Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Trở lại những con đường.


Tên tự phát tạm của những con đường mới mở ở Saigon khi chưa có tên chính thức. Ảnh Internet.

Ở Saigon thì đường ngang ngõ dọc nhiều vô kể, giờ tan tầm phải biết xe cộ đông nghẹt, khói bụi mù mịt, ra đường ai cũng kín mít từ đầu đến chân. Hằng ngày dù muốn dù không mọi người cũng đều phải ra đường, đến nơi làm việc, đến trường học, đi chợ, đi chơi... Chỉ có những ngày lễ, tết đường phố Saigon trở nên vắng vẻ, thiên hạ biến đâu hết, đi ra đường... thấy sướng.

Đường phố Saigon thời mấy ông Tây bà Đầm không nhiều, thời đó chính quyền Xã Tây đặt tên đường theo tên Tây, như con đường thuộc lọai xưa nhất Saigon là đường Alexandre de Rhodes, là một giáo sỹ gốc Do Thái, sinh tại thành phố Avignon, một xứ thuộc vùng Provence của Pháp, nhưng quốc tịch Tòa thánh La Mã, thuộc Dòng Tên. Người đã cùng một số linh mục Bồ Đào Nha chế tác ra chữ quốc ngữ, tác giả của quyển Tự điển Việt - Bồ - La ấn hành từ năm 1651. Trước khi có tên Alexandre de Rhodes thì đường này có tên là Paracels (Hoàng Sa) (từ ngày 2-6-1871), đến 16-10-1871 đổi thành Colombert. Từ ngày 22-3-1955 chính quyền Saigon đổi thành Alexandre de Rhodes. Đến 4-4-1985, chính quyền mới đổi thành Thái Văn Lung. Nay lấy lại tên Alexandre de Rhodes.

Vài con đường khác khu trung tâm thành phố như đường Lê Lợi, từ năm 1865 Tây đặt là Bonard, đường Nguyễn Huệ Tây đặt là đường Charner, nhưng dân Ta quen gọi là đường Kinh Lấp, vì đây nguyên là con kinh bị lấp để làm đường. Đường Tự Do bây giờ là Đồng Khởi, Tây đặt là Blancsubé, rồi Catina. Sau hiệp định Genève chính quyền Saigon đặt là Tự Do. Dân Saigon thời trước năm 1975 đi dạo phố khu trung tâm, hay nói là "Đi bát phố Bonard, bát phố Catina", nhưng hiếm thấy nói "Bát phố Charner".

Qua thời Tây, đến thời Ta tên đường Saigon được đặt tên Việt, đại đa số là tên của những danh nhân thời vua chúa xưa, một số ít là tên danh nhân đương thời, hoặc những cái tên mang một ý nghĩa gì đó, cũng có khi là tên cây cỏ... Như ta đã thấy đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Gia Long, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Duyệt, Duy Tân, Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền... Những danh nhân đương thời như đường Đại tá Trần Hoàng Quân, đường Trần Văn Văn (nghị sỹ), Nhất Linh (nhà văn), Tản Đà (nhà thơ, nhà báo), Trình Minh Thế (Thiếu tướng quân đội Cao Đài)... tên mang ý nghĩa có đường Tự Do, Thống Nhất, Cộng Hòa, Dân Chủ, Hòa Bình... Cũng có đường  để chỉ một hình tượng gì đó như đường Bàn Cờ. Tên cây cỏ có đường Vườn Chuối, Bông Sao, đường Bãi Sậy, đường Xóm Cải... Người ta cũng lấy tên danh nhân nước ngoài để đặt tên đường, như đường Alexandre de Rhodes kể trên, đường Pasteur, Yersin, Calmette, Khổng Tử, Lão Tử... Có đường mang tên thủ đô của các nước láng giềng như Kim Biên ( âm Hán-Việt của Phnom Penh, thủ đô nước Cam Bốt), đường Vạn Tượng (萬象 âm Hán-Việt của Vientiane, thủ đô nước Lào).

Ở Saigon, trong thời gian gần đây nhiều con đường mới mở mang tên các loài hoa, như nơi một khu dân cư mới của quận Phú Nhuận, những loài hoa được đặt tên đường như đường Hoa Lan, Hoa Huệ, Hoa Sứ, Hoa Lài, Hoa Cúc, Hoa Hồng, Hoa Phượng, Hoa Trà, Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Sữa... May không có tên đường nào mang tên... Hoa Mồng Gà. 

Củ Chi là một huyện mới phát triển nhập vào TP. HCM từ sau năm 1975, đường xá được xây dựng mới, có nhiều tên đường đặt theo các loài cây cỏ, như đường Bàu Lách, địa bàn xưa có nhiều bàu (ao, hồ) mọc nhiều cây lách (một lọai lau sậy, ta còn thấy trong từ lau lách), đường Bàu Trâm, nơi có một cái bàu có nhiều cây trâm bầu, đường Bàu Tre, nơi có bàu mọc nhiều tre, đường Bến Cỏ nơi có một bến đò, dân trong vùng cắt cỏ đưa ra đấy bán cho những người nuôi ngựa ở miền dưới. Đường Cây Điệp, nơi trồng nhiều cây điệp, đường Cây Gõ, nơi xưa có trồng cây gõ, đường Cây Trắc cũng là một loại cây gỗ lưu niên, đường Cây Trôm, cũng là nơi có trồng cây trôm (một loại cây cổ thụ cho mủ trời nắng nóng uống giải nhiệt), đường Xóm Thuốc, người dân ở đây trồng cây thuốc lá. Một con đường khác có tên là đường Mít Nài, mít Nài là một giống mít rừng giống như mít vườn nhưng không ăn được, gỗ chỉ làm củi đốt. Ở Củ Chi cũng có một con đường được đặt tên là đường Cây Bài, không thấy sách vở giải thích cây bài là cây gì? Chắc không phải là cây bài... cào ba lá.

Bản thân tên gọi Củ Chi thì "củ chi" là củ "mã tiền" (Từ điển Bách khoa Nông nghiệp), tên một cây thuốc trước đây được trồng nhiều ở địa phương. Ở Củ Chi có một địa danh là Bến Dược, có 3 giả thuyết về tên gọi này: 1. Đọc theo giọng Nam bộ từ "Bến vượt", nơi đây có một bến đò trong chiến tranh bộ đội vượt sông vào bưng. 2. Là bến đò chuyên chở thuốc nam (như đã nói, trước đây vùng này trồng nhiều củ mã tiền còn gọi là củ chi). 3. Rút gọn của "Bến Bà Dược" (nơi đây có xóm Bà Dược). Nhiều người nghiêng về giả thuyết thứ 2. và thứ 3. hơn. Ở Củ Chi cũng có tên đường là loài vật, như đường Cá Lăng, đường Hố Bò, hoặc mang những tên gọi khác như đường Sông Lu, đường này là nơi có một con sông ngày trước ghe thuyền chở lu đựng nước đến bán, đường Suối Lội bởi dọc theo con đường có một con suối, mùa khô người dân có thể lội qua mà đi không cần ghe thuyền.

Những con đường có tên cây cỏ hay tên thú vật ở Củ Chi này là do trước khi mở đường chính thức, đây là những địa danh đã được người dân quen gọi từ lâu, nay được tiếp tục đặt tên cho đường mới mở.

Cũng có quận, huyện khác có những tên đường nghe khá ấn tượng, chẳng hạn đường Tên Lửa thuộc quận Bình Tân, gọi là đường Tên Lửa bởi sau năm 1975 trên con đường này đóng một đơn vị phòng không có trang bị hỏa tiễn phòng không (tên lửa). Cũng ở quận Bình Tân có con đường khác là đường Mả Lò (tên ghi trong sách), với giải thích ở nơi đây có một khu nghĩa địa mà những ngôi mả đều xây theo hình dáng lò nấu bếp, nhưng xem thông tin trên các trang mạng lại ghi là đường Mã Lò (Mã dấu ngã).

Sau một thời gian dẹp mất một số đường mang tên các vị vua và triều thần nhà Nguyễn, thì những con đường mới mở ở những quận huyện Saigon hiện nay đã phục hồi lại một số danh nhân triều Nguyễn, như Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình), Duy Tân, Thành Thái, Khải Định, Phan Thanh Giản (quận 9, quận 10), Lê Văn Duyệt (trong cư xá ở quận 9)... Gần đây có thêm những con đường mang tên những văn nghệ sỹ của cả hai miền Nam, Bắc như đường Tô Ngọc Vân (quận 12), Lê Thương (huyện Cần Giờ), Xuân Diệu, Xuân Hồng, Vũ Trọng Phụng, Văn Cao, Văn Chung, Nguyễn Hiến Lê (quận Tân Bình), Vũ Ngọc Phan (Bình Thạnh), Hồng Sến, Lưu Trọng Lư (quận 7)...


Tham khảo:

- Từ điển TP. Saigon - TP. Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2001.

- Đường phố TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Thắng - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn Hóa Thông Tin-2001.



18 nhận xét :

  1. Hi hi ! Bác Hiệp nhắc đến hoa Mồng Gà , đó là độc quyền của Quốc sư Vũ Khiêu zồi . Bởi vì ông yêu cầu lấy tên hoa Mồng Gà đặt tên cho Quốc Hoa
    Tên đường ở Sài Gòn nhiều khi rối rắm chẳng biết đường nào mà lần ví dụ : đã là đường Nguyễn Huệ ( Quận nhât ) lại có thêm đường Quang Trung ( Gò Vấp ) người Việt thì có thể hiểu , còn người nước ngoài họ nghĩ chắc là hai người khác nhau . Nhiều khi đọc tên đường mang tên người mà chẳng hiểu ông này là ai . Nên chăng dưới một bảng tên nên ghi thêm mấy dòng tiểu sử để cho mọi người hiể
    Tôi thích những tên đường ở Củ Chi như bác Hiệp liệt kê , cứ dân dã vậy đi sẽ dễ nhớ và sẽ sông mãi trong lòng mọi người . Còn những Danh nhân cứ thay đổi xoành xoạch thì chẳng biết đâu mà lần . Như nhà tôi trước là Nơtranglong sau đổi thành Nguyễn Xí , số mới số cũ khi làm giấy tờ rát nhiêu khê , anh em bà con tìm nhà cũng rất khó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, bác Salam nhắc ông Quốc sư "Hoa Mồng Gà", may mà thiên hạ cũng còn chút sáng suốt không chọn hoa này làm Quốc hoa.
      Tên đường ở Saigon đôi khi khá lộn xộn, quận lấy tên thật, quận lấy tên hiệu như Nguyễn Huệ-Quang Trung, hoặc cùng một con đường (đường thẳng) nhưng khúc thì tên này, khúc thì tên khác (chẳng hạn như đường Trần Quang Diệu thuộc quận 3 - Trần Huy Liệu thuộc quận Phú Nhuận). Nhưng cũng một con đường như Lê Văn Sỹ lại qua nhiều quận như quận 3, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình. Cũng thấy có quận ghi thêm vài dòng tiểu sử tóm tắt trên bảng chỉ tên đường.

      Tên đường mà đổi nhiều khi khổ cho những người ở trên đường đó, vì giấy tờ cũ, mới tên đường khác nhau, nhiều khi phải đi xác nhận phiền phức.

      Xóa
  2. Bác Hiệp có bài viết về tên đường đọc thật thú vị. Cám ơn nhiều, chúc anh vui nhiều nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Minh T đã ghé qua nhà. Chúc anh thật vui.

      Xóa
  3. Bên nhà bác Giao có một bài viết ( Văn bia đề vă tiến sĩ Việt Nam ) của ông Trịnh Khắc Mạnh . Ông Hà Phương cố tình dìm hàng Ổng . Bác Vũ Nho cũng có bài phản bác . Salam chỉ chờ bác Hiệp cho ý kiến , rồi mới comment phản biện
    Mong Bác qua rồi cho ý kiến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã qua xem và viết ít dòng bác Salam.

      Xóa
    2. Tôi đã đọc rồi bác Hiệp ạ , cả hai comment của Bác và bác Vũ Nho . Bác nhận xét rất hay , thấu tình đạt lý , đọc xong nhìn nhận được rất nhiều vấn đề . Ông Trịnh khắc Mạnh quả này thật là rất khó đỡ
      Cảm ơn Bác nhiều nghen

      Xóa
    3. Cuộc sống ở bất cứ đâu cũng có 2 quy tắc mà ta phải theo, thứ nhất là quy tắc về pháp luật, thứ nhì là quy tắc về đạo đức. Quy tắc về pháp luật đã thành văn, rõ ràng, còn quy tắc về đạo đức không thành văn, nhưng những người tầm cỡ như trong vấn đề bác Salam đang bàn phải biết rõ mà ứng xử.
      Nhưng qua câu chuyện kể trên, và nhiều chuyện tương tự mà thỉnh thoảng ta vẫn thấy xảy ra trong xã hội bây giờ, thì cái lỗi mà những cá nhân mắc phải ấy nó có vẻ như "lỗi hệ thống" mất rồi. Tức là xã hội có vấn đề chứ không còn là vấn đề của cá nhân nữa bác Salam.

      Xóa
  4. đường phố saigon bây giờ mở mang nhiều, đôi khi cháu cũng không nhận ra được luôn thế là lại mò mẫm rồi mới xác định đc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon có lẽ là vô địch về đường phố. Sống cả đời ở đây vậy mà nhiều khi tôi cũng phải mò mẫm như Bố susu :-)

      Xóa
  5. Qua vụ đặt tên đường và ghi số nhà ở VN đã thấy được trình độ Văn ninh và tầm mức Văn hóa của nước nhà.
    Ở ta, Đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để cho nên mọi việc kể cả đặt tên đường cũng phải được các thứ “ủy” thông qua (huyện ủy, tỉnh ủy, thành ủy). Hoàng Kế Viêm là một anh hùng chống Pháp quê Quảng Bình nhưng ở Đồng Hới không có đường mang tên ông. Trong khi đó SG có đường Hoàng Tá Viêm (chữ Tá do Tự Đức đặt, thay cho chữ Kế). Tại sao ở ĐH lại sinh ra vậy? Tại Thường vụ nghe ai đó nói ông Viêm hợp tác với Pháp. Bẳng chứng đâu? Bó tay.
    Trong khi đó ông Lê Trực đoạn đầu chống Pháp đoạn sau đầu hàng Pháp thì Hà Nội Sàu Gòn và hình như đâu đâu cũng có đường mang tên ông.
    Sài Gòn có câu ca “Nam Kỳ khởi nghĩa thôi Công lý, Đồng Khởi lên rồi hết Tự do là tuyệt hay .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không chỉ những tên đường, số nhà, mà cả những biển báo giao thông trên đường ở VN cũng thế, nhiều khi không theo nguyên tắc quốc tế, ghi chữ Việt lung tung (thay vì quy ước quốc tế), hoặc những ký hiệu chỉ có ở VN ta.
      "Nghe nói" mà đã gạch tên đường, hay vì cảm tính mà đưa vào hoặc không đưa vào, là cách làm thiếu chuyên nghiệp ở xứ ta trong nhiều lãnh vực khác nữa.
      Hì hì, các bố nhà mình khôn lỏi thế mà lại thay tên mấy con đường Công Lý, Tự Do, bằng Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, để cho "kề xấu" nó... xuyên tạc.

      Xóa
  6. Nếu cứ thay đổi tên đường hoài ....với người xa xứ khi trở về thăm quê hương ...chắc là phải ngẩn người thui ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay đổi hoặc "tách - nhập" kiểu con kiến bò trên miệng chén là sản phẩm đặc trưng của mấy ông thời này, nói chung là vì... ngẫu hứng lý qua cầu (khi có quyền muốn thay là thay, muốn đổi là đổi, biết bao nhiêu cái "ban" ra không làm được vì vô lý, lạc hậu). Hậu quả là dân chịu, đất nước bê bết, hichic!

      Xóa
  7. Bộ có tên đường ''Cựu chiến binh không rác'' thật hả bác ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ấy, thì bảng hiệu đàng hoàng, khi chưa đặt được tên đường chính thức dân gọi sao thì gọi, nhưng "để tiện việc nhà nước" đôi khi cũng vô tư nghe theo :-)))

      Xóa
  8. Quả là mê cung bác Phạm ui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở Saigon đi vào mê cung có khi gặp cung... mê, hì hì!
      Giáo về xứ biển khỏe chứ, Saigon mùa này không thua Phan Rang (nói theo miền Nam vừa... phang vừa... rang) :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))