Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Tên một vài đường phố ở Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc.

Rue Bangkok (đường Mạc Đĩnh Chi). Ảnh Internet.

Rue Catinat (Tự Do - Đồng Khởi). Ảnh Internet.

Route Haute (đường Trên - Nguyễn Trãi, Chợ Lớn)

Năm 1861 thành phố Sài gòn được thành lập bởi một nghị định của phó đô đốc Leonard Charner (tiếng Pháp Ville de Saigon). Diện tích thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ khoảng 25 cây số vuông, bao gồm khu vực Sài Gòn cũ (khu vực Đề Ngạn tức Chợ Lớn sau này) và Bến Nghé.

Năm 1862 một hòa ước được ký kết giữa đại diện của triều đình Huế là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, và đại diện của Pháp và Tây Ban NHa là Bonard và Palanca, gọi là Hòa ước năm Nhâm Tuất, gồm 12 điều khoản. Trong đó khoản 3 ghi: "Nhượng trọn chủ quyền 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Địng Tường và đảo Côn Lôn (Côn Sơn), tức là 3 tỉnh miền đông và đảo Côn Lôn, trong đó có thành phố Sài Gòn đã được người Pháp thành lập vào năm 1861, bao gồm cả vùng Sài Gòn (Chợ Lớn sau này) và khu Bến Nghé cũ.

Đến năm 1865 quyền Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là chuẩn đô đốc Pierre Roze đã ký nghị định ngày 3-10-1865, quy định thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) chỉ còn 3 cây số vuông tại khu vực Bến Nghé, đồng thời thành lập thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) tại khu vực Sài Gòn cũ.

Từ năm 1861 sau khi chiếm được thành Gia Định và triệt hạ thành, người Pháp đã bắt đầu xây dựng những con đường. Cùng với việc thành lập thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn, từ năm 1865, người Pháp đã đặt tên cho các con đường tại hai thành phố này, lúc bấy giờ là những con đường nhỏ hẹp sử dụng cho người đi bộ, và những phương tiện thô sơ, như xe ngựa, xe bò, xe kéo...

Người Pháp đã đặt tên cho những con đường mới mở ở Sài Gòn - Chợ Lớn theo nhiều tên gọi. Ở Sài Gòn có những con đường đặt theo tên của những người danh tiếng như: Rue Catinat (Tự Do - Đồng Khởi), Catinat là tên một thống chế, Boulevard Charner (Nguyễn Huệ), Charner tên một đô đốc, Boulevard Bonard (Lê Lợi), Bonard tên của một đề đốc, một trong những thống đốc của Nam Kỳ, Rue Grandière (Gia Long - Lý Tự Trong), Pierre de La Grandière, đề đốc, cũng là một thống đốc Nam Kỳ, Rue Doumer, Paul Doumer là tên của vị Toàn quyền Đông Dương, Rue Blanchy (Hai Bà Trưng), Paul Blanchy tên một thương gia Pháp đã làm Thống đốc Nam Kỳ gần 20 năm, Rue Barbé, Barbé tên một đại úy Pháp (quan ba) bị giết gần chùa Khải Tường bởi nghĩa quân của Trương Định, Rue miss Cavell (Huyền Trân Công Chúa), cũng có sách viết là Cauwel tên một nữ y tá người Anh bị Đức xử bắn trong thế chiến thứ I, Rue Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự - Nguyễn Thị Minh Khai), Chasseloup Laubat là Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, Rue d' Adran - Cha Cả, giám mục Bá Đa Lộc (Hồ Tùng Mậu) Rue Lefrère (Nguyễn Công Trứ), Lefrère là tên một vị giám mục sau giám mục Bá Đa Lộc. Có những đường đặt theo những tên gọi khác, như: Rue d' Espagne (Lê Thánh Tôn), Quai de Belgique (Bến Bạch Đằng), Rue Bangkok (Mạc Đĩnh Chi), Rue Hongkong (Nguyễn Hậu - Nguyễn Văn Bình), Rue Shanghai - đường Thượng Hải (Nguyễn Trung Ngạn), Rue Cap St Jacques (Nguyễn Trung Trực), Rue Noel (Nguyễn Huy Tự), Rue des Mois (đường Mọi - Phan Đình Phùng - Nguyễn Đình Chiểu)...

Ở Chợ Lớn ngoài những tên đường nhân vật danh tiếng, còn có những tên đường đặt theo những chủ đề khác như: Rue Paris (Phùng Hưng), Rue Canton - đường Quảng Đông (Triệu Quang Phục), Rue Cambodge, sau đổi thành đường Kim Biên, Kim Biên tiếng Hán Việt là tên gọi của thủ đô Phnom Penh, Route Haute, đường Trên (Nguyễn Trãi), Route Basse, đường Dưới (Hàm Tử), đường này có trước đường Trên, Rue d' Annam (Mạc Thiên Tích), Rue des Marins - đường Thủy binh (Đồng Khánh - Trần Hưng Đạo B), Quai de Foukien (Bến Phúc Kiến), Quai de la distillerie (Bến Nhà máy rượu). Một số đường khác mang tên Việt (những con đường này vẫn còn giữ nguyên tên đến bây giờ), vì đi qua những khu vực, địa danh đã có tên Việt như: Rue An Điềm, Rue Gia Phú, Rue Gò Công (đường từ Chợ Lớn đi Gò Công), Rue Ký Hòa (gọi sai của Chí Hòa), Rue Phú Định, Rue Phú Giáo, Rue Phú Hữu, Rue Tân Hàng... Người Pháp lúc bấy giờ còn lấy số đặt tên cho một số con đường ở Chợ Lớn: đường số 6 (Bạch Vân), đường số 7 (Bùi Hữu Nghĩa), đường số 6 bis (Chiêu Anh Các), đường số 10 (Đào Tấn), đường số 4 (Phan Văn Trị)....


Tham khảo:

- Đường phố nội thành TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ và Khảo Sát Xây Dựng & NXB TP> Hồ Chí Minh - 1994.

- Đường phố TP. Hồ Chí Minh, NXB Văn Hóa Thông Tin - 2001.

- Từ điển TP. Sài Gòn - Hồ Chí Minh, Nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.

- Sài Gòn Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945, Nguyễn Đức Hiệp, NXB Văn Hóa Văn Nghệ - 2016.

6 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp về những thông tin có ý nghĩa Lịch sử đối với những con đường của thành phố Sài Gòn. Nhiều lần thay đổi, những con đường cũng biến đổi, tên đường đổi theo. Người Pháp đặt tên đường không đơn điệu. Tên đường của một thành phố cũng là một phần lịch sử chính trị, kinh tế của thành phố đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho, hồi ấy đường xá còn ít mà người ta cũng đã đặt tên đường khá phong phú rồi. Bây giờ đường phố tên tuổi có khi còn rối.

      Xóa
  2. Chào nhà SG học, bác Phạm. Chúc bác năm mới an lạc!

    Trả lờiXóa
  3. ko kiếm đc sách lịch sử thật về sài gòn. thì lên gặp bac Hiệp là xong. Cám ơn bác nhé, những thông tin bổ ích lắm. :)) :))

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))