Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Ký ức Trung thu.



Đèn xếp.

Chỉ còn một vài ngày nữa là đến tết Trung thu (tôi viết bài này khi còn mấy bữa nữa là đến rằm tháng tám). Bánh trung thu... ế chắc đã bán giảm giá từ lâu. Tết Trung thu bây giờ có lẽ đã khá xa lạ với trẻ con, may ra trong những xóm lao động nơi những con hẻm nhỏ mà cửa nhà nào nhà nấy luôn mở nhìn sang nhà đối diện, là còn thấy buổi tối vài đứa trẻ con chơi cái đèn lồng hiện đại bằng nhựa chạy pin nhấp nháy phát ra tiếng nhạc ò e, hoặc những cái đèn lồng bằng giấy kiếng xanh đỏ thắp nến truyền thống, còn nơi những xóm trung lưu trở lên, nhà cửa kín cổng cao tường, may ra đám trẻ còn được mua cho những chiếc đèn lồng, nhưng phải chơi một mình trong nhà. Còn các loại bánh Trung thu như bánh nướng, bánh dẻo, và nhiều thứ bánh khác nữa ê hề ra đấy, nhưng chúng chẳng thèm đụng đến bởi bánh ngọt lừ, lổn nhổn ăn mau ngán. Trẻ con ở thành phố bây giờ có quá nhiều đồ chơi tối tân, và bánh kẹo. Các loại bánh Trung thu ấy chỉ để dành cho người lớn, các cơ quan mua biếu xén lẫn nhau, trả ơn trả nghĩa...

Trong ký ức của tôi, có lẽ cái thời con nít học tiểu học (cỡ cuối thập niên 50, sang đầu thập niên 60 của thế kỷ trước) là thời tôi được hưởng những mùa Trung thu vui nhất. Thời ấy gia đình tôi ở trong một xóm nhỏ dân cư lao động nơi vùng Chợ Lớn, nay thuộc quận 11. Xóm gồm một số gia đình Bắc di cư như gia đình tôi, một số gia đình người miền Nam, một số khác là người gốc Hoa. Nhà nào cũng có vài đứa trẻ con lớn nhỏ, lóc nhóc, tùy từng lứa tuổi, trai gái mà chơi với nhau. Xóm lao động, bình dân, cho nên ít có gia đình giàu có. Gia đình mièn Bắc đa phần làm công chức, tư chức, gíao viên... Người miền Nam làm đủ mọi nghề, chạy xe xích lô máy, nghề tự do, bán tạp hóa... Còn người Hoa thường buôn bán nhỏ như bán hủ tiếu, cà phê, làm các loại bánh mứt...

Một cửa hàng bán lồng đèn Trung thu ở miền Bắc xưa. Ảnh Internet.

Mùa Trung thu nơi xóm lao động nhà nghèo, hiếm có đúa nào được mua cho cái lồng đèn, cho nên đến khoảng đầu tháng 8 âm lịch bọn nhóc tì tụi tôi thường phải tự làm lấy những đồ chơi Trung thu, đi kiếm tre về chẻ ra làm lồng đèn, dễ nhất là lồng đèn ông sao, Tôi thường xin những miếng giấy kiếng gói những hộp bánh quế, bánh cốm... đám cưới để dành phất lồng đèn, một món đồ chơi khác của đám con trai là cái xe đẩy bằng lõi cuộn chỉ, và cái ống lon sữa bò mà tôi đã nói ở entry trước. Tôi cũng nhớ thời ấy ông cụ tôi hay làm cho mấy đúa trẻ trong nhà cái lồng đèn kéo quân. Ông cụ tôi rất khéo tay (dân học Bách Nghệ Hà Nội ngày xưa). Ông cụ tôi lấy tre vót thành những cây nan đều đặn, ghép lại thành khung chiếc đèn kéo quân lục giác, đèn phất bằng giấy mờ chứ không phải bằng giấy bóng kiếng. Bên trong phía trên gắn chiếc chong chóng nằm ngang (cánh quạt) quay bằng hơi nóng của ngọn đèn tròn. Chong chóng có trục bằng tre, ăn với những hình nhân cắt bằng giấy như cô tiên, trẻ con rước đèn, chú lính, con ngựa đang phi... qua một hệ thống khung bằng giây kẽm. Khi bóng đèn được thắp sáng, hơi nóng tỏa ra làm quay chong chóng khiến những hình nhân chuyển động vòng tròn, in hình lên lớp giấy mờ. Chiếc đèn kéo quân này luôn làm anh em tôi mê mẩn, và cũng là niềm tự hào với đám con nít trong xòm.

Mấy buổi tối trước Trung thu hôm nào trời không mưa, bọn trẻ trong xòm thường rủ nhau rước đèn, nhưng vui nhất là tối Trung thu vào đúng rằm tháng tám. Tôi nhớ bài hát phổ biến bấy giờ là bài "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ... Mười lăm tháng tám trời cho, một ông trăng sáng thật to...". Trong bài hát cũng có câu "Có con dế mèn, hát trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...".

Buổi tối Trung thu thể nào trong nhà tôi cũng có bày cỗ. Mà ngộ, trong xóm có mấy gia đình Bắc kỳ, mấy gia đình người Nam, mấy gia đình người Hoa, thì chỉ có gia đình người Bắc bày cỗ cho đám trẻ. Người Hoa thì bày bàn, mâm cúng trước cửa nhà, nhưng là cúng thánh thần chứ không dành cho trẻ con. Còn mấy gia đình người miền Nam thì chẳng thấy cúng bái cỗ bàn gì cả. Thực ra gọi là bày cỗ chứ cũng chẳng có bao nhiêu. Tôi nhớ ở nhà tôi thường bày một hoặc hai hộp bánh gồm mấy chiếc bánh dẻo, mấy chiếc bánh nướng, thêm một vài thứ bánh khác như rau câu, một ít trái cây gồm ổi, cóc, đậu phọng luộc, quýt, một vài quả bưởi (bà cụ tôi gọi là quả bòng). Các nhà khác cũng thế, nhà nào theo Phật giáo thường có thêm ít chén xôi chè để cúng. Nhưng đặc biệt ở nhà tôi có cái tháp xếp bằng những khúc mía xẻ đôi theo chiều dọc để nguyên vỏ, hình dáng như cái tháp Eiffel do ông cụ tôi làm. Bên trên tháp cắm một ngọn nến nhỏ, loại để thắp đèn Trung thu.

Tiến sĩ giấy. Ảnh Internet.

Trong xóm tôi có một gia đình người Bắc di cư gọi là bà Phủ là giàu có (tới thời tôi có chút trí khôn thì không thấy ông Phủ, không biết ông đã mất lúc nào), sau tôi mới biết "Phủ" là chức tước ngày xưa của ông, cũng như ở bên cạnh nhà tôi bấy giờ có "Ông Giáo", là bởi ông làm nghề dạy học. Gia đình bà Phủ ở ngôi nhà to nhất xóm nơi một ngã ba, có sân vườn rộng, rào bằng dây kẽm gai. Bà Phủ đã khá lớn tuổi, con cái của họ bằng cỡ các cụ nhà tôi, tôi chơi với vài đứa cháu trong nhà. Họ sống khá biệt lập, ít giao tiếp với hàng xóm, hiếm khi nào tôi được mấy đứa cháu dắt vào nhà chơi. Tôi còn nhớ có lần hiếm hoi được vào, thấy trên vách tường treo một cây kiếm dài để trong vỏ, hơi cong, chắc kiếm của ông Phủ ngày xưa, một bàn thờ lớn giữa nhà với nhiều hình ảnh,, và trên tường treo những bức liễn, hoành phi viết chữ Tàu sơn son thếp vàng không có nơi những nhà khác...

Một lần khác vào tối Trung thu, sau khi rước đèn lòng vòng trong xóm, mấy đứa cháu dắt tôi vào nhà. Cỗ bàn của nhà tụi nó bày ngoài hiên to nhất xóm, đèn nến sáng ngời, lồng đèn treo cả lên cành cây, cỗ bàn to gấp cả năm bảy lần mâm cỗ nhà tôi, đủ mọi thứ bánh trái. Điều tôi chú ý là trên mâm cỗ có bày một hình nhân bằng hàng mã gọi là "Ông Tiến sĩ giấy" mà cỗ bàn những nhà khác không có. Thời ấy chỉ nghe người lớn nói thế chứ tôi cũng chẳng hiểu hay thắc mắc bày ông tiến sĩ giấy trên mâm cỗ để làm gì? Lớn lên mới biết hình ảnh ông tiến sĩ giấy bày trong dịp tết Trung thu của trẻ con, là dịp để cha mẹ tỏ lòng mong muốn con cái sau này sẽ đỗ đạt nên danh nên phận với đời. Hoặc giả đối với gia đình này, ông Phủ ngày xưa đã đỗ tiến sĩ, làm quan vinh hiển, nay con cháu bày ông tiến sĩ giấy để nhớ lại dĩ vãng một thời oanh liệt?

Coda:

Ngày xưa người ta cố dùi mài kinh sử chữ nghĩa thánh hiền, thi đậu Tiến sĩ để ra làm quan, hưởng bổng lộc triều đình mong vinh hiển cả đời, cả dòng họ.

Mấy ngày hôm nay tôi theo dõi chuyện bổ nhiệm Giáo sư trong công tác giảng dạy của trường đại học Tôn Đức Thắng, có những ý kiến phản đối và những ý kiến ủng hộ. Có nhiều lý do nhưng đại khái "phe" ủng hộ muốn giáo dục nước ta hội nhập với thế giới (nếu đã hội nhập đừng hội nhập nửa vời kiểu thò ra thụt vào), trả lại từ Giáo sư về với ý nghĩa đích thực của nó. Chức danh Giáo sư giảng dạy, hoặc nghiên cứu khi được bổ nhiệm ở đại học chỉ có giá trị lúc còn giảng dạy, hay làm việc ở đại học, là một chức danh cụ thể, hết giảng dạy, hết làm việc thì không còn là Giáo sư nữa.

Còn "phe" phản đối cho rằng chức danh Giáo sư là được nhà nước (cả một Hội đồng quốc gia) xét duyệt phong tặng, đây mới là Giáo sư chính thống (và chính cống), Hàm Giáo sư này là suốt đời, có ý nghĩa mọi lúc mọi nơi, dù người ta đã chỉ ra rằng 2/3 trong số Giáo sư này làm công việc hành chánh, quản lý như một quan chức, chứ không nghiên cứu hay giảng dạy ngày nào. Người ta nói nếu đại học nào cũng "tự phong Giáo sư" như thế thì sẽ "loạn Giáo sư" (cái chiếu hoa ở giữa đình đã chật rồi, đừng có nhăm nhe nhét thêm người vào nữa),

Ở thời buổi này, thời mà người ta gọi là "Thế giới phẳng", là "Toàn cầu hóa", thế giới rộng lớn chỉ còn như chiếc ao làng, nhưng vẫn có nơi, có những người muốn "độc quyền" luôn cả cái từ Giáo sư. Rất lạ, chắc mọi người còn nhớ mới đây ngành Giáo dục đề nghị gọi lớp trưởng là Chủ tịch, mà không sợ "loạn Chủ tịch". Trong khi người giảng dạy, nghiên cứu ở đại học được gọi là Giáo sư lại sợ "loạn Giáo sư"?

Trưng bày ông Tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa, Mục đích của đại đa số cha mẹ muốn con cái học hành đỗ đạt Tiến sĩ không phải là để có trí thức giúp đời, giúp dân, giúp nước, mà chủ yếu ra làm quan, hưởng bổng lộc, phú quý, vinh hoa. Bởi thế nhà thơ Nguyễn Khuyến (Tam nguyên Yên Đổ) mới có bài thơ Vịnh Tiến sĩ giấy, để bỡn, với hai câu thơ cuối:

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Một vài ký ức nhân dịp ngày rằm tháng tám Trung thu.


Saigon, mùa Trung thu 2015.







20 nhận xét :

  1. khúc Coda nghe hấp dẫn hơn khúc nhạc chính.

    Trả lờiXóa
  2. Tuổi thơ của Salam sinh ra vào thời chiến tranh phải đi sơ tán về những vùng quê . Cha mẹ công tác một nơi , mấy đứa con ở một nơi , cơm còn không đủ mà ăn thì chuyện ăn tết trung thu lại càng xa vời . Trung thu đối với lứa tuổi Salam lúc ấy cũng như bao đêm rằm khác , trăng sáng chơi đánh trận giả rất là vui . Bây giờ kinh tế phát triển người ta tổ chức trung thu rầm rộ , quảng bá rùm beng cũng là để kinh doanh mà thôi . Cảm giác như là trung thu của người lớn vậy , bánh trái biếu xén tùm lum . Tụi nhỏ cũng chả mặn mà mấy , thậm chí bánh trung thu chúng cũng chẳng thèm ăn

    ĐÈN KÉO QUÂN

    Ông cắt , bà dán chiếc đèn lồng
    Vẽ vẽ người người một đám đông
    Thêm Nai , Hổ , Báo và bao thứ
    Cho trẻ vui mừng đón trung thu

    Đêm trăng lặng ngắm chiếc đèn cù
    Hổ , Báo , người xe chạy tít mù
    Ngẫm thấy đời người quay được mấy
    Thấm thoắt đà trôi mấy chục thu

    ( Chiều 26 - 9 - 2015 )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi còn đi làm tôi cũng có nghe mấy người bạn cùng cơ quan kể về cái thời họ phải sơ tán trong chiến tranh. Cha mẹ đi theo cơ quan, con cái đi theo trường học, cả một miền sống tập thể. Lúc ấy ở miền Nam chiến tranh cũng ác liệt, nhưng không có chuyện sơ tán về nông thôn, trái lại người nông thôn chạy chiến tranh đi về thành phố.

      Đèn kéo quân còn gọi là đèn cù, bởi những hình nhân quay vòng vòng. Aha, Salam làm thơ hay ra phết :-)))

      Xóa
  3. " Chức danh Giáo sư giảng dạy, hoặc nghiên cứu khi được bổ nhiệm ở đại học chỉ có giá trị lúc còn giảng dạy, hay làm việc ở đại học, là một chức danh cụ thể, hết giảng dạy, hết làm việc thì không còn là Giáo sư nữa..." Ôi ...thật buồn khi đọc đến đoạn này của bài viết đó anh Hiệp ạ ! Nếu như vậy thì những người thuộc lĩnh vực này nếu về hưu thì coi như chấm dứt !

    Trong khi bên đây thì ngược lại . Dẫu họ không còn trực tiếp giảng dạy hoặc công tác nữa thì họ vẫn luôn được gọi là như thế . Thậm chí làm giấy tờ thì họ vẫn ghi nghề nghiệp của mình trước đây . Chẳng hạn như em : mặc dù em chỉ giảng dạy ở bên đây trong thời gian ngắn thôi và em là giáo viên ( bên đây họ gọi là giáo sư chứ không giống ở bên VN mình là giáo viên dành cho bậc Tiểu học và Trung Học ) vậy chứ em vẫn kê khai trong giấy tờ của mình là giáo sư bình thường và khi ox em giới thiệu nghề nghiệp của em với người khác cũng vậy . Ông xã em nói bên đây là vậy đó cái từ nghề nghiệp của mình vẫn đeo theo mình đến khi nào chết thôi chứ không phải không còn giảng dạy nữa hoặc không còn công tác nữa là hết ! Riêng ở VN mình , nếu thực sự như thế thì buồn và tủi lắm anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, đại học ở VN bây giờ chỉ mong được bổ nhiệm chức danh GS khi người ấy đang giảng dạy thôi còn chưa được nữa đó NangTuyet. Bên Tây hiện nay như NangTuyet nói hình như có khác với các nước khác, Chẳng hạn ở Saigon trước năm 1975, GS là chức danh được gọi khi đang giảng dạy từ Trung học trở lên, một khi không còn giảng dạy nữa thì được gọi là "nguyên GS". Chẳng hạn Ông Nguyễn Văn A, nguyên GS trường X... Tôi nghĩ điều này là bình thường, cũng như một nhà sư được gọi là "Thày" khi ông ấy ở trong chùa, mặc áo cà sa, một khi ông ấy đã xuất trở về trần tục, đâu còn được gọi là Thày nữa.

      Bằng cấp mới là thứ theo ta suốt đời, có giá trị vĩnh viễn, như bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ... Ông Nguyễn Xuân Oánh chẳng hạn, về già rồi vẫn còn được goi là TS Nguyễn Xuân Oánh... Chứ không ai gọi ông ấy là Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh (nếu muốn dùng từ này phải gọi là "nguyên Phó Thủ Tướng". Ông Ngô Viết Thụ là người vẽ kiểu dinh Độc Lập, về già vẫn được gọi là Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ...

      Theo tôi, chức danh khi làm việc chỉ nên gọi lúc làm việc. Còn khi không đảm trách chức danh ấy nữa nên thêm chữ "nguyên", như vậy sẽ rõ ràng hơn...

      Xóa
    2. Bây giờ , giáo sư là chức danh nên như bác H nói chỉ gọi lúc còn làm việc , còn bên Tây , hình như từ professeur là nghề nghiệp , giống như trước 75 ở SG, giáo sư trung học cũng là để chỉ một nghề nghiệp phải không bác H ?

      Xóa
    3. Dạ ở bên đây là như thế đó anh Hiệp ạ ! May là em có giảng dạy bên đây và sống bên đây nữa nên em mới biết như thế đó . Chẳng hạn ox em đã về hưu rồi vậy chứ làm giấy tờ anh ấy vẫn ghi nghề nghiệp của mình trước đây bình thường đó anh ạ . Riêng em , ai hỏi em làm gì thì em vẫn trả lời là giáo sư Trung Học mặc dù em không còn đi dạy nữa nhưng vì đó là cái nghề của mình nên vẫn nói và kê khai trong giấy tờ như thế đó anh .

      Xóa
    4. Tôi nghĩ có lẽ Saigon trước năm 1975 ảnh hưởng Tây nhiều hơn, nhưng phân biệt khá rõ, bằng cấp (học vị), nghề nghiệp, và chức danh khi làm việc. Như đã viết, bằng cấp là vĩnh viễn, thí dụ ông Nguyễn Văn A cử nhơn văn chương, bà Lê Thị B Thạc sĩ Kinh tế, ông Trần Văn C Tiến sĩ Toán..., về già không còn làm gì những người này vẫn còn ghi trên danh thiếp như thế.

      Về nghề nghiệp cũng vậy, Kiến trúc sư A, Bác sĩ B, Ông giáo C. (giáo là để chỉ nghề nghiệp chứ không phải chức danh Giáo sư khi còn đi dạy), những từ này sẽ được dùng suốt đời.

      Nhưng về chức danh khi làm việc thường chỉ được gọi khi còn đang làm việc, thí dụ như chức danh Giáo sư, Hiệu trưởng (ngành giáo dục), chẳng hạn ông Nguyễn Văn Tá, Giáo sư toán trườngn Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh. Ông Nguyễn Văn Phú hiệu trưởng trường Hưng Đạo... Khi không còn đi dạy hay làm hiệu trưởng nữa, trên danh thiếp của họ sẽ đề là "nguyên GS trường...", hoặc "nguyên hiệu trưởng trường..."

      Như tôi đã phân tích, nghề giáo (nghề dạy học) khác với "chức danh Giáo sư" là khi còn đang đứng lớp ở một trường nào đó. Cũng như Bác sĩ là nghề nghiệp, nhưng (Bác sĩ) Trưởng khoa, hay (BS) Giám đốc của một bệnh viện là chức danh. Khi không còn làm chức danh ấy nữa, người ta thêm chữ "nguyên" ở đầu, như BS Nguyễn Văn A, "nguyên Giám đốc bệnh viện X.

      Tôi thấy nguyên tắc này rất hay, nó khiến mọi việc trở nên rõ ràng đó NangTuyet.

      Xóa
    5. Bạn Marguerite:

      Tôi nghĩ từ "Professeur", (Giáo sư), ngày trước chỉ người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, trong tiếng Pháp là "chức danh" chứ không phải nghề nghiệp. Cũng làm việc ở trường học, nhưng không đứng lớp còn có "Giám học, "Giám thị", "Hiệu trưởng"... Những người này được gọi chung là "Nhà giáo", "Nhà giáo" mới là từ để chỉ nghề nghiệp. Hiểu như thế thì ta thấy rõ, chức danh khi đang làm việc như "Giáo sư" (người trực tiếp đứng lớp), "Giám học", người làm công tác quản lý việc dạy học, "Giám thị", người quản lý học sinh... chỉ được gọi khi đang làm những công việc ấy.

      Còn như trường hợp như NaNgTuyet nói bên trên ở bên Tây, tôi thấy ở VN có nhiều người cũng dùng như thế (trước đây), khi không còn đứng lớp hay đã về hưu họ vẫn ghi hoặc tự giới thiệu là Giáo sư, có lẽ theo như một thói quen...

      Xóa
    6. Dạ ,em nhất trí với anh Hiệp hai tay luôn ! Em cảm ơn anh đã giải thích và những kiến thức này rất bổ ích cho em đó cơ ! Em cảm ơn anh rất nhiều anh Hiệp nhé !

      Xóa
    7. Ô, rất cám ơn NangTuyet, giải thích những điều này tôi cũng hơi băn khoăn. Không có điều kiện sống và tiếp cận với văn hóa nước ngoài, nhưng bằng những cảm nhận về văn hóa nước mình (nhất là những gì trước nắm 1975), tôi đã thử đưa ra một nhận định như thế, nhận định này tôi nghĩ không dễ gì được người khác chấp nhận.

      Khi nắm được vấn đề, ta có thể thấy ngay, ngày trước bằng cấp (cử nhơn, thạc sĩ, tiến sĩ...), nghề nghiệp (bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà giáo, kinh doanh...), có tính chất vĩnh viễn, về già hay không còn làm nghề đó người ta vẫn gắn với danh xưng. Còn chức danh khi hành nghề (giáo sư, hiệu trưởng, giám đốc, bộ trưởng, thủ tướng...) khi không còn đảm trách nữa thì sẽ thêm chữ "nguyên" trước chức danh đã đảm trách. Chẳng hạn Tiến sĩ Nguyễn Văn A. nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Bác sĩ Đỗ Kiến Nhiễu, nguyên Đô trưởng Đô thành Saigon-Cholon. Cử nhơn toán Nguyễn Văn B. nguyên giáo sư Trung học Hưng Đạo Saigon...

      Xóa
  4. '' Ánh trăng trắng ngà , có cây đa to, có thằng cuội già , ôm một mối mơ ... '' Bác H nhắc làm nhớ những ngày xưa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi đó con nít chưa có nhiều bài hát về Trung thu như bây giờ ha Marg. Bánh Trung thu cũng thế, chỉ có bánh nướng (người Hoa ), bánh dẻo (người Bắc), hồi xưa bánh dẻo của Bảo Hiên Rồng Vàng làm ngon. Bây giờ đủ mọi thú bánh Trung thu, nhưng hình như là để phục cho việc biếu xén của người lớn.

      Xóa
  5. Tên gọi các chức danh bây giờ là do du nhập của phương tây chư hồi xưa cha ông mình đâu gọi thế , đi dạy trẻ thì gọi Cụ Đồ . Salam nhớ hồi nhỏ đi sơ tán ở gần một ông cụ hồi trước dạy học , thấy mọi người gọi là ông Đốc Liễn . Salam thắc mắc thì được giải thích là hồi trước ông dạy học sau đó phụ trách một ngôi trường lớn ở trên Phủ nên mọi người gọi là Ông Đốc . Ổng rất thanh cao và nho nhã , tụi trẻ mà vứt tờ giấy có chữ ra đường thì sẽ bị ông nhắc nhở không được đối sử với chữ Thánh Hiền như thế , thậm chí khi đi đường thấy tờ giấy nào có chữ thì Ổng thu gom lại . Hồi ấy còn nhỏ dại thấy thế rất buồn cười , nhưng bây giờ lớn rồi thì thấy hành động đó thật đáng trân trọng . Bây giờ mỗi khi đọc một bài viết về các Ông Đồ thì trong đầu Salam lại nhớ đến Cụ Đốc Liễn ... một nhân cách đáng ngưỡng mộ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đương nhiên rồi bác Salam, thời trước người ta gọi và hiểu theo lúc ấy, chẳng hạn cũng gọi là Cử nhơn, Tiến sĩ, nhưng Cử nhơn, Tiến sĩ thời vua chúa ý nghĩa khác Cử nhơn< Tiến sĩ bây giờ.

      Chữ "Đốc" hồi xưa được dùng trong nhiều trường hợp, nhiều ngành nghề chứ không riêng gì bên ngành Giáo dục, là từ chữ "Docteur" tiếng Pháp, ta hay gọi là "Đốc tờ" mà ra. Bác sĩ ở bệnh viện cũng gọi là "Ong Đốc", người phụ trách một ngôi trường lớn cũng gọi "Ông Đốc", như trường hợp bác Salam kể.

      Còn cụ đồ, ông đồ, ông đồ Nho, là tên gọi dân gian để chỉ những người đỗ đạt nhưng không ra làm quan, hoặc thi trượt... thát chí về nhà, về làng mở lớp dạy học. Một lớp học của cụ đồ như thế gồm nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ, chủ yếu là học chữ Nho, chữ Thánh hiền.

      Những Ông Đóc, cụ đồ ngày xưa đại đa số là người lễ giáo, trọng danh dự, trọng nhân cách, rất đáng trân trọng, đáng ngưỡng mộ như Salam nhận xét.

      Xóa
  6. TRUNG THU XƯA…

    Quê tôi từ xưa cho đến nay, Trung thu bao giờ cũng gắn liền với Tiến sĩ giấy. Tục đó chưa bao giờ đứt quãng, kể cả thời chiến tranh. Hồi nhỏ, từ đầu tháng 8 bọn trẻ chúng tôi đã đến nhà ông Lạc, một gia đình chuyên làm đồ trung thu để xem làm TS. Mỗi ông TS thật sự là một tác phẩm nghệ thuật.

    Có ba loại TS. Loại thông thường là mặt mẹt, mặt chỉ in trên giấy. Loại này ít tiền nhất, một ông kèm theo 4 cái cờ đuôi nheo là 2 hào, chắc bằng 10 ngàn bây giờ.

    Loại thứ hai là TS mặt lai, tức là mặt nổi khối, mũ áo, lọng che đều đẹp và lớn hơn rất nhiều. Giá gấp 5 lần loại thứ nhất.

    Loại đặc biệt thì đẹp hơn nữa, hai ống chân cũng nối, đôi hia cũng nối.
    Dù loại nào thì hai biển TS cũng đều in bằng khuôn có hai chữ Hán TIẾN SĨ màu tím rất đẹp. Áo có hình thủy ba, bố tử… như thật.

    Không hiểu sao mẹ tôi thường chỉ mua cho tôi ông TS mặt mẹt, nhưng bao giờ mâm cỗ trung thu cũng rất đầy đặn. Cỗ bày trên mâm chữ nhật sơn son, ông TS ngồi chính giữa, bốn góc cắm bốn lá cờ. Trên mâm có ngũ quả, có na, có hồng ngâm, bánh trái. Mâm đặt trên cái cối đá đặt dưới tán cây ngâu già, trải cái chiếu hoa, cả nhà cũng ngồi ngắm trăng. Thật là vui.

    Có thể nói xem TS giấy trưng bày ở Viện BT Mỹ thuật tôi thấy cũng không đẹp bằng TS nhà ông Lạc quê tôi xưa. Và cả làng, nhiều nhà làm TS nhưng không ai sánh được với nhà ông Lạc.

    Nhà ông rất nghèo, bà vợ mắt xấu kèm nhèm và ba người con là chị Thìn, anh Tỵ và chị Trật. Ai cũng hiền lành, và khéo tay. Ông bà đã mất từ lâu, ngôi nhà mặt đường cũng đã bán nên không còn hiệu TS nhà ông Lạc nữa. Cách đây vài năm, gặp lại anh Tỵ tôi có hỏi những khuôn mẫu biển TS, thủy ba đó còn không thì anh nói bỏ lâu rồi, không giữ được. Thật là tiếc. Tôi nói: TS gia đình anh làm là một ký ức đẹp của tuổi thơ chúng tôi.

    Xưa nữa, trước 1954 thì làng tôi có gia đình làm hẳn kiệu sơn son thiếp vàng như ở đình, nhưng cỡ nhỏ hơn, để rước TS đêm trung thu. Đám rước có cờ biển, trống phách rộn rã đi quanh làng, trên kiệu nhất định là một ông TS giấy cỡ đặc biệt…

    Có ông chơi ngông đóng giả TS làm kiệu cho người khiêng quanh làng. Tất nhiên kèm theo đám rước đó là phải làm dăm mâm cơm rươu thế đãi phu kiệu... Xưa ăn chơi Trung thu vậy đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Toro đã "post hẳn một bài" viết về ông Tiến sĩ giấy khi xưa, rất hay.

      Xóa
  7. Trung thu năm nay ở chỗ NT thịnh hành chơi súng nước, chẳng có đứa nào mê đèn ông sao hay đèn kéo quân gì cả bác Hiệp ạ. Chúng chơi trò bắn nước vào nhau, nô nghịch suốt buổi tối, ướt đẫm rồi về. Dù không còn những gì của trung thu xưa nhưng nhìn chúng vô tư hò hét chạy nhảy cũng vui đáo để đó bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô không sao NT, trẻ con luôn tìm được cái gì thích hợp với tụi nó, cứ để cho tụi nó chơi cái gì tụi nó thích, miễn là trò chơi đừng bạo lực, nguy hiểm. Nên để trẻ con hành xử theo cách của tụi nó.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))