Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017
Bàng hoàng - Bàn hoàn.
Tôi đọc trong Kiều: câu 1717, 1718)
Bàng hoàng dở tỉnh dở say,
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu.
Rồi đọc tiếp (câu 1759, 1760)
Nàng càng giọt ngọc như chan,
Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây.
Chữ "bàn hoàn" thấy lạ, không biết có phải là "bàng hoàng" không? Hay sách in sai?
Thử giở Từ điển truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh:
- BÀN HOÀN: Vốn nghĩa là luẩn quẩn, quanh quần không đi được. Dùng theo nghĩa rộng: 1. Quấn quít với nhau. Vd. Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn (câu 2400). 2. Nghĩ quanh nghĩ quẩn. Vd. Nỗi riêng riêng những bàn hoàn (câu 711); Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây (câu 1760).
- BÀNG HOÀNG: Tâm thần không định, rối loạn.
Giở thêm Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức:
- Bàn-hoàn 盤桓. Băn khoăn, quanh quẩn, quấn quít.
- Bàng-hoàng 彷徨. Nói khi tâm thần rối loạn.
Hán Việt Tân tự điển của Nguyễn Quốc Hùng (Nhà sách Khai Trí Saigon-1975):
- BÀN HOÀN: 盤桓 Vẻ rộng lớn - Quanh co, không tiến lên được - Bối rối bồi hồi, không nói ra được.
- BÀNG HOÀNG: 傍偟 Hoang mang rung động trong lòng.
Hán Việt từ điển trích dẫn:
盤桓 bàn hoàn:
1. Bồi hồi, lưu luyến. 2. Trù trừ, do dự. 3. Ở lại. 4. Vẻ rộng lớn.
傍偟 bàng hoàng. Xem bàng hoàng 彷徨 (viết theo chữ Hán hơi khác nhau chút đỉnh)
1. Bồi hồi, quẩn quanh. 2. Bay quanh, vòng quanh, bàn toàn. 3. Ưu du tự đắc. 4. Đứng ngồi không yên, tâm thần bất định. 5. Chần chừ không quyết. 6. Tên một loài trùng.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên):
- bàn hoàn đt (cũ). Nghĩ quanh quẩn không dứt.
- bàng hoàng t. Ở trong trạng thái tinh thần như choáng váng, sững sờ, tâm thần tạm thời bất định.
Qua những quyển tự điển ghi trên ta thấy có hai từ "bàn hoàn" và "bàng hoàng", nghĩa của nó cũng có khi thấy giống, mà cũng có khi thấy khác. Vậy mà hồi nào giờ tôi lại tưởng chỉ có một từ "bàng hoàng".
Đúng là càng đọc càng thấy mình dốt.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Cháu cảm ơn chú vì phát hiện thú vị này. Cháu có thêm vốn kiến thức để chia sẻ về Kiều cho học trò. Thật, cháu cũng chỉ nghĩ có mỗi từ "bàng hoàng".
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã ghé xem.
XóaCó hai chữ Bàn hoàn và Bàng hoàng với tự dạng chữ Hán khác nhau như bác Hiệp đã dẫn ra. Và dĩ nhiên nghĩa của hai từ này khác nhau. Ngoài 2 câu Kiều bác Hiệp trích, ta còn có thể gặp chữ BÀN HOÀN trong thơ "Đi thuyền trên sông Đáy" của Hồ Chí Minh : " Lòng riêng riêng những BÀN HOÀN/ Lo sao khôi phục giang san tiên rồng". Bàn hoàn với nghĩa băn khoăn, lo lắng.
Trả lờiXóaCám ơn bác Hiệp đã giúp mọi người phân biệt hai từ khác nhau chứ không phải một từ có hai cách đọc!
Tình cờ phát hiện ra thấy hay thật bác Vũ Nho. nếu không chắc ai nói đây là hai từ mình cũng gân cổ lên cãi là do phát âm sai.
Xóa