Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Ý nghĩa một số từ thường gặp trong Phật giáo.



- A-di-đà 阿 彌 陀: dịch âm từ chữ "amita", S: "amitābha" và "amitāyus". amitābha nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng, Amitāyus là Vô Lượng Thọ, là thọ mệnh vô lượng. A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực lạc ("sukhāvatī") ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Phật giáo Đại Thừa (Tịnh độ tông) tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ.

- A-la-hán 阿 欏 漢: S: arhat, P: arahat, arahant, dịch nghĩa là Sát Tặc (diệt hết giặc phiền nào), là danh từ chỉ một thánh nhân, người đã diệt hết phiền não, là hiện thân của sự giác ngộ.

- A-nan-đà 阿 難 陀: S: ānanda, dịch nghĩa là Khánh Hỉ, Hoan Hỉ, là một trong mười đại đệ tử của Phật, cùng họ, là người hầu cận bên Phật. Người nổi tiếng với trí nhớ phi thường, Tôn giả là người xây dựng cơ bản giáo pháp trong lần kết tập thứ nhất sau khi Phật diệt độ, được xem là Nhị Tổ của Thiền Tông Ấn Độ.

- A-tỳ 阿 鼻: S: avichi, địa ngục khổ nhất trong tám tầng địa ngục, đọa vào đây chúng sinh phải liên tục chịu mọi cực hình.

- A-tu-la 阿 修 羅: S: āsura, nghĩa là Thần, Phi Thiên, nhưng hình thể, tính tình không đoan chính

- Bồ-đề 菩 提: S, P: bodhi, nghĩa là Tỉnh Thức, Giác Ngộ.

- Bồ-đề Đạt-ma 菩 提 達 摩: S: bodhidharma, dịch nghĩa là Đạo Pháp, Tổ thứ 28 của Tiền Tông Ấn Độ, là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa.

- Bồ-tát 菩 薩: Viết tắt của Bồ-đề Tát-đóa, S: bodhisattva, P: bodhisatta. , nguyên nghĩa là "Giác hữu tình", cũng được dịch là Đại Sĩ, là bậc đã đắc quả Phật nhưng nguyện không vào niết bàn để độ cho chúng sanh.

- Bụt: S, P: buddha, dịch âm của Buddha (Phật, Phật Đà). Nghĩa là bậc Giác Ngộ, trong những câu truyện cổ tích dân gian Bụt cũng còn được hiểu như ông Tiên.

- Cấp Cô Độc 給 孤 獨: S, P: anāthapindika, còn gọi là Tu Đạt Đa. Trưởng giả ở Xá Vệ sống cùng thời với Đức Phật, người đã bỏ tiền ra mua khu vườn Kỳ Viên cúng dường Đức Phật và Tăng già, ông cũng là người thường xuyên cấp dưỡng cho những người nghèo, cô độc.

- Công án 公 案: nghĩa gốc là một án công khai, quyết định phải trái nơi quan phủ. Thuật ngữ quan trọng của Thiền Tông, có thể là một đoạn kinh, một bài kệ, một câu chuyện về giác ngộ, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Công án không phải là một câu đố vì không thể giải đáp bằng lý luận, muốn hiểu một công án phải qua các cấp độ khác nhau của nhận thức.

- Di Lặc 彌 勒: S: maitreya, P: metteyya, , cũng có tên là Vô Năng Thắng. Một vị đại Bồ Tát và cũng là vị Phật thứ năm và cuối cùng xuất hiện trên trái đất, được thờ cúng trong Phật giáo Đại Thừa.

- Du già 瑜 伽: S, P: yoga, nguyên nghĩa là "tự đặt mình dưới cái ách", là phương pháp đề đạt, tiếp cận, thống nhất với Tuyệt đối, Thượng đế.

- Dược Sư Phật 藥 師 佛: S: bhaisajyaguru-buddha, tên gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Phật. Vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả, ngài ngự ở cõi phía đông Tịnh Độ. Tranh tượng thường thể hiện tay trái cầm cây cỏ thuốc chữa bệnh, tay phải giữ ấn thí nguyện.

- Đại tạng kinh 大 藏 經: danh từ để chỉ kinh sách Phật giáo, có ba tạng là Kinh Tạng 經 藏, Luật Tạng 律 藏 và Luận Tạng 論 藏. Đặc điểm của Kinh Tạng 經 藏 là bắt đầu vào bài kinh bằng những từ "Như thị ngã văn" (Tôi nghe như vậy).

- Đạo 道: nguyên nghĩa là Con đường, nhưng trong tôn giáo Đạo được hiểu là "Giáo lý", "Chân lý".

- Đạt Lai Lạt Ma 達 賴 喇 嘛: có nghĩa là "đạo sư với trí huệ như biển cả". Danh hiệu của nhà vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Cách Lỗ (Hoàng giáo) năm 1578. Kể từ năm 1617, Đạt Lai lạt Ma đời thứ 5 trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của nhân dân Tây Tạng. Ngườita xem Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Quán Thế Âm. Mỗi một Đạt Lai Lạt ma được xem như tái sinh của vị Lạt Ma trước.

- Địa Tạng 地 藏: Một vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Địa ngục và trẻ con yểu tử, cũng được xem là chuyên cứu giúp người lữ hành phương xa. Trong Phật giáo Đại Thừa, Địa Tạng là một trong bốn vị đại Bồ Tát (Địa Tạng, Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền).

- Đốn ngộ 頓 悟: ngộ ngay lập tức, ngay bây giờ, trái với Tiệm ngộ, được Nam Tông thiền chủ Huệ Năng chủ trương.

(Còn tiếp)


Tham khảo:

- Từ điển Phật học Việt Nam, Thích Minh Châu, Minh Chi, NXB Khoa Học Xã Hội-1991.

- Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, NXB TP. HCM-1997.

- Từ điển Phật học, Ban biên dịch Đạo Uyển, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, NXB Thời Đại-2011.


2 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp!
    Những từ ngữ thường gặp, thường thấy người ta dùng nhưng không rõ nghĩa gốc. Nhờ đọc bác mà sáng ra!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc rồi chắt lọc viết ra cũng là một cách tự học đó bác Vũ Nho.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))