Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Cổ tích Gia Định.

Hôm nay Tiết Thanh Minh (24-2 ÂL), tình cờ đi ngang qua một con đường nhỏ ở quận Phú Nhuận - Saigon,  con đường này hiếm khi nào tôi đi qua, chợt thấy một tấm biển nhỏ tôi liền dừng ngay lại. Khá lạ lùng, đây là đường Nguyễn Thị Huỳnh, một con đường nhỏ, chỉ như một con hẻm hơi rộng, và chỉ dài khoảng 250m, nối đường Nguyễn Trọng Tuyển và đường Nguyễn Văn Trỗi. Từ năm 1955 đường có tên là Tự Đức, đến tháng 4 năm 1985 thì đường đổi tên là Nguyễn Thị Huỳnh. Tấm biển nhỏ tôi post dưới đây:


                                    Lăng Trương Tấn Bửu.



                                   Tấm bảng lớn và cổng vào lăng.

Cũng may là tấm biển nhỏ phía trên đặt ngang tầm mắt khi chạy xe máy nên tôi đã nhìn thấy, còn tấm bảng lớn và cổng, cùng tường rào kín mít bao quanh, thì đi ngang qua nếu không ngước cổ lên nhìn, thì cứ tưởng một cái... xưởng sản xuất, chứ không giống như một khu mộ cổ.

Tôi dừng xe máy nhìn qua cánh cổng xem có thể vào được không? Cổng khóa bên trong vắng ngắt, cũng may có người trong xóm hỏi tôi nếu muốn vào thì đi vòng sang con hẻm nhỏ bên hông, phía sau có cổng nhỏ. Theo chỉ dẫn, may tôi đã xin được vào thăm và tìm hiểu khu lăng mộ.

Trương Tấn Bửu (1752-1827), còn gọi là Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, sinh năm Nhâm Thân (1752) tại làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, châu Đinh Viễn, phủ Gia Định (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), trong một gia đình nông dân. Ông là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ, có tài thao lược. Đến năm 36 tuổi (Đinh Tỵ-1788), ông theo vua Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, lập được nhiều chiến công, và được Nguyễn Ánh tin dùng, ông đã thăng tiến qua nhiều chức vụ. Khi Nguyễn Ánh lên làm vua, năm 1806 ông đã tạm thay Nguyễn Văn Thành làm Tổng Trấn Bắc Thành.

Năm Canh Ngọ (1810), ông lãnh quyền Tổng Trấn Gia Định Thành, đến tháng 7 năm Nhâm Thân 1812 Tả quân Lê Văn Duyệt được bổ làm Tổng Trấn thì ông làm Phó Tổng Trấn. Ông cũng là người cùng với Nguyễn Văn Thoại coi sóc việc đào kênh Vĩnh Tế, và đắp thành Châu Đốc. năm Tân Tỵ (1821), nhân việc Huỳnh Công Lý bị Tổng Trấn Lê Văn Duyệt xử chém, ông trở về làm Phó Tổng Trấn Thành Gia Định. Năm 1825 tuổi cao ông cáo quan về hưu ở Gia Định, và mất vào ngày mùng 10 tháng 6 năm Đinh Hợi, nhằm ngày 2 tháng 8 năm 1827.

Vua Minh Mạng đã ban cho ông 2000 quan tiền và 5 cây gấm, cùng đất đai để làm nơi xây mộ, và còn tồn tại đến ngày nay. Đám tang của ông được đích thân Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đứng ra chu toàn.

Có năm vị được người đời mệnh danh là Ngũ Hổ tướng đã làm Tổng trấn và Phó Tổng Trấn Gia Định Thành, là: Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trương, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu. Bên văn có ba vị được vinh danh là Gia Định Tam Gia gồm: Lê Quang Định. Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức.

                                                    Khu lăng mộ.

                                             Cổng vào khu lăng mộ.

                                    Cổng vào khu lăng mộ và miếu thờ bên cạnh.

Bên trong khu lăng mộ là một khuôn viên rộng (trên 200 thước vuông), gồm khu lăng mộ có cổng và tường rào thấp bao quanh. cạnh đó là ngôi miếu thờ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu. Chung quanh được bao quanh bởi nhiều cây cối, chậu kiểng. Ngôi miếu được xây sau khu lăng mộ, có người ở coi sóc cho nên trông khá tươm tất, còn khu lăng mộ trông khá đổ nát, cổng vào, tường gạch đã trơ gạch, tuy nhiên điều này lại làm cho khu lăng mộ có một dáng vẻ cổ kính, trầm mặc...

                                             Mộ và tấm bia.

                             Bàn được bày ra trước bia mộ sửa soạn cúng Thanh minh.

                                                                 Bia mộ.



                                 Miếu thờ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu.

Ngày xưa năm 1937 ở Phú Nhuận có lập ra Hội Phú Thành, để trông coi lăng và cúng giỗ Trương Tấn Bửu. Từ năm 1975 đến nay Hội không còn nữa. Toàn bộ khu lăng được giao cho gia đình một người quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang coi sóc đến nay. Buổi sáng nay tôi ghé, được một bà khoảng ngoài 50 tuổi, trông khá chất phác và nói giọng rặt Nam bộ hướng dẫn thăm lăng. vào trong chính điện bà có giới thiệu những hiện vật thờ cúng, như lọng, cặp hạc, án thờ, Bạch mã, võng thờ..., cùng những câu đối, hoành phi...

                                    Bạch mã và cặp hạc đứng trên cặp rùa.

                                                       Ngai thờ.

                                                      Chữ Thần.

                                               Bức hoành phi ở chánh điện.

                         Bức hoành phi đọc từ phải qua với dòng chữ "Danh lưu yên các".

Ở chánh điện phía trên cao có bức hoành phi với hàng chữ lớn "Danh lưu yên các", và hàng chữ nhỏ "Mậu Tuất niên thu tạo cung tiến". "Tên tuổi còn mãi nơi gác mây", "Mùa thu năm Mậu Tuất (1838) làm và cúng tiến". Tức là bức hoành phi đã được làm và tiến cúng sau khi Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu mất khoảng hơn 10 năm.

Tuy nhiên ở bức hoành phi này ngay từ chữ "Danh" tôi đã thấy ngờ ngợ (may quá chữ danh viết đơn giản ít nét, cho nên tôi còn nhớ). Về nhà thử tra lại từ đển Hán - Việt, tôi thấy có điều hơi lạ. Qua 3 quyển từ điển Hán - Việt tôi có trong tay, của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Tôn Nhan. Bốn chữ thì chữ "Danh" "Yên" "Các", ba quyển viết giống nhau. Chỉ có chữ thứ nhì (từ phải qua) là chữ "Lưu", thì 3 quyển từ điển viết có hơi khác nhau, (chữ điền ở dưới viết giống còn phần trên viết khác). Chữ "Lưu" nơi bức hoành phi bên trên viết giống như trong tự điển của Thiều Chửu. Tôi sẽ post các chữ lần lượt dưới đây:

                        Chữ "Danh" có trong cả ba quyển từ điển Hán - Việt.

Như vậy là chữ "Danh" trong bức hoành phi bên trên dư nét nơi bên trên chữ "khẩu".

                             Chữ "Lưu" nơi từ điển của Nguyễn Tôn Nhan.

          Chữ "Lưu" nơi từ điển của Thiều Chửu, giống chữ "Lưu" nơi bức hoành phi.

                       Chữ "Yên" có trong cả ba quyển từ điển.

                             Chữ "Các" trong cả 3 quyển từ điển.

                 Chữ "Các" trong 3 quyển từ điển đều viết chữ "môn" (bộ Môn) tách rời ra, trong khi nơi bức hoành phi viết dính liền nhau, thành ra chữ "các" (chữ nhỏ) ở trong chữ "môn" bị thiếu nét.

Cái này bác Bulukhin rành đây, xin bác cho biết ý kiến nhé.





17 nhận xét :

  1. ui chao, có hôm em định đến lăng. Nhưng khi đến nơi chẳng biêt vào đường nào, đành hẹn lần sau quay lại.
    Hôm nay được xem hình của bác Hiệp thật thích.
    hôm nào đó em định ghé thăm lăng Võ Tánh trên đường Hố Văn Huê, nếu được bác đi chung thì vui quá :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng may lăng này rất ít người vào nên chỉ đổ nát chứ chưa bị "phá" nhiều. Hình như lăng Võ Tánh trên đường Hồ Văn Huê hiện nằm trong khu quân sự? Nếu có dịp nào được đi cùng với bạn thì thật hay.

      Xóa
  2. Tôi có đến đó vài lần trước khi được"thiên hạ"gọi là di tích. Chỉ lo bài này của bác lại khiến kè tà động lòng tham, huhuhu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy bác Người Già hay hơn tôi rồi. Chỉ sợ có kẻ vào rinh vài món đồ đi là mệt đấy.

      Xóa
  3. Miếu, phần mộ và cổng vào tường gạch rất cổ kính. Cảm ơn Bạn Hiệp chụp ảnh đẹp.
    Bức đắp họa trên mái đẹp, hình như nội dung 'Hạc giá vân du' (vì Bác chụp không hết).
    Có hai kiến trúc hơi kỳ lạ:
    Cổng phía đường theo motif XHCN và bia mộ hoa lá kiểu phục hưng. Nó lạc lõng hẳn đi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào cũng hơi gấp nên tôi cũng chỉ chụp nhanh thôi. Hôm nào sẽ trở lại.
      Cổng vào cứ y như nhà xưởng thời bao cấp ấy.

      Xóa
  4. Khu mộ đúng phong cách lăng mộ nhà Nguyễn, còn nguyên dáng vẻ cũ, thật quý. Chỉ có tám bia trắng mới gắn thì hơi tùy tiện, phong cách Tây Phương. Hóa ra sau vẻ náo nhiệt, Sài Gòn còn nhiều di tích cổ kính anh H nhỉ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vẫn còn một chút của Gia Định xưa ở Saigon. Tấm bia trắng có lẽ do người ta mới làm lại sau này, ngày mất của Ngài còn mà không ghi lên bia.

      Quên, Toro xem bức hoành phi có ý kiến gì không? Ngày xưa có lẽ thợ làm cũng không rành rẽ chữ nghĩa hay sao ấy.

      Xóa
  5. Nhìn tổng thể thì thấy khu di tích có sửa chữa không còn nguyên bản như ban đầu nữa anh Hiệp nhỉ.

    Anh vào xem thêm trang dưới đây để xem chữ Lưu xem sao:
    - http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE7Zdic95ZdicB1.htm

    Chữ Danh :
    - http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE5Zdic90Zdic8D.htm

    Bây giờ chị Bà già chuẩn bị đi làm rồi, chiều tối rãnh sẽ qua đàm đạo tiếp chữ nghĩa sau nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Riêng bức hoành phi "Danh lưu yên các 名畱煙閣" này chắc chắn là được phục hồi vào thời đại của tụi mình chứ không phải là nét chữ nguyên thủy thời Nguyễn nữa đâu. Vì nét chữ ngày xưa luôn có nét nhạt nét đậm, khuôn chữ luôn nằm trong 1 khung vuông chứ không nằm trong hình chữ nhật.

      M đưa luôn chữ "Các" về đây:
      - http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE9Zdic96ZdicA3.htm

      Xóa
    2. Chị M.

      Khu di tích lăng mộ Tương Tấn Bửu được chia làm 2 phần rõ rệt. Phần mộ có tường rào thấp xây gạch thẻ bao quanh và nhà thờ. Tôi nghĩ phần lăng mộ là nguyên thủy vì lớp vữa đã bị tróc lở theo thòi gian, trơ gạch, không được tu sửa, ngoại trừ tấm bia trắng toát viết chữ quốc ngữ, có vẻ như được những người coi khu lăng mộ tự ý làm (viết không ra đầu đũa gì cả). Nhờ còn giữ được vẻ nguyên thủy và hư hỏng nên tôi lại thấy hay.

      Còn khu nhà thờ có thể được xây sau, hoặc đã được sửa chữa, cải tạo. Trong tấm hình chụp mặt tiền (chụp xiên), còn thấy cái "công xon" bê tông đỡ mái, là thứ kiến trúc kiểu nhà biệt thự Phàp sau này. Ngoài những dòng chữ Hán thông thường còn có cả những chữ quốc ngữ. Ở lăng Ông Bà Chiểu (xây sau lăng này) với quy mô lớn hơn nhiều, mà không thây có chữ quốc ngữ nào cả.

      Bên trong điện thờtất cả cũng đã được sơn phết lại. Tượng Bạch mã và hạc sơn trắng toát, rùa và cánh hạc sơn cùng bằng thứ sơn xanh lè. Các bức hoành phi, câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng, có lẽ đã được sơn và viết lại sau này cùng chữ quốc ngữ, bởi kiểu nét chữ có vẻ như do "thợ" viết, không hài hòa, thanh thoát. Cho nên nếu có viết sai, thừa thiếu nét cũng dễ hiểu, điều mà ta thường thấy nơi những di tích có sửa chữa, được giao cho "tay ngang".

      Tôi đã thử vào xem mấy chữ rồi. Cám ơn chị M. nhé.


      Xóa
  6. Cũng may là lăng còn có người trông coi nhỉ . Lúc này bác H rảnh rang , được theo bác đi City tour ở blog thế này hay quá (:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lăng nhờ khuôn viên kín cổng cao tường, và có người trông nên chưa bị lấn chiếm. Khi ra về bà giữ lăng có nói mùng 9, và 10 tháng 6 ÂL giỗ ông, mời bác quay lại dự lễ tế Ông. Phải nhớ mới được.

      Rảnh rảnh sẽ tiếp tục.

      Xóa
    2. Nếu có dịp đúng ngày giỗ Ông về một chuyến cũng hay đó anh Hiệp ạ.

      Xóa
    3. Chắc tôi sẽ nhớ ngày và sẽ ghé một chuyến.

      Xóa
  7. Trong mấy chữ bạn nêu ra thì có hai chữ phải xem xét thêm là chữ danh (名 ) và chữ các (閣 )

    1- Danh 名 là tên, do chữ tịch (夕 ) và bộ khẩu (口 ) hợp thành. Tịch là buổi tối, khẩu là miệng. Buổi tối nhìn không rõ người ở xa thì dựa vào tiếng gọi để phân biệt. Quản tử nói “Vật vốn có hình, hình vốn có danh”, chữ này chỉ tên sự vật. Hình dưới là xuất xứ chữ danh.



    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_4034_zps94ec3943.jpg[/IMG]

    Đêm trăng lưỡi liềm, một người đang dơ tay hướng tiếng gọi đến một người đang ở xa. Đến thời Khải thư thì nét ngang của chữ tịch, cắt ngang nét xiên dài y như chữ danh trong bức hoành. Người viết chữ danh của bức hoành xài kiểu khải thư cổ, không như ngày nay nét ngang chữ tịch nằm giữa hai nét xiên.
    2- Chữ các (閣 ) trong từ nội các gồm mộ môn (門 ) và chữ các (各) - một hư từ chỉ số nhiều. Nghĩa gốc các (各) là đến, đi. (người ta minh họa chữ này bằng hình vẽ một bàn chàn đang bước tới) Chữ các trong bức hoành viết không chuẩn, phần trên chữ các là chữ truy (夂 ) quá gần với phần nhô ra của bộ môn nên không đẹp mắt, trông hơi ngỡ ngàng…
    3- PNH sang xem còm của bu bên TTM về bốn chữ: Triệu tổ nam bang ở đền Hùng Phú Thọ. Bốn chữ sai cả bốn… huhuhu




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã làm sáng tỏ vấn đề. Để tôi sẽ qua nhà bác Gốc xem.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))