Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Đờn ca tài tử.

Một ban nhạc đờn ca Tài tử năm 1911 ở Nam bộ (ảnh của trang Wikipedia).

Đờn ca tài tử hay ca nhạc tài tử là một hình thức âm nhạc thính phòng, để nghe chứ không phải để xem, với một ban nhạc gọn nhẹ và một không gian thu hẹp. GS. Trần Văn Khê viết về đờn ca Tài tử như sau:

"Vào đầu thế kỷ XX, âm nhạc Tài tử miền Nam đã thành hình, nhờ vào các nhạc sỹ, nhạc quan của triều Nguyễn, theo phong trào Cần Vương vào Nam, đem theo truyền thống âm nhạc đất Thần Kinh, chuyển thành hơi miền Nam, có khi đi ngang qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trước khi vào Nam, nên các bực thầy trong nghề thường nói gốc đờn Tài tử là đờn Huế hay đờn Quảng.

Chữ "Tài tử" có nghĩa là "người có tài" mà cũng có nghĩa là "không chuyên nghiệp". Mà không chuyên nghiệp không phải là tài nghệ không cao, không cần luyện tập. Những người nổi tiếng trong giới Tài tử là những bực thầy, bài bản đầy đủ, lại có những ngón đờn, những chữ nhấn độc đáo, tuyệt diệu. Nhưng muốn nghe tiếng đờn kỳ diệu đó, không phải có tiền mà được. Người đờn "Tài tử" chỉ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc để thưởng thức tài nghệ chớ không phải đờn để kiếm tiền mưu sống".

Đọc thấy ý kiến của GS. Trần Văn Khê về đờn ca Tài tử, một bậc thày về âm nhạc dân tộc Việt Nam, rất xác đáng. Chữ "Tài tử" ở đây vừa có nghĩa là "người có tài", mà cũng vừa có nghĩa là "không chuyên nghiệp". Tài của đờn ca trong đờn ca Tài tử ai cũng biết, còn "không chuyên nghiệp" ở đây không phải là "không chuyên" về "ngón nghề" đờn ca, mà không chuyên về "kiếm tiền mưu sinh". Bước đầu của đờn ca Tài tử thuộc về những lưu dân từ miền Trung theo chúa Nguyễn vào đất phương Nam mấy trăm năm về trước, họ vì những lý do khác nhau mà phải rời bỏ quê nhà lưu lạc đến chỗ xa lạ, nơi rừng thiêng nước độc, nên những lúc rỗi rảnh dăm ba người tụ tập nhau lại trên một chiếc xuồng, dưới bóng của một tán cây, trên một bộ ngựa hay một chiếc chiếu nơi một góc hè, lấy âm nhạc (với cây đờn kìm, đờn cò...) làm chỗ gởi gắm nỗi niềm, tâm sự... Dần dần đờn ca tài tử phổ biến trong những đám tiệc, lễ hội, đi vào lòng quần chúng, từ bình dân đến quan chức, trí thức.

Mãi về sau này, đến khoảng đầu thế kỷ XX, ở Mỹ Tho mới có một ban nhạc đờn ca Tài tử do ông Nguyễn Tống Triều lập, ông Triều sử dụng đờn kìm, ông Bảy Vô đờn cò, ông Chín Quán đờn độc huyền, ông Mười Lý thổi tiêu, cô Hai Nhiễu đờn tranh, và cô Ba Đắc hát. Mỗi tối thứ bảy ban nhạc này trình diễn tại khách sạn Minh Tân gần ga xe lửa Mỹ Tho. Khách đến nghe ngày càng đông. Ông chủ rạp hát bóng Casino thấy khách đến xem đông quá, mới nghĩ đến việc đem ban nhạc này trình diễn cho khán giả xem ở rạp trước giờ chiếu phim như một phụ diễn (cái chính là chiếu phim, xưa gọi là hát bóng hoặc chớp bóng). Bắt đầu từ đó ca nhạc Tài tử bước lên sân khấu chuyên nghiệp là ở rạp hát bóng. Về sau ca nhạc Tài tử có dịp xuất ngoại (khoảng 1910) đi Pháp trình diễn trong dịp đấu xảo, và sau đó phát triển nơi sân khấu, nhà hàng ca nhạc trong nước, các nhạc công, ca sĩ sống được bằng nghề đờn ca Tài tử. Ông Tư Triều (Nguyễn Tống Triều ở Cái Thia), được xem là người đờn hay nhất.

Riêng về chữ "tài tử" ta thấy xưa nay có hai cách hiểu:

1/- Cách hiểu ngày xưa "tài tử" có nghĩa là "người có tài", như trong truyện Kiều của Nguyễn Du "Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước áo quần như nen" (câu 47-48), hay "Thực là tài tử giai nhân/ Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn" (câu 1457-1458). Trong từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh đã giảng nghĩa chữ "tài tử": chỉ người đàn ông có tài, đối với giai nhân. Trong Hán Việt tự điển, Đào Duy Anh cũng giải thích chữ "tài tử" 才 子: Người có tài (homme de talent).

Đại Nam Quấc âm tự vị (1895-1896) của Paulus Huình Tịnh Của viết: Tài tử. Kẻ có tài riêng; kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công. Và từ "Bọn tài tử": Bọn chuyên nghề cổ nhạc.

Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức viết: Tài tử 才 子: 1. Người có tài. 2. Người chuyên nghề âm nhạc.

Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập (Sài Gòn- 1951): Tài tử: Người có tài. Chỉ người chuyên về một nghệ thuật nào, chỉ vì thích nghệ thuật đó, chứ không dùng tài để mưu sinh.

Ta thấy chữ "Tài tử" trong Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập (1951), có ý nghĩa như giải thích của GS. Trần Văn Khê.

2/- Cách hiểu về sau này ngoài việc hiểu như trên, Việt Nam Tân tự điển (Saigon-1952) của Thanh Nghị ghi nhận:

- Tài tử. 1. Người có tài. Homme de talent. 2. Nghệ sĩ: Tài tử chớp bóng. Artiste. Ngr. (nghĩa rộng). Thường để chỉ một người chơi một môn gì chỉ vì thích mà chơi chớ không phải làm nghề riêng: Nhà nghề, tài tử. Amateur.

Xem ra đến thời gian này (thập niên 1950), theo như Việt Nam tự điển của Thanh Nghị, thì từ "Tài tử" còn dùng đề chỉ "Nghệ sĩ: Tài tử chớp bóng. Artiste", và còn dùng để phân biệt giữa "nhà nghề, tài tử" (amateur).

Từ điển tiếng Việt (1997), Hoàng Phê chủ biên ghi rõ hơn:

- Tài tử:

I. (cũ) 1. Người đàn ông có tài. 2, Diễn viên sân khấu, xiếc hay điện ảnh có tài.

II. 1. Không phải chuyên nghiệp, chỉ do thích thú mà chơi hoặc trau dồi một môn thể thao văn nghệ nào đó. 2. (Phong cách lề lối làm việc) tùy hứng, tùy thích, không có sự chuyên tâm.

Ảnh của trang Wikipedia.

Tham khảo:

- Sách đã dẫn.

- Trần Văn Khê & Âm nhạc dân tộc, GS. TS Trần Văn Khê, NXB Trẻ-2000.
- Sân khấu cải lương Nam bộ, Đỗ Dũng, NXB Trẻ-2003.
- Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Nguyễn Lê Tuyên-Nguyễn Đức Hiệp, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM & Cty Phương Nam-2013.

2 nhận xét :

  1. Thật là thú vị khi được bác Hiệp giải thích " Đờn ca tài tử". Tài tử vốn là người có TÀI, rồi chuyển nghĩa thành diễn viên ( cũng có tài và nổi tiếng) như Tài tử xi-nê, Tài tử sân khấu. Sau cùng thì tài tử mới có nghĩa là a ma tơ, nghiệp dư, không chuyên nghiệp. Tôi còn nhơ trên đĩa nhạc của ca sĩ Ngọc Bảo và các bài báo viết về ông đều gọi "tài tử Ngọc Bảo", với nghĩa là diễn viên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ tài tử vậy mà có nhiều nghĩa ha bác Vũ Nho. Không hiểu rõ có khi đọc ở đâu đó mình lại cho là họ viết sai.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))