanh quanh "đi dăm phút đã về chốn cũ", chứ không nhiều, như những đường xá ở Saigon bấy giờ. Vào năm 2003, tôi có dịp đi một vòng cùng mấy người bạn qua những nơi chốn xưa. Những nơi xưa ấy đã được "lên đời" là thành phố, hoặc đang được xét thành phố. Đường xá thênh thang ô cờ, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy, những nhà ống nhà tầng y như ở đồng bằng, chẳng còn thấy rừng ở đâu, phía xa xa, chỉ còn thấy những ngọn đồi trọc... Rừng đâu mất, sương mù cũng chẳng còn là mấy... Bây giờ thêm mười năm nữa, không biết những phố núi xưa ấy, đã thay đổi ra sao?
Tôi cũng có được cái may mắn hơn nhiều bạn bè lúc ấy, nhiều đứa đã ra đi không trở lại. Đơn vị của tôi không phải là đơn vị trực tiếp tác chiến, mà là một đơn vị nhỏ, công tác chuyên môn, biệt phái cho những đơn vị lớn, và với những đặc điểm của công việc có lúc tôi phải ở trong một làng Thượng Cao nguyên cả tháng dài, tiếp xúc với họ, ăn, ngủ cùng họ (ngày ấy người miền xuôi gọi người Thiểu số Cao nguyên là Thượng, Thượng có nghĩa là cao, người ở vùng cao, chẳng có ý gì). Những con người của núi rừng, của vùng Cao nguyên ấy thật chất phác, cuộc sống của họ vào thập niên 70 ấy còn rất sơ khai, nhất là khi họ ở trong buôn làng ở giữa rừng... Những con người ấy thật đặc biệt, họ sợ, nghi ngờ một người cùng bản làng là ma lai, phù thủy, có thể họ sẽ giết người đó, nhưng không bao giờ biết mưu toan đi lừa người khác. Sau này tiếp xúc nhiều với người miền xuôi, không biết họ có đổi khác không?
Tôi vẫn nhớ những chuyện về cái thật thà chất phác của những con người núi rừng ấy. Nhóm công tác của tôi có lần ở trong một làng Thượng cách Thị xã Kontum vài chục cây số, tụi tôi có một chiếc xe Dodge, là một loại xe quân sự cỡ trung của Mỹ (nhỏ hơn xe "cam nhông", nhưng lớn hơn xe Jeep) là phương tiện di chuyển. Một buổi sáng có một thanh niên người Thượng đến, tay cầm một bình thủy tinh 1 lít, loại bình nước biển truyền dịch trong chiến tranh ngày xưa, và một rổ mấy chục hột gà, anh chàng muốn đổi rổ hột gà lấy một lít xăng để xài cho cái hộp quẹt zippo của Mỹ. Tụi tôi đổ cho anh ta đầy cái bình thủy tinh 1 lít xăng, và chỉ lấy mấy cái hột gà, vì một rổ mấy chục quả trứng gà là quá nhiều, chẳng biết để làm gì. Nhưng anh chàng này nhất định không chịu, bắt phải nhận đủ rổ hột gà anh ta mới chịu cầm lấy lít xăng...
Lần khác là ở trong một làng Thượng Pleiku, buổi chiều những người Thượng về bản từ nương rẫy, có một bà người Thượng gùi một gùi khoai lang mới đào sau lưng. Trên vùng cao nguyên ngày ấy có một giống khoai lang vàng của người Thượng luộc ăn rất ngọt, hỏi mua bà ấy bảo năm ba đồng, hay năm ba ngàn gì đó (tiền miền Nam thời bấy giờ tôi không còn nhớ rõ đơn vị tính và giá trị), nhưng đại khái là rất rẻ. Tụi tôi lấy mấy củ, không ngờ bà ấy đổ hết cả gùi khoai ra và nói mấy đồng (mấy ngàn) là hết cả gùi khoai chứ không phải mấy củ, và nhất định xách cái gùi không đi về, thật lạ lùng...
Ở trong những làng Thượng ngày ấy, có lẽ phải nhắc đến nếp nhà sàn của họ. Người Thượng vùng Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột sống trong những căn nhà sàn làm bằng gỗ, lợp rơm rạ. Căn nhà dùng để ở, họ cũng làm những căn nhà sàn khác nhỏ hơn gần bên nhà ở làm nhà kho để thóc lúa, khoai... Không biết bây giờ căn nhà của họ ra sao, chứ ngày trước thì trống huếch trống hoác, chẳng có đồ đạc bàn ghế, giường tủ gì, ngoài một cái bếp lửa ở một góc, lúc nào cũng âm ỉ đỏ than. Đấy là nơi sống chủ yếu của người trong nếp nhà sàn. Nơi họ nấu nướng, ăn uống, sưởi ấm. Căn nhà sàn của họ không có nhiều cửa sổ, nên bước vào luôn mờ tối, và ám mùi khói, lẫn cái mùi đặc trưng của núi rừng, của gia súc sống dưới gầm nhà....
Một nếp nhà sàn. Ảnh Internet.
Căn nhà chỉ là nơi họ về vào buổi chiều tà, để ăn bữa tối và ngủ, còn ban ngày họ đi rẫy, hoặc trai tráng thì vào rừng. Buôn làng của họ ngày xưa ban ngày vắng hoe, chỉ còn vài người già ngồi nơi ngưỡng cửa phơi nắng, cùng mấy con gà, heo "mọi" ủn ỉn ngoài sân. Trẻ con cũng được họ mang đi theo, còn quá nhỏ thì bà mẹ "địu" trước ngực, hơi lớn một chút cũng như cha mẹ, gì tụi nhóc cũng làm được, mò cua bắt ốc dưới suối, hay theo cha anh vào rừng gài bẫy thú rừng...
Ở vùng Buôn Mê Thuột, nơi đa số người Thượng thuộc tộc người Êđê, họ còn một loại nhà gọi là nhà dài, một ngôi nhà kiểu nhà sàn nhưng rất dài, đấy là một loại nhà chung, trong ngôi nhà ấy có khi đến dăm bảy gia đình chia nhau sinh sống, ngôi nhà dài ấy có khi dài đến mấy chục thước, trông như một dãy toa xe lửa...
Ngôi nhà dài của người Thượng. Ảnh Internet.
Nơi những ngôi nhà sàn của người Thượng, cầu thang họ đẽo bằng một khúc cây như hình trên, và thường phía trên cầu thang họ trang trí bằng hai bầu tròn, tượng trưng cho bầu sữa mẹ, dấu ấn của chế độ mẫu hệ nơi những tộc người Cao nguyên.
Nói về nhà của họ, có lẽ không thể không nhắc đến nhà rông, là loại nhà tôi thường thấy nơi những buôn làng, ở vùng Pleiku, Kontum, của tộc người Bahnar, Jrai. Nhà rông là một ngôi nhà chung của họ, vị trí thường ở giữa làng, ngôi nhà rông được xây dựng to đẹp nhất làng, nơi họ tổ chức những lễ hội, sân phía trước nhà rông là nơi họ làm lễ đâm trâu, cúng Giàng, họ cũng tổ chức ăn uống, nhảy múa, đánh cồng chiêng ở đấy..., là nơi hội họp của làng mỗi khi có việc... Có lẽ nhà rông của người Thượng cũng giống như cái đình làng của người Kinh ở miền xuôi...
Một ngôi nhà rông và lễ đâm trâu. Ảnh Internet.
Có những buôn làng khá giả họ có đến hai ngôi nhà rông, nhà rông trống và nhà rông mái, theo tập tục thì ban đêm nam thanh niên trong làng đến ngủ ở nhà rông trống, thiếu nữ thì ngủ ở nhà rông mái... Sống giữa thiên nhiên, phải đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn, thú dữ nguy hiểm, cho nên tính cộng đồng của người Thượng rất cao, hơn hẳn người miền xuôi...
Mấy cái nhà sàn rất đẹp ; mà họ không đóng cây đinh nào , chỉ dùng ngàm .
Trả lờiXóaĐúng là họ chỉ dùng ngàm (mộng), khi cần thì họ tháo ra, hè nhau khiêng cái nhà đi chỗ khác :-)))
XóaLại nhớ về những ngày xưa hở anh Hiệp ơi!
Trả lờiXóa"Những ngày xưa thân ái...", hì hì!
Xóanhững ngôi nhà rông, những nếp nhà sàn đều là những tinh hoa của đồng bào người dân tộc, hy vọng nó sẽ không bị mai một và biến mất
Trả lờiXóaBây giờ thấy đây đó có nhà rông đúc bê tông và lợp tôn, thời thế có thay đổi, chẳng biết nên vui hay buồn...
XóaTây Nguyên mất đại ngàn, mất rừng nên nó như đang thiếu máu, suy kiệt dần. Văn hóa ngoại lai thô thiển đang hủy hoại Tây NGuyên anh Hiệp ạ... Bài này hay nữa, nếu anh thêm những chuyện về dân Tây Nguyên, nhất là những cô gái hồn nhiên.
Trả lờiXóaNhững cô gái hồn nhiên, hihi, họ hồn nhiên thật, lần khác tôi vào một căn nhà sàn, họ đang ăn cơm, ngày ấy họ ăn bốc, tay chân cứ thế mà bốc, cô gái đang ăn mời tôi nửa... con chuột nướng ăn dở, mà họ mời rất thật tình. Chết khiếp.
XóaCái cầu thang lên nhà sàn của họ rất ngộ, chắc theo thói quen, họ dùng nguyên khúc cây nên đã tới mặt sàn rồi còn dư một khúc , cứ vậy để nguyên rồi trang trí . Giờ trở thành nét đặc trưng của nhà sàn TN (là Marg nghĩ vậy ),
Trả lờiXóamặc dù như vậy là không tiện ích cho sử dụng (nói theo công năng sử dụng của kiến trúc)
Người Tây nguyên cũng ăn chuột nướng nữa ha , vậy là giống miền Tây rồi (:
Kiến trúc cầu thang của họ là như thế đấy, người Việt không quen đi cầu thang kiểu này (nhất là mấy cô du khách), chứ người Thượng họ đi ngon lành lắm, hồi tôi ở thấy mấy con... cún họ nuôi leo thang bá cháy, mà hình như họ không nuôi mèo.
XóaNgười Tây nguyên con gì cũng ăn tuốt, chuột là món khoái khẩu của họ, mà họ ăn chuột bẫy ở rừng, chuột nhà bắt được cũng xơi luôn chẳng chê! Kỳ sau có lẽ tôi sẽ nói về chuyện ăn uống của họ.
Cái Tây Nguyên của PNH những năm 70 cuả thế kỉ trước nay biến dạng đi nhiều rồi.
Trả lờiXóaDo di dân tự do không kiểm soát nỗi từ ngoài bắc vào, do tốc độ đô thị hóa, do dự án khai thác Bô xít mà nhiều người kêu gọi không nên làm và nay thì lỗ trông thấy, do các nhà chính khách lãnh đạo Tây Nguyên mà không hiểu biết kỹ càng về văn hóa và con người Tây Nguyên...
Huhu, những điều bác Bu đưa ra đúng là nhãn tiền, chỉ nội cái Bô xít thôi là đặt dấu chấm hết cho Tây nguyên. Người Pháp ngày trước quá hay, họ khai thác và phát triển Tây nguyên đúng như những gì Tây nguyên vốn có.
XóaMột cảm nhận của Bạn như tôi thường nghĩ bây giờ. Xưa đó, không biết chúng ta ở bên này hay bên kia. Nhưng "Người Việt nào da không vàng..." nên nghĩ về những ngày xưa giống như nhau.
Trả lờiXóaCảm ơn Bạn, tôi bình yên và suy ngẫm.
Sống ở đâu thì phải theo đó bạn ạ. Nhưng cái quan trọng là phải nhìn thấy vấn đề, người Việt là dân tộc hiền hòa, có thể thời thế đã khiến cho nhiều thứ thay đổi, nhưng tôi tin đa số con người đều tốt.
Xóa