Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Vừa ý & Dừa ý.




Ai cũng biết ý nghĩa của từ "vừa ý", người miền Nam phát âm là "dừa ý". Dĩ nhiên tuy phát âm là "dừa ý" nhưng chánh tả phải viết là "vừa ý" mới trúng, nếu viết theo như cách đọc "dừa ý" là trật.

Mới đây kiếm được quyển "Chuyện Đông chuyện Tây - Tập 4" của học giả An Chi (NXB Trẻ - 2005) đọc lai rai, ông cho hay, trong quyển Tự vị Annam Latinh của Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc 1741-1799) (NXB Trẻ-1999) đã ghi nhận như sau:

"Dừa (...), theo.

Dừa lòng. Chiều theo í ai.

Dừa theo. Cùng nghĩa, theo.

Dừa ý. Theo, chiều theo í ai".

Không phải là giáo sĩ Bá Đa Lộc đã ghi nhận "dừa" theo cách phát âm của người Đàng Trong, thay cho "vừa" của Đàng Ngoài. Học giả An Chi cho biết thêm trong Tự vị Annam Latinh đã ghi nhận hai chữ "dừa" và "vừa" hoàn toàn riêng biệt và độc lập.

"Dừa ý" là "theo, chiều theo í ai", còn "vừa ý" lại là "hợp í".

Như vậy theo Tự vị Annam Latinh, ngày trước tồn tại cả hai từ ngữ "dừa ý" và "vừa ý" với nghĩa khác nhau, nay trong cuộc sống ta thấy chỉ còn từ "vừa ý", còn từ "dừa ý" đã biến mất.

Trong các giáo sĩ Tây phương ngày xưa đã đến truyền giáo tại Đại Việt, có những người nổi tiếng, đó là giám mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ 1591-1660), và giám mục Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc), cả hai vị giáo sĩ này đều đã để lại những quyển tự điển cho đời sau. Giám mục Đắc Lộ với quyển tự điển ta quen gọi là tự điển Việt-Bồ-La, xuất bản năm 1651 tại Roma, và giám mục Bá Đa Lộc với quyển tự vị Annam-Latinh, soạn từ năm 1773, đến năm 1838 quyển tự vị được xuất bản bởi một vị giám mục khác là Jean-Louis Tabert (1794-1840) (Theo Wikipedia).

5 nhận xét :

  1. Có lẽ "dừa ý" còn dấu vết trong "dựa ý" , cũng có nghĩa là theo ý, dựa vào ý, chiều theo ý chăng? Thú vị nhất là "Dừa" có nghĩa là "theo", còn Vừa, có nghĩa là hợp. Như vậy cũng tách bạch chứ không lẫn lộn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong từ điển cũng vẫn có từ "dựa" bác Vũ Nho. Theo tôi đây là những từ độc lập, nếu phân tích nghĩa thì "dừa" là "theo", còn "dựa" là "nhờ vào ai đó để có thêm được sức mạnh" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên), hoặc nôm na là "trông cậy vào điều gì, hoặc ai đó". Chẳng hạn ta có thể thấy Nhật Bản là "dừa" theo Mỹ, còn Hàn Quốc, Phi Luật Tân là phải "dựa" vào Mỹ. Ba chữ trong từ điển là "vừa ý", "dừa ý" và "dựa" đều có nghĩa riêng, "dừa ý" chẳng may... mệnh yểu.

      Xóa
    2. Tuy nhiên khi "dừa" là theo mất dấu, như bác Vũ Nho viết, có lẽ vẫn còn dấu tích nơi chữ "dựa", "dựa" ta thấy còn có nghĩa là "nương nhờ", "nương theo", "nương tựa". Như khi nói "Con cái là chỗ dựa khi cha mẹ về già", chứ không phải chỉ có nghĩa là "nhờ vào ai đó để có thêm được sức mạnh", như Từ điển tiếng Việt đã giảng.

      Xóa
  2. Trời ! Bài viết hay quá vì lần đầu tiên em mới học hỏi được cái từ : " Dừa ý " này nè ! Vậy cái câu : " Bạn ( anh , chị ...) thấy dừa lòng chưa ? " khi ai đó có ý trách móc một người vừa làm một việc không tốt hoặc không đúng thì có phải khi viết ra là " Dừa lòng " hay " Vừa lòng " anh Hiệp hén ? Hay do người Nam Bộ phát âm chứ thật ra chữ viết đúng là " Vừa lòng " anh Hiệp nhỉ ? Anh đừng cười em nhé ! Dốt chữ nên em mạo muội hỏi anh vậy đó ..hihi ...giờ em viết chánh tả sai nhiều lắm rùi !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, viết sai chánh tả thì nhiều người miền Nam mắc lỗi này chớ không riêng gì NangTuyet. Tuy nhiên khi bây giờ người miền Nam nói "dừa lòng", "dừa ý" thì tôi nghĩ là đang nói chữ "vùa lòng", "vừa ý", chớ không phải muốn nói "dừa lòng", "dừa ý" như nghĩa của từ điển Annam Latinh đã nêu. Bởi nghĩa chữ "dừa" với nghĩa là "theo" như từ điển Annam Latinh viết đã mất dấu trong tiếng Việt hiện đại.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))