Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017


Ảnh Internet.

Ta thường hiểu từ "Chủ tịch" là người đứng đầu một tổ chức, một đảng phái, như ở Việt Nam để gọi người đứng đầu quốc gia, đứng đầu quốc hội, hay đứng đầu một cấp chính quyền, mà không để ý nghĩa gốc của từ là gì? Hôm nay, tình cờ đọc lại quyển "Văn minh vật chất của người Việt" của Phan Cẩm Thượng*, thấy ông viết:

"Cái chiếu phổ biến đến mức nó trở thành khái niệm tượng trưng, xác định vị thế xã hội của con người. Người ta gọi là hộ tịch, tức là góc chiếu của gia đình và cá nhân nào đó, trong đó hộ là cái cửa nhà, cái nhà, còn tịch là cái chiếu. Người đứng đầu gọi là chủ tịch, những người khác gọi là tịch viên... Ra đình bạn sẽ được ngồi xếp bằng trên một góc chiếu, đó là vị thế của bạn. Có chiếu trên chiếu dưới phân cấp. Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình. Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư".

Đọc đoạn văn trên thật thú vị, từ chủ tịch trong tiếng Hán được viết như sau 主席, chủ (主) là từ thông dụng, dễ hiểu, có nghĩa là người đứng đầu, người lãnh đạo, còn tịch (席) thì bản thân chữ tịch (席) này có nhiều nghĩa, và nghĩa đầu tiên của nó là cái chiếu. Ngày xưa mọi sinh hoạt của làng xã đều diễn ra nơi đình làng, từ hội họp bàn chuyện làng chuyện nước, đến cúng tế, lễ bái, ăn uống... Thời ấy chưa có lệ ngồi bàn ghế, chỉ trải chiếu xuống đất, chiếu được trải xuống trước bàn thờ để người chủ tế làm lễ trên chiếu, phía sau người chủ tế là những chiếc chiếu khác dành cho các chức sắc trong làng, rồi đến người dân đến tham dự buổi cúng tế, cúng tế xong thì những chiếc chiếu này trở thành nơi bày mâm đĩa tiệc tùng, mọi người cứ việc ngồi xếp bằng tròn trên chiếu mà đánh chén.

Và ta cũng thấy, tùy theo vị trí của chiếu mà phân định thứ hạng trong làng, quan viên, kỳ mục, bô lão... thì ngồi "chiếu trên", gần nơi bàn thờ Thánh, dân thường thì ngồi "chiếu dưới" ở xa hơn, còn những người làm mõ (ngày xưa thường gọi bằng từ không tôn trọng là "thằng mõ") thì ngồi chiếu tuốt ngoài sân đình...

* Văn minh vật chất của người Việt, Phan Cẩm Thượng, NXB Tri Thức-2015.

3 nhận xét :

  1. Có lẽ Phan Cẩm Thượng đã nhầm lẫn giữa chữ tịch trong "hộ tịch" và chữ tịch trong "chủ tịch", chữ tịch 籍 trong hộ tịch 戶 籍 là "sách vở", cũng như quân tịch 軍籍, còn chữ tịch 席 trong "chủ tịch" 主席 mới là chiếc chiếu

    Trả lờiXóa
  2. Đó là điều chắc chắn rồi chứ không phải là "Có Lẽ" như bác Hiệp muốn nói giảm. Chữ tịch trong hộ tịch giống chữ tịch trong quân tịch, đảng tịch, thư tịch với ý nghĩa là "sổ sách" biên chép.
    Có một thú vị là Chủ chiếu ở phương Đông mình có nghĩa là Chủ Tịch, trong khi phương Tây, người ta ngồi GHÉ, nên người ngồi ghế CHAIR MAN tương tự người chủ CHIẾU bên phương Đông. Đó cũng là Chủ GHẾ, tương đương chủ CHIẾU và có nghĩa ĐỨNG ĐẦU!

    Trả lờiXóa
  3. Hay bác Vũ Nho, phương Đông là "chủ chiếu", phương Tây là "chủ ghế", khác là ở cái vật để ngồi, chứ ý tứ thì giống nhau.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))