Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Mùa thân thiện.


Thời tiết cuối năm ở Sài Gòn khá hay. Buổi sáng sớm trời se lạnh như sáng nay, tôi nhìn chiếc hàn thử biểu trong nhà, 23 độ C, thời tiết này thích hợp để chị em khoe chiếc áo lạnh, hay quấn thêm chiếc khăn quàng giữ ấm nơi cổ khi đi ra đường. Nếu so với các mùa khác trong năm, thì cuối năm là mùa thân thiện với người Sài Gòn.

Ít lâu nay tôi chôn chân trong nhà, vì cái chân cũng chưa lành hẳn, và vì một vài lý do khác nữa, cho nên đôi khi không để ý ngày tháng. Sáng nay cùng với không khí lạnh, nhìn lên quyển lịch ngày thấy còn mỏng dính, tháng 12 đã qua hơn hai phần ba thời gian, sắp hết một năm rồi, thỉnh thoảng nghe vẳng từ nhà hàng xóm tiếng nhạc Giáng sinh và Năm mới rộn rã. Hôm trước người bạn đã nhắn trên điện thoại, mấy xóm đạo nơi gần nhà bạn cũng đã lên đèn...

Mùa Giáng sinh, đón năm mới là một mùa thân thiện với mọi người, những người thân gặp gỡ nhau, mùa của những lời chúc, những món quà được gởi đi, cho và nhận, mùa của âm nhạc, của du lịch, của vui chơi, và nụ cười...


Một cuộc sống thân thiện chắc chắn sẽ là ước muốn của mọi người, ai trong chúng ta cũng muốn thế. Cuộc sống thân thiện khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thấy cuộc đời đáng sống hơn. Nhưng rồi tôi cũng biết qua những thông tin, qua thực tế đời sống, thì người mình khá ít thân thiện. Điển hình là khi có việc đến các cơ quan công quyền, đến các bệnh viện công, các dịch vụ công..., ít khi nào ta nhận được một câu nói, hay một nụ cười thân thiện... Mới đây thôi bản thân tôi gặp những tình huống khiến tôi phải suy nghĩ. Hôm ấy có chị bạn từ Pháp về mời uống cà phê cùng một vài bạn khác. Hôm đó cái chân của tôi mới mổ được ít ngày, tôi chống nạng đến chơi, mấy bữa ấy tôi ở tạm nơi nhà ông cụ tôi nơi một con hẻm ở quận 3 gần kênh Nhiêu Lộc. Hẻm khá rộng tôi có thể điện thoai cho xe taxi đến trước cửa nhà đón, nhưng muốn tự chống nạng ra bờ kênh đón xe.

Tôi chống đôi nạng đi quãng đường khoảng 100 mét trong hẻm trước khi ra con đường chính. Trên đường đi tôi gặp nhiều người trong xóm. Tôi nhìn thấy những đôi mắt mở to, những cái nhìn tò mò, hiếu kỳ, có đôi chút dò xét, bởi tôi là người lạ. Duy chỉ có một người mỉm cười và gật đầu chào, đó là một cô gái da trắng, tóc vàng, dĩ nhiên tôi đã cười và chào lại cô gái ấy. Cô gái người ngoại quốc này ở trong một ngôi nhà thuê trong hẻm. Tôi không dám nói cái nhìn của những người khác trong xóm là không thân thiện, Nhưng nụ cười và cái gật đầu chào của cô gái mà tôi mới nhìn thấy lần đầu ấy, đã cho tôi một cảm giác thân thiện.

Ra tới ngoài đường đứng chờ taxi, một chiếc xe trống chạy qua, tôi giơ tay vẫy, chiếc xe vẫn chạy tiếp. Tới chiếc thứ hai xe vẫn không dừng lại, sau khi thấy anh tài xế ngoái nhìn, tôi hơi lạ nhưng rồi chợt nghĩ ra hay tại tôi có đôi nạng? Chiếc thứ ba chạy qua cũng vẫn không ngừng, người tài xế cũng ngoái nhìn rồi chạy thẳng. Đến đây thì đã rõ, tôi cũng không trách gì những anh tài xế taxi ấy, có lẽ trong công việc lái xe có thể họ đã gặp những người sử dụng đôi nạng, đi xe mà làm điều càn quấy, chẳng hạn như lên xe rồi ăn vạ hay quỵt tiền xe? Rồi lại thêm một chiếc xe nữa chạy qua. Cuối cùng tôi phải gọi điện thoại cho hãng xe, nói địa chỉ mình đang đứng, nói đại là mình cần một chiếc taxi để đến bệnh viện tái khám, vài phút sau mới có chiếc taxi chạy đến và dừng lại...


Tôi đọc trên mạng thấy một số người mình ra nước ngoài có những hành vi không thân thiện, như hay chen ngang nơi công cộng, đi ăn món ăn tự chọn thường "con mắt to hơn cái bụng" rồi bỏ mứa, hoặc có người đi du lịch ăn buffet xong bỏ bịch nylon tối về khách sạn... nhậu tiếp, nơi đông người thường ồn ào, thậm chí hay "cầm nhầm" vặt... Có cả những cảnh báo viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài khiến bất kỳ người Việt nào đọc cũng phải xấu hổ... Mới đây cũng trên Cafe sáng trên tivi, tôi có nghe nói nơi ngôi đền "Nguyệt lão" nào đó ở Myanmar, có ghi chữ Việt lên nơi không được ghi, dĩ nhiên ghi chữ Việt thì cũng chưa thể khẳng định đó là do người Việt (nhưng ngay ở VN như trên bức tường của nhà thờ Đức Bà Saigon cũng có những dòng chữ vô ý thức bôi bẩn). Đó là những hành vi không thân thiện...

Cũng mới hôm trước (trên VNN, nay vào xem lại không tìm thấy bài), tôi đọc thấy có nói một nam ca sĩ nổi tiếng ở Saigon, đã trang trí đón Giáng sinh cho ngôi biệt thự của minh rất lộng lẫy, mở cửa cho mọi người vào xem và đã có rất nhiều người đến xem, trong đó có nhiều người lớn tuổi dắt cháu đến. Tôi nhận thấy đây là một hành động đẹp, vì mọi người, một cử chỉ thân thiện. Nhưng lạ thay, đa số những comments phía dưới bài báo ấy lại là sự dè bỉu, chê bai, thậm chí khá nặng lời, nào là khoe của, hợm hĩnh... Thật lạ lùng, mà cho dù anh chàng ca sĩ này có khoe cũng có hề gì? ai mà không muốn khoe cái đẹp mình có? Điều quan trọng là việc làm ấy đã mang lại niềm vui cho nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em. Những người vào ném đá có khi nào tự vấn trong cuộc sống ta đã mang lại được niềm vui, dù nhỏ bé cho ai chưa? Mà đã tự cho mình cái quyền mạt sát người khác. Thật lạ, đấy là một ứng xử không thân thiện.

Trong cuộc sống này, sự thân thiện không ngẫu nhiên mà có, nó đến từ sự giáo dục. Không phải tự nhiên mà ông bà ta từ ngày xưa đã nói "Học ăn học nói, học gói học mở", bây giờ gọn hơn người ta nói "Học kỹ năng sống". "Kỹ năng sống" trong đó có kỹ năng giao tiếp, từ giao tiếp ngoài đời, cho đến giao tiếp trên mạng, kể cả những kỹ năng đối thoại, kỹ năng tranh luận. Khi phải đối thoại, tranh luận, thì mục đích cuối cùng là để tìm ra cái đúng, chứ không phải là sự hơn thua. Người có kỹ năng tranh luận là người biết đưa ra những lý lẽ hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng cũng phải biết nói "Bạn đúng đấy", và biết chấp nhận cái đúng của người khác khi tranh luận. Dù có thông minh trí tuệ, bằng cấp chót vót, đọc trăm ngàn quyển sách, không ai có thể tự hào rằng mình biết tất cả mọi chuyện.

Nhiều khi thay vì đối thoại và tranh luận thẳng thắn, một việc bình thường trong cuộc sống, thì chỉ vì sự hơn thua, vì tự ái, mà người ta lại nói càn, quay ra chửi nhau tưng bừng, chụp mũ, mạt sát, lôi cá nhân ra mà bôi nhọ, dù thật ra cũng chẳng biết gốc tích hay mặt ngang mũi dọc của nhau tròn méo ra sao. Hay như câu chuyện về ngôi nhà Giáng sinh bên trên, tôi vẫn cứ tự hỏi tại sao một ngôi nhà thờ trang trí đẹp trong mùa Giáng sinh, để mọi người đến viếng thì không sao, nhưng một cá nhân trang trí ngôi nhà của mình và mở cửa để mọi người đến xem thì có những người lại dè bỉu...?


Nhưng thôi, Giáng sinh và Năm mới đã cận kề, hãy bỏ qua những vụn vặt đời thường. Xin chúc bạn bè gần xa, và tất cả mọi người những điều tốt đẹp. Mong rằng tất cả chúng ta rồi sẽ được sống trong một xã hội thân thiện...


Ghi chú:

- Những bức ảnh trong entry này là của bạn NangTuyet, chụp mùa đông nước Pháp vào tháng 1-2015, cám ơn bạn về những bức ảnh đẹp này.


Saigon, mùa Giáng sinh 2015.







29 nhận xét :

  1. NT thấy ở nông thôn, miền núi sống với nhau thân thiện hơn thì phải, bác Hiệp ạ. Tuy nhiên, những hiện tượng như bac nói trên thì vẫn không ít. Dịp hè, NT và các thầy cô trong trường đi du lịch Sài Gòn, bị người ta hù dọa đủ thứ. Sợ và mất hứng. Nhưng khi đi thực tế thấy mình đã gặp được nhiều người thân thiện đấy chứ. NT nhớ nhất có một lần đang tung tẩy túi xách đi bên lề đường, một người đàn ông ngồi trong quán chạy ra nhắc: "Này cô ơi,cẩn thận khéo bị cướp đấy." Giờ mỗi lần nhớ lại vẫn thấy vui trong lòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NT nói rất đúng, về miền Tây tôi gặp được rất nhiều người thân thiện, chẳng hạn hỏi đường người ta chỉ dẫn rất tận tình. Ngay ở Saigon thì không ít người nhắc người khác (nhất là du khách về chuyện cướp giật ngoài đường), nhưng người không thân thiện còn nhiều hơn (chẳng hạn đi taxi chạy lòng vòng nếu biết người ở nơi khác đến, mua bán nói giá trên trời...). Trước có lần ra Huế tối gia đình đi xích lô, họ chạy 45 phút xuống xe nói 3 tiếng, và lấy tiền 3 tiếng, với nhiều xe xích lô khác vây quanh to tiếng, đành phải trả cho xong, vài chục ngàn không nhiều nhưng từ đấy đâm... sợ Huế!

      Xóa
  2. Cái sự ko thân thiện của dân mình thì thường rồi, thậm chí thấy người té ngã, bị tai nạn trên đường kêu cứu cũng ngó lơ đi qua. Nhưng cũng còn khá nhiều người tốt. Dù sao đó cũng chỉ là người qua đường, nếu cái sự thờ ơ đó đến từ người quen biết thì còn đáng buồn hơn nhiều ha bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
  3. Mảnh đất này nhiều ma nhưng cũng may là còn lắm người phải không Giáo? Người thân mà thờ ơ thì nói chi nữa, nhưng có khi thờ ơ cũng còn đỡ, thiếu gì chuyện người thân mà hại nhau, hichic!

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là tháng 12 này có nhiều hoạt động của con người hướng về sự thân thiện. Người không theo đạo Gia tô cũng háo hức với Noel, đặc biệt đối với các ông chủ bà chủ tương lai đất nước. Đường phố, chợ búa, siêu thị, đâu đâu cũng tràn ngập không khí Noel. Sau Noeel là năm mới dương lịch, tiếp theo là tết nguyên đán. Người ta đã bắt đầu chúc tụng nhau, tỏ dấu hiệu thân thiện nhau. Nhưng ở đời có thiện thì có ác, mà cái ác xem ra to dần lớn dần, làm cho cái thiện co hẹp lại, đó là mối nguy.
    Cách nay 2500 năm ông Thích Ca bên Ấn Độ đã dạy con người thân thiện. Cũng lúc đó bên Tàu ông Khổng cũng dạy người ta “tứ hai giai huynh đệ”. Tiếp theo ông Giê Su dạy con người thân thiện…Nói chung các tôn giáo đều dạy con người thân thiện. Thế nhưng con người cứng đầu không chịu thân thiện như các cụ rao giảng mà bày ra các cuộc thánh chiến, các cuộc đại chiến giết chết cả trăm triệu người. Ngay giờ đây các nước không thích gì nhau buộc phải cùng chiến hào diệt IS. Tập Cận Bình sang nói chuyện ở Quốc Hội Việt Nam, nay mời ông Sinh Hùng Quốc hội Việt Nam sang nói chuyện thân thiện. Miệng ông nói hai nhước hướng về đại cục nhưng lại ráo riết quân sự hóa biển đông. Tàu im re khi B52 của Mỹ thị sát biển đông nhưng dọa bắn hạ máy bay Úc thị sát tương tự, cảnh cáo thủy phi cơ của các phóng viên BBC bay thị sát . Nghĩa là ông Cận Bình ngang nhiện lập ra vùng cấm bay ở biển đông.
    Cái sự cứng đầu và ngu xuẩn của con người do thiếu thân thiện với nhau, thiếu thân thiện môi trường đang bị trả giá. Con người chế ra thuốc chống vi rút nhưng con người chính là vi rút tiêu diệt quả đất mình đang sống. Một bản tin bảo rằng các nhà khoa học dự đoán quả đất đến năm 2050 là một đại dương không lồ. Những ai sơ tán ra ngoài vũ trụ thì sống còn lại tiêu vong.
    Ai bảo Thượng đế chết rồi là sai lầm, ngài đang sống mạnh khỏe và sẽ cho con người cú knock-out đích đáng do tội thiếu thân thiện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu xem ra rất quan tâm tới tình hình thời sự Quốc tế cũng như trong nước, hoan hô, hình như bây giờ chỉ còn mấy "cụ" là để ý tới những vấn đề này, lớp trẻ có nhiều chuyện phải lo hơn.
      Nói tới mấy ông Tàu là thấy sợ, Tàu féodal (phong kiến), cũng như Tàu communisme (cộng sản), họ mưu mẹo, lọc lừa, phản trắc, thời cận đại đây cứ thấy những số phận của Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Hạ Long... thì rõ. Mồm thơn thớt nhưng hành động thì trái ngược...

      Nói chung thì chẳng có Thượng đế nào làm được "ngày tận thế" đối với con người cả, mà chính con người đang tự hủy diệt mình, chỉ vì trong cuộc sống họ hành xử thiếu mất đi sự thân thiện, huhu!

      Xóa
  5. Chúc bác Phạm cùng quý bạn blogger một mùa Giáng Sinh hòa bình và thân thiện!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ Nô, thân chúc mùa Giáng sinh và Năm mới vui vẻ.

      Xóa
  6. Ý anh hay, mùa giáng sinh là mùa thân thiện nhưng người Việt bây giờ rất ít thân thiện với nhau, đều là những con mắt mang hình viên đạn cả... Buồn thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Những con mắt mang hình viên đạn", Toro ví rất phải, người mình sao bây giờ ngày càng ít thân thiện. Hồi này chôn chân trong nhà, suốt ngày nghe tivi léo nhéo bên tai mấy cái phim dài nhiều tập (nước ngoài và VN, mà VN nhiều hơn), kịch bản phim nào phim nấy toàn những éo le, lừa lọc chết chóc, diễn biến từng chi tiết, chán quá. Có lẽ chuyện xã hội tác động lên phim, rồi người coi lại bị phim tác động ngược lại.

      Xóa
  7. Người xấu người tốt thì thời nào chẳng có , chẳng qua bây giờ thông tin phủ khắp nên thấy nhiều mà thôi
    Gia đình là yếu tố quan trọng để hình thành nên nhân cách một đứa trẻ . Chỉ cần nhìn cách ứng xử của đứa trẻ thì sẽ biết cha mẹ , ông bà nó như thế nào
    Salam may mắn định cư ở nơi dân trí cao , mọi người hoà thuận thân thiết với nhau , tụi trẻ con cũng vậy , không chơi bời lêu lổng . Đứa nào cũng lo học hành và kiếm tiền thôi ... ngoan lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Người xấu người tốt thì thời nào chẳng có , chẳng qua bây giờ thông tin phủ khắp nên thấy nhiều mà thôi", hì hì, một cách "đổ thừa" cho truyền thông. Bác Salam cứ thử coi những chuyên gia về tâm lý, giáo dục... nói về "thời này" thì biết.

      May mà bác Salam ở trong khu dân trí cao, chứ nhà ông cụ tôi ở quận 3, khu nhà kín cổng cao tường mà có lẽ dân trí thấp nên nó thế, huhu!

      Xóa
  8. Con xem bài từ hôm.qua mà giờ con mới còm được. Như bác nói rất đúng, nhất là chuỵên bác đi đón taxi tất cả nhìn bác với ánh mắt săm soi thì cô Tây kia chào bác dù không quen.
    Con đi tới những nơi công cộng, công sở hay chốn mua bán. Đi đâu con vẫn giữ phép lịch sự chào hỏi ông bảo vệ, bà lao công hay nhân viên bán hàng khi mình vừa vào cửa. Với con thấy nó bình thường, vậy mà, con "được" người ta dành cho một ánh mắt hiếu kỳ vì không quen biết gì cũng chào. Con cũng khá sốc với những kiểu hành xử như vậy.
    Một con người không biết bản chất anh ta tốt xấu ra sao, chỉ cần nhìn cách anh ta thân thiện với người xung quanh, đối xử chan hoà, lịch thiệp - nhất là với phụ nữ, trẻ nhỏ, người già. Thì con đã "gán" cho anh ta là một con người có giáo dục, có căn bản. :))).
    Chúc bác mùa Giáng Sinh an lành, mọi điều tốt đẹp sẽ "tới tấp, dồn dập" đến với gia đình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ấy, cu cậu trẻ người mà không non dạ HT này coi bộ có cái nhìn xã hội khác ông tía... dzợ tương lai bên trên rồi :-)))

      Xóa
  9. Trong cuộc sống có câu nói " Có qua có lại mới toại lòng nhau " trước khi trách người thì phải trách mình trước .
    Ở thành phố thì kín cổng cao tường là lẽ dĩ nhiên , có mấy nhà đối diện với nhà Salam , cả năm không gặp nhau , chỉ gặp nhau trong mấy ngày tết hay đám cưới . Nhưng không vì thế mà tình cảm dành cho nhau bị phai lạt . Trước khi trách người thì mình phải tự vấn bản thân mình trước
    Riêng với vấn đề này thì nhà Iêm không " Đồng sàng chung mộng " với Bác rùi Im Sorry

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, bác Salam vẫn có tật không nhìn ra vấn đề, lẫn lộn tùm lum. Kín cổng cao tường nhưng là người trong xóm quen nhau lâu thì khác, còn tôi đâu có ở xóm đó, mới tới họ nhìn thấy lạ hoắc mà, tôi chẳng biết họ họ cũng chẳng biết tôi mà tự vấn nỗi gì? Tôi cũng đâu dám trách gì điều này, nhưng chỉ so sánh cô mắt xanh tóc vàng cũng lạ nhu thế mà vẫn mỉm cười gật đầu, thì đúng là cô này có tính thân thiện. Ví dụ hôm đó tôi có đến nhà bác Salam ở mà chống nạng đi như thế, dám chắc cũng sẽ được xóm bác nhìn như thế luôn.

      Xóa
  10. Không có đâu bác Hiệp ui ! Bác chống nạng hay không thì một khi đi vào khu nhà ở của Salam , chỉ cần đầu hẻm hỏi đến tên Salam thì người ta chỉ vào tận nhà . Con Salam làm ở mấy công ty nước ngoài , bạn của chúng nó sang Việt Nam hà rầm hà , chúng cũng kiếm được nhà đấy thây
    Hôm nay quậy cho bác Hiệp một bữa ... he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hí hí, để tôi "phiên dịch" lại ý của mình bác nắm rõ hơn.

      1. Khi tôi nói "đến nhà Salam ở". là tôi ví tương tự như tôi đến nhà ông cụ tôi ở tạm, nhưng (cái này quan trọng), khi tôi đi ra khỏi nhà thì những người trong xóm gặp không biết tôi là ai, ở đâu cả, tôi hoàn toàn là một người lạ. Nói cho dễ hiểu, nếu tôi chỉ là một người lạ đi ngang qua xóm nhà bác Salam mà chống đôi nạng, không hỏi thăm nhà bác hay bất cứ ai, thì tôi dám chắc một trăm phần trăm, mọi người tôi gặp trên đường đi cũng sẽ nhìn tôi như thế, và tôi cũng đã viết rõ trong entry là đấy là chuyện bình thường, tôi không dám nói là cái nhìn không thân thiện. Duy chỉ có cô gái ngoại quốc cũng xa lạ như thế, nhưng cô lại mỉm cười và chào, tôi thấy cô này thân thiện. Có thế thôi mà.

      2. Nhân tiện đây tôi nói thêm luôn chuyện này, mấy hôm sau nữa tôi cũng chống nạng đi ra bờ kênh hẹn uống cà phê với "ông cụ non" Huy Trường, mới ra khỏi nhà thì gặp ngay một ông nhà xế nhà ông cụ tôi chận lại, ông ấy xin lỗi, hỏi tôi có phải mới đến ở bên nhà ông cụ tôi không? Bởi ông ấy ở xế nhà thấy tôi bên đó. Tôi trả lời phải, tôi là con mới đến ở ít ngày. Ông hàng xóm nói thấy tôi đi đôi nạng khó khăn, hỏi tôi xem nếu không tiện đi lễ nhà thờ, thì ông ấy sẽ trình với cha giáo xứ nơi đó đến nhà giúp tôi trong việc giải tội, chịu mình thánh Chúa. Tôi cám ơn ông ấy và nói tôi vẫn có thể chống nạng đến nhà thờ được, không dám làm phiền.

      Về nhà tôi hỏi lại ông cụ, thì ra ông bác kia là hàng xóm đối diện, người trong giáo xứ, chắc ông ấy thấy tôi mới đến ở, đi lại khó khăn ngỏ ý muốn giúp. Lần đầu tiên tôi mới nói chuyện với ông ấy đấy, nhưng thấy tôi ở nhà ông cụ tôi, thì mọi chuyện khác rồi. Rồi khi tôi trở về nhà mình, tôi chống nạng đi ngoài đường ngang qua mấy nhà hàng xóm gần đó, có người biết mặt thôi vì tôi đã ở đó gần ba mươi năm nay, chưa một lần nói chuyện, thấy tôi chống nạng đi ngang, cũng hỏi thăm ân cần. Đấy, ở đây cũng thế mà.

      Muốn phán đoán chính xác điều gì, điều quan trọng là ta phải nhìn cái nguyên nhân cho rõ, bởi vì không nắm được rõ nguyên nhân mà vội kết luận, thì thường sai lệch đó bác Salam, hí hí!

      Xóa
  11. Giáng Sinh an lành !
    Nghe bác kể chuyện làm Marg nhớ lần đầu sang Paris đi taxi . Khi bước xuống chuyến xe bus từ sân bay vào thành phố , Marg đón xe taxi để về chỗ trọ . Ông tài xế taxi da ngăm ngăm đen trông khá bặm trợn . Marg cho ông biết địa chỉ cần đến và hỏi giá cả ra sao . Ông nói căn cứ vào đồng hồ tính tiền , hihi, biết là vậy rồi nhưng cứ phải hỏi, do tính cảnh giác mang từ Việt Nam qua ấy mà . Khi lên xe , Marg dỡ bản đồ thành phố ra xem , thấy rõ ràng ông đang chạy ngược lại với con đường mình muốn tới . cũng với tinh thần cảnh giác cao độ mang từ VN sang , M hỏi ông sao không đi hướng về đường Lourmel mà đi hướng này , ông trả lời cộc lốc : " nếu muốn đi hướng kia thì lên metro mà đi , còn đi taxi thì đi hướng này " . Marg đã có nghe nói giới tài xế taxi Paris tính khí cộc cằn nếu không muốn nói là khá thô lỗ , cho nên M im không nói gì nữa . Doc đường gặp chỗ kẹt xe , ông quay kính xe xuống , la lối ầm ĩ . Thiệt là đúng với những gì mình nghe nói về giới tài xế Paris . Khi xe chạy vào đương Lourmel , ông la lên : " Voilà, rue de Lourmel !" . Nghe cái âm giọng khi ông nói từ " Voilà " , M hiểu là ông muốn nhấn mạnh : "đây này , thấy không ông đã đưa đến đúng đường Lourmel" . Có lẻ ông tưởng mình nghĩ ông đưa lạc qua đường khác, còn mình thì lo ông chạy lòng vòng câu ... km , hihi .
    Khi xuống xe , vừa bước qua bên kia đường thì nghe ầm một cái , một bà Tây to đùng té bịch bên lề đường , đang tay xách , tay kéo vali , chưa kịp phản ứng thì đã thấy ông tài xế khi nảy chay tới vừa đỡ , vừa kêu : " Madame , madame có sao không ? " . Mình nói với con gái ông tài xế xem vậy mà tốt bụng . Con gái thì ngẩm nghĩ có khi ông chạy tới xem bà té đau đi ko nổi, ông sẽ chở về được thêm một cuốc xe . Mình nghĩ dẫu thế nào , việc ông ta lẹ làng đỡ madame đó lên là tốt rồi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau đó hỏi người quen mới biết ở Paris có một số đường cấm xe taxi nên tài xế phải chạy theo lịch trình quy định

      Xóa
    2. Giáng sinh an lành bạn Marg.

      Câu chuyện bạn Marg. kể bên trên rất tbu vị, đúng đấy, bất kể là gì thì hành động nhanh chóng đến bên người bị ngã hỏi xem có bị sao kbông, và chắc ông ấy cũng sẵn lòng giúp đỡ là một hành động tbân thiện.

      Còn chuyện đón xe tãi của tôi bên trên, tôi nghĩ ở Mỹ chẳng hạn người ta dám ghi số xe hay số tài của xe rồi đi thưa lắm, vì đấy là một hành động phân biệt đối xử với người tàn tật. Hãng xe có khi mệt vì chuyện này.

      Ở Saigon cũng thế đấy Marg. có những con đường cấm xe hơi, mình đi xe gắn máy được, nhưng đi taxi lại không được, gặp trường hợp đó phải chạy xa hơn thường tài xế họ nói cho khách biết.

      Xóa
  12. Đọc bài viết của anh Hiệp xong mà em cảm thấy xấu hổ vô cùng ! Mà cũng đúng thật anh Hiệp ơi . Em nhớ năm 2013 em có về VN và ra Nha Trang chơi , tụi em nghỉ ở một khách sạn và ăn sáng cũng ở dạng thức ăn tự chọn : ôi trời thật là xấu hổ vì đâu bởi lẽ có một gia đình sống ở Mỹ về VN chơi họ đã " luân phiên nhau " đi lấy thức ăn thật nhiều rồi bỏ vào túi nylon . Sau đó cho tất cả vào trong túi xách ! Ông xã em nhìn thấy mà lắc đầu ngao ngán ! Anh ấy nói sao lại làm thế ? Chắc họ để dành để ăn bữa cơm trưa chăng ? Chứ ăn sáng quá chừng mà còn lấy thức ăn bỏ vào túi nylon để làm gì ? " . Em thì đỏ cả mặt vì xấu hổ với anh ấy . Thế là em len lén chớp được vài tấm hành động của họ . Đến bây giờ em cũng còn giữ trong máy của em nè ....Nghĩ mà buồn ghê anh nhỉ ? Người Việt mình sống ở đâu cũng không bỏ được cái tật xấu đó ....

    Hihi ...dạ không có gì đâu anh Hiệp ạ ! Hôm nay em bận ghê lắm vì Noel ở bên đây , tối em mới tranh thủ vào mạng một chút trước khi đi ngủ , đọc được bài viết của anh , và nhất là thấy được những hình ảnh mà em cũng thích nhất nên thấy vui vui trong lòng vì đâu á ! Rõ là anh Hiệp cắt xén nên trông chúng đẹp và lung linh hơn đó cơ ..hihi ...em phục anh Hiệp luôn !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy người Mỹ về cũng thế chứ không riêng gì người "bổn xứ". Có lần ngồi nói chuyện với một người quen, họ cũng hồn nhiên nói lấy đồ ăn như vậy là đúng vì mình đã trả tiền, thay vì ăn tại chỗ thì minh mang về cũng thế. Họ đã lầm lẫn giữa một bữa ăn vào gọi món (ăn còn dư ta thoải mái nói nhà hàng gói cho ta mang về) và một bữa ăn buffet. Hết biết nói gì luôn.

      Mấy tấm hình bên trên NangTuyet chụp đẹp lắm.

      Xóa
    2. Dạ , đúng là họ nhầm lẫn một cách trầm trọng giữa việc ăn gọi món và ăn dạng buffet rồi anh Hiệp nhỉ ? Nhầm lẫn kiểu này thiệt là có hại ghê đi ...hihi ...

      Em cảm ơn anh đã có lời khen anh Hiệp nhé ! Năm cũ sắp bước qua và năm mới lại rộn ràng sắp bước đến . Em kính chúc anh cùng gia đình một năm mới đầy an vui , hạnh phúc và vạn sự may mắn anh Hiệp nhé !

      Xóa
    3. Người nói với tôi điếu nhấm lẫn đó không phài là người quê mùa, ít học hay nghèo nàn, trái lại hết cả đó NangTuyet, bởi vậy kỹ năng sống (từ suy nghĩ đến hành động), là điều rất cần thiết trong cuộc sống.

      Chúc mừng Năm mới, hì hì!

      Xóa
    4. Người nói với tôi điếu nhấm lẫn đó không phài là người quê mùa, ít học hay nghèo nàn, trái lại hết cả đó NangTuyet, bởi vậy kỹ năng sống (từ suy nghĩ đến hành động), là điều rất cần thiết trong cuộc sống.

      Chúc mừng Năm mới, hì hì!

      Xóa
    5. Dạ , em cảm ơn anh Hiệp nhiều !

      Xóa
  13. bây giờ khi gặp được một hành động thân thiện khi người khác giành cho mình mới thấy quý lắm bác Hiệp ạh, giữa chốn lubu này cái thân thiện ít hơ cái vội vã của từng người.
    Chúc bác và gia đình một mùa Giáng SInh thân thiện và hạnh phúc nhé :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó Bố susu, thời buổi này cái thiện chí nó dần ít đi, chắc cũng bởi như Bố susu nói người ta giờ vội vã quá.
      Gia đình Bố susu an vui trong dịp cuối năm và năm mới nhé.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))