Ảnh Internet.
Nhân việc UNESCO vinh danh "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của Việt Nam, trong entry trước tôi có viết sơ qua vài nét về hầu đồng, còn được gọi là lên đồng, hầu bóng, đồng bóng... Anh bạn Giao Blog ghé xem có đề nghị "nhờ bác Hiệp viết cho một ghi chép thực tế của bác về "hầu đồng" ở trong Nam. Ví dụ: thời nhỏ bác Hiệp có nghe và thấy hầu đồng bao giờ không, rồi đến khi được thấy bác có cảm nhận gì, vân vân".
Ý kiến của anh bạn Giao Blog vừa dễ lại vừa... khó. Dễ bởi vì trước năm 1975 ngay từ lúc còn nhỏ ở Sài Gòn, nhà ở gần một "điện thờ" (của tư nhân) thỉnh thoảng có tổ chức lên đồng và tôi đã được xem, lớn lên khoảng mười chín, hai mươi lúc ấy ở trong quân đội thường xuyên di chuyển đây đó, khi đóng tại Quy Nhơn cũng gần nơi một con phố có mấy nhà theo Đạo Mẫu, họ cũng hay tổ chức hầu đồng và thỉnh thoảng tôi cũng ghé xem.
Theo tôi được biết, trước năm 1975 việc hầu đồng ở miền Nam không bị cấm đoán, nhưng cũng không phổ biến, có lẽ lúc ấy tình hình chính trị nhiều khi lộn xộn (khoảng hơn nửa đầu thập niên 1960), rồi sau đó chiến sự gia tăng, ít người chú ý tới việc hầu đồng, hình như hồi đó tôi không thấy có sách viết về việc hầu đồng như bây giờ.
Tuy nhiên cũng xin theo ý anh bạn Giao Blog ráng nhớ lại những ký ức về việc tôi đã đi xem hầu đồng kể lại vài dòng dưới đây:
Như đã nói, thuở tôi còn nhỏ, đâu khoảng cuối thập niên 1950 lúc ấy tôi mới đi học tiểu học ở Sài Gòn (cấp 1 bây giờ), nhà ở gần một điện thờ của một gia đình người miền Bắc di cư theo Đạo Mẫu, thỉnh thoảng họ có tổ chức hầu đồng lúc ấy được nghe gọi là lên đồng. Một vài lần được người lớn trong nhà dẫn đi xem, người xem vì hiếu kỳ hoặc trẻ con đến xem thường đứng ngoài cửa chứ không được vào bên trong chỗ làm lễ. Phải nói lúc ấy còn nhỏ quá chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy sợ cái không khí âm u, đèn nến mờ tỏ, khói nhang nghi ngút, cùng với quần áo sặc sỡ của người lên đồng, những động tác như múa kiếm, chèo thuyền, cầm nhang đèn cháy ngùn ngụt nhảy múa mà không hề hấn gì. Thêm vào đó là tiếng đàn, tiếng hát, lúc ấy không hiểu hát gì, và những người tham gia hầu đồng ngồi phía dưới chắp tay chăm chú vái lạy. Có một điều duy nhất không phải chỉ có tôi, mà đám con nít tới coi rất thích, là khi buổi lên đồng chấm dứt họ phát cho lũ trẻ những cái kẹo, oản... được bọc trong giấy bóng kính xanh đỏ gọi là lộc thánh ban. Điều đặc biệt của điện thờ là màu sơn của ngôi nhà, họ sơn màu vàng, màu đỏ rất chói, trong nhà lúc nào cũng thắp đèn đỏ mờ mờ, chủ nhân của điện thờ này là một bà đã có chồng con, lúc nào cũng mặc những bộ quần áo bằng sa tanh màu đọt chuối, đỏ, vàng... rất tươi, dáng điệu và thân hình của bà ấy trông hơi thô giống đàn ông, nhưng lúc lên đồng múa rất dẻo.
Khi tôi lớn hơn chút nữa, lúc đã học trung học, có nghe ở Sài Gòn có những nơi lên đồng như thế, ở những đền, miếu, đình... và một số điện thờ của tư nhân, nhưng lúc ấy tôi cũng không chú ý gì tới việc lên đồng. Bẵng đi một thời gian, cho tới khi tôi vào quân đội. Khoảng thời gian năm 1972 lúc ấy tôi đóng ở Quy Nhơn, gần một con phố (tôi nhớ là đường Tăng Bạt Hổ không biết có nhớ đúng không?), con đường này có vài nhà theo Đạo Mẫu nên hay tổ chức lên đồng. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé xem, khung cảnh của những ngôi nhà này cũng tựa như điện thờ ngôi nhà khi tôi còn nhỏ, có điều không âm u bằng. Vài lần tôi ghé xem luôn được người trong nhà mời vào ngồi ghế đàng hoàng, lúc này tôi đã hiểu biết sơ qua chuyện lên đồng nên chú ý xem hơn, mới biết những ông Hoàng Mười, cô Bơ, cô Chín, bà Ngũ Hành, Thủy Long công chúa... đang nhập vào những bà đồng. Ngồi sát cạnh những đệ tử phía dưới tôi thấy họ rất thành kính, họ hay nói lạy thánh, lạy cô, lạy cậu... và cũng xì xụp vái lạy. Cuối một giá đồng thánh ban phát lộc cho những đệ tử ngồi phía dưới, thường là tung bánh kẹo có cả tiền. Cũng có người đưa cho tôi lộc thánh như thế. Trong khung cảnh mờ mờ, mùi khói nhang, tiếng nhạc của giàn chầu văn cùng tiếng hát của cung văn hòa với điệu múa của cô đồng, và những nét mặt thành kính của những đệ tử (hồi đó đa số là quý bà quý cô) ngồi phía dưới tạo nên những cảm xúc khó tả cho cả người xem.
Sau năm 1975 thì ở Sài Gòn và có lẽ cả miền Nam vắng bóng chuyện lên đồng. Tuy nhiên về sau này từ thời mở cửa nghe nói có một số đền, miếu đã tổ chức hầu đồng trở lại...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Cảm ơn bác Hiệp rất nhiều với ghi chép này ! Tuy không dài, nhưng là ghi chép rất quí (rõ nét về màu sắc, cách thức tổ chức, và nhất là rõ về địa điểm và thời gian). Có một chỗ có lỗi đánh máy bác ạ, là "thổ chức" chắc đúng phải là "tổ chức" (trong câu "vài nhà theo Đạo Mẫu nên hay thổ chức lên đồng").
Trả lờiXóaTrước năm 1975, chỉ có rất ít ghi chép về việc hầu đồng ở trong nam. Mà các ghi chép ấy lại sa đà vào việc thuật lại sự tích của Bà chúa Liễu Hạnh với các vị thần khác, mà miêu tả thực tế rất không rõ ràng. Nên ghi chép của bác Hiệp hôm nay rất quí.
Hiện ở khu vực Sài Gòn, tình hình sinh hoạt lên đồng khá sôi động bác ạ. Bác Hiệp cho biết đại khái khu nhà bác hiện nay ở chỗ nào, để khi mà vào Sài Gòn, tiện dịp thì em alo mời bác thăm quan vài chỗ thờ Mẫu trong đó (khi nào cụ thể thì em sẽ xin số điện thoại của bác trước, qua mail riêng tư).
Kính bác.
Chào bác Giao, tôi sẽ chữa lại chỗ viết sai "tổ chức" chứ không phải "thổ chức".
XóaTôi đọc sách thấy có nói trước năm 1954 (hoặc 1945) ở miền Nam có một hình thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu để giao tiếp với thần linh, gọi là "bóng rỗi". Đây có lẽ là một "biến thể", kết hợp giữa hầu đồng miền Bắc, hát bã trạo miền Trung và các điệu múa dân gian của người Chăm như múa dâng bông... Còn viêc hầu đồng như đã nói bên trên có sách viết là theo dân di cư năm 1954 vào Nam.
Tôi không rõ việc hầu đồng bây giờ ra sao, nhà nước không thấy cấm nhưng chắc cũng không khuyến khích. Nghe nói có một số đền, miếu vẫn còn tổ chức hầu đồng như đền Ngã Năm ở Bình Thạnh, nơi này anh bạn Thắng (Salam) có lẽ rành đó bác Giao.
Khi nào bác Giao có dịp vào Sài Gòn cứ liên lạc qua Email (phamngochiep01@gmail.com) hoặc ĐT, rất vui khi được đi tìm hiểu thêm với bác về chuyện này.
Cảm ơn bác Hiệp.
XóaEm sẽ viết mail cho bác để có được số điện thoại di động của bác nhé.
Ngay lúc này, có mấy ông bà đồng ở Sài Gòn đang ra Hà Nội. Nếu có dịp, em vào Sài Gòn sẽ mời bác Hiệp tham dự một số hoạt động. Bố Susu ở còm dưới, và cụ Thắng (tức cụ Salam) chắc rõ cái này, mà hướng dẫn cho bác.
Nếu có dịp như bác Giao nói thì hay quá.
XóaHình như bây giờ ở đền thờ Hai Bà Trưng bên Bình Thạnh có tổ chức hầu đồng phải ko bác Hiệp?
Trả lờiXóanếu có hôm nào đó cháu đón bác qua bên đó xem được ko?
Tôi cũng nghe nói thế Bố susu. Có dịp nào thấy ở đó tổ chức hú tôi đến xem với.
XóaThật thú vị khi bác Hiệp kể chuyện hầu đồng. ở quê Gia Viễn, Ninh Bình của tôi thì việc lên đồng có hơi khác. Không giống như việc hát chầu văn trong các giá đồng. Tôi đi xem lên đồng ở điện thờ. Người lên đồng ( phải được chọn trước) trùm vuông vải đỏ kín mặt. Thầy cúng đọc bài cúng kèm với tiếng mõ, tiếng trống con. ( Không hát và múa nhơ ở điện thờ Mẫu). Khi thánh về, người lên đồng phán những điều mà chủ nhà và thầy cúng muốn hỏi. Có lần thánh về, người lên đồng đấm ngực thùm thụp, nhảy vọt lên chỗ cao rồi xưng danh. Khi đồng thăng thì người lên đồng thường trợn mắt, ngã vật xuống...Tôi xem khoảng 3 bốn lần , rất hồi hộp. Người lên đồng sau khi thánh thăng, họ nói rằng không biết đã làm gì, nói gì, không nhớ gì hết...
Trả lờiXóaXin chào bác Vũ Nho !
XóaQuả là có một cách hầu đồng như vậy bác ạ. Nhưng nay không còn phổ biến nữa.
Nếu được, em lại xin nhờ bác Vũ Nho ghi cho một ít trải nghiệm của chính bác về hầu đồng. Chỉ cần hồi ức như bác Hiệp viết ở đây đã là rất quí.
Kính bác.
Chào bạn Giao và bác Hiệp.
XóaHầu đồng hay hầu bóng có lẽ là nghi thức ở Điện thờ Mẫu. Còn "lên đồng" là cách cầu cúng bà cô, ông mãnh, hay một vị thiêng trong dòng họ về để cầu xin phù hộ chữa trị bệnh tật, hỏi chuyện mồ mả hay vận hạn của gia chủ. Thánh về ( bà cô, ông mãnh hay vị tổ khảo, tổ tỉ...) nhập vào người "lên đồng" được chuẩn bị sẵn như tôi kể. Cũng có lần, thánh không nhập vào người ngồi sẵn ở vị trí trang trọng, mà nhập vào một người bất kì trong dòng họ đang ngồi xem. Thế là người này đùng đùng xưng danh, chỉ vào mặt gia chủ mà nói rằng cúng lễ bị trễ nải, không chú ý mồ mả...nên bị quở! Thầy cúng kêu cầu, hỏi thêm vài chuyện, rồi hỏi phải làm gì, làm gì. Người nhập đồng cười, phán, rồi "thăng"... Có lần không trả lời câu hỏi, người đó hét một tiếng to rồi..."thăng"!
Chào bác Vũ Nho & bác Giao.
XóaNhư bác Vũ Nho phân tích, ta có thể phân biệt hầu đồng, hầu bóng được tổ chức bài bản, có giàn chầu văn đàn hát, nhiều người tham dự, và việc lên đồng theo yêu cầu của gia chủ để muốn biết về những việc riêng (ít người tham dự, chỉ có bà (hay ông đồng), người phụ đồng và gia chủ (thường là vài người trong nhà).
Việc hầu đồng có bài bản đàng hoàng, chỉ giới hạn trong 36, hoặc tối đa 72 vị thánh có lai lịch rõ ràng (Bà Chúa Ngọc, Cô Bơ, Cô Chín, Ông Hoàng Mười, Quan Ngũ Hổ...), còn việc lên đồng như bác Vũ Nho đã nói bên trên thì đồng thường là bà cô, ông mãnh, hay người nào đó trong dòng họ... Khi đồng nhập như bác Vũ Nho cũng đã nói, có thể là nơi người ngồi đồng, cũng có thể là một ai đó trong số người của gia chủ, người này được cho là "có căn".
Những chuyện như thế này người lớn xem cũng thấy rờn rợn.