Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Một vài từ ngữ ít còn thấy xài.


Hồi còn nhỏ ờ Saigon tôi nhớ chuyện gì xảy ra đã lâu hay nghe người ta nói "Từ thời bà Cố Hỷ", hoặc "Từ thời Bảo Đại còn... ở truồng". Bảo Đại là ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam thì ai cũng biết, còn "bà Cố Hỷ" là ai thì hỏi chẳng ai rõ. Tình cờ vừa rồi rảnh rỗi đọc quyển "Tự vị tiếng nói miền Nam" của học giả Vương Hồng Sển mới rõ "bà Cố Hỷ" là ai.

Cụ Vương cho biết bà Cố Hỷ là tên một nữ thần ở vùng Bà Rịa, trước đây dân rất kiêng sợ, không dám gọi đến tên, nhưng từ ngày khoa học tiến bộ, đã lui vào dĩ vãng. "Từ thời bà Cố Hỷ", thành ngữ để tỏ rằng việc xảy ra từ quá lâu đến lu mờ không rõ ắt xảy ra từ bao giờ, cũng như "Từ thời ông Nhạc ỉa cứt su". Cụ Vương cũng cho biết đây là một thành ngữ của miền Nam có ý nghĩa như "Từ rhời bà Cố Hỷ". Cụ Vương viết:

"Xét ra Nhạc đây là ông Nguyễn Nhạc, chúa Tây Sơn, cả ba ông không có chữ lót "Văn" như trong Nam thường lầm, và tích "ỉa cứt su" là tiếng nói trong Nam thuở ông Hoành, ông Trắm, đời Ngụy Khôi đây thôi, không nên kéo ông tướng của Tàu vào", tướng của Tàu đây là nhân vật Nhạc Phi đời Tống.

Cũng có một vài từ khác bây giờ tôi ít nghe ai nói đến là "thả cửa, thả giàn". Trong sách cụ Vương có nói đến. "Cửa" là "cửa rạp hát", "giàn" là "giàn hát". Thả cửa là mở cửa rạp hát cho ra vô thong thả, thả giàn là hát gần vãn cho vào xem không thâu tiền vô cửa nữa, có ý làm quảng cáo mời mọc đến xem diễn tuồng hôm sau: trẻ nít thường chờ thả giàn thả cửa thì ào vô xem hát cọp không tiền.

Nghĩa bóng: thả cửa, thả giàn là làm hoặc nói luông tuồng tự do, không nương tay cũng không kềm hãm nữa" ăn xài thả cửa, ăn nói thả giàn. Đồng nghĩa với làm líb, nói líb: làm líp, nói líp.

Như cụ Vương nói bên trên thì từ líp (líb) là từ tiếng Pháp libre có nghĩa là tha hồ, thỏa thích. Người miền Bắc cũng có câu nói tương tự như câu thả cửa, thả giàn của miền Nam là líp ba ga, mà có người khôi hài vẽ tranh hài hước mâm trái cây cúng ngày tết của quan tham gồm: trái mãng cầu, trái chôm chôm, trái xoái, cái líp và cái ba ga của xe đạp (cầu chôm xài líp ba ga).




22 nhận xét :

  1. Như con và bác đã nói, cứ đọc sách cụ Vương là thể nào cũng tìm ra cái hay từ những điều cực kỳ bình thường. từ "thời bà cố Hỷ" thì ngoài Bắc cũng có bác à! cũng là nói những việc xưa cũ.Còn câu "Bảo Đại ở truồng" thì ngoài Bắc hơi khác một chút: "thời Napoleon cởi truồng" hay "thời Pharaoh cởi truồng", chứ Bảo Đại là nay con mới nghe thấy.
    Thả cửa và thả giàn cũng vậy. ngoài Bắc cũng có,ăn chơi thả phanh, thả cửa.
    Riêng câu "Líp" thì nơi khác con không rõ ra sao. Chứ nơi nhà con ý cũng là thoải mái, thả ga. Hay dùng để mỉa mai cán bộ "Nó ăn của đút líp mồm rồi về hưu ý mà". Đại loại là vậy. Con có vài lời thưa cùng bác. hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là lai rai đọc cụ Vương ta tìm được vô số cái bình thường, thậm chí tầm thường trong cuộc sống mà gẫm lại rất hay. Trong dân gian nơi này nơi khác hay có những câu nói đại ý giống nhau.

      Xóa
  2. Ối trời ! Hôm nay em qua thăm anh Hiệp , đọc được bài này của anh , em khoái thiệt ! Quả thật rất hay vì có rất nhiều từ ngữ đã được dân gian sử dụng mà thật ra cũng không biết rõ nguồn gốc của chúng như thế nào ?

    Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé . Chúc mừng anh đã hồi gia và mong anh mau chóng được khỏe hẳn để còn có thời gian và sức khỏe tốt để tham khảo và cho ra những bài viết thật hay và đầy ý nghĩa về văn học anh nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau hai tháng giang hồ về nhà có nhiều chuyện phải làm, hì hì!

      Trở về với kho sách, kỳ này chắc sẽ đọc nhiều (có những cái phải đọc đi đọc lại), sẽ viết ít đi, nhưng sẽ vẫn qua nhà bạn bè, nhất là nhà NangTuyet để xem hoa có, chim chóc và đi... du lịch ké, hì hì!

      Xóa
    2. Phải vậy đó anh Hiệp ơi ! Cái gì chứ vụ này em ủng hộ anh hết mình .Vậy thì em phải siêng đi săn ảnh mới được ..hihi ..

      Xóa
    3. Bây giờ coi như tôi đã "nhập cốc" rồi, từ đây chắc đến hết năm, cho nên chỉ còn đọc mấy quyển sách với những trang của bạn bè thôi. Rất cám ơn NangTuyet :-)

      Xóa
  3. Ỏ Bắc thì nói thế này bác Hiệp: Ôi trời, từ thời cổ hỉ lai hi rồi còn gì? Chẳng biết cái đuôi "lai hi" là thêm vào để nhấn mạnh tạo ấn tương xưa lắc hay là nghĩa Hán Việt nữa bác ạ.
    Dạo này vừa bận, vừa tự nhiên thấy buồn ( "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" ấy mà) nên chẳng hứng thú viết lách gì cả bác Hiệp ơi. Thỉnh thoảng nhớ mọi người trong blog dạo một vòng thế thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào NT. À, trước đây tôi cũng hay nghe các cụ nói thế này "Từ cái thời cổ lai hy...", tức lả từ cái thời xưa xưa nào đó. "Cổ lai hy" có lẽ là trong câu "thất thập cổ lai hy" (bảy mươi xưa nay hiếm), thất thập = bảy mươi, cổ lai = xưa nay, hy = hy hữu, hiếm.

      Chơ blog cũng tùy hứng thú nữa, có hứng thì viết được, không có hứng thì khó viết, rồi bận bịu đủ thứ... Không sao đâu, cũng như mưa nắng trời đất ấy mà...

      Xóa
  4. Hihi... Cũng giống như có người cứ hút thuốc thả cửa cho dù người ngồi kế bên ho thả giàn, bác Hiệp nhể?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, chào như thị, thấy là vui rồi, hôm nọ gặp chị M. mỗi lần nhắc đến như thị là cười đã đời đó.

      Xóa
  5. đọc xong cháu nhớ thớ từ "sụm bà chè", chẳng lẽ do bà chè nào đó gánh chè đi bán mệt quá ngồi bệt xuống nghỉ mà ra :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, "bà chè" ở đây là đọc trại từ "bánh chè" (xương bánh chè ở đầu gối), "sụm bà chè" là "sụm đầu gối" đi không nổi :-)))

      Xóa
  6. Mỗi nơi mỗi vùng đều có những câu từ , thành ngữ để chỉ một hiện tượng hay một sự việc khác nhau . Ở quê Salam thì có câu " từ thời Napoleon ở lổ ( Truồng ) từ thời Bảo Đại ở lổ " . Hồi mói thống nhất đất nước xong có mấy người trong Nam ra hay nói câu " Mát trời ông Địa " cũng chẳng hiểu vì ở ngoài Bắc không thờ Ông Địa , ông Tài (. Hồi đó cấm , đền chùa còn bị đập bỏ ) sau này vào Nam thì mới hiểu được câu nói này , có nghĩa là chơi xả láng . Cũng thấy nghe câu khi ăn nhậu với nhau hay nói " Tới luôn Bác tài "
    Hôm nọ có mấy đứa bạn vào chơi đưa chúng đi Masagese , xông hơi , mấy cô phục vụ hỏi tụi chúng " Anh có thích Mát tứ bề không ? " tụi nó không hiểu mói hỏi Salam câu ấy có ý nghĩa như thế nào ? Salam trả lời à " Mát tứ bề " thì để mai hỏi Bác Hiệp và Bố Su Su .... he he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cái dụ này phải học tập Salam thôi.

      Xóa
  7. Líp baga có nghĩa là thả cửa , thả giàn ... chắc tại cái baga mà trống thì tha hồ chở ai cũng được bác nhỉ , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái bạn Magr này ! Lipbaga thì rõ ràng là từ hồi xưa rùi ai chả biết là xài tẹt ga , đến trẻ con bi giờ cũng biết . Còn từ này không mới không cũ nè " Mát tứ bề " có nghĩa nàm thao nhể nhể ? Bạn có thể giải thích cho Salam hiểu hôn ? .... Bác Hiệp thì Bó chân . Com rùi .. he he he

      Xóa
    2. Cái từ "líp ba ga" là từ ba rọi của giới bình dân, hoặc là loại từ dùng để khôi hài, líp ba ga, chở hết cỡ, chở tự do, như xe gắn máy mà tống ba tống bốn, nó cũng tựa như "chạy hết ga" vậy. Hihi.

      Xóa
    3. Tại bác Salam không biết đó thôi , bác Hiệp là sư phụ của Marg và Nang Tuyet đó . Sư phụ còn bó chân thì đệ tử cũng phải bó tay thôi , hihi

      Xóa
  8. Máy để bàn hư chưa sửa được, vào blog bằng cái tab ngay trang của cu cậu con trai, hì hì.

    Trả lờiXóa
  9. Nhiều người dân Bà Rịa không biết Bà Rịa là ai và tại sao lại có cái tên ấy nói chi đến Thần Cố Hỷ. Bà Rịa có nhà Lớn của ông Trần, bu tui đến đó hai lần theo đề nghị mấy ông bạn Hà Nội vào. Gọi là nhà Lớn ông Trần nhưng ông ta có tên Lê Văn Mưu. Hỏi dân tại sao Lê rồi lại Trần dân ở đây cũng bó tay luôn . Bu tui có tập sách dầy 47 trang nói về nhà này cũng lạ lắm, Định viết giới thiệu chơi nhưng ngồi vào máy cứ bị ám ảnh cái nhục quốc gia thế sự sau chuyến thăm của cha Tập Cận BÌnh và tuyên bố kẻ cướp của lão thì không còn hứng thú mà viết gì nữa. Đã múa gậy trong bị rồi mà không còn múa được nữa ....Than ôi!!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về cái tên Bà Rịa cũng có đến mấy lý giải, đại khái đó là một bà tên Rịa có bia mộ đàng hoàng, ý khác là tiếng của người thiểu số địa phương do người mình phiên âm mà ra... Những nhà nghiên cứu nghiêng về gỉa thuyết tiếng của người thiểu số địa phương hơn. Ở miền Nam có rất nhiều địa danh như thế, chẳng hạn rạch Bà Bèo, tên gốc là Bàu bèo, rạch Ông, tên gốc là rach Ong (con ong).

      Đạo Ông Trần ở Long Sơn cũng hay, về cái tên Ông Trần trong khi ông họ Lê hồi mấy năm trước tôi đến cùng mấy người nghiên cứu sinh Mỹ, có gặp những người lớn tuổi ở đây, họ nói gọi là Ông Trần bởi khi còn sông ông chuyên cởi trần, người Nam bộ có khi đơn giản thế.

      Còn những chuyện lớn thì chán quá bác Bu, ngoài Hà Nội vụ hành hung và bắt giữ luật sư vừa rồi nữa, đúng là mạt vận.

      Xóa
    2. Về địa danh Bà Rịa, trong quyển Tự vi tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển cho biết như sau:

      - Trong sách le Cisbassac: Bà Rịa theo ông Etien Aymonier là do tiếng Khmer đọc là Pâriya. Còn theo ông L. Malleret, một nhà khảo cổ thì do chữ Bà Rày, Barei, và nói thêm ao baray này vẫn còn ở Long Điền. Còn theo thuyết của VN cung do ông Malleret, thì Thị Rịa gốc người Bình Định đến tạo lập ra đất này và được đặt theo tên của Bà. Trường Viễn Đông Bác Cổ xây mộ cho Bà Rịa. Mộ ở cạnh Hương lộ Giồng Ổi, từ xã An Ngãi qua chợ Bà Đập, thuộc xã Phước Hải.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))