Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Những điều đơn giản.



Ảnh Internet.

Tôi thấy cuộc sống bây giờ nhiều khi phức tạp quá, phức tạp từ trong cách suy nghĩ của mỗi người. Phức tạp từ nhà ra ngõ, rồi ra đến phố. Nhiều khi chuyện nhỏ, nhỏ lắm, nhưng người ta cứ thích "khống" lên, như rất quan trọng, rồi "rối rít tít mù" lên để mà giải quyết. Hoặc ngược lại, người ta chừng như chẳng suy nghĩ gì cả, nặng về bản năng. Sống giữa cộng đồng nhưng như trong phòng riêng, cử chỉ, lời ăn tiếng nói cứ bạt mạng chẳng cần giữ gìn ý tứ.

Tôi cũng hay nghe, hoăc đọc được những bài viết trên sách báo, dài dòng, về những vấn đề quan trọng của xã hội, nhưng tất cả cứ na ná như nhau. Bây giờ là thời đại của thông tin, nhưng những từ ngữ "đến hẹn lại lên" ấy không chứa đựng bao nhiêu thông tin, nó trống rỗng, mông lung, mơ hồ, nghe xong, đọc xong tai này nó chạy tọt sang tai kia, chẳng còn lại gì... Nếu có thời giờ chúng ta cứ thử giở lại báo chí (báo giấy, báo mạng) mà coi, những câu nói, những vấn đề xã hội của vài ba, hoặc thậm chí năm, mười năm trước, đến hôm nay vẫn y nguyên như thế, chẳng hề thay đổi.

Mấy hôm trước tôi có đọc được một bài viết trong một tạp chí, tôi có chép lại một hai câu ngắn mà người viết đã trích dẫn. Những câu nói rất đơn giản, nhưng tôi nghĩ chỉ những bậc Thánh nhân, vĩ nhân mới có thể nói ra được những minh triết đơn giản như thế. Tôi chép lại dưới đây mấy câu ấy:

"Toàn bị người chê, hay toàn được người khen là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không không dễ gì thấy được". 
Đức Phật - Phẩm Koethavaggo.

"Không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn". 
Đức Đạt Lai lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso.



26 nhận xét :

  1. Ôi anh ơi! Cuộc sống mà, không nghĩ hoặc nghĩ về nó đừng nghiêm trang quá thì nó đơn giản. Cứ mà anh nghĩ nghiêm túc thì nó rất phức!
    Anh luôn viết và giải thích về ngĩa chữ... Nhiều người cũng viết nhưng họ giải thích về nghã cuộc sống. Dù viết về cái gì thì cũng nổi nên hai vấn đề trong bài viết của họ đó là triết học và chính tả. ai cũng tỏ ra thông tuệ tài giỏi, như những triết gia, chết nỗi triết gia ấy lại luôn sai chính tả. Vậy là làm cái ông người còn chưa xong nhưng đã muốn làm ông vua rồi... Mình cũng có biết mình là ai đâu. Đọc bài của anh thì cha sẻ mấy dòng vậy! Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, tôi thích mọi việc về đúng vị trí của nó.

      Ồ, tôi rất sợ những triết gia. Mấy bữa nay không ở nhà mình, phải tạm rời xa đám sách vở, nên đành phải viết nhăng nhít cho qua ngày vậy mà.

      Xóa
  2. Ô hô ! Thì chính Sỏi cũng viết thiếu chữ dẫn đến sai nhiều chữ quá... Anh thông cảm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong "cái sự viết", đôi khi ta bị sai:
      - Chính tả, hỏi viết thành ngã hoặc ngược lại (tôi nghĩ=tôi nghỉ), con hươu=con hưu, xử dụng=sử dụng.....
      - Dùng sai ý nghĩa của chữ do không hiểu, như "triệu hồi xe bị lỗi", thay vì "thu hồi". "Bao biện" có nghĩa là người lo toan nhiều việc (kể cả việc không phải của mình), thành "chống chế cho lỗi lầm đã phạm phải"...
      - Viết thiếu chữ, sai chữ do "lỗi đánh máy". Cái này hay xảy ra khi ta comments, bấm "xuất bản" rồi, đọc lại mới thấy, và comments thì không sửa được nữa.

      Mấy lỗi trên, không hiểu dùng sai ý nghĩa của từ là "nặng" nhất, còn viết sai chính tả, hoặc "lỗi đánh máy" là bình thường (bác Bu giỏi thế mà hay bị 2 lỗi này). Hì hì!

      Xóa
    2. ví dụ : xử dụng=sử dụng, thì từ sau đúng hơn từ trước đó, bác Phạm.

      Xóa
    3. Đúng, đúng cụ Nô sử dụng chứ không phải xử dụng.

      Xóa
  3. Đọc bài viết ngắn ngọn của anh mà em thấm ghê lắm ! Quả thật cuộc sống con người vốn đã phức tạp rồi do nhu cầu để được sinh tồn vậy chứ cách suy nghĩ của con người lại càng phức tạp nhiều hơn . Nhiều khi chuyện đơn giản mà họ lại cho là quan trọng . Nhiều khi chuyện chẳng liên quan gì mà họ cũng đặt nặng vấn đề để rồi gây phiền toái , mất lòng nhau ...thật là rắc rối !!! Để rồi với hai câu đơn giản của Đức Phật và của Đức Đạt Lai lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đã làm cho lòng người phải chùn bước lại nếu đã đi quá đà ( đó là suy nghĩ của riêng em .) ....em hy vọng là như vậy ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được một người rất cẩn trọng và "nhạy bén" trước những vấn đề của cuộc sống như NangTuyet (bây giờ có khi người ta dùng chữ "nhạy cảm") chia sẻ những ý nghĩ "rời rạc" của mình, thật cảm động. Merci beaucoup :-)))

      Xóa
    2. Hihi ...nghe anh nói chắc em thấy đúng với tính em rồi . Thật ra em cũng rất nhạy để nhận biết được người nào không thích mình ...và cũng rất cẩn trọng trong mối quan hệ này , nhưng việc trước tiên em làm là ngừng giao tiếp ngay để còn giữ lại được lòng tự trọng của mình đó cơ ! Có lẽ chính vì vậy mà em không có bạn nhiều ....nói ra thật là khó anh ạ vì nhiều khi ngừng giao tiếp rồi lòng em vẫn thắc mắc mãi vì không biết lỗi của mình ra sao để mà đến nỗi bị mất đi một người bạn đó cơ ? Nhưng thôi ...hiểu nhau thì liên lạc , thì giao tiếp ...còn ngược lại thì cũng chẳng sao ? Nhưng em vẫn luôn nghĩ : " Cái đáng sợ nhất trên thế gian này là sự hiểu lầm " đó anh Hiệp ơi ...

      Xóa
    3. Tôi có mấy quyển sách về... coi tướng, coi chỉ tay (tính mai mốt già thêm chút nữa tập viết lại chữ Nho, coi lại mấy quyển này rồi ra Lăng Ông ngồi), cho nên đôi lúc nhìn người mà đoán... mò tính cách đó. Vậy chứ trong một số trường hợp coi tướng cũng khá đúng, dĩ nhiên chỉ dừng lại ở chỗ đoán tính cách thôi, ong bà ta chẳng nói "Trông mặt mà bắt hình dong" đó sao?

      Sống đến tuồi này tôi cũng thấy thế đó NangTuyet, mình tôn trọng mọi người nhưng đừng "nể nang" quá, Trong cuộc sống cũng như trên mạng ta cũng nên bày tỏ rã quan điểm của mình khi giao tiếp, hoặc thấy không hợp với mình thì nên giữ một khoảng cách, đừng luông tuồng quá để rồi vướng phải những rắc rối không đáng có.

      Hiểu lầm là cái tôi cũng sợ, nhưng đôi khi không tránh khỏi trong cuộc sống, ngay cả với những người thân. Quan trọng là mỗi người có đủ vị tha để vượt qua cái hiểu lầm ấy hay không?

      Vài dòng trao đổi cùng NangTuyet.

      Xóa
    4. Dạ , em cảm ơn anh rất nhiều vì ít nhất với quan điểm đã được anh chia sẻ cũng đã giúp em mở rộng cách nhìn về nhân sinh quan nhiều hơn nữa . Trong cuộc sống đôi khi cũng khó có thể tránh được sự hiểu lầm đúng như anh nói và ngay trong gia đình của mình còn gặp phải nữa thì huống hồ gì trên mạng ảo thì càng phức tạp hơn . Em cũng nhất trí với anh thôi hãy " HĨ - XÃ " thì tâm sẽ được bình an và thanh thản hơn anh hén , nhưng với điều kiện là cả hai phải nhận ra điều đó ...chứ nếu không em sẽ không bao giờ " xuống nước " trước đâu anh ạ dù cho người đó đáng là anh , là chú đi chăng nữa bởi lẽ họ đã có phản ứng trước với em trong khi em không biết lý do gì sao cơ mà ...hihi ...chắc là anh phải tập từ từ để coi tướng số rồi đó và em đăng ký trước đó nhen anh Hiệp ơi ...

      Xóa
    5. Cứ "Hỉ - Xả" đi NangTuyet, tức là cố gắng đừng chấp, cho dù người kia có "cố chấp", nếu được như vậy ta sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

      Có nhiều người ngộ lắm, nhìn mặt, nhìn tướng là ta có thể đoán biết được nhiều điều, còn nhiều người, nhiều khuôn mặt hình như chẳng nói lên được điều gì cả. Như NangTuyet là dễ biết tính cách. Chừng nào về Saigon đặt một quẻ cà phê "thày" đoán thử xem sao. Nhìn hình trên blog của NangTuyet, thấy theo sách vở là "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", hì hì!

      Xóa
  4. Đon giản hay phức tạp cũng do góc nhìn và suy nghĩ của mỗi người . Nếu như nhìn sự việc theo cách đơn giản thì giải quyết nó cũng dễ dàng hơn . Còn nhìn nhận vấn đề theo kiểu nhân cách hoá lên thì giải quyết có phần khó khăn hơn . Xã hội phát triển không ngừng đòi hỏi con người phải vận động theo nếu không muốn bị bỏ lại phía sau . Cuộc sống hiện đại ngày nay phá vỡ những định kiến và quy ước của thời xưa , từ ăn mặc đến giải trí cũng theo hướng công nghiệp hoá , chỉ vùng nông thôn xa đô thị thì mới phần nào giữ lại được chút hồn quê
    Salam thích cách sông và suy nghĩ của người Nam , mọi cái không cần cầu kỳ . Đi xem phim , kich hay tấu hài mọi cốt chuyện cứ đơn thuần là giải trí đúng nghĩa của nó ( Hồi đầu cũng không ưa lắm ) . Suy nghĩ về cuộc sống càng đơn giản thì càng đỡ đau đầu , chuyện hôm qua cứ để lại phía sau chỉ nên nhìn vào những ngày mới ... Thế thôi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay, hay, bác Salam hồi này còm rất chuẩn, phải tuyên dương bác ấy một phát mới được, hì hì!

      Sống từ nhỏ đến lớn ở miền Nam, tôi cũng thích lối sống và cách suy nghĩ của họ, như bác Salam nói là không cầu kỳ. Nhưng qua tiếp xúc ngoài xã hội, tôi thấy một số người nhất là ở các vùng quê sống khá "bản năng". Chẳng hạn vừa qua, một lần tôi chăm sóc người thân trong bệnh viện, phòng có 2 giường bệnh, người nhà nhà tôi và một bác gái ở Bạc Liêu. Gia đình họ từ quê lên cả 5, 7 người, con trai, con gái, dâu, rể, cháu còn nhỏ... vào đấy, ban ngày họ đi chơi đâu hết, tối đến vô ở lềnh khênh, mua bán đồ ăn vào trải chiếu dưới đất ăn uống bàn tán vui vẻ cứ như ở nhà mình. Ăn uống xong vào toillet tắm rửa cả tiếng đồng hồ. Ban đêm trải hai, ba chiếc chiếu dười đất cha mẹ, con cái ôm nhau ngủ ngáy khò khò... Rất vô tư... Được cái họ thật thà, chất phác...

      Xóa
  5. "Nếu có thời giờ chúng ta cứ thử giở lại báo chí (báo giấy, báo mạng) mà coi, những câu nói, những vấn đề xã hội của vài ba, hoặc thậm chí năm, mười năm trước, đến hôm nay vẫn y nguyên như thế, chẳng hề thay đổi."
    Còn NT thì thấy thế này, mỗi năm, các giáo viên phải nghe đi nghe lại những thông tin trùng lặp nhiều lần: đọc khi khai giảng, đọc trong hội nghị tổ chuyên môn, hội nghị CBCC, đại hội công đoàn, đại hội chi bộ, sơ kết học kì, tổng kết năm học. Và ngao ngán thay, những thông tin đó năn ngoái, năm trước, năm trước kia...cũng đã nghe rồi. Thời đại "cóp pết" thật là nhất cử lưỡng tiện. Hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế đó NT, hồi tôi còn đi làm cũng y như thế. Những bản báo cáo, sơ kết, tổng kết của chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên... cứ lập đi lập lại, những con số nhảy múa chẳng bao giờ có ai thắc mắc. Đại để đã phấn đấu làm được cái này, cái kia (những cái làm được), nhưng bên cạnh đó vẫn còn những thiếu sót, do thiếu nhận thức, năng lực còn hạn chế bởi phải kiêm nhiệm... Xin hứa sẽ phấn đấu để nhiệm kỳ sau, năm sau làm tốt hơn... Đại khái thế, Mà trên tivi ở những cấp rất cao phát biểu cũng y hệt như thế, những điều "đương nhiên phải có khi làm ở ngành ấy", chẳng hạn tòa án phải công minh, thì lại được đưa thành tiêu chí để ngành ấy "phấn đấu đạt được"..

      Đúng là thời đại "cóp pết", hichic!

      Xóa
  6. Nói anh Hiệp nghe , hồi nhỏ học cấp 1,2,3, và thời sinh viên dưới mái trường XHCN , được dạy và học vậy nên biết vậy , từ khi vào Nam lập nghiệp và sinh sống đến bi giờ , mới nhận ra " Dzậy mà không phải dzậy " Salam bi giờ suy nghĩ và cư xử 80% người Nam rồi , còn 4 đứa con thì chúng đã 100% roài
    Cứ suy nghĩ giản đơn đi Anh ạ , chuyện xã hội thì để cho xã hội giải quyết , mình đa mang vào thì càng bực mình thêm .. chẳng giải quyết được những bức xúc của mình đâu , nhiều khi còn bị tai bay vạ gió (. Nhiều trang Blog bị chặn rồi )
    Chuyện Anh kể mấy người chăm nuôi bịnh sống theo " Bản năng " thì đó cũng là một cách sống theo bản năng , thật thà , chất phác , sống ở nhà ra sao thì đi đâu cũng cư sử như dzậy , đó cũng là một chấm phá của tính cách " Nam Bộ " anh ơi
    Anh đừng cười nghen , nhà Salam cũng dzậy . Trong một năm mà cả nhà ăn một bữa cơm chung mười ngón tay chưa đếm hết , năm 2014 được 9 lần , năm 2015 mới được 6 lần Anh ơi . Không trách tụi nhỏ được , công việc , học hành ... tiện đâu ăn đó , cũng vì công cuộc mưu sinh mà tụi nhỏ phải " Tự thân vận động " để tồn tại thôi . Câu chuyện Má đi chợ zề rồi cả Ba Má vào bếp làm đồ ăn xong chờ các con về ăn đầy đủ đối với nhà Salam là chuyện .. ước mơ của hai vợ chồng thôi .. Nhiều khi cũng buồn lắm , hai vợ chồng cứ tự động viên gắp thức ăn cho nhau .. rồi ước gì có một đứa con về cùng ngồi ăn chung , một đứa đã khó thì thử hỏi Bác và các Bạn làm sao có đủ 4 đứa đây .. cũng không trách được tụi sắp nhỏ , đã sống ở Sài Gòn thì phải theo cuộc sống vốn dĩ như dzậy ... hỏi bác Hiệp đã từng gặp trường hợp như Salam hay chưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vẫn suy nghĩ đơn giản đó chứ Salam, đơn giản lắm chỉ mong mọi chuyện đâu vào đấy, vua ra vua, quan ra quan, dân ra dân, con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, con trâu đi cày... Vậy mà mọi chuyện chừng như cứ đảo lộn hết cả.

      Những người nhà quê ít học, ít hiểu biết sống bản năng, nhưng những người học nhiều, hiểu nhiều lại sống tính toán, trong xã hội đầy, họ tính toán cái gì có lợi nhất cho bản thân thì làm, bất chấp thiệt hại cho người khác. Đó là điều mà năm mươi năm trước tôi sống ở Saigon trong một xóm lao động cũng hiếm thấy.

      Gia đình nào bây giờ cũng thế bác Salam, nhà tôi có 3 người chứ không phải 6 người như nhà Salam, nhưng cũng hiếm khi nào ăn với nhau được một bữa cơm đủ mặt, làm sao được khi giờ giấc, công việc của con cái nó khác mình.

      Nhưng nói như thế không phải là "chuyện xã hội để cho xã hội giải quyết". Xã hội là ai?, xã hội là chính mỗi người trong chúng ta chứ ai. Nghĩ như thế nên bản thân mỗi người cứ nghĩ tất cả là chuyện của kẻ khác, không dính líu tới mình. Kết quả là gì? Cô em út của tôi sống ở Úc, đã nhập quốc tịch Úc, có lần về chơi nói, em đã đi nhiều nơi, cũng là da vàng mũi tẹt, nhưng cầm cái Visa VN đi đến đâu cũng bị nhìn bằng con mắt khác, đối xử khác. Trong khi cầm cái Hộ chiếu Úc thì được đối xử bình thường. Đi nhiều nơi còn thấy họ đề những tấm bảng bằng tiếng Việt mà mình đọc thấy khó chịu.

      Có lẽ đấy là hậu quả của việc "chuyện của người ta chứ không phải chuyện của mình". Một đôi dòng, mong bác Salam bỏ quá.


      .

      Xóa
  7. Trong sách "Đại thừa tuyệt đối luận" của Nguyệt Khuê Tâm Viên có câu này cũng đơn giản lắm

    Bộ mặt đáng sợ nhất trên thế giới đó là không biểu lộ một chút tình cảm gì.

    Ở trên bia mộ của một vị Văn học gia đề rằng: “Tha thứ cho tôi vì tôi không thể đứng dậy được”, còn trên bia mộ của một vị mù lòa thì đề rằng: “ Xưa kia ta không nhìn thấy các ông, còn hiện tại các ông cũng nhìn không thấy ta”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hà hà, những câu nói đơn giản mà chính xác đến não lòng, nhất là cái câu đầu tiên đó bác Bu.

      Xóa
  8. Thì đơn giản cũng là... đang giỡn đó. Các bác đang giỡn với chữ nghĩa đó mà, ko phải sao? Tui thì đơn giản là ai nói sao tui tin vậy! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đơn giản... cũng là đang giởn. Khi còn trẻ ít suy nghĩ, khinh suất, mới dám giỡn với đủ thứ đó Giáo, chứ về già tôi ít dám giỡn với bất cứ điều gì, kể cả chữ nghĩa, bởi về già biết sai lầm thì có khi không còn nhiều thời giờ mà sửa chữa nữa... Hihi!

      Xóa
  9. Thời buổi này phức tạp là đúng thôi, bác Phạm ơi, khi công nghệ thông tin đã biến mỗi người thành một nhà báo, mỗi trang cá nhân là một tờ báo.
    Ta chỉ còn biết "đơn giản" hóa cuộc đời (nhất là chuyện đọc-nghe-nhìn) bằng cách chọn lọc thông tin, chọn tốt thì bớt ... phức tạp. Ngày xưa, bác Phạm chỉ chọn đọc vài tờ báo bác thích, chứ đâu có đọc tất cả các báo xuất bản, mà trong đó lá cải không thiếu, tin chó càng xe càng không bao giờ thiếu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chọn lọc thông tin là điều rất cần thiết trong thế giới ngày nay, để giữ cho cái đầu của mình khỏi... tẩu hỏa nhập ma. Thời buổi mỗi người là một nhà báo, mỗi trang cá nhân là một tờ báo, thêm chút xíu, mỗi người là một nhà văn nhà thơ, mỗi trang cá nhân là một nhà xuất bản, hì hì, thì quả là chúng ta phải có một bản lĩnh, để không bị sa đà vào những cái vô bổ, hoặc rắc rối không đáng.

      Ở cái xứ sở mà một nhà văn đã nói "lắm người nhiều ma" này...

      Xóa
  10. Đơn giản hóa mọi chuyện hay phức tạp hóa mọi chuyện đều cực đoan cả. Nhưng sao cho hài hòa, vừa phải cũng khó lắm, phải có văn hóa, thậm chí có đạo đức... nữa mới được.

    Lại còn phụ thuộc bản tính, thói quen... phải không bác?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, sống hài hòa, có văn hóa và đạo đức là nhất rồi, bây giờ có khi là của hiếm. vậy mà tôi nhớ trước đây trong cái xòm lao động tôi ở nhiều gia đình như thế, chia nhau tờ báo hằng ngày, chuyện xin trái ớt, củ hành củ tỏi là thường, Nhà nào có cúng bái, giỗ chạp, thường mang chén chè, bát xôi sang biếu hàng xóm...

      Cái đó đúng là một thói quen...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))