Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Trò chơi dân gian ngày Tết.

Một quả Phết xưa được lưu giữ thờ trong đình. Ảnh Internet.

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết. Mùa xuân, ngày Tết xưa kia là mùa của lễ hội, của những trò chơi dân gian. Một trong những trò chơi đó đã hiện diện bao đời nay trong câu nói của người dân, đó là khẩu ngữ "Vui ra Phết". Xưa hồi tôi còn nhỏ chuyện gì vui quá hay nghe người lớn nói "Vui ra phết", nghe thì biết thế nhưng không biết vì sao lại "Vui ra Phết?", "Phết" là cái gì?. Hồi đi học trung học tại Saigon trong giờ học, có lần được nghe vị giáo sư dạy Việt văn (xưa thày dạy trung học gọi là giáo sư) giải thích, đại khái đánh Phết là một trò chơi dân gian trong lễ hội tại miền Bắc ngày trước, thường được tổ chức vào dịp xuân về. Đây là một trò chơi có tính tập thể, rất vui, khẩu ngữ "Vui ra phết" từ trò chơi này mà ra.

Trong sách Hội hè đình đám của nhà văn Toan Ánh viết về trò chơi Đánh Phết như sau:

Nói đến vật, một môn du hí có từ thời hai Bà không thể không nói đến Đánh Phết, cũng là một môn du hí xuất hiện đồng thời với đánh vật. Môn du hí này, hai Bà dùng cho quân sĩ luyện tập, vừa để giải trí vừa để gây thêm tinh thần hăng hái cho ba quân.

Khi đánh đuổi quân Tô Định, hai Bà có những đoàn nữ binh can đảm và anh hùng không kém những đoàn quân phái khỏe. Trong những ngày thao luyện, các đoàn nữ binh có một môn du hí đặc biệt vừa ầm ỹ vừa phấn chấn tinh thần chiến đấu của mọi người, đó là Đánh Phết.

Ai có dịp xem các đội khúc côn cầu biểu diễn, có thể tưởng tượng đến đánh Phết một cách dễ dàng, vì môn đánh Phết cũng tương tự như môn thể thao khúc côn cầu, có điều chơi đánh Phết khỏe mạnh hơn, ồ ạt hơn. Quả Phết bằng gỗ tròn và to bằng một chiếc bong bóng trâu thổi phồng, nặng vứa sức chơi.

Để Đánh Phết, phải dùng những gốc tre đực đào cả củ, đánh bỏ hết rễ. Mỗi gốc tre dài khoảng một thước ngày nay và củ tre uốn khoăm khoăm. Người chơi Phết phải có sức mang nổi chiếc gậy gốc tre, dùng những gậy đó phang vào quả Phết bằng đầu có củ tre. Quả Phết lăn theo sức gậy, cũng có khi bị củ tre kéo móc đi.

Những người đánh Phết chia làm hai phe, nhiều ít tùy theo số người dự cuộc. Phết chơi trên khu đất rộng, gọi là sân Phết, phân chia làm hai phần, mỗi phần về phía cuối sân có vẽ vôi một vòng tròn hoặc đào một hố có thể lọt quả Phết xuống.

Đánh Phết, người bên nọ dồn Phết về phía bên kia, bao giờ quả Phết lăn vào vòng tròn hoặc cái hố của bên kia là thắng. Trong khi chơi, phải liệu tránh những đòn phang rất mạnh của phía địch vào quả Phết, lại phải khéo léo đưa hoặc kéo quả Phết về phía sân địch.

Vừa đánh Phết vừa tha hồ reo cười để cuộc vui càng hoạt động.

Xưa kia, tương truyền rằng mỗi khi nữ binh chơi Phết, hai Bà Trưng thường ngự lãm và thường treo giải cho bên nào thắng.

................

Để ghi nhớ thời kỳ oanh liệt của hai Bà Trưng, những làng có đền thờ các vị danh tướng thời ấy đều có giữ lại tục Đánh Phết, và nhiều làng không thờ những danh thần ấy cũng có cái môn thú vị này.

Ngày xưa chơi Phết toàn là đàn bà con gái, nhưng về sau này dưới thời Pháp thuộc, tại nhiều làng như các làng Bích Đại, Thượng Lạp... làng cắt trai tráng đóng giả nữ binh để chơi Phết trong ngày hội.

Chơi Phết rất vui, đúng với Vui ra Phết. Trong ngày hội, Phết chơi ở trước sân đình. Chính giữa sân Phết, có một vòng tròn là nơi để quả Phết trước cuộc vui.

Thực ra người ta không chỉ nói "Vui ra Phết", mà còn nói "Khéo ra Phết", "Hay ra Phết"... Rõ là ngoài "Vui ra Phết", thì những người chơi Phết khi xưa còn phải rất "khéo" và "hay" ở chỗ tranh giành, lừa, chuyền, cuối cùng là đánh được quả Phết lọt xuống cái hố, hay vòng tròn ở cuối sân đối phương (tựa như ở môn bóng đá đưa được trái bóng vào khung thành địch thủ).

Đây là một trò chơi dân gian khi xưa, như ta đã thấy tương truyền là cách luyện nữ binh của hai Bà Trưng, mang tính chiến đấu, nâng cao sức khỏe, rèn luyện sự khéo léo, vừa có yếu tố cá nhân lại vừa mang tính đồng đội cao. Chả bù cho những năm gần đây, người ta đã tái hiện lại trò chơi Phết, nhưng với tính chất "cướp Phết", giống như cướp cầu trong trò chơi gieo cầu... Kẻ cướp được quả Phết như hình bên dưới (màu đỏ, giống như trái... bi da), chưa phải là hết, những người khác sẽ xông vào anh ta để giành giật tới cùng...

Trò chơi cướp Phết (như cướp cầu trong gieo cầu). Ảnh Internet.

Trò chơi cướp Phết ngày nay. Ảnh Internet.

Một "phiên bản" khác tái thể hiện trò chơi đánh Phết, có sử dụng cây gậy "cù ngoéo" để đánh Phết như ngày xưa, nhưng lại không có hai đội đưa quả Phết vào hố hay vòng tròn của đối phương. Sau khi làm lễ, quả Phết được vị bô lão bỏ xuống cái hố và người ta xông vào cướp quả Phết đó. Những người cầm gậy là những người bảo vệ quả Phết, cái này còn "ác chiến" hơn nữa, cây cù ngoéo này mà lỡ bổ vào đầu ai thì chỉ còn có nước... á khẩu mang đi cấp cứu gấp (thực tế đã có kẻ tranh giành đến bất tỉnh, mang thương tích).

Nếu trò chơi Đánh Phết ngày xưa đầy tính nhân văn, mang tính luyện quân, rèn sự khéo léo, tinh thần thượng võ... thì trò chơi cướp Phết ngày nay lại nhuốm màu bạo lực, tranh giành, mang nặng tính máu me "ăn thua đủ"... như ta đã thấy trên hình.



Ghi chú;

- Theo Đánh Phết, trong Hội hè Đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.




26 nhận xét :

  1. Hi hi, đọc xong thấy mình cũng vui ra phết. :)

    Trả lờiXóa
  2. phết xưa và nay khác quá trời quá đất, nhắc đến cướp phết thì trong đầu cháu toàn nghĩ đến cảnh bạo lực trong thời gian vừa qua. Quá sợ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết từ lúc nào người mình trở thành hung hăng quá đáng như thế này, ngay cả trong cái gọi là trò chơi lễ hội...

      Xóa
  3. Bài viết của Anh gìn giữ được câu nói tưởng đã quên ở Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những câu nói như thế này bây giờ không thấy giới trẻ nói nữa.

      Xóa
  4. Ở quê con bây giờ câu này vẫn là những câu cửa miệng. Ý để "phụ họa" cho một câu nói, câu cảm thán nào đó có nghĩa tốt lành, tích cực. Như: Vui phết, hay phết, tốt phết, đẹp phết, ngon phết...
    Và nhờ bài viết của bác con mới hiểu từ "phết" nó bắt nguồn từ trò chơi phết này. Và, ngày nay thì trò cướp phết, chơi phết con xin miễn bàn. Máu me, và bạo lực.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nọ trên tivi trong mộ chương trình nấu ăn tôi vẫn còn được nghe cô gái gốc Bắc nói "Mẹ con nấu ăn ngon ra phết". Nói chung từ này hình như người miền Nam không xài, cho nên hầu như không nghe dân Saigon nói.
      Năm nay may ra mấy trò chơi mang tiếng dân gian nhưng nhiều bạo lực sẽ bớt, chẳng hạn trò chém lợn. Ngoài Bắc rất nhiều lễ hội dịp xuân, nhưng tiếc thay một số lại mang tính bạo lực. Ngay cả lễ hội không bao lực như "Xin ấn đền Trần" rồi cũng hóa ra chen lấn bạo lực :-(

      Xóa
    2. Nhân tịên từ Phết. Con muốn nhảm bàn thêm chút. Ngoài Vui phết ra thì ở quê con có thể thay từ Phết bằng từ "Đáo để". Vui đáo đêd, hay đáo để, khôn đáo để. Từ "Đáo để" dùng ở đây không phati chỉ tính cách con người.
      Phải chăng nó cũng bắt nguồn từ trò chơi "đánh đáo" hả bác? :))
      Mấy trò chơi dân gian giờ mang tính ăn thua đủ của đám thanh niên hơn bác àh. Xưa nó là để rèn luỵen thân thể, sức khoẻ. Nay là rèn luyện "máu nóng".hic hic.

      Xóa
    3. Từ "đáo để" có phải bắt nguồn từ trò chơi "đánh đáo"? ý của HT cũng hay lắm. Ngày xưa trè con quanh năm chơi "đánh đáo", và hội làng cũng có chơi những trò đánh đáo. Để tôi coi lại rảnh viết thêm một bái nữa về chuyện này. HT chờ xem.

      Xóa
    4. Dạ.con chờ và rất hoan nghênh thiện chí này của bác. :))). Cám ơn bác ttước.

      Xóa
  5. Hôm nay em mới biết hóa ra từ "phết" nó lại sinh ra từ một đồ chơi. Nhưng giờ nó được dùng đâu phải hay phết, vui phết, khéo phết mà cái gì cũng phết được: ngôn phết, đẹp phết, mạnh phết, ác phết,hiền phết, nóng phết, lạnh phết.... Nam Cao còn viết: Trông lão tâm ngẩm thế chứ cũng ra phết chứ chẳng vừa đâu... . Từ bỏ trống trước từ phết đó có thể là: ác, gian. (Đây là câu Binh Tư nói về lão Hạc khi kể chuyện lão xin bả chó)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Saigon thì giờ hiếm thấy dùng từ Phết, vậy ra nó đã được "phát triển" thành cái gì cũng "phết" hết, hì hì!
      Đọc trên báo thấy ngoài Bắc lạnh teo xương, ở Nghệ An có chỗ núi cao còn có băng tuyết, chỗ NT miền núi chắc cũng lạnh lắm ha?

      Xóa
    2. Lạnh teo xương! Bác Hiệp dùng từ hay phết! Ở Quỳ Hợp có nơi xuống đến 2 độ bác ạ. Ở chỗ NT thì đang ở mức 6 - 7 độ nhưng mà teo toàn phần rồi bác ơi! Teo từ ngoài vào trong nên xương chắc cũng ...teo lại vậy! Bằng chứng là đêm nằm không duỗi chân ra được. Hì hì...

      Xóa
    3. Ngày xưa tôi ở Pleiku, Kontum, có năm gần tết trời còn chừng 15 độ mà đã thở ra khói, đêm ngủ phải chui vào cái túi ngủ của Mỹ. Có lần nửa đêm thức giấc thấy cái gì lục cục, thì ra trời lạnh con... chuột cũng chui vào ngủ ké, hì hì!

      Nói chung bây giờ là... teo toàn phần luôn phải không NT, hà hà!

      Xóa
  6. Ah ...bây giờ thì em mới hiểu rõ nguồn gốc xuất phát của khẩu ngữ "Vui ra phết" rồi . Hay quá anh Hiệp ạ . Mỗi ngày được mở mang trí tuệ thì thật là thích vô cùng . Mà trò chơi rõ là mang tính dân gian và hay hay mà lại vừa ngồ ngộ ...hihi ...tuyệt nhất đó lại là trò chơi dành cho phái nữ ! Phái nữ thời xưa còn có sức để kéo phết ...còn phái nữ ngày nay thì ...chắc là khó lắm đấy ! Cứ nhìn hình ảnh trò chơi ngày nay mà phát khiếp luôn ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phái nữ thời Bà Trưng, Bà Triệu là cỡi voi chiến đấu ấy chứ NangTuyet, "nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ" này, hì hì!
      Còn trò chơi "cướp" ngày nay thì thật kinh khủng, nhưng mà có người có trách nhiệm lại nói đấy là "cướp có văn hóa", tếu thật!

      Xóa
    2. Ôi giào ...nghe mà nực cười gì đâu há anh Hiệp nhỉ ? Cuộc sống khiến con người có tư tưởng ngày càng trở nên " quái lạ " gì đâu ....

      Xóa
    3. Con người thời "hiện đại" ra thế, hì hì!

      Xóa
  7. Vào đây đọc mới biết trò chơi đánh phết ngày xưa . Bây giờ nghe nói lễ hội là tránh xa , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái ăn theo lễ hội cũng ghê, tha hồ... chặt chém du khách!

      Xóa
  8. Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) định nghĩa phết.
    * Phết 1 d (ph). Phẩy, dấu phết
    * Phết 2 đg. Bôi thành lớp trên khắp bề mặt. Phết hồ trên giấy. Bánh mì phết bơ,
    * Phết 3 đg (k.ng.). Đánh bằng roi; quất, phết cho mấy roi.
    Quả phết được hai bà Trưng và dân gian dùng đã gần 2000 năm nay, được thờ cúng như một vật thiêng, nhưng các học giả làm từ điển không đề cấp tới. Họ sơ suất bỏ sót hay cho là không cần thiết đưa vào nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN TỰ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức in từ năm 1931 ở Hà Nội mà còn đưa từ Phết là quả cầu trong trò chơi Đánh Phết vào. Hì hì! Quyển Từ điển Tiếng Việt đầu tiên của VNDCCH do nhóm Văn Tân biên soạn in lần đầu năm 1967 cũng chỉ giải thích từ "Phết" như bác Bu đã ghi, không giải thích là quả cầu trong trò chơi Đánh Phết.

      Có lẽ Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) mà bác Bu trích dẫn cũng chỉ căn cứ trên cách giải thích của quyển từ điển Văn Tân. Thời ấy lễ hội truyền thống và những trò chơi dân gian bị "triệt tiêu", nên các học giả làm từ điển đã không được phép đưa vào chăng?

      Xóa
  9. Tiếng Nghệ dùng chữ "Phết" theo ngữ cảnh , và nó là động từ.Không biết cuốn Từ Điền Tiếng Nghệ đang có trong tay bác giải thích thế nào nhưng dân nghệ không dùng giống như ngoài Bắc.
    - Con cái gì nói trước cãi sau , phết cho chết!
    - Hồi đêm vừa nói dăm câu , tụi kia nhảy vào phết liền.
    - Bà vợ chửi quá trời , thằng chồng phết cho một trận nhừ xương.
    hoặc là vợ chồng đang hú hý cũng dùng từ phết.
    - Nhà cửa im lìm , chắc vợ chồng đang phết nhau. Về thôi tụi bay.
    - Bạn bè gì , mấy thằng tóc nhuộm xanh đỏ chỉ lừa gái nhà lành , phết mang bầu rồi bỏ chạy....
    Nghệ ngữ phổ biến dùng phết là thế. Lão nói theo cách dân dã để mọi người tham khảo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong Từ điển tiếng Nghệ thì "phết" là động từ có nghĩa là "đánh". Ông bà cụ tôi người miền Bắc khi xưa cũng dùng từ "phết" theo nghĩa này. "Phết cho vài roi", "Tụi mày phá quá tao phết cho mấy roi bây giờ"... các cụ khi xưa hay đe nẹt như thế.
      Miền Nam nói "phết" là "phẩy" (chấm, phẩy), cho nên mới có "phết, phẩy" trong hợp đồng, dự án...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))