Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017
Ý nghĩa một số từ thường gặp trong Phật giáo (2).
- Già lam 伽 藍: S: samgha-ārāma, tiếng gọi tắt của Tăng già lam ma, có nghĩa là "khu vườn của chúng tăng", "chủng viện", chùa hay tu viện của Phật giáo.
- Giác ngộ 覺 悟: S, P: bodhi. Nghĩa là "hiểu ra", trong Phật giáo là thuật ngữ chỉ trạng thái tỉnh thức lúc con người trực nhận được tính. Giác ngộ là kinh nghiệm của bản thân không thể giải bày.
- Hành cước 行 腳: đi chu du các nơi, có thể là để tìm thày học đạo.
- Hộ pháp 護 法: S: dharmapāla, P: dhammapāla. Người bảo vệ chánh pháp.
- Kệ 偈: S, P: gāthā, gọi đầy đủ là kệ đà, là những bài ca, bài thơ chứng đạo của những tỳ kheo, thiền sư.
- Kim cương thừa 金 剛 乘: S: vajrayāna, một trường phái Phật giáo của Đại Thừa xuất hiện tại miền Bắc Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ V, VI và được truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản. Kim Cương Thừa thêm những phương pháp tu tập có tính chất huyền bí, bí truyền.
- Kinh 經: S: sutra, P: sutta, còn gọi là Khế Kinh. Tên để gọi các bài giảng của Đức Phật, gọi chung là Kinh Tạng.
- La Hán 羅 漢: S: arhat, viết rút gọn của A La Hán, người tu Phật xuất gia đã dứt phiền não, là Thánh quả cao nhất của Phật giáo nguyên thủy. Để chỉ 18 vị tu hành đã đạt chánh quả thường thấy tượng trong các chùa.
- Luân hồi 輪 迴: S, P: samsāra, nguyên nghĩa Phạn ngữ là lang thang, trôi nổi. Hán tự luân: bánh xe, hồi: trở về. Kiếp chúng sanh như bánh xe quay mãi không dứt trong Lục đạo.
- Lục căn 六 根: chỉ 6 giác quan, Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý.
- Lục đạo 六 道: S: sadakula. sáu đường tái sinh trong luân hồi gồm 3 thiện đạo và 3 ác đạo: Thiện đạo: Cõi người - Cõi Thiên - Cõi A Tu La. Ác đạo: Ngạ quỷ - Địa ngục - Súc sanh.
- Lục tặc 六 賊: Sáu "kẻ cướp" nơi Lục căn thường đem lại phiền não.
- Man-đà-la: S: mandala, nguyên nghĩa là vòng tròn, vòng cung. Một biểu tượng quan trọng của Phật giáo Tây Tạng về năng lực vũ trụ được thể hiện bằng tranh vẽ.
- Mạt Pháp: 末 法: Thời cuối cùng của Phật pháp (gồm 3 thời kỳ Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp).
- Ngã 我: S: ātman. P: atta. Ta, tôi. Đâo Phật chủ trương không có cái ta (vô ngã), người cũng như mọi sinh vật khác chỉ là do ngũ uẩn hợp lại
- Nghiệp 業: S: karma, P: kamma. Có nghĩa là hành động, việc làm, có nghiệp lành (thiện nghiệp, nghiệp dữ (ác nghiệp). Nghiệp rất quan trọng trong Phật giáo, kinh Trung bộ viết: Người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp.
- Ngũ giới 五 戒: S: P: panca-sila, năm điều cấm đối với người tu tại gia theo đạo Phật: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói bậy, uống rượu.
- Ngũ uẩn 五 蘊: S: panca-skandha, P: panca-khandha. Gồm: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức, năm thứ hợp lại thành chúng sanh.
- Phạm Thiên 梵 天: S: brahma-loka. Các cõi trời không còn lòng dục, chúng sinh ở đây không cần ăn uống và không có giới tính. Để chỉ một vị thàn được xem như thần Hộ pháp trong Phật giáo.
- Quy y 歸 依: về với, nương tựa, Quy y Tam bảo, về với Tam bảo, nương tựa vào Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng).
- Sa di 沙 彌: S: srāmanera, P: sāmanera. Tiểu tăng, tiểu sa môn.
- Sát na 剎 那: S: ksana. Một khoảng thời gian rất ngắn, một đơn vị thời gian của một niệm, một ý nghĩ.
- Ta bà thế giới, Sa bà thế giới 娑 婆 世 界: S: sahalokadhātu. Cõi người, thế giới nơi con người ở.
- Tam bảo 三 寶: S: triratna, P: tiratana. Ba ngôi báu trong Phật giáo: Phật - Pháp - Tăng.
- Thập mục ngưu đồ 十 牧 牛 圖: Mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông của Phật giáo Đại thừa.
- Tì kheo (Tì khâu): S: bhiksu, P: bikkhul. Phiên âm từ Phạn ngữ và tiếng Pali, có nghĩa là "người khất thực", trong Phật giáo để gọi một tăng sĩ xuất gia sống bằng hạnh khất thực tìm chân lý giải thoát.
- Ưu bà di 優 婆 夷: S: P: upāsikā. Nữ Phật tử tu tại gia.
- Ưu bà tắc 優 婆 塞: S: upāsaka. Nam Phật tử tu tại gia.
- Vãng sanh 往 生: Chết, tái sinh, đầu thai (vào một cõi).
- Xá lợi (Xá lị) 舍 利: S: sarira. Chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật, hoặc các bậc đắc đạo.
Tham khảo:
- Từ điển Phật học Việt Nam, Thích Minh Châu, Minh Chi, NXB Khoa Học Xã Hội-1991.
- Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, NXB TP. HCM-1997.
- Từ điển Phật học, Ban biên dịch Đạo Uyển, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, NXB Thời Đại-2011.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Cám ơn bác Hiệp đã giới thiệu. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng đã nhắc đến câu thơ của Nguyễn Du về "nghiệp" : Đã mang lấy NGHIỆP vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". Thầy cho rằng Nguyễn Du hiểu "nghiệp" chỉ với nghĩa xấu. Trong khi đó với Phật giáo, nghiệp có 2 loại, thiện nghiệp KUSALA (tốt) và ác nghiệp AKUSALA (xấu). Thầy Nhất Hạnh cũng cho là câu " Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa" làm sụp đổ câu " Ngẫm hay muôn sự tại trời".Và đi đến kết luận " Tư tưởng nghiệp báo và nhân quả của cụ Nguyễn Du vì vậy chưa được rõ ràng" ( Thả một bè lau- trang 440)
Trả lờiXóaBình thường trong cuộc sống người ta cũng hay hiểu "nghiệp" theo nghĩa xấu đó bác Vũ Nho, chẳng hạn người ta thường nói "hắn ta đang phải trả nghiệp", hay "cái nghiệp của nó nặng quá". Trong truyện Kiều người ta nói Nguyễn Du ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, nhưng cụ cũng là một nhà Nho, triết lý Nho gia chắc cũng tồn tại ít nhiều.
XóaCám ơn bác Vũ Nho đã vào xem và còm.
Cháu qua thăm chú Hiệp sau khoảng thời gian dài bận việc.
Trả lờiXóaVề Phật giáo thì cháu chịu rồi. Chỉ đọc để tích lũy thêm kiến thức thôi.
Chúc chú vui khỏe ạ.
Cám ơn Thư, chúc luôn thanh thỏa trong cuộc sống.
XóaChú ơi,
Trả lờiXóaCháu có một câu hỏi mà nó lại không liên quan bài viết. Nếu có thể, chú giải thích giúp cháu với.
Cháu đọc cuốn TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CÂY ĐÀN LYA CỦA HOÀNG TỬ BÉ do HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG viết. Có đoạn kể tả thế này: "Áo chẽn màu xanh da trời may rộng, quần xắn gọn lên nửa đầu gối...".
Áo chẽn là áo thế nào hả chú? Cháu gõ Google thì ra hình áo chip của nữ. Rối não ghê í chú.
Bạn Grief:
Xóa"chẽn" trong "Áo chẽn", là một từ khá xưa, có nghĩa là "bó sát". Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931), giải thích "Áo chẽn" là: Áo ngắn mà hẹp. Hoặc như Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (Saigon-1970), giải thích: "Áo chẽn": Thứ áo mặc múa võ.
Như vậy "Áo chẽn" không hẳn là để chỉ một loại áo nào, mà để chỉ chung các loại áo mặc bó sát lấy người, có tính gọn gàng.
Hy vọng giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn.
Dạ, vì nhân vật được Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc đến là một người con trai. Nên khi tìm trên Goole lại cho ra "áo... nữ" thành ra làm cháu rối. Cháu cảm ơn chú. Cháu đã được chú giải thích tường tận và thông suốt rồi ạ.
XóaNhư bạn Grief thấy, "chẽn" là từ để chỉ tính chất của áo là "bó sát lấy người", tạo sự gọn gàng, cho nên trong tiểu thuyết võ hiệp ngày xưa các hiệp khách đi lại trong giang hồ thường mặc "áo chẽn", như Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức đã giải thích là "Thứ áo mặc múa võ".
XóaNếu nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: "Áo chẽn màu xanh da trời may rộng...". Nếu đã là áo "may rộng", thì không phải là "áo chẽn" nữa rồi.
Dạo này M về blog chỉ để đưa bài viết về, ít đi dao các nơi lắm. Cái nền nhà này có đổi phải không anh Hiệp?
Trả lờiXóaĐúng rồi chị M. blog bây giờ ngắc ngoải, có hồi trang bị lỗi, bạn sửa lại cho.
Trả lờiXóa