Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Đồn điền.



Đọc sách viết về vùng đất Nam bộ khi xưa ta hay thấy từ "đồn điền", đồn điền bắt đầu phổ biến vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đời chúa Nguyễn Ánh. Đây là một mô hình kết hợp giữa việc binh bị và sản xuất nông nghiệp.

Đồn điền gồm 2 chữ hợp lại, "đồn" 屯 có nghĩa là nơi đóng quân (đồn binh), "điền" 田 có nghĩa là "ruộng đất". Năm 1790 sau khi thu phục được đất Gia Định, lập kinh thành Gia Định có quy mô như một kinh đô, để có thể đối đầu lâu dài với nhà Tây Sơn, Đại Nam Thực lục chép Nguyễn Ánh "Bắt đầu đặt đồn điền":

"Vua dụ cho các quan văn giai rằng:"Đạo trị nước, trước hết phải cho đủ ăn. Nếu thóc nhiều của thừa thì việc gì chẳng nên? Bốn dinh Gia Định đất đai rất rộng. Trước kia việc quân chưa xong, đói kém xảy ra luôn, đến nỗi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa ra sức việc nông, của nước lương quân còn chưa đầy đủ. Đồn điền là phép hay đời xưa, nay muốn cử hành mà chưa nắm được chỗ cốt yếu. Các khanh vốn có mưu xa kinh quốc, ở vị mình tất phải tính việc mình, đều nên điều trần quy thức, viết thành lập riêng tiến trình, trẫn sẽ chọn những điều hay mà đem thi hành".. Rồi ra lệnh cho các đội túc trực và các vệ thuyền dinh Trung quân ra vỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên là trại Đồn Điền, cấp cho trâu bò điền khí và thóc ngô đậu giống. Đến ngày thâu hoạch đem hết về kho (tức kho Chừ Tích, sau đổi làm kho Đồn Điền). Lấy cai cơ hiệu Tiền dực là Nguyễn Bình trông coi việc ấy.

Lại hạ lệnh cho các nha văn võ mộ người lập các đội nậu đồn điền, hằng năm thu thóc sưu mỗi người 6 hộc. Dân thực nạp ai mộ được 10 người trở lên thì cho làm cai trại và rút tên khỏi sổ của thôn".

Bắt đầu từ năm 1791 Nguyễn Ánh cho lập thêm nhiều mô hình đồn điền ở các đạo Long Xuyên, Ba Thắc, Trà Vinh, Bà Rịa, đến năm 1793 ở đạo Kiên Giang cũng đã lập đồn điền.

Đấy là đồn điền của chúa Nguyễn Ánh. Sau này thời Pháp thuộc, người Pháp cũng lập nên những nơi gọi là đồn điền, phổ biến trồng cây cao su gọi là "đồn điền cao su", những đồn điền cao su này mô hình không giống như đồn điền thời nhà Nguyễn.

2 nhận xét :

  1. Hóa ra "đồn điền" có gốc gác như thế. Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh giải thích "đồn điền" - Lấy thú binh đi khai khẩn đất hoang mà trồng trỉa. Có lẽ thời Phong kiến, "đồn điền" có nghĩa như thế. Nhưng sau này, khi Pháp sang, nghĩa của từ này thay đổi. Đúng như bác Hiệp nói " mô hình không giống như đồn điền thời nhà Nguyễn". Đồn điền thời Pháp chỉ có nghĩa là "cơ sở kinh doanh nông nghiệp lớn, chủ yếu trồng cây công nghiệp" như đồn điền cao su, đồn điền cà phê. Đồn điền, nhưng không có ĐỒN, không có BINH LÍNH. Đó là sự biến đổi nghĩa của từ theo thời gian.
    Cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lập ra những đồn điền ở miền Nam, Nguyễn Ánh quả là có một tầm nhìn lâu dài bác Vũ Nho, vừa có quân sẵn, lại vừa tận dụng được sức lao động của người lính, ít ra thì quân đồn điền cũng tự nuôi sống được họ, những đồn điền này là đồn binh giữ an ninh, bảo vệ vùng đất mới.

      Những đồn điền của người Pháp sau này có nhiều ở miền đông Nam bộ, chủ yếu trồng cây cao su, gọi là đồn điền nhưng chỉ có điền chứ không có đồn như bác Vũ Nho giải thích, đúng là sự biến đổi nghĩa của từ ngữ theo thời gian.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))