Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Ý nghĩa của "củ mật" trong "Tháng củ mật"?



Sáng 27 tết, tôi coi một chương trình sớm trên tivi, thấy cô xướng ngôn viên và khách mời (một vị tiến sĩ) nói chuyện về "Tháng củ mật". Theo như cách hiểu thông thường trong xã hội, thì khẩu ngữ "Tháng củ mật" là tháng cuối cùng trong năm (Âm lịch), đó là tháng Chạp (tháng mười hai ta). Tháng cuối cùng của năm ta là một tháng khá đặc biệt với người Việt, xưa trong xã hội nông nghiệp là thời gian đã thu hoạch, trồng trọt xong, trong nhà đã có của ăn của để, lo sắm sửa chuẩn bị ăn tết. Thời gian này cũng là lúc trộm cắp hoành hành, nhòm ngó, đục tường khoét vách.

Tại sao gọi là "củ mật", thì vị tiến sĩ giải thích, củ mật là một loại củ đắng (mật = đắng), ý nói  đại khái ngày xưa nếu tháng này mà người dân không cảnh giác trộm đạo, nếu bị trộm viếng nhà sẽ nhận được một kết quả "đắng" như ăn phải "củ mật". Nghe giải thích tôi chợt nhớ đến bà cụ của tôi, ngày xưa khi còn nhỏ tôi cũng hay được nghe cụ nói "Đắng như củ mật". Có lẽ có một loại củ có vị đắng mà dân gian xưa ví von như thế?

Từ trước đến nay thỉnh thoảng tôi cũng có nghe, hoặc đọc được trong sách nói về "Tháng củ mật" với ý nghĩa là tháng cuối năm, coi chừng trộm cắp viếng nhà, chứ không quan tâm lắm về ý nghĩa của từ ngữ. nay nghe giải thích thế tôi thử đi tìm ý nghĩa từ nguyên xem sao.

1. Trước hết là cách giải thích "củ mật" là một loại "củ đắng". Tôi thử tra tìm trong sách vở, những quyển từ điển thành ngữ, tục ngữ, chỉ thấy có "Đắng như bồ hòn", hoặc "Đắng như mật cá mè", không thấy nói "Đắng như củ mật", kể cả từ điển Bách khoa Nông nghiệp, chỉ có "củ một", tên gọi khác là "củ bình vôi" một loại củ để bào chế thuốc theo dân gian. Trong từ Hán-Việt thấy có từ khổ qua  có nghĩa là mướp đắng (khổ=đắng, qua=quả mướp). Tuy nhiên nếu sách vở chưa  có (hoặc không) nói đến, cũng chưa thể khẳng định là không có "củ mật".

2. Tra trên mạng, thấy giải thích "củ mật" là từ Hán-Việt, rút gọn từ "củ sát nghiêm mật". Từ điển Hán-Việt trích dẫn cho biết:

糾察 củ sát
○  Coi xét lỗi lầm của người khác, kiểm soát. ◇Liêu trai chí dị Lưu hỉ chi, ư thị củ sát tốt ngũ hữu lược thủ phụ nữ tài vật giả, kiêu dĩ thị chúng  (Thái vi ông ) Lưu cho là phải, thế là kiểm soát đội ngũ, kẻ nào cướp bóc của cải, bắt ép phụ nữ đều bị đem chặt đầu bêu lên cây để răn dân chúng.

嚴密 nghiêm mật
○  Chặt chẽ, không sơ hở, chu đáo.
○  Nghiêm ngặt, gắt gao. ◇Hồng Lâu Mộng Mỗi tư tương hội, chỉ thị phụ thân câu thúc nghiêm mật, vô do đắc hội  (Đệ thập tứ hồi) (Bảo Ngọc) vẫn mong gặp mặt, chỉ vì cha câu thúc nghiêm ngặt quá, nên chưa được gặp.

Qua xem xét, ta thấy có hai cách giải thích từ "củ mật" như nêu trên, 1. là cách giải thích "củ mật" là một loại củ có vị đắng, như của vị tiến sĩ trên tivi, 2. "củ mật", là từ rút gọn của từ Hán-Việt "củ sát nghiêm mật", có nghĩa là "kiểm soát, chặt chẽ, không sơ hở".

Và ngày nay thì "Tháng củ mật" không phải là chỉ đề phòng, coi chừng kẻ gian trộm cắp, mà còn phải đề phòng chuyện cháy nổ (trong vòng một tuần lễ trở lại đây đã có vài vụ cháy nhà nghiêm trọng ngay giữa trung tâm Saigon), đề phòng chuyện liên hoan, ăn nhậu lu bù, say xỉn dẫn đến ngộ độc thực phẩm (thực phẩm "bẩn" giờ quá nhiều, thịt thối vào tận nhà hàng chứ không còn ở hàng quán vỉa hè, rau muống thì phun nhớt, rượu giả tràn lan...), chuyện "rượu vào lời ra", ẩu đả, tai nạn xe cộ, cao hứng bài bạc cháy túi...





33 nhận xét :

  1. Ồ bác Hiệp ơi, đêm qua trộm mó vào nhà em, bác có biết chuyện gì xẩy ra không?
    Đêm nghe chó sủa dữ lắm, em nằm im thin thít để "bảo toàn tính mạng". Sáng ra vội vàng đi kiểm tra một vòng thì thấy cái bì động đậy, hoảng hồn tưởng tên trộm chui vào bì để ...ngủ. Em lấy cái cọc gỗ đánh một phát, nghe tiếng quang quác. Hóa ra là gà. Chẳng biết sao chúng lại để gà đó bác ạ. Chắc chúng nghĩ nhà cô giáo chưa có gà ăn tết? Ha ha...Tháng củ mật, nhưng mà là mật ong!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cực... hài. Có 2 tình huống trong chuyện này:

      1. Anh chàng nào đó... để ý cô giáo mà không dám tỏ, đêm qua liều mạng mang 1 con gà đựng trong cái bì (bao bì, bị...) đến bỏ vào sân nhà cô giáo.
      2. Hoặc gã trộm nào đó đi ăn trộm không coi ngày, đã "thó" được con gà của nhà ai, định tạt ngang nhà cô giáo kiếm chác thêm chút đỉnh, ai ngời chưa kịp ra tay thì chó sủa, sợ động tịnh bỏ luôn cả con gà đã trộm được trước đó tẩu thoát.

      Ậy, số hên lắm đó. Ngon nữa coi con gà trống hay mái, "bao" luôn lô đề biết đâu số hên thành... tỉ phú :-)))

      Xóa
    2. Hì...dừng lại đó để bác Hiệp suy luận chơi ấy mà. Đúng là bác đã suy luận rất chính xác. Khi thấy bì gà (khoảng đâu gần chục con), em đã hét toáng lên, vừa lúc nhà hàng xóm kêu mất gà. Thật may là vì nặng quá và bị chó đuổi nên chúng đành bỏ của chạy lấy người bác ạ.
      Năm nào gần tết xóm em cũng bị mất gà, mất chó.Tháng củ mật!

      Xóa
    3. Cái chuyện mất gà, mất chó không hề nhỏ, biết bao nhiêu tên trộm kiểu này đã bị người dân đập chết mà vẫn không sợ.

      Vậy ra cái bì gà cả chục con là của hàng xóm, tưởng chỉ có một con thì làm nồi cà ri cũng hay :-)

      Xóa
  2. Chương trình cà phê sáng 27 tết có nhà báo Hồng Cư hỏi chuyện tiến sĩ Lê Thẩm Dương về tháng củ mật. Ông Dương bảo củ mật là một thữ củ rất đắng, bu tui thấy nghi ngờ lắm. Củ mật được rút gọn "củ sát nghiêm mật" thì đúng hơn. Ông Dương nhầm lẫn củ của Hán Việt với củ chữ nôm chỉ củ khoai củ sắn. Trừ vụ nhàm và nói đại này ra, ông Thẩm Dươmg là người lý luận chặt chẽ tỏ ra người có học hành tử tế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng nghiêng về cách hiểu "củ mật" là từ "củ sát nghiêm mật" hơn là "củ mật có vị đắng" như vị TS kia nói, nhưng chưa tìm được cơ sở chắc chắn nên vẫn nêu ra 2 cách giải thích như trên.

      Xóa
    2. Tiếc là không theo dõi chương trình TV từ ban đầu (nên không nghe vụ củ đắng), nhưng đọan sau thì tôi thấy ông Dương nói nội dung tháng củ mật theo ý "củ soát nghiêm mật" đấy chứ. Ông ấy còn nói là phải "củ mật" mọi ngày mọi tháng trong năm chứ không cứ gì tháng Chạp.

      Xóa
    3. xin sửa "củ soát" là "củ sát" cho đúng.

      Xóa
    4. Ông Dương nói ý nghĩa của "Tháng củ mật" thì đúng rồi cụ Nô, nhưng đoạn đầu ông ấy giải thích nguồn gốc của từ "củ mật" là một loại củ rất đắng, từ đó ví von ra "Tháng củ mật" phải coi chừng trộm đạo, và phải "củ mật" cả năm chứ không riêng gì tháng chạp.

      Riêng về nguồn gốc của từ "củ mật" là loại củ đắng để từ đó ví von, thì tuy tôi có ngả về từ Hán-Việt "củ sát nghiêm mật" hơn (60%), nhưng 40% còn lại tôi vẫn đặt vào "củ mật" là loại củ đắng, bởi lẽ "Tháng củ mật" là một khẩu ngữ dân gian, có thể là từ những con người dân dã mà ra, họ ví von như thế. Người dân (dân dã) xưa nói chung ít rành về chữ nghĩa, họ không suy nghĩ và ăn nói "hàn lâm", có nhiều khẩu ngữ, hoặc thành ngữ, tục ngữ từ dân dã rất giản dị, mộc mạc, nghĩ sao nói vậy...

      Có điều bây giờ không sao tìm được những căn cứ để giải thích cho thỏa đáng.

      Xóa
  3. đ/c: Nhầm và nói đại....

    Trả lờiXóa
  4. Thật là thú vị về chuyện củ mật. Bác Hiệp có đủ mọi loại từ điển mà không tìm ra củ mật là củ gì, vị nó đắng ra sao. Nếu hiểu mật là mật ngọt thì CỦ MẬT là củ ngọt, là thứ mà các tay trộm cắp tha hồ chôm, tha hồ đào để kiếm ăn. Mật là củ đắng thì người mất của, ăn phải củ đắng... Trong ngôn ngữ nói của ta, chỉ thấy nói XƠI QUẢ ĐẮNG ( bị một vố cay đắng) chứ chưa thấy ai nói hoặc viết XƠI CỦ ĐẮNG! Bởi vậy cái câu rút gọn "củ sát nghiêm mật" nói về chuyện cần phải kiểm soát, canh phòng nghiêm ngặt có lẽ hợp hơn. Tôi cũng nghiêng về ý này. Có lẽ ông TS kia không rành chữ hán và tinh thần dân tộc cao, nghĩ mãi không ra củ mật là củ gì, bèn giải thích củ mật là củ ĐẮNG. Nếu tôi bảo củ mật là củ NGỌT, thì tôi sẽ giải thích là ngọt ngào với những tay trộm cắp. Tháng ấy là tháng làm ăn, kiếm bẫm của chúng! Có lẽ vì không biết, và không có sách vở để tra, nên giải thích hơi bị " liều" như bác Bu nói. Theo một tinh thần thận trọng và khoa học, thì nhẽ ra cần nói nước đôi, và phải dẫn cả câu chữ hán như bác Hiệp. Rồi thì kết luận là có thể có hai khả năng...Hoặc là nghiêng về một trong hai khả năng. Nói như đinh đóng cột...quả là thiếu thuyết phục! Ai nói thì cũng vẫn cứ bị nghi là " Nhầm và nói đại" như bác Bu kết luận!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui hoàn toàn nhất trí với bác vũ Nho.
      Hehe khi mô đó bu tui sang bác Vũ Nho nói vài câu về "xâu đèn hạt bưởi" của nhà thơ Hoàng Trần Cương.

      Xóa
    2. Khi được nghe nói củ mật là củ có vị đắng, tôi nhớ hôm đó cô xướng ngôn có hỏi lại vị TS là củ mật có giống củ ấu không? Vị TS chỉ trả lời là củ mật rất đắng mà không xác định củ mật đắng ấy là loại củ gì và để làm gì? Tôi cũng nghĩ có lẽ đây chỉ là suy đoán của ông ấy, bản thân chắc ông ấy cũng không biết đó là củ gì.

      Tôi đã cố sức tra tìm trong sách vở, từ điển, mà không sao tìm ra tông tích củ mật, chỉ thấy nói có loại củ gọi là củ mật nhân, có vị đắng dùng làm thuốc.

      Tuy nhiên như bác Vũ Nho phân tích, mật tiếng Việt còn có nghĩa là ngọt, cho nên khi suy luận và khẳng định mật là đắng thì không thuyết phục.

      Tôi xem nhiều lần, cũng nhận thấy như bác Bu, vị TS kia rất giỏi về phân tích tâm lý, nhưng qua câu chuyện này thì hình như ông ấy không giỏi về từ ngữ, một cuộc trò chuyện phỏng vấn như thế là phải chuẩn bị từ trước, chỉ cần gõ trên mạng là nắm được cái cơ bản của vấn đề, và khi lên tivi ta nêu luôn 2 cách hiểu là được.

      Xóa
  5. Em kính chúc anh cùng gia đình một năm mới được dồi dào sức khỏe , gặp nhiều may mắn và vạn sự như ý anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NangTuyet rất nhiều, tết đến rồi, bên VN tết chắc chắn vui hơn bên Tây. Nhưng tôi chắc thể nào NangTuyet cũng chuẩn bị trong nhà một cái tết tươm tất.

      Thân chúc NangTuyet và gia quyến năm mới HẠNH PHÚC và SỨC KHỎE.

      Xóa
    2. Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé . Dạ , em cũng đón giao thừa và nấu cơm chay để cúng cho ba của em trong 3 ngày Tết đó anh Hiệp ạ . Thế nên em cũng loay hoay miết thôi , nhưng rất vui vì trong cái Tết xa nhà ít nhất cũng có ba bên cạnh ...

      Xóa
    3. Sáng mùng Một, thân chúc NangTuyet có những thời gian ấm áp bên người thân.

      Chúc Bạn Bè một năm An Lành.

      Xóa
    4. Dạ , em cảm ơn anh rất nhiều .

      Xóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Cháu xin chúc bác Hiệp và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành công.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Bố susu, sức khóe thôi cũng là tốt lắm rồi.

      Năm mới mọi việc hanh thông nhé.

      Xóa
  8. Năm mới, em kính chúc bác Hiệp luôn khỏe cái chân để đi đường sách, khỏe cái tay để bấm bàn phím, khỏe cái mắt để đọc từ điển, và các bộ phận khác đều....cường tráng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha! Thế là nhứt xứ rồi, nói chung mọi thứ đều phẻ là ăn tiền.

      Năm Mới Năm Me (lẽ ra phải là mới mẻ mà người ta hay nói "me") mọi chuyện hanh thông tốt đẹp nhé Cô giáo :-)

      Xóa
  9. Một năm phía trước đầy an lành - Hạnh phúc bác Hiệp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Lão Tân, cũng xin chúc Lão nhiều điều như ý trong năm mới :-)

      Xóa
  10. Chúc Bác H và gia đình một năm mới bình an và mọi điều tốt đẹp bác H nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Marg. năm mới chúc Marg. và quý quyến AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

      Xóa
  11. Năm mới Bính Thân, chúc chủ trang Phạm Ngọc Hiệp và các bạn đọc của trang nhiều niềm vui, nhiều may mắn, nhiều hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho. Năm mới Sức khỏe - Tài lộc nhé bác.

      Xóa
  12. Chúc chủ nhà và bạn đọc vạn sự như ý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu, Vạn sự như ý thì tốt quá rồi. Sang năm mới thân chúc hai bác và toàn gia luôn khỏe mạnh, muốn gì được nấy :-)

      Xóa
  13. Cử mật là kiểm soát nghiêm mật thì đúng hơn... Chả biết bác TS lấy cái củ mật đắng ở đâu ra.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lấy ra cũng được, nhưng phải có chứng cứ giải thích cặn kẽ, còn không có thể nói như vầy, trong dân gian cũng có người hiểu củ mật là một loại củ có vị đắng... Không nên khẳng định.

      Vừa qua có tin đào được cái ấn ở Hoàng thành, đọc thấy có GS. TS qua một vài khảo sát, đối chiếu sách vở qua loa kết luận đó chính là ấn đền Trần. Vậy là không được, ngoài đối chiếu sách vở còn phải làm thực nghiệm khoa học... nói chung là phải rất cẩn trọng trước khi đưa ra kết luận.

      Chắc Toro còn nhớ vụ mấy hạt lúa đào được cũng ở dưới lớp đất khảo cổ Hoàng thành, người ta reo lên giống lúa xưa, gieo nảy mầm lại càng thấy sướng, ai dè xét nghiệm khoa học thì ra lúa... đời nay.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))