Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017
Cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng.
Cột cờ Thủ Ngữ và NHà Rồng. Ảnh Internet.
Lịch sử của Sài Gòn chỉ chừng trên 300 năm nay, nếu tính từ mùa xuân năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, sách Gia Định thành Thông chí chép "lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên (Biên Hòa) làm dinh Phiên Trấn".
Một vài kiến trúc xưa gắn liền với lịch sử của đô thành Sài Gòn đã trở thành cổ tích, có thể kể đến Cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng:
- Cột cờ Thủ Ngữ: Sách Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển chép:
Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chổ giáp nước là một cái thoi loi gie ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào tư mùa. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ tên gọi "cờ Thủ Ngữ" (mât des dignaux). Sau đây vì có quán rượu trứ danh chiêu mộ anh hùng mặc khach1 rất đông, nên bợm rượu đặt tên rất khôi hài là "Mũi đất bọn tán dóc" (Pointe des Blagueurs) (Truy ra dưới thời Nam triều chỗ này gọi là "trạm Gia Tân).
"Gia Tân nền tạm thuở xưa,
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên".
(Kim Gia Định phong cảnh vịnh, bản in Trương Vĩnh Ký, tr.7).
Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu li5ng tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn.
Nghĩ cho hồi đời xưa, lúc chưa có xe ô tô lộng lẫy thì đi đó đi đây toàn là "cuốc bộ", sang lắm mới được xe kiếng, xe song mã v.v... Bởi các cớ ấy nên khúc đường từ "Dinh Thượng Thơ" đổ qua "Dinh Phó Soái" rồi ăn xuống tới "Cột cờ Thủ Ngữ" đã kể cho là xa mút tí tè...
(Hết trích)
Về chữ Thủ Ngữ, ở Sài Gòn có vài địa danh mang chữ "Thủ", như Thủ Thiêm, Thủ Đức, xa hơn nữa ta có Thủ Dầu Một ở Bình Dương, Thủ Thừa ở Long An... Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, "Thủ" có nghĩa là "giữ, giữ gìn", "Thủ ngữ" là "Chức quan giữ cửa biển, đồn thủ tại cửa biển".
Theo sách vở thì cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10 năm 1865. Trên một tấm ảnh chụp có cột cờ Thủ Ngữ và cả Nhà Rồng, ta thấy ghi năm 1882.
- Nhà Rồng (cũng hay gọi là Bến Nhà Rồng): Theo sách vở ghi chép lại thì Nhà Rồng là một tòa nhà được xây dựng vào ngày 4 tháng 3 năm 1863 bởi hãng Vận tải đường biển của Pháp Messageries Maritimes, như vậy được xây dựng trước trước cột cờ Thủ Ngữ 2 năm và gần kề bên cột cờ Thủ Ngữ. Sở dĩ tòa nhà được gọi là Nhà Rồng bởi trên nóc nhà có gắn một cặp rồng bằng đất nung tráng men xanh. Có một chi tiết nếu chú ý, ta thấy trên ảnh ban đầu cặp rồng được gắn theo thế quay mặt vào nhau, kiểu "Lưỡng long tranh châu", hay "Lưỡng long chầu nguyệt". Nhưng đến năm 1945 tòa nhà khi ấy bị Nhật chiếm, đã bị máy bay đồng minh bắn phá hư hỏng, sau khi sửa chữa thì cặp rồng đã được gắn quay đầu ra ngoài.
Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi đây ngày 5 tháng 6 năm 1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước.
Tham khảo:
- Các sách đã dẫn.
- Cửa sổ tri thức, PGS. TS Lê Trung Hoa, NXB Trẻ - 2005.
- Hỏi đáp về Sài Gòn - TP. HCM, Tập 6 Kiến trúc, Tín ngưỡng, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2007.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Cám ơn bác Hiệp về bài viết ngắn mà thú vị. Những thông tin của bác dẫn ra rất bổ ích, Ví dụ vì sao gọi Nhà Rồng. Tuy nhiên, tôi có phân vân về từ Thủ Ngữ. Bác có thể giải thích thêm trong quan hệ so sánh với Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa... Chẳng hạn, nếu Thủ Ngữ là chức quan giữ cửa biển, vậy các "Thủ" còn lại là chức quan giữ cái gì? Liệu chữ NGỮ trong Thủ Ngữ có liên quan gì đến ÁM NGỮ "ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu..." hay không? Cám ơn bác trước!
Trả lờiXóaTrong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị riêng giải thích về chữ "Thủ", và Thủ ngữ" viết như thế. Tôi đọc trong nhiều sách thấy chữ "Thủ" được giải thích là "đồn binh, đồn canh" (tên gọi dưới thời phong kiến, có lẽ như trong "trấn thủ, lưu đồn), chữ phái sinh của "Thủ" là tên chức quan đứng đầu đồn binh đó. Ở Sài Gòn có địa danh Thủ Thiêm, Thủ Đức sách vở cho biết "Đức, Thiêm" là tên của vị quan đứng đầu "thủ" một thời. Trường hợp khác như Thủ Dầu Một (Bình Dương), sách (Cửa sổ tri thức của PGS. TS Lê Trung Hoa) lý giải "vì đồn canh ở dưới, hoặc cạnh một cây dầu", về tên địa danh Thủ Thừa có lẽ cũng là tên vị quan đứng đầu thủ. Ở miền Nam hay có cách gọi địa danh theo 2 cách như thế, chẳng hạn cầu Ông Lãnh (Lãnh là chức quan "lãnh binh"), Ngã ba Ông Tạ (Tạ là tên người (tên thày thuốc mở phòng mạch, hốt thuốc ở nơi một ngã ba), Ngã ba Cây Thị (Thị là tên cây)...
XóaCòn tên gọi Thủ Ngữ tôi nghĩ có lẽ theo như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích là "Chức quan giữ cửa biển, đồn thủ tại cửa biển", hoặc có thể hiểu là "một đồn canh án ngữ tại cửa biển" (ở đây là nơi trên một con sông có vị trí quan trọng như Sài Gòn). Tôi đọc trên một số thông tin về Cột cờ Thủ Ngữ cũng thấy giải thích như thế.
Cám ơn bác Hiệp và lời giải thích tường tận. Tôi chưa thấy chữ NGỮ nào có nghĩa là cửa biển ( trong hiểu biết hạn hẹp của mình). Vậy nên băn khoăn. Tại sao tất cả các THỦ khác có nghĩa là đồn canh, và sau đó là tên người đứng đầu : Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Thừa...? Vậy thì Thủ Ngữ, cái đồn canh này lại không tuân theo việc đặt tên là đồn canh do ông Ngữ đứng đầu? Dù là đồn canh ở cửa biển, cửa sông, hay ở dưới gốc cây Dầu ? Tiếc rằng sách vở đã viết như vậy thì chúng ta TẠM TIN là vậy. Song tôi vẫn hoài nghi là Thủ Ngữ cùng kiểu đặt tên với các Thủ Đức, Thủ Thừa, Thủ Thiêm...Cái tên THỦ DẦU MỘT cũng lí thú. Đồn ở dưới cây Dầu. Nhưng MỘT ở đây có nghĩa gì? Đồn Dầu số một? hay là "cây dầu một" là cây dầu đứng một mình? Bác tra sách chuyện này chắc cũng lí thú! Một lần nữa cám ơn bác Hiệp!
Trả lờiXóaHì hì, cám ơn bác Vũ Nho, ở một sách khác về chữ Thủ Dầu Một PGS. TS Lê Trung Hoa giải thích tường tận hơn "Dầu Một" là chỉ có "một cây dầu", khi chưa có một giải thích nào khác ta cũng đành tạm theo ý kiến này.
XóaRiêng chữ "Ngữ", Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích chữ này như sau (không kể chữ ngữ trong ngôn ngữ). Ngữ: ngăn giữ. Thủ ngữ (trong mục từ của chữ ngữ): chức quan coi tàu thuyền nhập cảng xuất cảng. Như vậy trong trường hợp này ta có thể hiểu "thủ" là đồn canh, đồn binh, còn "ngữ" là "ngăn giữ" (nghiêng nhiều về "ngăn giữ" hơn là tên người), và nhiều sách vở, thông tin lấy ý nghĩa này.
Ở đó có Dầu Một (cây dầu lớn đơn độc). Diên Khánh (Khánh Hòa) có cây Dầu Đôi (hai cây dầu gắn liền phần gốc).
XóaCám ơn cụ Nô, Thủ Dầu Một là độc nhất Một Cây Dầu, còn Dầu Đôi như ở Diên Khánh là hai cây :-)
XóaCám ơn bác Hiệp! Khi mà THỦ là đồn canh, NGỮ là ngăn giữ thì vấn đề lại đơn giản. Thủ Ngữ có thể là chức quan, nhưng gốc gác của nó là "đồn canh ngăn giữ". Cho nên cột cờ xây ở chỗ đồn canh ngăn giữ (Thủ Ngữ) thì được gọi là cột cờ Thủ Ngữ.
Trả lờiXóaĐúng là chữ nghĩa trong tiếng Việt tùy từng trường hợp mà hiểu, nhất là tên địa danh. Trường hợp này là tên người (như Đức trong Thủ Đức, Thủ Thiêm), như trường hợp Thủ Ngữ. ĐNQÂTV viết ý nghĩa là "chức quan coi tàu thuyền nhập cảng xuất cảng". Tôi nghĩ người Việt mình xưa có cách gọi chức vụ thành tên, chẳng hạn như gần nơi cột cờ Thủ Ngữ ngày xưa có cây "cầu Quan", "Quan" ở đây không phải là tên người, mà do nơi đây có khu nhà của các quan Tây ở. Còn cột cờ ở nơi "Thủ Ngữ" thì được gọi là "cột cờ Thủ Ngữ", mà người Sài Gòn xưa nay chỉ quen thấy cột cờ thôi, ít ai nghĩ tới cái đồn canh trông coi việc tàu thuyền nhập cáng, xuất cảng đó bác Vũ Nho.
XóaTìm hiểu chuyện xưa, có thêm bác là người hiểu biết, biết nêu vấn đề để đi sâu vào chi tiết hơn rất thú vị.