Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Từ điển tiếng Nghệ.


Đây là quyển từ điển phương ngữ do NXB Nghệ An ấn hành năm 1997, với đồng tác giả là Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh, do các bạn xứ Nghệ Trương Quang Thứ, Lão Tân, và Nhật Thành (cổ vũ) ưu ái gởi tặng, đích thân Lão Tân trong chuyến đáo Saigon đã mang bản photo đến tận nhà. Cái chân đau đến hôm nay đã khá hơn trước, đứng lên ngồi xuống, chống nạng đi lại đã bớt khó khăn, có thời giờ tôi đã mở sách ra xem thử.

Sau mấy ngày đọc (chỉ mới lướt qua chứ chưa đọc kỹ), nhưng tôi cũng có thể nắm được một số vấn đề trong cách giải thích từ ngữ của Từ điển tiếng Nghệ. Trong từ điển ngoài những từ có lẽ chỉ có ở xứ Nghệ, chẳng hạn chộ là nhìn thấy, cươi là sân, đài là cái gàu múc nước ngày xưa kết bằng mo cau, đọi là bát, chén, ga là con gà, nhởi là chơi, sèm là thích... còn có những từ tuy gọi là tiếng Nghệ nhưng tôi cũng tìm thấy trong tiếng Việt cổ mà người gốc Bắc (như tôi) ngày xưa có nghe cha mẹ sử dụng. Cũng có những từ tương tự như trong phương ngữ Nam bộ, hoặc phương ngữ vùng Bình Trị Thiên, rất nhiều từ ngữ tương đồng với phương ngữ Bình Trị Thiên, nhất là về mặt tên gọi, như (chị), Eng (anh), o (cô), mụ (người đàn bà đứng tuổi), bọ (bố, cha), choa (tao, chúng tao),.. có lẽ bởi cùng chung về mặt địa lý trên một giải đất hẹp ở phía Nam Bắc bộ (nhưng thuộc Bắc Trung bộ). Những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cũng nói có nhiều từ ngữ của tiếng Nghệ tương đồng với từ ngữ của người Mường, người Chăm, 

Sơ bộ tôi có thể kể ra một số từ tương đồng với miền Bắc và miền Nam: (chữ nghiêng là nghĩa giải thích chép trong Từ điển tiếng Nghệ, ba chấm phía sau là còn những nghĩa khác).

1/ Miền Bắc: 

- Bẹo:
 động tác dùng tay chân (tại sao có thêm chữ chân?) véo, cấu vào người hoặc vật khác. Thỉnh thoảng ông bạn Salam hay nói "bẹo" người này người kia. Ngày xưa trong gia đình tôi cũng hay nghe nguòi lón dùng từ "bẹo má" đối với trẻ con, từ "bẹo" còn dùng trong trường hợp của đã ít mà còn chia ra làm nhiều, chẳng hạn một cái bánh nhỏ mà phải chia ra năm bảy phần, người lớn hay nói "bẹo ra chẳng đáng".

- Bơ: đơn vị đong - bơ gạo... ngày trước trong gia đình tôi gọi cái lon sữa bò đã hết dùng để đong gạo là "ống bơ" (hình như cứ 4 lon là một ký), ống bơ miền Nam gọi là "lon" (phát âm thành "loong"), trẻ con hay lấy chơi trong trò choi gọi là "tạt loong". Ngày xưa mỗi năm vào dịp rằm tháng tám Trung thu, tụi nhóc tì bọn tôi lại kiếm cái lõi cuộn chỉ đã hết bằng gỗ, lấy cái lon sữa bò bỏ đi, đục lỗ dùng dây thép cứng to bản gắn vào (mền Nam gọi là dây kẽm), liên kết giữa lõi chỉ và lon sữa bò, tra thêm cái que tre nhỏ làm tay cầm, đẩy cái lõi chỉ là bánh xe bên dưới, bên trên cái lon sữa bò quay tít. Trò choi của đám trẻ con ngày xưa là thế.

- Cáu: cáu gắt, cáu bẩn... từ này trước đây trong gia đình cũng dùng với nghĩa như thế.

- Địu: đèo theo, mang theo sau lưng. nguòi miền Bắc nói "địu con", như ta thấy nơi người thiểu số Tây nguyên, hoặc nơi những vùng cao ở mền Bắc địu con phía trước hoặc sau lưng.

- Đượm: dễ cháy, dễ đun. Xưa tôi nghe cha mẹ nói "củi (hoặc than) này cháy đượm lắm", ngoài nghĩa dễ cháy, dễ đun còn hàm ý củi hay than đó cháy tốt, cho nhièu sức nóng hơn các than củi khác.

- Ghè: đập - ghè cho bể vụn. Ghè là đập vật gì đó cho nát nhỏ ra.

- Khuấy: ngoáy - khuấy bùn lên. xưa hay nghe nguòi lớn nói "khuấy cốc sữa", "nhớ khuấy lên không khê hết bên dưới" (nấu chè).

- Ngấu: hủ mục... tôi hay nghe nói "muối dưa, muối cà chưa ngấu", nghĩa là chưa đủ độ "chín tới" để ăn, hoặc "hũ tương làm chưa ngấu".

- Nhoáng: một lúc, một thoáng, nhanh. Người miền Bắc nói làm gi nhanh là "làm nhoáng một cái", tia chớp xảy ra quá nhanh gọi là "chớp nhoáng".

- Thơm: hôn (thơm trẻ em)... Miền Bắc cũng nói "thơm trẻ em", còn trong trường hợp giữa chàng và nàng, đôi khi chàng nói "cho thơm một cái", còn dân Nam bộ thì "cho hung (hun) miếng".

2/ Miền Nam:

- Ba láp: huênh hoang. Người Nam bộ nói là "bá láp", kẻ "tầm sàm bá láp" là kẻ ăn nói linh tinh lang tang, huênh hoang chẳng đâu vào đâu.

- Bà bửa: kẻ thô bạo. Dân Nam bộ nói "thằng ba bứa" để chỉ người lỗ mãng.

- Bàu: đầm nước. Ở miền Nam ta thường thấy từ "bàu", như "Bàu sen", "Bàu sấu".

- Bắp: bắp chuối, bắp ngô, bắp cải, bắp chân, bắp cày... Chỉ chỗ phình ra của sự vật. Người miền Nam kêu ngô là "trái bắp", nhưng cũng gọi bắp chuối, bắp vế...

- Biền: ruộng mưng mưng (cao vừa) ở ven sông. Về miền Tây ta thường hay nghe nói "bưng biền". Trong quyển Tự vị tiếng nói miền Nam của cụ Vương Hồng Sển (NXB Trẻ-1999) ở mục từ "Bưng biền" cụ viết: Do "bưng" Cơme ráp "biên" (Hán tự), biên, bờ dọc mé sông. Đấy là ý kiến của cụ Vương. Không rõ chữ "Biền" (ruộng cao vừa ở ven sông) trong tiếng Nghệ, và cả trong phương ngữ Nam bộ có phải từ chữ "Biên" (Hán tự - bờ dọc mé sông) mà ra không? Ở đây ta có thể thấy rõ chũ "biền" trong "Bưng biền" của phương ngữ Nam bộ, có nguồn gốc từ chữ "biền" tiếng Nghệ. (đừng quên dân Nam bộ khi mới di dân vào miền Nam cách nay mấy trăm năm thời các chúa Nguyễn, đa phần có nguồn gốc từ vùng Thuận Hóa, ngôn ngữ là hành trang không thể không mang theo).

- Khẳm: đầy, chở đầy. Miền Nam hay nói "ghe chở khẳm", khẳm ở đây không những là "đầy, chở đầy", mà còn có nghĩa là "chở quá sức chứa" (hơi quá tải), như trong Từ điển phương ngữ Nam bộ (Nguyễn Văn Ái-chủ biên, NXB TP> HCM-1994) đã giải thích.

- Ghe: thuyền. Người Nam bộ cũng gọi thuyền là ghe. Ở miền Bắc, nơi một vùng nào đó dân gian dùng từ "ghe" để chỉ bộ phận sinh dục của nữ giới. Tôi còn nhớ trước đây có quen với một đạo diễn phim ảnh trẻ dân Nam bộ, anh ta kể chuyện có lần đi làm phim ở một vùng quê miền Bắc, hôm ấy quay cảnh có ghe thuyền trên sông. Anh ta nói mỗi lần dùng loa hướng dẫn: "Đẩy ghe ra, chèo ghe đi tới..." là dân làng tới coi cười rần rần mà không hiểu tại sao, sau nghe giải thích mới vỡ lẽ.

- Lượm: lượm lặt (nhặt). trong phát âm người Nam bộ nói là "lụm". Từ lặt có nghĩa là "nhặt" trong lượm lặt có lẽ là một từ cổ. Ngày xưa trong gia đình tôi hay nghe nói lặt rau, là nhặt bỏ sâu bọ, lá úa, cọng... trước khi nấu nướng.

- Nêm: pha chế thức ăn,.. Từ điển phương ngữ Nam bộ giải thích: cho thêm mắm muối vào thức ăn cho vừa miệng.

- Sạ: gieo thẳng. Sạ lúa., không thông qua công đoạn cấy lúa.

Trong phương ngữ Nghệ An của Từ điển tiếng Nghệ, còn rất nhiều từ ngữ có ý nghia tương đồng với các phương ngữ khác, như đẫ nêu bên trên. Ta đã biết, tiếng Nghệ nghe đã khó (về mặt phát âm nhiều âm điệu trầm bổng). Hôm tôi nằm trong bệnh viện, trong phòng có một gia đình người Quảng Trị, khi gia đình họ nói chuyện với nhau gần như nghe không hiểu. Bữa bạn Nhật Thành điện thoại hỏi thăm cũng thế, phải qua vài câu, "định thần" lại "vừa nghe vừa đoán", tôi mới hiểu được bạn nói gì (có khi cũng không hiểu rõ). Lão Tân, và bạn Salam có thâm niên ở miền Nam nên tiếng nói đã "lai", dễ nghe hơn. Nhưng bỏ công một chút tìm hiều, đối chiếu, ta thấy trong cộng đồng ngôn ngữ của tiếng Việt, và một số tiếng nói khác có một sợi dây liên hệ từ lâu đời. Biết thêm được chút ít về tiéng nói, từ ngữ của ngôn ngữ địa phương cũng rất thú vị.


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn trong bài viết.

- Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân Trang, NXB Khoa học Xã hội-1997.



Saigon, tháng 9/2015.





13 nhận xét :

  1. Chúc mừng , chúc mừng Lão Tân chơi độc thiệt , tự dưng cho Bác thêm việc để mần , khi mô mà đau đầu quá thì báo cáo cho cả nhà nghen
    Chữ " Địu " ở xứ Nghệ còn chỉ dây thun đó Bác gọi là " Chạc địu " thì ngài Xứ Nghệ hiểu liền

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, không có gì để suy nghĩ mới đau đầu chứ có sách vở là thấy phẻ Salam à.

      Quyển từ điển này cũng như những quyển khác, không thể đưa hết chữ, nghĩa vô, còn thiếu nhiều ấy chứ. Cám ơn bác Salam đã bổ sung.

      Xóa
  2. Lão Tân vừa phải bay ra Hà Nội vì em trai bị tai nạn giao thông đang cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời, gì mà xui xẻo dữ. Để tôi điện hỏi thăm Lão.

      Xóa
  3. Từ điển tiếng Nghệ là chỉ giải thích những phương ngữ thôi hay là tất cả các từ ngữ thông dụng hả bác ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sách dày trên 300 trang khổ trung bình. Thật ra quyển sách này gọi là từ điển tiếng Nghệ, nhưng nếu chỉ thuần giải thích phương ngữ Nghệ An (tiếng chỉ dùng ở xứ Nghệ) thì cũng khó viết thành 1 quyển từ điển, cho nên cũng đã đưa vào rất nhiều từ khá phổ thông, như cành (nhánh), càn (nói bậy, càn quét), cau (quả cau, cau có), can (can tội, can ngăn), lố (lố bịch), nhám (không trơn tru)... và còn rất nhiều tiếng khác nữa.

      Thực sự là phương ngữ tiếng Nghệ, chắc chỉ cần mươi trang là đủ.

      Xóa
  4. Ôi chao hình như chỉ 1 từ có 1 nghĩa thôi vậy chứ cả 3 miền đều dùng từ khác nhau nghe thật rắc rối anh Hiệp hén ? Em nhớ với từ " Ba " ở trong Nam gọi như thế , ở miền Bắc thì gọi là " Bố " vậy chứ ở miền Đồng Bằng Sông Cửu Long thì lại gọi là " Cha " ...nghe thật phức tạp ghê đi ! Rõ là từ được dùng theo vùng phải không anh ?

    Anh Hiệp ơi vậy thì từ " Vẹo vào má chắc cũng đồng nghĩa với " Bẹo má " luôn anh Hiệp nhỉ ? Thỉnh thoảng em cũng nghe vài người nói như vậy , rồi em hiểu giống như " Bẹo má " luôn đó . Không biết đúng không anh Hiệp hén ?

    Ôi ..ôi ..còn từ " Bơ " thật lạ và hay quá khi nó được dùng ở miền Bắc để làm đơn vị cân đo ! Rất hay là nó lại được gọi là " Bơ " trong khi ở trong Nam thì gọi là " Lon " ..thật hay và thật bổ ích vô cùng ! Vậy thì nếu như cả hai miền không hiểu hai từ này đều cùng một nghĩa thì rõ là rắc rối ghê anh Hiệp hén ? Em tưởng tượng nếu em ra miền Bắc , rồi họ dùng từ " Bơ " để nói ..chắc lúc đó em bơ thiệt đó anh Hiệp ơi ..

    Ôi chao còn cái từ "Ghe " nữa ...ui ..ui ..thiệt em chịu thua luôn đó ...hihi ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chỉ mới nhặt nhạnh sơ bộ thôi đó NangTuyet, đi sâu hơn còn thấy hay hơn nữa. Từ "Ba", "Bố", "Cha"... chưa phải là hết đâu, có nơi kêu "Thày" (thường ở miền Bắc), "Tía" (miền Nam), và cả "Bác" (miền Bắc - Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em - ca dao)... Còn nhiều nữa.

      Từ "bẹo" kể ra thì tương đương với "véo, vẹo, nhéo...", nhưng "bẹo" thường mang ý nghĩa nhẹ nhàng hơn (bẹo má trẻ em thì không như nhéo hay véo được).

      Người miền Bắc hay nói "đồ ống bơ gỉ" ví như cái lon rỉ sét bỏ đi. Ở miền Nam có một số nơi phát âm "bơ" thành "bưa" nghe khá ngộ (cũng như "lon" thành "loong".

      Với con nít người ta cũng hay nói "chim cò", ngôn ngữ tiếng Việt quả là bó tay :-)))

      Xóa
  5. Trong từ điển tiếng Việt giải thích nhiều về từ gay, không hiểu từ điển tiếng Nghệ có nói gì đên từ gay không, bạn PNH tra hộ cho nhé, cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ Gay trong Từ điển tiếng Nghệ gồm những nghĩa sau bác Bu:

      1/ Khó khăn - gay go, rắc rối.

      2/ Chè Gay - chè làng Gya ở Anh Sơn ngon nổi tiếng.

      3/ Gò lại không cho cựa quậy, gay mũi trên sừng râu bò.

      Xóa
  6. Vậy thì GAY trong ĐỎ GAY phải hiểu thế nào nhỉ ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi GAY trong ĐỎ GAY có nghĩa là "gay gắt", ĐỎ GAY có nghĩa là đỏ một cách gay gắt, chói chang.

      Xóa
  7. Các bác cho e hỏi chữ ngạnh quê nghệ gọi là gì

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))