Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Kinh điển.


Tôi hay nghe nói đến hai chữ "Kinh điển", không phải nghe ở chùa hay nhà thờ, mà nghe ở trên Tivi hay đọc nơi trang thể thao trên báo. Người ta hay nói "Trận cầu sắp tới là một trận đấu kinh điển giữa hai đội..." (có khi ghê gớm hơn nữa là "trận cầu siêu kinh điển", thường là giữa hai đội bóng lớn hàng đầu khu vực, châu lục, hoặc thế giới). Người ta cũng hay nói "một quyển sách kinh điển", không phải để chỉ cuốn Thánh kinh hay kinh Phật, mà nói về một quyển sách nổi tiếng xưa nay, chẳng hạn như sách Tứ thư, Ngũ kinh hay Kinh dịch của Trung Hoa.

Sách vở chép, trong tiếng Việt có khoảng từ 60% đến 80% là từ Hán-Việt, một con số rất ấn tượng, nói lên cái dấu ấn của hàng ngàn năm người Hán đặt nền móng cai trị ở nước ta. Từ Kinh điển cũng nằm trong số 60% đến 80% từ Hán-Việt đó, Kinh điển     gồm 2 từ Hán-Việt ghép lại, Kinh  có nhiều nghĩa, một trong những nghĩa đang bàn là sách do thánh hiền, hay các nhà triết học cổ đại viết ra, và điển  cũng thế, nghĩa đang bàn là khuôn mẫu, chuẩn, mẫu mực.

Nói chung về từ Kinh điển ta có thể hiểu: 1/- Giá trị mẫu mực, tiêu biểu cho một học thuyết, một chủ nghĩa... 2/- Những quyển sách do những người nổi tiếng (có khi khuyết danh) viết ra, có giá trị khuôn mẫu, được người đời công nhận, chẳng hạn bộ Sử ký của Tư Mã Thiên được công nhận là bộ sách kinh điển trong thể loại sử... hay bộ Chiến tranh và Hòa bình của Leon Tolstoi là một bộ sách kinh điển trong văn học...

Như đã thấy, những gì được coi là kinh điển (tiêu biểu, khuôn mẫu, mẫu mực...), cần phải hội đủ được một số điều kiện. Chẳng hạn phải là những cái đã hiện hữu trong cuộc sống (cái mẫu mực, tiêu biểu của một học thuyết, một chủ nghĩa...), hoặc là một quyển sách của người nổi tiếng, đã được lưu truyền qua thời gian dài, được rất nhiều người công nhận, ca ngợi... Như thế một trận cầu (bóng đá), một trận so găng (boxing)... cũng sẽ chỉ được coi là kinh điển (của bóng đá, của boxing...), khi nó đã xảy ra, và trận cầu, trận so găng ấy có những tình tiết hay, đẹp, gay cấn, kịch tính... tức là một khuôn mẫu, mẫu mực... về kỹ thuật, về phong cách, về tính hấp dẫn, về số lượng khán giả đến xem...

Cho nên cho dù có là Khổng Tử, hay Sử gia Tư Mã Thiên tái thế, cũng chẳng thể nào dám nói "Ta sẽ viết tiếp một quyển sách kinh điển". Và một trận cầu, một trận đấu, dù giữa những tên tuổi hàng đầu thế giới mà chưa xảy ra, thì không thể gọi là trần cầu hay trận đấu kinh điển được. Có những trận cầu hoặc trận đấu như thế còn... dở hơn những trận cầu, trận đấu của những đội bóng, hoặc giữa những võ sĩ ít tên tuổi, trong những giải đấu bình thường, bởi tính căng thẳng (không được để thua, hoặc sợ bị thua, đâm ra phải thi đấu quá thận trọng, mất đi tính hấp dẫn...). Những trận đấu như thế làm sao gọi là kinh điển?

Bởi thế nhiều khi muốn viết, hoặc nói cho đúng, điều đầu tiên là ta cần phải hiểu đúng được nghĩa của từ mà ta muốn sử dụng. Tôi cứ hay sa đà vào chuyện chữ nghĩa là thế. Hì hì!





48 nhận xét :

  1. Mặc dù không hiểu mấy về Chữ và nghĩa , lại lười đọc sách , nhưng lão cứ thử vận dụng vào cách viết , cách nói xem sao nhé.
    -Cách trốn vợ Kinh điển như Bác Hiệp là vùi mình vào sách vở, khi mà đêm đến không cọ quẹt gì được nữa!
    - Muốn trái tim người đẹp rung động , ắt hẳn không thể bỏ qua cách tán gái kinh điển là : Con đường ngắn nhất đi đến trái tim là con đường đi thông qua bao tử!
    ....
    Bác xem được không ? haha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi, xem ra lão này rành về chữ nghĩa lắm chứ :-)))

      Xóa
  2. Ồ. Hôm nay nhờ bác mà con lại "ngộ" ra từ Kinh Điển phải là những gì đã xảy ra rồi mới được "mặc" cái áo Kinh Điển. Hihi. Đúng là Kinh Điển thì phải đặc trưng, mẫu mực. Ngày nay báo chí hay chỉ một trận đá banh giữa 2 đội hay nhất nhì bên nước I - Pha - Nho là trận đấu Siêu Kinh Điển. Rồi thì "pha bóng kinh điển, mẫu mực đáng được đưa vào sách giáo khoa bóng đá".
    Đúng là dân Việt ta có lẽ "hết chữ" rồi nên phải dùng chữ Tàu nhiều. Nhưng dùng mà lại không hiểu nghĩa rồi dùng lung tung beng lên. Ấy mới là cái hại bác nhỉ??? Chúc bác cuối tuần vui. :)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ cái gì người ta cũng có thể nói là kinh điển, đến như vụ ông Vươn ở HP, tay chỉ huy quân sự sau khi điều quân dẹp, còn nói đó là một trận đánh kinh điển đáng được đưa vào sách giáo khoa.
      Dùng từ Hán-Việt cũng chẳng sao cả, bởi nó đã được Việt hóa, bây giờ chỉ sợ đâu đâu cũng xây Văn miếu...

      Xóa
  3. Hôm nay đọc trên PB bài của một nhà báo, nhà văn viết như thế này: "và ta chợt yêu thương con người hơn, vị tha cả với những gì tàn ác nhất nhưng đã qua đi"
    NT xông vào bình luận: "Em không hiểu lắm nghĩa của từ "vị tha" trong bài viết", tác giả trả lời: "Không hểu thì tra gu gồ" Em nói tiếp: "Em thường hay có thói quen tra trong từ điển thôi. Vị tha là một từ Hán Việt, hiểu đúng nghĩa thì mới dùng đúng được"
    Từ "vị tha" cũng là một từ nhiều người hay dùng sai, phải không bác Hiệp?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Hiệp ơi , cho lão trả lời câu này thay bác , làm oai với người đẹp chút nha.
      "Vị " là người( Trong "qúi vị" chẳng hạn)." Tha" là chiết....xuất từ câu dân gian : "Qủi tha ma bắt" = Loại người chẳng ra gì , ma bắt cho rồi. Hehe...
      Có dzậy mà cũng hỏi!

      Xóa
    2. A, thế thì hiểu rồi! Mùi vị = mùi người!

      Xóa
    3. Hì hì, Lão Tân rất giỏi về chữ nghĩa mà hồi nào giờ dấu :-)))

      Để trả lời về từ "Vị tha" mà bạn Nhật Thành Hồ đã nêu:

      - Vị tha 位 他, Vị 位 là "người", nói tôn kính, như quý vị, tha 他 là "khác". Nghĩa của chữ là "người khác". Ý chỉ "vì người khác". Người vị tha là người biết lo đến quyền lợi của người khác.

      Sách vở giải thích thế, nếu so với những gì bạn NTH nói bên trên về nhà văn nào đó viết: "vị tha cả với những gì tàn ác nhất nhưng đã qua đi", thì rõ ràng là nhà văn đó đã dùng sai từ vị tha. Có lẽ nhà văn, nhà báo ấy hiểu "tha" là "tha thứ".

      Muốn viết văn, làm thơ, viết báo giỏi, nhất thiết ta phải hiểu được tiếng Việt, để dùng cho đúng phải không bạn NTH?

      Xóa
    4. Cười chết mất thui NT ơi !
      Dễ ẹt như vậy mà cũng không biết , phụ nữ nấu ăn thì phải biết dùng gia vị chứ , ví dụ như kho cá đồng thì kho với nghệ , nấu thịt chó thì phải có riềng mẻ mắm tôm , nấu cà ri thì dĩ nhiên bắt buộc phải có bột cà ri vvv
      ( Vị tha cả những gì tàn ác nhất nhưng đã qua đi ) thì lại nói đến cn rắn là độc ác nhất , nhưng người ta tha thứ không muốn giết . Khi xung quanh nhà nhiều rắn thì họ rải bột vị lưu huỳnh hay trồng sả để rắn nghe mùi thì bỏ đi
      Dễ ẹt vậy mà cũng nỏ biết .. Chán chán là .. Hè hè hè

      Xóa
    5. Vị tha còn một nghĩa nữa là : Vị là vị giác chỉ cái lưỡi của con người , Tha là tha thứ ví dụ : khi hai người yêu nhau , chàng trai khi muốn hôn cô gái thì nói rằng " Em thương ! Em có muốn ăn cháo lưỡi không ? " cô gái thì không ưng cái bụng nên trả lời " Thôi em nỏ ưng , anh Tha cho em " .. Đó là ý nghĩa của từ Vị Tha nghe Người Đẹp hì hì hì

      Xóa
    6. Vậy: vị tha = tha thứ cho cái lưỡi. Điều này có vẻ đúng, vì "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" nên có nói sai cũng nên tha thứ! Hay!

      Xóa
  4. Nhắc đến từ ( Kinh điển ) ta biết ngay là dùng để chỉ những công trình nghiên cứu về hoá học , vật lý học , những tác phẩm văn học , triết học , kịch nghệ , hội hoạ vvv đã trường tồn hàng trăm năm thậm chí hàng ngàn năm . Trong đó phải nêu bật được tính nhân văn , tính học thuật , triết lý sống mà đã được thử thách qua thời gian , đã được loài người thừa nhận . Những tác phẩm không chuyển tải những điều như trên , dù có cố ép thì sớm muộn cũng bị đào thải mà thôi
    Nhắc đến ( Kinh điển ) thì lại cho ta thấy đó là khuôn mẫu , là điều không thể thay thế mà chỉ phải bắt buộc làm theo mà thôi ví dụ : khi chơi bản hợp xướng số 3 của Beethoven thì bắt buộc giàn nhạc phải chơi theo Mi Giáng , bản giao hưởng số 9 thì cũng phải chơi theo Rê Thứ . Về kịch nghệ , khi diễn vở kịch Hamllet của Shakespeare thì bắt buộc nhân vật Hamllet phải chết vậy . Về vấn đề lịch sử thì khi nhắc đến tên Tư Mã Thiên thì ta lại nhớ đến vụ án văn học đầu tiên " Thôi Trữ giết vua Tề " . Nói đến ( Kinh điển ) thì ta phải mặc nhiên thừa nhận , đó là con đường mà tiền nhân đã mở ra , chúng ta sẽ dựa trên nền mạch có sẵn đó rồi phát triển thêm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đồng ý với bác Salam về ý đầu, nhưng sang đến ý kế tiếp, đoạn ví dụ về âm nhạc của Beethoven thì bác lại... rối quá. Những bản nhạc như bác nói nếu trở thành "kinh điển" là do những bản nhạc ấy đã đáp ứng được những chuẩn mực trong âm nhạc, và được người nghe công nhận, chứ đâu phải vì nó được soạn theo cung Mi giáng, hay cung Ré thứ? Thiếu gì những bản nhạc cổ điển của các tác giả khác cũng soạn theo hai cung này có trở thành kinh điển được đâu. Và khi giàn nhạc chơi những bản nhạc này, thì đương nhiên phải chơi theo những gì mà tác giả đã soạn là cung Mi giáng và Ré thứ, làm sao chơi theo cung khác được?
      Tương tự như thế khi nói về Hamlet trong vở kịch của Shakespeare, vở kịch trở thành kinh điển cũng là do tác giả soạn đã đáp ứng được những chuẩn mực của kịch nghệ, chứ không phải là vì tác giả đã cho nhân vật Hamlet chết.
      Nếu không được biết bác Salam là người xứ Nghệ, thì với cái "ních nêm" của bác chắc tôi sẽ nghĩ bác là dân... Ả Rập viết tiếng Việt, hì hì!

      Xóa
  5. 位 vị : Chỗ nơi, tọa vị là chỗ ngồi (Thiều Chữu)
    Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh (trang 548):
    Vị tha 為 他 : Vì người khác, trái với vị ngã

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu bản tôi có do NXB TP. HCM xuất bản năm 1997, thì từ Vị 位, có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là ngồi. Cái chỗ của mình được ở gọi là vị, như địa vị, tước vị. Nghĩa thứ 2 là lời tôn kính người, như chư vị.
      Từ điển Từ Hán-Việt của Lại Cao Nguyên chủ biên giải thích người khác// vị tha.
      Và Tự điển Hán-Việt Đào Duy Anh giải thích Vị tha = vì người khác, trái với vị ngã như bác Bu viết bên trên.

      Xóa
    2. Bác Bu viết đúng, chữ Vị tha 為 他, thì chữ Vị 為 khác với chữ Vị 位 chỉ người (tôn kính). Chữ Vị 為 này có nghĩa là "vì, bởi", Vị tha = vì người khác. Vị kỷ, vị ngã = vì mình.

      Xóa
    3. Em vẫn hiểu lâu nay, vị = vì, tha = khác. Và dịch thoát nghĩa là vì người khác.

      Xóa
    4. Còn vị thì em lại hiểu vị là đứng: vị trí, vị thứ.
      Hóa ra nó lại là ngồi: an vị.
      Thôi thì cứ dùng thuần Việt đi cho chắc ăn.
      Ví dụ thay cho câu: " Mời cac đại biểu an vị" thì nói cho rõ thế này: "Mời các đại biểu ngồi yên, đừng nhúc nhích".

      Xóa
    5. Bạn NTH hiểu như vậy là quá đúng rồi :-)

      Xóa
    6. Haha, thuần Việt được lắm đó.

      Xóa
  6. Các bác chắc...lẩm cẩm rùi. "Vị ngã " đương nhiên là...người bị té ! hehe - rõ mười mươi đó thôi!

    Trả lờiXóa
  7. IS Salam đơi !
    Bác Hiệp lại không hiểu ý của Salam rồi vì thế ( Chúng ta đồng sàng dị mộng ) vậy ! Như trên Salam đã nói , cái gì đã là ( Kinh điển ) thì nó đã là khuôn mẫu rồi , bắt buộc thế hệ sau này phải tuân theo . Salam chỉ đưa một ví dụ về âm nhạc của Beethoven thôi , đó đúng là kinh điển
    Khi một nhà văn , hay nhà thơ muốn chuyển tải điều trăn trở của họ tới bạn đọc , thì họ phải lựa chọn câu văn hay câu thơ , làm sao cho độc giả hiểu nhanh nhất , đọng lại nhiều nhất trong hoàn cảnh cho phép
    Trở lại với âm nhạc của Beethoven , như bản giao hưởng số 3 không dùng Mi Giáng liệu bản nhạc có tồn tại đến ngày hôm nay không ? Đó mới là ( Kinh điển ) đó Bác
    Hỏi bác Hiệp ? Nhạc sĩ thiên tài Johann chrestian Bach ! Hồi nhỏ khi Salam chập chững học âm nhạc thì đã nghe mấy thầy , mấy cô nói vầy ". Em nghe nhạc Bach thì nghe vậy thôi , chứ nhạc Bach khó nghe lắm , giống như một đoá hoa hồng để trước một nòng đại bác vậy " Salam nghe vậy thì biết vậy thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hí hí, không phải đồng sàng dị mộng bác Salam, mà là "cách lý luận" trong vụ kinh điển của bác không ổn. Tôi hỏi bác Salam điều này, thế sao cũng có những nhạc sĩ khác soạn nhạc dùng cung Mi giáng mà bản nhạc của họ không trở thành kinh điển? Tôi vẫn chắc chắn rằng cung Mi giáng, không phải là tiêu chuẩn để bản nhạc này trở thành kinh điển. Mà toàn bộ bản nhạc này, từ giai điệu, kỹ thuật soạn, hòa âm, ý tưởng nhạc... của nhạc sĩ đã được người đời xem như chuẩn mực. Và tất cả những thứ ấy mới đưa bản nhạc trở thành kinh điển.

      Xóa
    2. Tôi nghĩ một tác phẩm chẳng hạn như âm nhạc, kịch nghệ như trên, hay bất cứ tác phẩm âm nhạc, kịch nghệ nào khác, muốn trở thành tác phẩm kinh điển, phải hội đủ nhiều điều kiện, nhiều chuẩn mực. Một bản nhạc không thể trở thành kinh điển chỉ vì được soạn theo một cung nào đó, hoặc một vở kịch trở thành kinh điển chỉ vì nhân vật chính trong đó chết. Bác Salam có thấy như thế không?

      Xóa
    3. Nói tới Beethoven và tác phẩm kinh điển của ông có lẽ xa xôi quá bác Salam. Tôi thử xem những tình khúc "vượt thời gian" của các nhạc sĩ nước mình. Có rất nhiều tác phẩm như thế, được viết trên rất nhiều cung bậc, thứ có, trưởng có, thăng có, giáng có. Ta chẳng thể nào kết luận là bài Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trở thành bài hát vượt thời gian, vì được soạn theo cung Ré trưởng, hoặc bài Suối mơ của Văn Cao cũng trở thành bài hát vượt thời gian, vì được soạn theo cung La thứ.
      Những gì làm nên cái vượt thời gian của các tác phẩm ấy, phải ở trong toàn bộ tác phẩm chứ.

      Xóa
  8. Bác chưa trả lời câu hỏi của Salam !
    Tại sao khi nghe nhạc của johann Chrestian Bach ? Sao laij nghe được tiếng súng trận rền vang ? Tại sao lại nghe những âm thanh vui tươi trong cuộc chiến đó ? Đó có phải là ( Kinh điển ) không Bác ? Hôm nay Salam phá lệ một lần , sẽ đi sâu vào từ ( Kinh điển ) mà Bác nêu ra .. Hè hè hè
    P/ s. : Vấn đề ( Kinh Điển ) Bác đưa ra e rằng gặp Salam.IS này thì còn dài dài .. (. Còn nữa ) .. He he he ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi lại không nghe nhạc của Bach bác Salam à. Bác có thể nói về... cải lương hay hát bài chòi, hoặc nhạc sến cũng được. Ối, càng ngày tôi càng không hiểu bác Salam đang thực sự muốn nói tới cái gì? Thật là... đâu cái điền

      Xóa
    2. Mà tiếng súng trận rền vang trong nhạc, và những âm thanh vui tươi trong cuộc chiến có gì liên quan đến kinh điển? Thế xin hỏi bác Salam trong nhạc Việt về chiến tranh tôi cũng có nghe thấy có tiếng súng, có bài hát khác có mghe tiếng chim hót vui tươi, vậy mấy bà ấy có thể nói là kinh điển được không ạ? Hí hí,

      Xóa
  9. Hai bác này nửa đêm người ta đã "mộng" trên "sàng" rồi còn chong mắt mà "dị" nhau! Đúng là !"kinh điển"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiều hôm qua còn pha cà phê uống nên tối hơi khó mộng, "phia" mới "bàn lựng" kinh điển với bác Salam, bạn NTH đọc chắc thấy... mắt nhắm mắt mở, gõ "mấy bài (hát)" thành "mấy bà", haha!
      Nhưng hỏi thật bạn NTH cái này, bạn đọc còm của bác Salam có hiểu bác í nói gì không?
      Chắc tối qua bạn "mộng" sớm nên sáng nay thức sớm?

      Xóa
  10. Bác Sa đang "mộng" ! Vì giấc mộng thường đưa ta đi không theo phương hướng nhất định nào cả ( NT giờ này đang ở trường, trả lời bác trên di động)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn NT đã trả lời cho tôi biết sớm. Thảo nào bác í đã "nhày cóc" ào ào từ "Tư Mã Thiên, vụ án văn học Thôi Trữ giết vua tề", cho tới Hamlet của Shakespeare, rồi mấy cung trong giao hưởng của Beethoven, chuyển đề tài sang tiếng súng trận và âm thanh vui tươi trong nhạc của Bach. Cái này thì phải chào thua bác í sớm thôi, không thì rối loạn tâm thần mà đứt bóng, hù hù!

      Xóa
  11. Hì hì hì ! Đó mới là IS Salam
    (. Vị tha cả với những gì tàn ác nhất nhưng đã qua đi ) bác Hiệp viết ( Thì rõ ràng nhà văn đó đã dùng sai từ vị tha ) người sai ở đây là bác Hiệp
    Vị tha hay Chủ nghĩa vị tha là nói lên lòng bao dung , tha thứ cho kẻ đã làm hại mình , dù đó có phải là kẻ thù truyền kiếp đi chăng nữa . Vị tha cũng còn mang ý nghĩa nữa là : bỏ qua tất cả hận thù , khép lại quá khứ hướng tới tương lai ( Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại )
    ( Lòng vị tha được ví như ánh sáng của tâm hồn , bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao , còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ --- Victor Hugo )
    Trong câu văn mà NT đưa ra thì ông nhà văn kia sủ dụng từ " Vị tha " là hoàn toàn đúng , ở đây bác Hiệp lại sai rồi ... Hè hè hè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lại chuyển qua Chủ nghĩa vị tha và Victor Hugo, bó tay với bác Salam,
      Xin chào thua, chào thua. hehe!

      Xóa
    2. Cái này người ta gọi là "hỏi xoáy đáp xoay". Bằng sự uyên thâm về mọi lĩnh vực, anh Salam đã "xoay" cho bác Hiệp chóng cả mặt! He he...
      Anh Salam ơi, cũng là người Nghệ, nhưng anh thì cái gỉ cái gì cũng rành: văn học, sử học, triết học, xã hội học, mỹ học (tức là mĩ thuật đó), âm học (tức là âm nhạc nha) vân vân học (tức là còn nhiều ngành khoa học khác), còn em thì chỉ biết có mỗi..."tò mò học" nên luôn theo các lời com của anh để nhặt ít kiến thức mà người ta gọi là " mót học" (tức là ngành khoa học chuyên nghiên cứu việc học mót). He he...

      Xóa
    3. Nhật Thành không biết đấy thôi !
      Salam xem nhà bác Hiệp như nhà mình , nên rất thoải mái trong đàm luận , không phải e dè như những nhà khác .. thế mới vui phải không bác Hiệp
      Hồi mới vào đọc Blog , thì nhà đầu tiên là nhà bác Giao , nhà thứ 2 là nhà bác Hiệp , nhà thứ 3 là Người đồng bằng ( Lão Cạo ) vì thế khi vào 3 nhà này thì Salam như về nhà mình vậy ... Chơi hết mình ... Bác Hiệp cứ chờ đấy , có IS ở trong nhà rồi he he he ( You make people happy by doing what you love to do )

      Xóa
    4. Bạn NT và bác Salam.

      Bạn NT nói rất đúng, tôi phải "haut les mains" bác Salam vì... tuổi hạc đã cao, gối đã chồn, chân đã mỏi, bác ấy xoay mấy ngày nay choáng váng hết cả mặt mày, đo huyết áp thấy nó lên vùn vụt, chỉ sợ đứt bóng con cái nó mang mấy quyển sách bán... ve chai hết thì uổng.

      Có bác Salam ghé nhà cửa rộn ràng hẳn, cám ơn lắm, hí hí!

      Xóa
    5. Chắc phải đi cafe để bình tâm trở lại quá bác Hiệp ơi :)

      Xóa
    6. Đúng quá Bố susu, chừng nào được ta lại làm một chầu cà phê vợt :)

      Xóa
  12. Hầu như ít quan tâm tới lãnh vực thể thao , nên hôm nay M mới biết những tin tức như : một trận đấu sắp xảy ra sẽ là một trận đấu kinh điển . Với cách nói này, trước những người lớn tuôỉ M được biết sẽ nói là : nói y như thần ( phán ) ! Hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Với cách nói này, trước những người lớn tuôỉ M được biết sẽ nói là : nói y như thần ( phán ) !", hì hì, ngày xưa bà cụ tôi cũng hay nói câu ấy :-)))

      Xóa
  13. Giáo chỉ hay dùng từ kinh điển trong phim ảnh. Ví dụ, tui đã được coi nhiều phim kinh điển thui. Còn từ vị tha, nếu dịch sát nghĩa thì đúng như bác Phạm nói, nhưng nghĩa bây giờ người ta hay dùng là tha thứ, chữ tha là tha nhân, người khác, nếu sống vì người khác, thấu hiểu họ thì dễ bỏ qua, dễ tha thứ cho những việc họ làm, dù họ gây tổn thương cho mình. Có nhiều từ, người ta dùng riết thành quen, dù ko sát nghĩa lắm, nhưng cũng có thể cho qua, như vị tha chẳng hạn, nhưng từ kinh điển thì đúng như các bác nói là ko được dùng bừa bãi. Thường người ta hay sính dùng từ để tỏ cho mọi người biết mình hay chữ, nhưng điều tốt nhất là khi nói hay viết, càng đơn giản, dễ hiểu càng tốt, và cũng ko thiếu phần sâu sắc, thấu đáo. Người viết có văn phong giản dị mà thấu tình đạt lý, ai đọc cũng hiểu được cũng có thể là một nhà văn lớn, cứ gì phải dùng những từ ngữ to tát hay trích dịch những điển cố nước ngoài. Thiển ý của Giáo là vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đồng ý với những ý kiến của Giáo bên trên, một nhà văn lớn là một người dùng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, nếu có phải dùng những từ "khó", phải đúng chỗ, đúng lúc, ngoài những điều ấy thì văn phong, câu cú cũng phải thế. Câu mà bạn NTH nêu của nhà văn, nhà báo nào đó bên trên "và ta chợt yêu thương con người hơn, vị tha cả với những gì tàn ác nhất nhưng đã qua đi", nghe nó lủng củng. Ta có thể "chỉnh" lại một chút mà vẫn giữ nguyên ý tứ được chăng? Thí dụ: "và ta chợt yêu thương con người hơn, tha thứ cho cả những tàn ác (hoặc "lỗi lầm", nếu muốn nói nhẹ nhàng hơn) đã qua".

      Bây giờ có nhiều người viết hoặc đọc diễn văn khá lủng củng, thích dùng những chữ có lẽ mình không hiểu rõ, phải to lớn, nghe triết học, "ngang tầm vũ trụ"..., cho nên nghe nó sáo rỗng, vô nghĩa...

      Xóa
    2. Xin mạn phép trao đổi với Giáo rằng, dùng vị tha như nghĩa bạn nói:"nhưng nghĩa bây giờ người ta hay dùng là tha thứ, chữ tha là tha nhân, người khác, nếu sống vì người khác, thấu hiểu họ thì dễ bỏ qua, dễ tha thứ cho những việc họ làm, dù họ gây tổn thương cho mình." là hoàn toàn sai. Tha nhân là người khác, thì đúng, nhưng dùng vị tha hiểu theo nghĩa lòng vòng như vậy là không chấp nhận được. Không ai đi ghép một từ Hán việt "vị" với một từ thuần việt "tha thứ" vào với nhau khập khiễng thế. Chỉ có thể lí giải rằng, người này dùng sai, người khác học theo, cũng sai. Dùng nhiều lần, người đọc tự hiểu tùy trong văn cảnh. Hiện tượng này cũng có thể coi là "lộng giả thành chân" vậy. Ngoài từ vị tha rất nhiều người dùng sai, còn có một số từ khác như : " tham quan" thì viết (nói) "thăm quan" hoặc dùng từ Hán Việt "cứu cánh" nhưng lại theo nghĩa "cứu cánh" của từ Thuần Việt...
      Mình đồng ý với bạn, hãy dùng từ dễ hiểu, cách diễn đạt dễ hiểu là tốt nhất. Mục đích của giao tiếp bằng ngôn ngữ là để thông tin của người nói (viết) truyền đến người nghe (đọc) một cách hiệu quả mà, đúng không bạn Giáo?

      Xóa
    3. Con đường không phải tự nhiên mà có , mà do con người đi lại nhiều mà hình thành đường đi . Trong vấn đề ngôn ngữ học cũng vậy , cũng trải qua một thời gian rất dài , có sàng lọc , có đào thải mới hình thành nên như bây giờ . Có nhiều câu từ mặc dù sử dụng vào nhiều tình cảnh thì không đúng lắm , nhưng dùng nhiều lần thì mặc nhiên được xã hội chấp nhận
      Sử dụng ngôn ngữ cũng là giúp cho mọi người hiểu được vấn đề một cách nhanh nhất . Những người câm điếc thì làm sao họ nghe nói được ? Thì lại có một loại hình truyền khẩu dụ bằng tay mà ta hay thấy trên truyền hình , đó cũng là một cách giao tiếp với nhau , miễn mọi người hiểu thì là thành công
      Còn hai đội bóng năm này mới gặp nhau , sang năm lại gặp nếu gọi là trận đấu ". Kinh điển " thì đã thấy khó chịu rồi , đằng này còn gọi là ". Siêu kinh điển " thì thật là " Ngoa Ngôn " quá đê .. Bó chân . Com

      Xóa
    4. Tôi chỉ đồng ý với bác Salam ở chỗ ngôn ngữ hình thành cũng như hình thành con đường, bởi có nhiều người qua lại lâu dần mà thành (thành một từ ngữ, hay thành một con đường), chứ không phải khi đã hình thành từ ngữ theo nghĩa này rồi, hoặc hình thành con đường như thế này rồi, sau đó lại hè nhau nói sai thành nghĩa khác, hay hè nhau đi tắt đi ngang thành những lối mòn khác.

      Dùng cách ví von này để biện minh cho cái sai, nghe tưởng có lý nhưng... nguy hiểm, vì người ta nghĩ cứ nói sai đi rồi sẽ biện minh kiểu ấy, hì hì!

      Xóa
  14. Lang thang qua nhà người bạn ( Cô giáo dạy văn THPT, về hưu) Thấy món này có thể hợp với bác , lão cóp đường link cho bác thư giãn đây ;
    http://thutuan.blogspot.com/2015/08/thao-luan-thoat-trung-ve-van-hoa-gia-tu_4.html

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))