Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Đánh đáo.

Tranh chơi đáo ngày xưa. Ảnh Internet.

Ở bài viết trước, anh bạn trẻ Huy Trường từ "Vui ra Phết", "Hay ra Phết" lần mò ra "Vui đáo để", "Hay đáo để", "Khôn đáo để"... và nêu thắc mắc "Phải chăng nó cũng bắt nguồn từ trò chơi đánh đáo?". Câu hỏi hay đây, chứng tỏ anh bạn trẻ này khi còn nhỏ cũng rất "quậy", rất rành những trò chơi trẻ con ngày xưa.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết tìm hiểu xem "đáo để" có phải là từ trò chơi "đánh đáo" không? Tôi cũng xin giới thiệu qua trò chơi dân gian "đánh đáo". Học giả Toan Ánh cũng đã sưu tầm trò chơi này trong những dịp hội xuân ngày xưa ở miền Bắc.

Nếu trong lễ hội đánh phết, đấu vật, thi thổi cơm... là những "trò chơi" dành cho người lớn, thì đánh đáo thật sự là trò chơi thường ngày của trẻ con. Thời tôi còn là chú nhóc tì thì đám trẻ con (con trai) trong xóm quanh đi quẩn lại có những trò chơi như trốn tìm, đánh khăng, đánh cù (chơi con quay mà đám nhóc tì miền Nam gọi là "bông vụ"), đánh đáo, chơi u, cướp cờ, tạt lon... Trong những trò chơi này có trò chơi "đánh đáo" hoặc còn gọi là "chọi đáo", là có tí chút ăn thua mấy đồng "keng" lẻ...

Nhưng xem ra trong những kễ hội ngày xưa "đánh đáo" không phải là trò chơi chính thống của Ban tổ chức buổi lễ (như đánh phết, đấu vật...), mà chỉ là những trò chơi phụ, tạo thêm niềm vui trong lễ hội mà thôi. Học giả Toan Ánh trong Hội hè đình đám Việt Nam, đã nêu mấy cách chơi đáo trong lễ hội xưa như sau:

1. Đáo đĩa:

Đây là một trò đổ bác có ăn thua, trước đây thường gặp trong những hội hè thuộc vùng Bắc Ninh, Bắc Giang.

Chơi đáo đĩa rất giản dị, người cái bày ra một chiếc nia hay một chiếc mẹt tre, ở giữa có một cái đĩa thanh trúc đường kính khoảng mười hai đến mười lăm phân tây (loại đĩa sứ có vẽ cây trúc xanh trong lòng). Chiếc đĩa này dùng làm đích cho người chơi đáo. Những người chơi đáo được gọi là người con , đứng cách xa chiếc mẹt một khoảng cách cố định. Người con sẽ cả cái (là ném những đồng tiền xu vào trong cái đĩa thanh trúc), đồng tiền xu nào mà nằm lại được trong chiếc đĩa thanh trúc người con sẽ thắng, được người cái chung cho một số tiền gấp nhiều lần trị giá đồng tiền xu mà mình đã ném. Cũng có khi được trả bằng hiện vật, như gói trà tàu, vuông lụa hay nhiễu điều... Trường hợp đồng xu ném trúng nhưng văng ra khỏi chiếc đĩa rơi ra ngoài hay rơi trong mẹt, người con đều chịu mất đồng tiền ấy, nếu đồng tiền rơi ra ngoài khi chưa vào đĩa hay mẹt người con được quyền ném lại.

Thường trong những cuộc chơi này người cái có vài tay gọi là cò mồi ném rất điệu nghệ, thắng nhiều hơn thua, khiến người chơi tưởng dễ ăn nên cố chơi, đến khi thua "cháy túi" rồi mới biết bị lừa...

2. Đáo ô:

Đáo ô cũng tương tự như đáo đĩa, có người cáingười con, nhưng thay vì chiếc đĩa để trong mẹt, thì thay đĩa và mẹt bằng một chiếc khay gỗ vuông chung quanh có gờ, bên trong khay được kẻ thành những ô nhỏ, những ô này có ô có giải thưởng nhiều ít (có thể bằng tiền, có thể bằng hiện vật), cũng có những ô không. Người con cũng đứng ở một khoảng cách cố định, cả cái những đồng tiền xu của mình vào chiếc khay gỗ. Nếu đồng tiền xu rơi vào ô có giải thưởng, theo đó sẽ được trả thưởng, những đồng tiền nào vào những ô không có giải thưởng thì bị mất vào tay người cái. Trường hợp đồng tiền văng ra ngoài khay gỗ sẽ được hoàn để người con chơi lại.

3. Đáo lỗ:

Đáo lỗ là một trò chơi dân gian của đám trẻ con thường ngày, nhưng trong những hội hè ngày xưa cũng được đưa vào lễ hội với mục đích vui chơi. Chơi đáo lỗ không có cái với con, chỉ có vài đứa trẻ, hoặc đám thanh niên tụ họp nhau lại dưới gốc cây đa mát mẻ. Mỗi người chơi góp vào vài đồng tiền xu bằng nhau, chơi từng ván. Một cái lỗ nhò được khoét dưới đất, cách một khoảng cố định là vạch để người chơi đứng ở đó. Người chơi lần lượt thay phiên nhau ném xấp đồng xu vào cái lỗ, nếu đồng xu nào nằm lại trong cái lỗ thì người ném được quyền lấy những đồng xu đó, cho đến đồng xu cuối là hết ván, lại đậu tiền chơi ván khác.

Những trò Đáo đĩa, đáo ô là trò đổ bác thường ngày bị cấm, chỉ những khi hội hè mới được cho chơi ở lễ hội với tích cách vui chơi, còn chơi Đáo lỗ thì chỉ có đám trẻ con thỉnh thoảng có được vài đồng xu thì chơi với nhau, đây cũng là trò chơi ăn thua bằng tiền, nên cũng không phổ biến bằng những trò chơi khác như đánh khăng, đánh cù, chơi u, cướp cờ ở trẻ nhỏ khi xưa...

4. Đáo cọc:

Trong khi các loại đáo khác chơi bằng tiền xu, có tính chất sát phạt, không phải là trò chơi chính ở hội hè, thì đáo cọc ngày xưa có khác biệt, là trò chơi chính của Ban tổ chức lễ hội. Tại làng Lũng Ngoại, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) hằng năm mở hội từ mồng ba tới mồng bảy tháng Giêng, ngoài các trò chơi như đánh vật, tổ tôm điếm... còn có trò chơi đáo cọc.

Đáo cọc còn được gọi là ú đáo, được tổ chức trước sân đình, trên khoảng đất có chiều dài độ mười thước. Ở một đầu có cắm một chiếc cọc, trên đó phất phới lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, người tham dự đứng ở đầu kia. Vào sáng mồng ba khai hội ông Tiên chỉ cũng trịnh trọng khai mạc môn đáo cọc, và chính ông sẽ ném viên đá đầu tiên, rồi đến những vị bô lão, chức sắc trong làng, sau nữa mới đến người dân đi lễ hội. Đáo ở đây là những viên đá tròn, người chơi phải ném những viên đá sao cho càng tới gần chân cọc càng tốt. Những người chơi đáo có thể dùng viên đá của mình ném đánh bật viên đá gần chân cọc của người khác. Sau một thời gian quy định viên đá của ai gần sát chân cọc nhất người ấy sẽ thắng cuộc, người thắng cuộc tin rằng năm ấy mình sẽ rất may mắn. Trò chơi này hơi giống như chơi Bi sắt (Boule, Pétanque) ngày nay, có tính chất vui vẻ, không sát phạt ăn thua như đáo đĩa, đáo ô, hay đáo lỗ.


Từ Đáo, Đánh Đáo trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651- bản in lại) của Alexandre de Rhodes và bản dịch của nhóm Thanh Lãng.

Theo Từ điển Việt-Bồ-La của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ta thấy trò chơi "đánh đáo" là "Chơi tiền thảy lỗ" (đáo lỗ), là một trò chơi dân gian đã có ít ra là cả gần 500 năm nay.

Trở lại chuyện anh bạn trẻ Huy Trường thắc mắc có phải từ "đáo để" là từ trò chới đánh đáo mà ra hay không? Ta thấy khi xưa  có đáo đĩa, đáo ô, đáo lỗ, đáo cọc, nhưng không thấy có loại đáo nào là "đáo để". Người ta hay dùng từ "đáo để" khi nói:

a- "Trò chơi này vui đáo để" (Trò chơi này rất vui), nói theo bây giờ là "Vui tới bến", "Món ăn này ngon đáo để" (Món ăn này rất ngon), "Quyển sách này hay đáo để" (Quyển sách này rất hay)... Trong trường hợp này "đáo để" có nghĩa là "rất".

b- "Cô ta đáo để quá", "Đây là một anh chàng đáo để", "Con bé đó trông thế mà đáo để lắm"... Trong trường hợp này "đáo để" lại có nghĩa không tốt, như đanh đá, dữ tợn...

Tôi thử tra trong từ điển:

Từ điển Hán-Việt (Đào Duy Anh - 1957), ghi nhận:
- Đáo để 到底:  đến cùng (à la fin).

Tôi vẫn thích từ điển của cụ Đào Duy Anh, ở chỗ từ điển tiếng Hán đôi khi cụ ghi chú thêm tiếng Pháp, ngược lại từ điển tiếng Pháp cụ ghi chú thêm tiếng Hán.

Từ điển từ Hán-Việt (Lại Cao Nguyên - 2007):
- Đáo để 到底: 1. (đến tận đáy) Rất mực, hết mực. 2. Đanh đá, riết róng.

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ - 1970):

- Đáo để: Trạng từ, Đến đáy, đến cùng. Tính từ, ghê gớm, ráo riết.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - 1997):

- Đáo để: 1. tính từ, Quá quắt trong đối xử, không chịu ở thế kém đối với bất cứ ai. 2. khẩu ngữ, Quá chừng, hết sức.

Theo tôi, từ Hán-Việt "đáo để" ban đầu ý nghĩa như từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, nghĩa là đến cùng, hoặc đến tận đáy (Đáo : đến, để : đáy) , những nghĩa khác như đanh đá, riết róng, ghê gớm... có lẽ là những nghĩa phái sinh về sau.

Như vậy ta thấy "Đáo để" là từ Hán-Việt, có những ý nghĩa như trên, không phải có nguồn gốc từ trò chơi Đánh đáo khi xưa. Hy vọng anh bạn trẻ Huy Trường tạm hài lòng với bài viết.



Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.






22 nhận xét :

  1. Những trò chơi dân gian ngày xưa xem bình dị mà cũng rất hay anh Hiệp nhỉ ? Càng được học hỏi thêm về nét đặc trưng của nền văn hóa nước nhà , em càng thêm thích . Em thì không biết trò chơi này nhưng với những từ ghép với chữ " Đáo để " thì em có nghe .

    Em cảm ơn anh Hiệp đã giới thiệu về trò chơi này , có như thế các thế hệ về sau sẽ cảm thấy rất thú vị vì đã được học hỏi thêm nhiều điều bổ ích .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, giới thiệu mấy trò chơi xưa, từ ghép "đáo để" hình như người miền Bắc hay nói hơn người miền Nam đó NangTuyet.

      Xóa
    2. Dạ , đúng rồi vì em có bạn bè phần nhiều là người Bắc di cư vào Nam từ năm 1954 nên em cũng nghe họ dùng từ này nhiều lắm . Còn người trong Nam thì hay dùng " Hay quá chừng luôn " hoặc " Hay hết biết " hay " Hay cực kỳ luôn " hihi ..

      Xóa
    3. Đúng rồi NangTuyet, miền Nam nói "hay đáo để" là "hay hết biết", ""hay quá cha luôn". Xưa tôi ở xóm bình dân người ta còn nói hơi tục nhưng cực kỳ ấn tượng giờ còn nhớ: "hay thấy con đĩ ngựa" :-)

      Xóa
    4. Người miền Nam con nói "hay quá xá ể ! "

      Xóa
    5. "Hay quá xá ể", "Hay thấy tía"... ngôn ngữ Nam bộ rất phong phú trong việc khen :-)

      Xóa
    6. Hihi ...vừa đọc com của anh Hiệp và chị Marg xong là em không thể nín cười được rồi ! Rõ là người miền Nam dùng từ thật giản dị và bình dân ghê anh Hiệp và chị Marg nhỉ ?

      Xóa
    7. Đấy là nét đặc trưng của dân Nam bộ mà :-)))

      Xóa
  2. Hi hi, viết về chữ nghĩa rốt ráo như bác Phạm cũng là một tay "đáo để". :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, tính tôi thế, làm gì cũng phải ráng làm cho đàng hoàng :-)

      Xóa
  3. Khi tôi còn nhỏ ở Sài gòn thì có chơi đánh đáo lỗ, ngày đó có tiền xu (coin) chứ ngày nay muốn chơi cũng không có loại tiền xu để thảy lỗ. Hiện tôi còn giữ một ít tiền xu (loại 5.000 đ và 2.000đ) làm kỷ vật vì không ai xài nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời tôi còn nhỏ, thời ong Diệm có chơi chọi đáo bằng đồng keng có hình ông Diệm. Bây giờ tôi cũng còn giữ được một số tiền xu qua các thời kỳ, hồi đó có tiền hình hoa mai, sang đến sau 1975 có tiền xu đục lỗ nữa.

      Xóa
    2. Tôi còn giữ được duy nhất 1 đồng 50 su (ở SG gọi là 5 cắc) một mặt in hình TT VNCH Ngô Đình Diệm, lật ngược mặt sau in hình khóm trúc (có tài liệu viết rằng TT Diệm rất yêu thích cây trúc vì dáng thẳng đứng của cây trúc tượng trưng cho người quân tử) làm bằng nhôm cứng (dura) hay tiền chì tôi cũng chẳng rõ.

      Xóa
    3. Đúng là TT Ngô Đình Diệm là người thích cây trúc, không những tfên tiền xu mà trên dấu của ông, và dấu của phủ TT thời đó có hình khóm trúc. Cũng dễ hiểu thôi vì Á đông coi trúc là biểu tượng của người quân tử.

      Xóa
  4. Hồi nhỏ, NT và các bạn hay chơi đánh đáo kiểu này bác Hiệp:
    Đồ chơi gồm những đồng xu và một cái chì ( có thể làm chì rất đẹp bằng cách nung chảy chì và đổ vào đít bát để đúc, cũng có thể nhặt một hòn đá dẹt nào đó cũng được)
    - Vẽ một vạch gọi là "cận"
    - Người chơi đứng ở một vị trí cách cận khoảng 2 m.
    - Tung mấy đồng xu lên phía trên cận. Có mấy trường hợp xẩy ra:
    + Nếu có đồng xu rơi dưới cận, người chơi ném chì sao cho đồng xu bị hất lên trên cận là được ăn.
    + Nếu có những đồng xu chồng lên nhau, người chơi ném chì sao cho chúng tung ra là ăn.
    + Nếu các đồng xu đều nằm trên cận và tách rời nhau, người chơ ném chì úp vào một đồng xu được chỉ định là ăn.
    Nếu chì úp lên đồng xu khác hoặc khi ném làm chạm đồng xu khác đều bị phạt (bỏ xu vào)
    Mùa đông lạnh thấu xương nhưng mê mải đánh đáo nên lũ trẻ trâu cứ "phong phanh áo vải hồn muôn trượng" vậy mà chẳng thấy rét mướt gì. Hì hì...
    Ngày tết, người lớn và trẻ con đều tham gia đánh đáo và nó biến tướng thành việc đánh bạc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó NT, trò chơi đó ngày trước trẻ con hay chơi, gọi là chọi đáo, trẻ con nào cũng khoái.

      Bây giờ con nít khoái chơi "điện tử" hơn.

      Xóa
  5. Trước đây bu tui cũng đã từng nói chuyện " đáo để" vời một vài cô giáo ngoài quê. Thì cũng nói như bạn PNH vậy. Đáo là đến, để là đáy. Cụ Đào Duy Anh giải thích đáo để là đến tận cùng. Các bợm nhậu nâng cốc lên hô trăm phần trăm. Tức uống cho cạn li, cho chỉ còn nhìn thấy đáy cốc mà thôi
    Bu tui vẫn suy nghĩ về câu hỏi của bạn Trường: "Phải chăng nó cũng bắt nguồn từ trò chơi đánh đáo?”.
    Có vài suy nghĩ thêm:
    1- Trò chơi đánh đáo này bên Tàu có không, nếu có thì có trước hay có sau Việt Nam.
    2- Tên trò chơi là đánh đáo. Chữ đáo này là từ Hán Việt. như đáo để, độc đáo, đáo hạn (thuật ngữ ngân hàng). Trong tiếng Việt chứ đáo chỉ có trong trò chơi đánh đáo chớ không thấy trong chỗ nào nữa.
    3- Giữa trò chơi đánh đáo và trò chạm cốc 100% thì cái nào có trước. Rất có thể trò chơi có trước vì ném đồng xu từ chỗ đứng đến lỗ (tạm chưa nói đến thứ khác) là đáo (đến), và cái lỗ trên mặt đất kia có đáy (để). Trò chơi này muốn thắng thì phải đáo để tức đồng xu phải đến đáy lỗ.
    4- khi ta nói đáo để là đến đáy mới thuần túy chữ nghĩa. Còn cái trò chơi kia là thực tế hành động.
    5- Trò đánh đáo là của trẻ con còn sự thù tạc cho cạn li là của người lớn. Trước khi là người lớn ai cũng đã từng trẻ con, vậy đáo cho đúng lỗ, cho đến đáy biết đâu lại như bạn Trường nêu ra
    "Phải chăng nó cũng bắt nguồn từ trò chơi đánh đáo?”.
    (Bận nhiều việc quá chỉ nói đại khái vậy đã hihi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi viết entry tôi cũng có những suy nghĩ như bác Bu, nghĩa là từ gợi ý của HT phải chăng "đáo để" bắt nguồn từ trò chơi đánh đáo? Những ý kiến của bác Bu trên đây rất đáng để ta suy nghĩ. Rồi tôi cũng có một suy nghĩ thêm, ngược với hướng này.

      Nghĩa là trò chơi "đánh đáo", cụ thể là "đáo lỗ", nếu theo như tự điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Đắc Lộ là đã có cả 500, 600 năm nay (thế kỷ 15, 16), thì từ "đáo" trong trò chơi "đánh đáo", như bác Bu đã nói chính là từ Hán-Việt "đáo" là "đến", đánh đáo (đáo lỗ) như ta thấy là thảy những đồng tiền xu "đến" một cái lỗ, đồng tiền nào ở lại trong cái lỗ thì người chơi được những đồng tiền ấy.

      Còn từ "đáo để" là từ Hán-Việt, tra trong từ điển trích dẫn (mạng) nói:

      到底 đáo để
      ○ Tới đáy. ◇Cựu Đường Thư 舊唐書: Tự đầu thạch tỉnh trung, phi đáo để bất chỉ 似投石井中, 非到底不止 (Lí Bột truyện 李渤傳) Giống như ném đá xuống giếng, không tới đáy thì không ngừng lại.

      "Đáo để" là từ phổ thông của Trung Quốc, có lẽ đã có từ lâu lắm ở nước họ, rồi ta cũng sử dụng theo.

      Xóa
  6. Cám ơn sự khảo sát công phu của bác Hiệp! Có một điều lí thú là trò chơi đánh đáo này có sự kết hợp một yếu tố Hán Việt và một yếu tố thuần Việt. Chúng ta thấy đáo ĐĨA, đáo Ô, đáo LỖ, đáo CỌC... đều mang nghĩa là vật ném (đến, trúng vào, gần sát) đĩa, ô, lỗ, cọc.
    Vùng quê tôi Ninh Bình, đánh đáo lỗ có biến cải. Người chơi ném cả nắm tiền xu vào lỗ đáo ( từ một khoảng cách cố định. Đồng xu nào lọt xuống lỗ đáo, coi như được ăn, Nhưng tiếp theo còn có hòn chọi ( bằng chì hoặc bằng một viên đá nhỏ dùng cho người chơi). Phải nhằm ném đúng vào đồng xu mà những người cùng chơi chỉ định. Chọi trúng, người chơi thắng ăn cả ván. Mọi người bắt đầu góp tiền xu để chơi ván mới. Chọi không trúng, người chơi chỉ được lấy những đồng xu ở trong lỗ đáo, và nhường quyền chơi cho người tiếp theo. Cứ thế lần lượt cho đến khi có người thắng cả ván. Trò này vui, nên nếu chơi trước khi đi học rất dễ bị muộn giờ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là "đánh đáo", "chọi đáo", "chơi đáo", hoặc "đáo đĩa", "đáo ô", "đáo cọc", "đáo lỗ", là kết hợp giữa một từ Hán và một từ Việt.

      A, trò chơi chọi đáo lỗ như bác Vũ Nho viết bên trên ở vùng Ninh Bình quê bác thì tôi nhớ hồi nhỏ cũng chơi như thế, cầm một nắm tiền xu do 2 người đậu vào ném vào cái lỗ nhỏ ở khoảng cách cố định, cái nào xuống lỗ là đương nhiên được ăn, còn lại người kia chỉ vào một đồng xu khác nếu ta chọi trúng bằng một hòn chì đúc, hoặc một hòn ngói được mài theo ý thì ta sẽ ăn cả ván, cứ lần lượt đi như như vậy đến hết ván, chơi cái này đúng là phải có sự khéo léo trong thảy tiền xu vào lỗ, rồi chọi. Xưa tôi thấy người lớn chơi còn nhiều hơn con nít.

      Riêng từ "đáo để", tôi không cho là bắt nguồn từ trò chơi đánh đáo, bởi vì "đáo để" từ Hán-Việt với nghĩa thông dụng được dùng rộng rãi "đến đáy, đến cùng" (đến đáy giếng, đáy vực, đến cùng một sự việc...) thì phải là từ xa xưa bên Trung Quốc rồi, chứ không phải chỉ được sử dụng trong một trò chơi như đáo lỗ, mà ngược lại từ "đáo" trong đánh đáo nghĩa là "đến" là từ Hán-Việt, như ta đã thấy "đến đĩa, đến ô, đến cọc, đến lỗ".

      Xóa
  7. Ôi! Chỉ vì một câu hỏi nhỏ của con mà bác và các bác dành công sức tìm hiểu và "tranh kuận" nhiệt tình. Cám ơn các bác nhiều. :)))
    Xưa con còn nhỏ chơi mấy trò chơi dan gian thì trò nào con cũng giỏi. Kể cả chơi chuyền của các bạn nữ.
    Chơi vui, ham chơi nữa. Chuyện đi học trễ, về trễ, thậm chí khi giao nhiệm vụ trông em. Mải chơi quá, bỏ em luôn. Đến lúc về nhà bà và thím hỏi em đâu mới tá hoả đi tìm. Giá sử lúc đó cuộc sống thôn quê nó nhiễu nhương như bây giờ thì khóc vì đi kiếm không thấy em đâu. :))))
    Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính là những "câu hỏi nhỏ" như thế này mà cuộc sống thêm thi vị đó HT. Biết hỏi còn khó hơn là biết trả lời.

      ham vui, ham chơi là cái "tật" của trẻ con mọi thời đại, xưa tôi cũng thế, giờ nhiều khi nghĩ lại tại hồi mình còn nhỏ ham chơi nên giờ mới phải "học", hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))