Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Thơm, khóm, dứa.


Ảnh Internet.

Sáng nay tôi mới nghe trên tivi (6-8-2015), trong một phim dài nhiều tập, cũng không để ý là phim gì, cùng diễn viên là ai, vì chỉ tình cờ nghe được thôi chứ không xem (bà xã tôi xem). Nguyên câu nói của một nhân vật lớn tuổi trong phim như sau: "Thơm với khóm nó khác nhau, nhưng thật ra là hai loại đó con". Ngay sau khi nghe tôi hỏi lại bà xã vì sợ mình già rồi nghễnh ngãng nghe nhầm, nhưng được xác nhận đúng là nhân vật trong phim nói thế. Câu này nghe khá lủng củng, bởi nó không trúng đâu vào đâu hết. Ở đây tôi không nói thơm và khóm giống hay khác nhau, mà ngay ở câu nói của nhân vật trong phim không giống ai. 

Trong câu trên ta có thể chia ra hai ý, ý thứ nhất "Thơm với khóm nó khác nhau", và ý thứ nhì "nhưng thật ra là hai loại đó con". Một khi nói "Thơm với khóm nó khác nhau", thì câu tiếp theo "nhưng thật ra là hai loại đó con" thừa mất những từ "nhưng thật ra", có thêm "nhưng thật ra" câu nói trở thành dài dòng, lủng củng, tối nghĩa. Ta chỉ có thể nói "Thơm với khóm nó khác nhau, là hai loại đó con", ý thứ nhì "là hai loại đó con", khẳng định lại ý thứ nhất "Thơm với khóm nó khác nhau". Nếu muốn thêm những từ "nhưng thật ra", phải nói "Thơm với khóm nó giống nhau, nhưng thật ra là hai loại đó con" (trái thơm và trái khóm trông bề ngoài giống nhau, nhưng khác về chủng loại), hay "Thơm với khóm nó khác nhau, nhưng thật ra là một loại đó con" (trông thơm với khóm có khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau về chủng loại). Chưa nói tới nhiều yếu tố khác, chỉ thấy những đối đáp lủng củng, có khi như trả bài, có khi lên lớp như cụ non, hoặc ngô nghê của những nhân vật trong phim Việt, là tôi đã hết muốn xem rồi.

Bây giờ chuyển qua chuyện của trái "thơm và khóm". Có lẽ ta nghe từ "thơmdứa" nhiều hơn là từ "khóm". Ngoài từ thơm dứa, có lẽ trước đây các bạn nào ở Saigon có quê miền Tây, mỗi lần có dịp về quê, xe chạy qua khỏi Bình Chánh, Bình Điền, ngang qua khu vực cầu Bến Lức thấy dọc hai bên quốc lộ, người ta bày bán khá nhiều trái khóm. Trái khóm Bến Lức to hơn trái thơm, vỏ màu xanh xanh chứ không vàng như trái thơm. mấy năm trở lại đây khu vực Bến Lức không còn thấy bán trái khóm nữa. Trái thơm là phương ngữ Nam bộ, và quả dứa là phương ngữ Bắc bộ để chỉ một loại trái (quả) to, có nhiều mắt như ta đã biết. 

Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon-1895-1896) chỉ có từ "thơm" để chỉ trái cây, giải thích như sau:

- Trái thơm. Thứ trái lớn có nhiều mắt mỉu, chữ gọi là bá nhãn lẻ.

Trong Tự vị không có từ dứa hay khóm để chỉ trái thơm.

Từ Thơm và Trái thơm trong Đại Nam Quấc âm Tự vị.

Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931):

- Dứa. Một loài cây thấp, lá nhọn có gai, hoa thơm,, quả thơm và có mắt. Có nơi gọi là trái thơm: Dứa gai, dứa mật, dứa dại v. v.

Như vậy ngoài từ Dứa, thì Việt Nam Tự điển còn có từ trái thơm để chỉ cùng một loại quả. Trong Việt Nam Tự điển không có từ khóm để chỉ loại quả này. 

Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập (Nhà sách Vĩnh Bảo Saigon-1951), in ở Saigon trước 1975, ngoài từ dứathơm, để chỉ trái dứa (thơm), đã thấy xuất hiện từ khóm chỉ cây trái:

- khóm (thực) Giống thơm (dứa), trái ăn ngọt và ngon.

Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội-1967), in ở miền Bắc trước năm 1975 cũng có từ Khóm để chỉ quả dứa:

- Khóm (đph) - Thứ dứa giòn và ngon như dứa Phú-thọ.

Từ điển Bách khoa Nông nghiệp, Trung tâm Quốc gia Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội-1991, ghi rõ hơn:

- Dứa (Ananas comosusn L. Merr. = Ananas sativa L; tên khác: thơm, khóm) cây ăn quả nhiệt đới, họ Dứa (Bromeliaceae), sống dai, có thân rễ ngắn, lá hình máng xối dài và hẹp, cứng, xếp hình hoa thị, khi lớn ra ngồng dài 30-40cm mang một cụm hoa màu tím, xanh nhạt, hay đỏ. Quả mọng, phần ăn được (thường gọi là quả D) thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại, còn quả thật thì nằm trong các mắt "quả D". Quả màu vàng hay gạch tôm, có thể nặng đến 3-4 kg. Có nhiều chủng, quả to, nhỏ khác nhau...

Như vậy đã rõ thơm, khóm, dứa là để chỉ cùng một thứ trái cây chứ không khác nhau.



42 nhận xét :

  1. ( Thơm với khóm nó khác nhau , nhưng thật ra là hai loại đó con )
    Ở đây thì thấy thừ hẳn 3 chữ " nhưng thật ra " chỉ cần nói " Thơm và khóm nó khác nhau , là hai loại đó con " là đủ . Nếu như để khẳng định thì có thể thêm vào từ " đó " , " Thơm và khóm nó khác nhau , đó là hai loại đó con "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bỏ "nhưng thật ra", có thể viết "Thơm với khóm nó khác nhau, vì là hai loại đó con", hoặc "đó là hai loại đó con", "đó là hai loại đó con" là "dở" nhất vì trùng hai chữ "đó" trong một ý. Viết "là hai loại khác nhau" là đủ.

      Xóa
    2. Bác sai roài ,
      Ở trên Salam câu đầu không thêm từ Đó , nhưng từ Đó dùng trong câu văn này để thêm một sự khẳng định là nó đã mặc nhiên như như vậy , không thừa .. hè hè hè

      Xóa
    3. Bác không chịu đọc kỹ để hiểu ý. Tôi đâu có nói thừa, mà chỉ viết khi nói "đó là hai loại đó con" là "dở" nhất, vì trong một ý ngắn chỉ gồm 6 từ mà đã lập lại có đến hai chữ đó.

      Xóa
  2. Hì hì hì ! Bác Hiệp " Soi " người ta , nay Salam " Soi " lại bác Hiệp nè
    ( Việt Nam tự điển còn có từ Trái thơm để chỉ cùng một loại quả . Trong Việt Nam tự điển không có từ Khóm để chỉ loại quả này .. trích lời của Bác )
    Trong câu văn trên ở đây ta có thể thấy thừa 4 chữ " Việt Nam tự điển " . Tại sao phải lặp lại 4 chữ " Việt Nam tự điển " vừa dài dòng vừa trùng câu ?
    Tại sao không nói : Việt Nam tự điển còn có từ Trái Thơm để chỉ cùng một loại quả , không có từ Khóm để chỉ loại quả này ... OK chưa .. IS Salam đơi, .. hè hè hè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ bác Salam không nhận ra cách viết của tôi để không trùng lối diễn đạt trong bài viết. Khi viết đoạn trích trong Đại Nam Quấc âm Tự vị, sau khi giải thích từ Trái thơm, tôi xuống dòng viết tiếp: "Trong Tự vị không có từ dứa hay khóm để chỉ trái thơm".
      Trong đoạn trích Việt Nam Tự điển, sau khi giải thích từ Dứa, và xuống hàng viết tiếp "Như vậy ngoài từ Dứa, thì Việt Nam Tự điển còn có từ trái thơm để chỉ cùng một loại quả." Đến đây tôi chấm để hết một câu rồi mới tiếp tục viết sang một câu khác "Trong Việt Nam Tự điển không có từ khóm để chỉ loại quả này".
      Tiếp tục khi trích Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập, tôi lại diễn tả khác đi:
      "Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập (Nhà sách Vĩnh Bảo Saigon-1951), in ở Saigon trước 1975, ngoài từ dứa, thơm, để chỉ trái dứa (thơm), đã thấy xuất hiện từ khóm chỉ cây trái:". Sau đoạn "ngoài từ dứa, thơm, để chỉ trái dứa (thơm)", tôi không chấm ngắt câu mà chỉ phết (phảy), để tiếp tục viết: "đã thấy xuất hiện từ khóm chỉ cây trái:", không lập lại "Tự điển Việt Nam Phổ thông của Đào Văn Tập" nữa.

      Diễn tả mỗi đoạn mỗi khác cho nó khỏi nhàm ấy mà bác Salam. Nhưng phải đúng ngắt câu, không được viết lung tung.

      Xóa
    2. Anh Hiệp à ! Thương quá đê !
      Salam " Lựu đạn " nè , lâu lâu " Bẹo " cho Anh một phát , đó mới là IS Salam
      P / s : Huy Truòng và bố Su Su mô rồi , vào Hellp me nghen cả cụ Nô nữa .. Hè hè hè

      Xóa
    3. Hì hì, muốn "bẹo" cũng phải bẹo cho đúng, cho có "nghệ thuật", nghe ở cái còm trong entry trước bác tự giới thiệu rất am hiểu về nhiều môn nghệ thuật lắm mà, hí hí!

      Xóa
    4. Hôm qua đọc thấy cái lặp từ vô duyên trong lời com của ông thông gia,định "bụp một quả" nhưng nghĩ ông ấy sẽ lu loa lên rằng bà thông gia soi đến từng ...sợi lông nên thôi.
      Hóa ra chủ nhà vẫn không tha! Ha ha...Sướng!

      Xóa
    5. Tôi già cả cùng phái mà ông thông gia nhà bạn NT còn soi đến thế này, thì với bà thông gia ông ấy soi đến như bạn NT nói ấy chứ, hì hì!

      Xóa
  3. Nếu thơm và khóm đúng khác nhau , thì M sẽ giải thích cho cháu, chắt mình ngắn gọn thôi : '' thơm và khóm là hai loại khác nhau : v.v và v.v ... '' . Bác thấy có được không , hihi . M dân miền Tây và trước giờ gọi là trái khóm chứ không gọi thơm . Còn M hỏi một người miền ... xứ Huế thì nghe nói ngoài đó gọi là trái thơm , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu đúng khác, thì giải thích như bạn Marg. bên trên là hay quá rồi, rất ngắn gọn, dễ hiểu. Vậy ra từ "thơm" là của người Huế chứ không phải của dân miền Tây? Hồi nào tới giờ nghĩ thơm là để gọi quả dứa (trái màu vàng, nhỏ), còn từ khóm là gọi trái khóm ở Bến Lức, trái vỏ xanh xanh, lớn hơn trái thơm chứ.

      Xóa
    2. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, được coi là một quyển tự điển xưa viết về phương ngữ Nam bộ, xuất bản hơn 100 năm trước chỉ có từ "Thơm" chứ không có từ "Khóm", Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ở miền Bắc cũng thế, xuất bản hơn 80 năm trước, cũng không có từ "Khóm". Tôi nghĩ từ "Thơm" mới là phương ngữ xưa để chỉ trái dứa ở Nam bộ, có lẽ sau này mới xuất hiện từ "Khóm" cũng để gọi trái thơm, là một giống thơm mới du nhập về sau chăng?

      Xóa
    3. Thơm , khóm , dứa có lẽ là do cách gọi của từng vùng miền mà ra , ngoài Bắc gọi Dứa , ở Huế gọi Thơm , trong Nam gọi Khóm . Cũng như bài trước của Bác trong này gọi quả đu đủ thì ở Huế và quê Salam gọi quả Thù Đủ . Trong này gọi quả Mãng Cầu thì ở quê gọi quả Na . Trong này gọi Đậu Phộng thì ở ngoài Bắc gọi là Lạc , ví dụ như bà thông gia vừa rồi vào Sài Gòn đi chơi bị Lạc đường nên mới gọi ĐT cho Salam " Eng ơi ! Em bị Đậu Phộng đường rồi " , Salam mới trả lời " Đậu Phộng đường thì đun lên mần kẹo Cu Đơ " .. Hơ hơ hơ

      Xóa
    4. Về tên gọi của các lọai trái cây theo từng vùng miền bác Salam viết bên trên là "OK". Nhưng ở ý thứ nhì là vụ đối đáp đi lạc đường giữa bác với bà thông gia thì có lẽ không thích hợp với trang này, có lẽ bác nên tếu táo ở bàn nhậu thì hơn. Bác thông cảm.

      Xóa
    5. Hây da ! Đừng như vậy chứ , Bác lại giận Salam rồi , bữa nào đãi Bác món lòng vịt xào Thơm nghen ... cười lên cái coi

      Xóa
    6. Không, không, tôi không hề giận gì bác Salam. Thực ra câu chuyện đối đáp bác viết bên trên không có gì lớn, nó chỉ như cái "sảy" thôi, nhưng có một câu hồi xưa tôi học trong giáo trình của tụi Mẽo mà tôi nhớ mãi "Cai trị là tiên liệu", dĩ nhiên ở đây không có chuyện "cai trị" gì hết. Ý của tôi chỉ muốn nói, ta phải tiên liệu được những chuyện trong cuộc sống. Tếu táo trên mạng cũng là cuộc sống. Ông bà ta nói "cái sảy nảy cái ung", cứ theo đà này tôi biết sẽ có những "cái ung" xuất hiện, bởi tôi biết tính bác rất thoải mái, có khi nghĩ gì viết nấy.
      Tôi quý mến bác cho nên mới nhắc chừng thôi. Ta có thể thoải mái muốn nói sao thì nói, nhưng cũng phải biết chung quanh ta còn những người khác nữa, cho nên hay nhất là trong giao tiếp, vẫn phải giữ chừng mực, dù có thân thiết đến mấy đi nữa.
      Tôi hy vọng là bác sẽ hiểu tôi hơn, ngoài đời, trong cuộc sống tôi rất ít tiếp xúc cũng có thể là thế.
      Tình thân.

      Xóa
  4. Dân miền Trung (tôi biết ở Quảng Nam và Huế) gọi "thơm" chỉ loại cây trồng có quả ăn được, có phân biệt với cây dứa để chỉ các cây "đồng loại"" (với thơm) nhưng mọc dại, quả không ăn được. Cây dứa dại có khá nhiều loại, lớn nhỏ khác nhau thường mọc ở vùng cát, khô cằn.
    Tôi còn nghe người trong Nam phân biệt như sau: trái thơm dùng để ăn tươi, trái dứa dùng để trong việc chế biến món ăn (nấu chín). Không biết thực hư ra sao, nhưng đúng là có hai loại "dứa" ; một để ăn tươi, một để nấu món ăn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sorry, câu cuối xin sửa từ "dứa" (dùng trong việc chế biến món ăn) thành "khóm". Hihi, thơm dứa khóm, viết một chặp, quáng gà.

      Xóa
    2. Có lẽ gọi như thế nào còn tùy theo từng địa phương nữa, còn thơm, khóm là từ miền Nam (miền Nam tính theo thời trước 75), để phân biệt với từ dứa là của miền Bắc. Trước đây trái "khóm" Bến Lức mua về ăn tươi ngon lắm đó cụ Nô. Tôi nghĩ dùng thơm, khóm, để chế biến món ăn hay ăn tươi là tùy từng gia đình thôi, có lẽ không có một "ý chung" như thế. Trái thơm ở miền Nam là thứ trái dùng để sên thành mứt, nấu canh chua ngon lắm, không chỉ để ăn tươi đâu.

      Xóa
    3. Là vì đọc trong entry thấy bác ghi trái thơm là phương ngữ Nam bộ , sau khi phỏng vấn một người '' Trung bộ'' , Marg nghe xác nhận ngoài ấy cũng gọi là trái thơm . Còn trái khóm thì lúc còn nhỏ xíu , Marg đã nghe mẹ mình gọi như vậy cho tới giờ tuổi của bà cũng gần bằng tuổi của các quyển từ điển rồi . Là nói vây , chứ M vẫn tin các kiến thức trong sách vở . Chỉ dựa vào một vài người, hay vài sự kiện mình biết , không thể rút ra kết luận được . ( Dù sao thì qua bà cụ mẹ M , thấy là từ khóm cũng đã có từ lâu lắm rồi đó bác ((-:

      Xóa
    4. Từ thơm (trái thơm) mà có gốc từ Huế, vùng Thuận Hóa, rồi sau đó dân Nam bộ cũng gọi như thế thì không có gì lạ bạn Marg., vì người dân Nam bộ khi mới vào miền Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại đa số là người vùng Thuận Hóa, do các đời chúa Nguyễn đưa vào, đương nhiên... ngôn ngữ cũng phải đi theo. Từ Nam bộ (tôi dùng với ý nghĩa là miền Nam, từ Quảng Trị vào) ở đây được dùng để phân biệt với Bắc bộ là miền Bắc, hơn là để phân biệt rạch ròi Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ theo như địa lý.
      Tôi vẫn cho là từ khóm, tuy có đã rất lâu nhưng vẫn có sau từ thơm, hoặc không thông dụng vì có thể chỉ được dùng trong một vùng nhỏ, chứ không rộng khắp như từ thơm, nên cả Đại Nam Tự vị và Việt Nam Tự điển mới không ghi nhận.

      Xóa
    5. hihi, hiểu ý bác rồi , merci bác !

      Xóa
  5. Đúng là anh diễn viên kia nói không chuẩn rồi, cái này cũng là lỗi đạo diễn nữa. Bu tui chưa nhìn thấy quả Khóm, trong bụng cứ nghĩ thơm và khóm là một, đọc PNH mới biết ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sách báo, tivi, nói năng cứ lung tung cả lên. Theo như Từ điển Bách khoa Nông nghiệp, thì "họ" (giống) là một, nhưng có nhiều chủng loại nên trái về màu sắc, to nhỏ có khác nhau.

      Xóa
  6. Hồi nãy lang thang trên mạng thấy một trang cũng có bài viết " Lại nói về Thơm , Khóm , Dứa " tưởng là họ chôm bài của Bác mà không xin phép , giống như vụ ( Học sử khó lắm ) của bác Bu . SL nhảy vào định " Bật " một nhát , nhưng không phải , đó là một bài về thu hoạch Thơm , Khóm , Dứa .. cười chết đi được

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hihi! đúng là bác Salam, ào ào, đụng đâu vui đó. .Hôm nọ tình cờ vào một trang kia thấy có bác, nói năng qua lại sao đó mà họ dùng những từ khá nặng nề, bất nhã, tôi sợ quá.
      Bác cứ đùa vui như thế này là hoan hô, đừng dùng những từ thô thiển, vì cuộc đời vốn thô thiển quá rồi, ở đây ta giữ gìn tí chút, cho đời còn chút thi vị. Chắc bác đồng ý chứ?

      Xóa
  7. Có thể bác Hiệp đã có sự hiểu sai trong ngôn ngữ bất đồng với Sa lam .
    " Cu đơ" là tên gọi một loại kẹo nổi tiếng vùng xứ Nghệ , mà ai đi qua vùng này cũng thường mua làm quà. Hiện nay nhiều hàng bánh kẹo ở Sài thành có bày bán loại này. Nó đã lan ra nhiều vùng mang tính đặc sản.
    Nhưng nếu dùng từ này ở vùng Nam bộ , đó là từ nhạy cảm và thô thiển .
    Góp ý của bác Hiệp là thiện chí chứ không phải căng thẳng, vì Salam cũng thường ào ào cho vui nhưng nhiều lúc thái quá mà quên mất điểm dừng.
    Nguyên cả buổi sáng nay và tối hôm kia , lão nằm trong blog bác đọc những bài xưa cũ. Mở mang nhiều điều lắm. Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi biết kẹo Cu đơ mà, cũng đã ăn, nhưng dùng từ này để "gợi, hay ám chỉ" một ý khác thô thiển thì không nên, là đàn ông với nhau (thí dụ ở bàn nhậu) chúng ta nói bỗ bã ra sao cũng được, nhưng khi lên mạng, giữa bàn dân thiên hạ, không nên dù chỉ là kiểu "đố tục giảng thanh". Vâng, đây chỉ là một sự góp ý chân thành, khi sự việc chưa là gì, đợi sự việc đã là gì có khi khó ăn nói, hoặc lâm vào "bút chiến" thì khổ lắm.

      Cám ơn Lão Tân đã đọc, những gì đã viết khi xưa có khi rất... ngố đấy.

      Xóa
    2. Đúng là ngôn ngữ bất đồng , từ ngữ mọi vùng miền đều khác nhau . Hôm kia bên nhà NT Salam nói đến từ " Lông cơn " là một từ của xứ Nghệ là để chỉ việc Trồng cây , lông thưa là trồng thưa , lông dày là trồng dày . Mọi người xứ Nghệ ai cũng biết từ này , bác mới nghe lần đầu nên thấy lạ và thấy bất nhã . Lão Tân cũng có bài viết về hai từ này rất hay . Còn từ Cu đơ SL viết trên thì hoàn toàn vô tình , nếu có ý châm chọc thì đã để trong ngặc kép rồi
      Bác yên tâm SL còm đây còn để con cái và bạn bè đọc , vì thế sẽ không bao giờ có những từ tục tĩu đâu
      P / s : Lão Tân ơi , cho bác Hiệp đường Link đọc bài về " Lông cơn " đê

      Xóa
    3. Hihi, ngôn ngữ bất đồng sẽ dẫn tới ông nói gà bà nói vịt thì đúng rồi. Nhưng tôi hiểu rõ vấn đề mà, không phải ngôn ngữ bất đồng đâu, không ngăn cái "sảy" nho nhỏ này, sẽ có một ngày (không xa) phải đối đầu với cái "ung" bự xừ, lúc ấy sẽ khó ăn khó nói cho cả đôi bên.
      Cám ơn bác Salam, tôi thực sự quý trọng tất cả bạn bè vào đây.


      Xóa
  8. Lão tin là Bác Hiệp hiểu biết rất nhiều về ngôn ngữ vùng miền vì sở thích tìm tòi của bác hình thành khi tuổi còn trên ghế nhà trường chứ không phải bây giờ . Bên cạnh đó còn có một khối lượng sách khổng lồ liên quan đến Ngôn ngữ Ta - Tây - Tàu nằm trên kệ sách tích góp qua từng thời kỳ nữa. Vì thế riêng lão thì nên" Ăn xem nồi , ngồi xem hướng". Cách chia sẻ của Salam là ào ào , không nhìn nồi và cũng không xem hướng . Cái mãn tính luôn nói xa đề và không trúng vô vấn đề có nhiều nguy cơ dẫn đến kho thuốc nổ mà Salam cần rút kinh nghiệm trong các blog. (Nhất là blog của những người có gam trầm ).
    Qua đây , chúng ta hiểu nhau hơn , xích lại gần nhau hơn chứ không hề hơn thua nhau một chữ. (Cái sai trong câu : " đó là hai loại đó con" thì rõ như ban ngày, nhưng buồn thay là không chịu tiếp thu mà lại lái sang hướng khác) .
    Rất thiện chí lão mới đủ nghị lực để có những ý kiến với Salam tại nhà bác Hiệp như thế này. Để vui vẻ và theo yêu cầu của Salam , lão cóp bài TIẾNG NGHỆ cho bác thư giản.
    http://tan262.blogspot.com/2013/01/tieng-nghe.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước hết cám ơn Lão Tân đã gởi đường link bài tiếng Nghệ, tôi sẽ vào xem sau.

      Cũng rất cám ơn Lão Tân đã có thiện chí "mổ xẻ" vấn đề của bác Salam, để ta có thể hiểu và xích lại gần nhau hơn. Bác Salam có tật như tôi đã nói bên nhà bác, ào, ào, luôn nói xa đề và không trúng vấn đề, cho nên rất khó nói chuyện nghiêm túc (ngay cả trong những vấn đề nghiêm túc). Trên mạng, tôi đọc những người như GS. Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Chánh, nói về cách tranh luận thấy rất đúng. Ta nên học hỏi những vị này.

      Không biết có phải thế không, mà tôi tình cờ vào cái blog nào đó, thấy "chúng" ném đá bác ấy ào ào. Gặp kẻ bỗ bã thì thế "chúng" đâu có chịu thiện chí như Lão Tân,

      Mong rằng khi bác Salam đọc được những dòng này, của Lão Tân, và của tôi, sẽ cười khì, và ngày mai sang còm, với hướng hoàn thiện hơn.

      Xóa
  9. Nãy giờ lão nằm đọc trong blog bác. Mệt rùi . Ngoi ra thở đây. hihi. Lão đã đọc thì đọc luôn còm - vì chính còm là sự bổ sung bài viết rất lý thú. Gần 200 bài thì lão đã đi hết 2/3, còn nữa...để dành. Nói để dành là không ngoa tẹo nào đâu bác. Nhiều hôm lang thang không có chi để đọc , buồn lắm.
    Lão nhận thấy cách tiếp cận và thể hiện vấn đề của bác qua các bài viết là quá hay. Vừa uyên thâm vừa bình dị . Không ngán. Nó không to tát , không thổi phồng rồi đập cho bể , để kêu cho to, vỡ ra chủ đề mà thủng thẳng , chi tiết đến là hấp dẫn người đọc...
    Cái rủ rì này , con gái dễ mang ...bầu lắm ! hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ấy, thế thì tôi đồ rằng Lão đã vào đọc nhầm blog của ai rồi :-)

      Xóa
  10. Nghe rồi , đọc rồi ! Một anh hơn 8 tuổi , một anh hơn 3 tuổi , giáo huấn cho mình vì thế không nghe mới là Ngây . Còn cái trang mà Bác vào đọc , SL biết chứ , đó là chuyện vặt vãnh , ân oán trên mạng ảo . Salam ngu lắm , khi mới vào đọc Blog , mấy đứa con đã cảnh báo rồi : Cái tên của Ba dù là trên mạng ảo , nhưng với tính cách ào ào , có sao nói vậy thì không sớm gì muộn sẽ ăn gạch , đá mà thôi , SL không nghe tụi sắp nhỏ , vì cũng sa đà vào comment mà gây ra nghiệp chướng như vậy .. buồn lắm
    Mạng xã hội còn cả triệu trang Blog , cũng vì thế Salam quên cái trang " Ấy " đi , hàng ngày lo kinh doanh , rảnh rỗi thì vào nhà mấy người quen Comenmt cho vui .. thế thôi
    Salam đã xem trang nhà Bác là nhà của mình , vì thế khi nào Bác đuổi thì SL sẽ đi
    Cảm ơn hai " Đại Ca " Lão Tân và bác Hiệp đã chỉ giáo cho Tiểu Đệ hì hì hì .. chờ đấy nghen

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cám ơn bác Salam lắm lắm, cái này mới đúng là hảo hớn, nhìn ra vấn đề mà không tự ái. Trên mạng, ta có thể bàn một vấn đề gi đó với các bạn, cho ra nhẽ, nhưng mà phải xem kỹ, và tìm những lý lẽ cùng những chứng cứ thuyết phục, bác nhé. Đi lạc đề quá nó rối lắm. Ta có thể dí dỏm, tếu táo nhưng phải tế nhị mới được. Hì hì!

      Xóa
  11. hihi, cháu cứ nghĩ thơm, dứa và khóm là 2 quả nhưng cùng họ với nhau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi trước tôi cũng nghĩ như thế, nhưng xem sách vở thấy nói cùng họ, cùng loại, chỉ khác "chủng", như Từ điển Bách khoa Nông nghiệp viết: "Có nhiều chủng, quả to, nhỏ khác nhau...". Chủng ở đây không biết có giống như "chủng tộc" nơi con người không? Cũng là "con người" nhưng có chủng tộc khác nhau, da vàng, da trắng, da đen, người thì cao người thì thấp,,,

      Xóa
  12. Bá Nhãn Lê - nhé ông chủ! Người Singapore gọi là Hoàng Lê, Ng Hk và Macau gọi Ba La - trong tên Ba La Mật - mít vàng; và Đài Loan gọi là Phượng Lê, ngọn khóm như đuôi con Phượng |

    Bá Nhãn - 100, trăm mắt của Trái Khóm/Thơm/quả Dứa
    Trái của loài cây gọi là quả 果, trái của loài cỏ gọi là lỏa 蓏.
    Bá Nhãn Lê - Trái Khóm/Thơm/quả Dứa |trái Lê nhiều mắt|

    Ng Vietnam ta mượn tiếng Hoa nhiều nhưng ko thông thạo dùng Lung Tung

    Như Masks - Khẩu Tráo và Khẩu Trang...

    Xin Mạn Bạn
    新加坡称黄梨,港澳称菠萝,台湾称凤梨

    Trả lờiXóa
  13. http://www.tinhdocusiphathoi.vn/duoc-lieu/030-thom-dot-thom-ananas-comosua-l-bromelinaceae.42.aspx

    Trong Y khoa Viet
    030. Thơm (Đọt Thơm) (Ananas comosua L. Bromelinaceae)

    Tên khác: Bá Nhãn Lê.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))