Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Hình gì đây?

Ảnh Internet.

Đây là một tấm ảnh chụp từ ngày xưa đăng trên báo LIFE thời đó, ảnh khá ấn tượng, ngộ nghĩnh, chụp những người đàn ông ngồi vắt vẻo trên một hàng rào sắt, có vẻ như đang chăm chú theo dõi một cái gì đó phía trước mặt. Tuy ảnh chụp từ sau lưng, nhưng có lẽ ta dễ dàng nhận biết đây là những người bình dân, hoặc có dáng vẻ nông dân, trên đầu họ đội chiếc nón cối thực dân, hay những chiếc mũ nỉ có vành quen thuộc một thời, và điều khá đặc biệt là đầu họ mũ đàng hoàng nhưng chân đi đất chứ không mang giày dép chi cả.

Nhưng các bạn có biết họ đang ngồi theo dõi điều gì xảy ra trước mặt không? Chắc khó lòng có thể đoán được, nếu ta không tận mắt nhìn thấy cảnh này. Đây là một hình ảnh ít ra cũng phải có trên nửa thế kỷ nay ở Sài Gòn, hình ảnh này vẫn còn trong trí nhớ của tôi tuy đã rất lâu rồi. Nhìn hình thì tôi sực nhớ ngay ra nơi chụp, nơi mà thuở còn nhỏ gia đình tôi đã ở một thời gian dài tại khu vực này, và quãng thời gian đó cũng là một phần tuổi thơ của tôi.

Xin nói ngay, ảnh trên là chụp những người đàn ông đang xem đua ngựa tại Trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn một dạo. Bạn nào ở Sài Gòn lâu năm chắc biết Trường đua ngựa Phú Thọ (sẽ gọi tắt là Trường đua), đây là trường đua ngựa do người Pháp thành lập từ năm 1932 tại khu vực Chợ Lớn (nay thuộc quận 11). Nơi đây tổ chức những cuộc đua ngựa có cá cược ăn tiền, thời tôi còn nhỏ hình như là một tuần tổ chức đua một hoặc hai lần gì đó, vào thứ bảy, chủ nhật cuối tuần. Ngay từ khi vào Nam, ông cụ bà cụ tôi đã ở con đường trước mặt cổng chính của Trường đua (bây giờ là đường Lê Đại Hành). Vì ở ngay trước mặt Trường đua, nên hồi còn nhỏ tôi hay cùng đám nhóc tì trong xóm vào xem đua ngựa, Trường đua ngựa rộng mênh mông, trong đó có đồng cỏ, ao hồ... cho nên tụi nhóc tì tha hồ chạy nhảy, thả diều, bắt dế, chuồn chuồn, châu chấu, câu cá, và cả đá bóng...

Hồi đó có hai khán đài và hai cổng vào chia thành hai khu vực kế nhau dành cho những người xem đua ngựa. Khu vực khán đài và cổng vào dành cho Tây, giới trưởng giả có tiền của gọi là "Cổng nhà giàu", khu vực khán đài và cổng vào dành cho giới bình dân gọi là "Cổng nhà nghèo". Bên khu vực khán đài dành cho giới bình dân luôn có những người không thích ngồi  trên khán đài phía xa theo dõi cuộc đua, mà leo lên dãy hàng rào sắt gần sát đường ngựa chạy để nhìn cho rõ, như các bạn đã thấy trên ảnh.

Đua ngựa thời đó chủ yếu là cá cược ăn tiền, cho nên rất hấp dẫn đám thích máu me ở Sài Gòn và những vùng lân cận, cả giới nhà giàu lẫn giới nhà nghèo, từ anh có tiền của, bá hộ nhà quê, đám dân nghèo thành thị đến anh nông dân. Cứ mỗi buổi đua ngựa là người ta lại đổ về nườm nượp. Mỗi cuộc đua có chừng chục con ngựa chạy có đeo số, lúc tôi còn nhỏ thì người ta gọi những con ngựa bằng tên của những nhân vật trong truyện Tàu, chẳng hạn ngựa Triệu Tử Long, ngựa Lý Quỳ, ngựa Phàn Lê Huê... Về sau này lại lấy tên của những nghệ sỹ cải lương, tân nhạc thời đó mà đặt, như ngựa Út Trà Ôn, ngựa Thành Được, ngựa Mai Lệ Huyền...

Ở đó bao nhiêu năm tôi cũng chẳng hiểu rõ cách đánh cá cược ra sao? Hình như trước mỗi lần đua người ta bán vé dự đoán những con ngựa về nhất về nhì, cặp đôi cặp ba (cặp đôi là ngựa về nhất nhì, cặp ba là ngựa về nhất nhì ba).Khi trúng thì tùy theo số tiền đã đặt cược và số vé trúng mà chia thưởng. Thường những con ngựa hay, chạy giỏi hay về nhất, nhì, nhiều người đánh thì khi chia tiền được ít, nhưng ít ra đánh một đồng khi trúng cũng được năm mười đồng.  Nghe nói có những kỳ "ngựa về ngược", nghĩa là những con ngựa xưa nay chạy dở ẹc chuyên "cầm đèn đỏ" (về chót), tự nhiên hôm đó về nhất, những trường hợp này vì có ít người cá cược cho nên số tiền trúng thưởng rất lớn, nghe nói có những người trúng bằng cả một gia tài, nhưng cũng không ít kẻ máu me cá cược đến tán gia bại sản...










2 nhận xét :

  1. Có lẽ để tiện trèo và ngồi cho chắc mà những người xem bỏ dép hoặc giầy ra chăng?
    Dù sao bức ảnh cũng khá ngộ. Nom các bác ấy như bầy chim đậu trên dây điện!
    Cám ơn bác Hiệp đã giới thiệu về trường đua!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi nhỏ tôi ở nơi này, vào đây đá banh thả diều vui lắm.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))