Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Ký ức chữ nghĩa.



Thuở nhỏ tôi ở Sài Gòn, trong một khu dân cư lao động thuộc Chợ Lớn có khá đông người Hoa sinh sống. là khu lao động nghèo nên người dân gồm đủ mọi thành phần, làm đủ mọi nghề, công nhân viên chức quèn, dân làm ăn buôn bán nhỏ, các ngành nghề tiểu thủ công... và đến từ khắp mọi miền,,,

Ấn tượng đậm nhất của tôi là những người Hoa hàng xóm. Nhà cửa của người Hoa hồi đó tôi thấy luộm thuộm, nhếch nhác hơn của người Việt. Điều này có lẽ dễ hiểu, vì nhà của họ thường không phải chỉ để ở, mà còn có nhiều chức năng khác, như làm cửa tiệm buôn bán, kho chứa hàng, xưởng tiểu thủ công... Không hiểu sao trong nhà họ thường tối, ẩm thấp, có lẽ vì nhà phố hẹp lại thường chia thành nhiều gian, phòng nhỏ, hay vì tiết kiệm nên ít bật đèn? Trong nhà thường đặt nhiều bàn thờ ở khắp mọi nơi thắp mấy ngọn đèn đỏ tù mù... Còn nhỏ chưa suy nghĩ được gì nhiều, nhưng những gì mắt thấy, tai nghe đến nay qua hơn nửa thế kỷ thế mà vẫn còn in đậm trong tâm trí. Lũ nhóc tì lê la chơi trong xóm tôi có nhiều đứa con nhà người Hoa, tụi nó có những cái tên gọi phát âm không giống với tên đám nhóc tì người Việt, như A Chảy, A Pẩu, A Quây, A Lũ... Đám nhóc tì này hay, vừa nói rành tiếng Việt, lại vừa nói tiếng Quảng, tiếng Tiều nhanh như gió.

Có điều đám nhóc người Việt như tụi tôi phải đi học ở trường, thì đa số tụi nhóc người Hoa chẳng phải học hành gì cả, ngoài thời gian "lêu lổng" chơi đùa cùng đám con nít trong xóm thì tụi nó phụ giúp gia đình làm đủ mọi thứ lặt vặt, cái này thì rõ ràng tụi nó giỏi hơn đám trẻ con Việt. Những nghề mà đa số gia đình người Hoa làm để sinh sống, như làm mấy thứ bánh trái, sữa đậu nành, bào củ mì ngâm phơi thành bột, đan sọt tre, dập đinh, dập nút chai, bán tạp hóa, kể cả làm vựa ve chai... trừ một gia đình tương đối khá giả trong xóm không làm nghề lao động chân tay, hình như chú Tàu này làm quản lý một nhà hàng nào đó, mướn thày giáo về dạy cho mấy đứa con (mấy đứa này cũng ít khi được ra ngoài chơi đùa đất cát với tụi nhóc trong xóm), mà dạy tiếng Hoa chứ không phải tiếng Việt. Thỉnh thoảng tôi có đứng ngoài cửa nghe lóm được vài chữ mà giờ còn nhớ, chẳng hạn như "xiểu chẻ" là "tiểu thư", "cú nường" là "cô nương", "xính xáng" là "tiên sinh, ông thày"...

Tôi cũng còn nhớ thêm vài từ nữa mà hồi đó nghe mấy người lớn người Hoa rất hay nói, như "xín(h) xái", hiểu đại khái là "bỏ qua", "không hề gì", hình như chuyển sang tiếng Việt thành "xí xóa"?, "dẩm (nhẩm) xà" nghĩa gốc là "uống nước trà", "lì xì" có nghĩa là "tiền cho, biếu, tặng"... Những từ này là tiếng Quảng Đông. Thuở nhỏ sống chung trong khu xóm nhiều người Hoa chưa biết để ý gì mấy, khi lớn lên sống ở nhiều nơi khác, mới thấy họ "cực kỳ dễ chịu". Tôi nhớ là suốt cả gần 20 năm sống từ lúc mới lẫm chẫm biết đi đến lúc đã tạm khôn lớn, hình như chẳng bao giờ thấy họ cãi vã trong nhà, hoặc có điều gì mích lòng với hàng xóm, không biết có phải vì xa quê hương phải trôi dạt với thân phận "ăn nhờ, ở đậu, thân cô thế cô" mà họ thành ra như thế? Chừng như họ rất sợ dính líu tới tranh chấp, thưa kiện. Gặp bất cứ chuyện gì họ cũng cười hề hề "xín xái, xín xái", buôn bán đổi chác dễ dàng, lấy chữ tín làm đầu, không lừa ai, và thường chịu cho mình phần thiệt khi có chuyện gì xảy ra, điều này phải nói họ hơn người mình, và chắc chắn khác hẳn với đám đồng bào của họ ở lục địa bây giờ. Chuyện đưa một ít tiền gọi là "lì xì" để "dẩm xà" là chuyện bình thường và công khai, ngay cả đối với những quan chức nhỏ nhỏ bấy giờ như thày đội cảnh sát của khu vực. Họ buôn bán hay làm nghề mà thỉnh thoảng có chính quyền đến kiểm tra, chẳng sai phạm gì hết, nhưng người ra về thường có phong bao lì xì màu đỏ của ngày tết, đưa công khai chứ không dấu diếm, không phải là tiền hối lộ, như đã nói gọi là "lì xì" để "dẩm xà", tiền này thường đúng nghĩa đủ để uống nước , đổ xăng, không nhiều.

Nhưng lớn lên nghe nói họ cũng rất điệu nghệ, biết điều trong những "phi vụ" lớn hơn trong làm ăn, buôn bán. Chẳng hạn như hồi đó có vụ "bắt quân dịch", nôm na là "bắt lính". Trong xóm tôi gần như mấy thanh niên người Hoa lớn lên đến tuổi quân dịch đều trốn, mà họ vẫn cứ ở nhà ngày ngày làm việc, dĩ nhiên phải kín đáo. Đêm đến hồi đó cảnh sát, quân cảnh hay đập cửa vào kiểm tra nhà, nghe nói những thanh niên này trốn vào tủ áo, chui vào cái lu nước cạn, hay chui lên trần nhà, tay họ cầm sẵn tiền đưa ra hay đặt trên đầu, thày đội cảnh sát có mở tủ, leo lên trần, hay mở nắp lu cứ thế mà lặng lẽ cầm đút túi, coi như không có chuyện gì xảy ra... Một hai thanh niên khác đến tuổi thấy có đi lính, nhưng là lính kiểng, vẫn mặc bồ đồ kaki hồ ủi thẳng tắp nhưng ở nhà nhiều hơn đến nhiệm sở... Dĩ nhiên nghe nói phải chạy nhiều tiền... Chợ Lớn ngày trước mà trung tâm là quận 5 tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn chơi, kho hàng, nhà hàng, hãng xuất nhập cảng, xưởng tiểu thủ công nghiệp, nhà máy công nghiệp nhẹ... của người Hoa. Nghe nói hồi đó phải là "con ông cháu cha" hoặc phải chạy rất nhiều tiền mới làm được chức vụ quận trưởng quận 5. Chỉ một thời gian ngắn thôi là đã lấy lại vốn và sau đó là tha hồ kiếm lời...

Tự nhiên hôm nay nhớ lại ý nghĩa vài chữ, mà cho tới tận bây giờ đã về già, tôi "tâm đắc" nhất là hai từ "xín xái" (bỏ qua, không hề gì...), hình như điều này có vẻ như ít nhiều tương đồng với mấy từ trong triết lý Phật giáo là "buông xả"...?





6 nhận xét :

  1. Có lẽ từ "lì xì" (cho tiền trẻ con ngày Tết) là từ dùng phổ biến ở miền Nam. Ở ngoài Bắc trước kia tôi thường nghe nói "phát vốn" và "mừng tuổi". Nhưng vì nhà quê nghèo nên cũng chẳng mấy khi được người lớn cho ( mừng) tiền. Tôi chỉ đọc sách mà biết. Cám ơn bác Hiệp về kí ức thú vị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ đúng như bác Vũ Nho nhận xét, "lì xì" dùng phổ biến ở miền Nam, nơi có nhiều người Hoa, âm Quảng Đông, âm Hán-Việt viết là "lợi thị" (利市). Đó là một bao giấy đỏ bỏ tiền vào để làm quà tặng, thường là vào dịp tết nguyên đán, hoặc mừng cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, khai trương... Đúng với ngoài Bắc gọi là "phát vốn", "mừng tuổi"...

      Xóa
  2. Bài viết hay quá anh Hiệp ơi ! Đọc bài xong là em lại nhớ đến khoảng thời gian gia đình em sinh sống ở khu vực chợ Ông Tạ . Ở đó đa số cũng có nhiều người Hoa . Họ rất hiền lành và chân thật ...và giống như anh nói nhà cửa của họ nếu vào bên trong thì ôi chao bề bộn lắm . Điển hình là em có người dượng . Ông ấy là người Tiều . Ông nói tiếng Việt bập bẹ không rành . Nhà cửa thì ôi chao chất đầy đồ đạc vì cô và dượng của em bán nước giải khát như sâm bổ lượng , chè đậu đen , đậu đỏ ...ở trong khu vực nằm trong chợ Bàn Cờ . Giờ nhắc lại em rất nhớ Cô Dượng của em vì hai người đã đi xa rồi ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Tiều ở Saigon thường kinh doanh trong lãnh vực thực phẩm, ngày xưa tôi ở nhà kế bên là gia đình người Tiều, quanh năm họ làm loại bánh men hình con sâu cong cong, đến mùa Trung thu thì làm bánh nướng, Tết làm mứt gừng, mứt bí... Bánh mứt của họ ăn ngon nhưng nếu nhìn thấy lúc họ làm thì không dám ăn nữa. Họ nhồi bột làm bánh nướng mùa Trung thu trong cái thùng rất to, mà người thợ cởi trần trùng trục mặc cái quần tà lỏn đứng trong cái thùng ấy nhồi bột bằng... hai chân, mồ hôi mồ kê thi nhau nhỏ... Ấy xem chừng bởi vậy mà bánh mới ngon :-(
      Còn Tết họ ngâm gừng, bí... cũng trong mấy cái thau to đùng mấy ngày trời chẳng có đậy điệm gì cả, xác gián nổi lềnh bềnh...
      Lâu lâu nhớ anh em bà con ha NangTuyet :-)

      Xóa
  3. NHư vậy là người Hoa rất thực tế, có nhiều phẩm chất tốt hơn người mình anh H nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Hoa ngày xưa ở Saigon rất thực tế, cả thực dụng. Họ không bao giờ vơ hết vào mình, mà luôn nghĩ đến lợi ích của người khác nữa, dĩ nhiên là hòa hợp với lợi ích của họ (kiểu người này có cơm ăn người kia có cháo). Còn tụi lục địa bây giờ từ vua quan tới dân thật là kinh hãi, hình như mình bị ảnh hưởng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))