Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Nói chuyện ma.


Cây đa đầu làng. Ảnh Internet.

Có người hỏi ma le là con ma gì? Câu hỏi bất ngờ thật không dễ trả lời. Tôi chỉ có thể nói theo "kinh nghiệm dân gian" từ thuở nhỏ, tức là tận cái thời còn đi học tiểu học, bạn bè thời còn bé tí ấy đôi khi nói với nhau "Thằng đó nó ma le lắm, mày đừng chơi với nó", ma le ở đây có nghĩa là láu cá, láu lỉnh, khôn ranh, khôn lỏi..., đại khái là như thế, nó không liên quan gì đến ma quỷ cả. Người hỏi nói thêm, tại đọc sách thấy nói ma le là con ma hay... le lưỡi nhát người ta. Hì hì, cái này để tôi thử xem lại.

Nói đến ma ta thường hay nghe nói, ma cô, ma cỏ, ma bùn, ma lem, ma da, ma trơi, ma cây gạo, ma gò mả, ma cà rồng, ma lai, ma xó, ma le, ma lanh, ma cà bông, ma cà chớp, ma cà chớn... Ở đây xin trừ những trường hợp như... ma pham, ma đam, ma sơ (ma femme, ma dame, ma soeur). 

Thực ra trong những thứ ma tôi vừa kể trên, có những trường hợp nói về con ma, chẳng hạn ma da là loại ma ở dưới sông nước, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích do người bị chết đuối hóa ra, lại tiếp tục đi kéo giò người khác xuống sông thế chỗ cho nó lên đất, hay ma trơi thực chất là chất lân tinh (phospho) ban đêm gặp không khí phát cháy lập lòe ở những nơi vắng vẻ, khiến người gặp sợ hãi. Còn con ma xó, ma lai rút ruột, ma cà rồng ta hay nghe kể trong những chuyện đường rừng, nơi những vùng cao nguyên hoang vắng ngày xưa. Hồi đó tôi ở trên cao nguyên trong những ngôi làng Thượng giữa rừng, ban đêm giơ bàn tay lên sát mặt mà chẳng thấy ngón tay, vậy mà cũng chẳng thấy con ma lai, ma xó nào hết. Hoặc giả nghe nói đến con ma cây gạo ban đêm mặc áo dài trắng xõa tóc đánh đu toòng teng nơi cây gạo đầu làng nhát người qua lại. Còn con ma gò mả ác chiến hơn hẳn, đêm đến hay dụ người ta nói dắt đi ăn cỗ, nhưng lại kéo người ta ra gò mả xơi toàn... đất sét... v.v... Không biết có ai gặp chưa chứ hồi nhỏ mà nghe kể chuyện ma là đã rợn tóc gáy, đêm không dám... đi tè. mà khổ, sợ thì sợ nhưng lại thích ngfhe mới chết.

Còn ma cô, ma cà bông, ma cà chớp... là để chỉ bọn du đãng, du thử du thực mà ngày trước gọi là bọn đá cá lăn dưa, ma bùn, ma lem để chỉ những người trông nhếc nhác, bẩn thỉu...

Trở lại chuyện ma le, trong hầu hết từ điển tiếng Việt xưa nay tôi chỉ tìm thấy từ ma lanh chứ không thấy từ ma le, nhưng trong 2 quyển Từ điển về tiếng Huế có giải thích về ma le. Thứ nhất là quyền từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo (NXB Thuận Hóa-2005) không có từ ma lanh, chỉ có từ mà le và giải thích, ma le: dt loài ma tương truyền thường thè lưỡi ra thật dài để dọa người. Còn quyển Từ điển Tiếng Huế của BS. Bùi Minh Đức (NXB Văn Học-2009) có ghi cả 2 từ ma lanhma le. Ma lanh: lanh lợi, ranh mãnh, khun. Do chữ "malin" của Pháp mà ra. Ma le: 1/ Ma lè lưỡi, người Huế tin là những người chết do bị thắt cổ như tự tử hay bóp cổ thường bị lưỡi thè ra ngoài, do đó ma le là ma thắt cổ. 2/ ranh mãnh. Do chữ "malin" của Pháp mà ra.

Thuở nhỏ tôi còn nhớ, khi chơi với bọn trẻ người miền Nam, thì mới nghe nói ma le để chỉ đứa láu cá, lém lỉnh, còn tụi nhóc tì gốc gác miền Bắc như tôi, khi nói đứa láu lỉnh thì lại gọi là ma lanh chứ không phải là ma le. Khi lớn lên học sinh ngữ thì tôi mới biết malin (adj-tính từ) trong tiếng Pháp có nghĩa là ranh mãnh, tinh nghịch, hiểm ác... Thực ra tiếng Pháp đọc âm giữa malanhmale chứ không hẳn là malanh hay male như bọn nhóc tì nói với nhau.

Một minh chứng rõ nhất cho việc đọc như thế giữa hai miền là từ main trong bóng đá. Thuở nhỏ nhà ở gần sân vận động Cộng Hòa tại Saigon (bây giờ là sân Thống Nhất), tôi hay được ông cụ thân sinh dắt đi xem bóng đá, những người lớn đi xem bấy giờ khi bàn luận, theo dõi trận đấu, bóng chạm tay cầu thủ họ thường nói "manh" (main có nghĩa là tay trong tiếng Pháp), nhưng đấy là mấy ông bạn cũng người Bắc của ông cụ thân sinh tôi đi cùng, còn những khán giả khác đa số bóng chạm tay cầm thủ thì họ la "me, me". Một từ khác nữa là từ Yersin (BS người Pháp), người miền Bắc phát âm là Dẹc Xanh, trong khi người miền Nam phát âm Dẹc Xe, người miền Nam thường không đọc tròn âm "in" nơi tiếng Pháp mà thường nói là "e", trong khi âm miền Bắc lại nói hơi quá đà là "anh".

Như vậy theo sách vở ta có thể thấy, đối với người miền Bắc và miền Nam (Nam bộ) ma le hay ma lanh chỉ là một, để chỉ đứa láu lỉnh do tiếng Pháp "malin" mà ra, còn đối với người Huế thì ma lanhma le là có sự phân biệt, từ ma le ngoài nghĩa là ranh mãnh (cũng từ tiếng Pháp "malin") còn có nghĩa là ma... lè lưỡi. Nhưng nói chung từ ma lanh, ma le lâu rồi tôi không còn nghe trẻ con nói với nhau như thế nữa...



26 nhận xét :

  1. Hihi ...hay quá ! Em vốn có cái tật sợ ma vậy chứ hễ nghe đến từ đó là em lại ngóng cổ ra mà nghe hè ! Đọc một hồi mới biết là anh Hiệp giải thích từ malin ...làm em tức cười nhất là với người Huế cái từ này được dịch ra là ma ...lè lưỡi ...vui quá đi thôi ! Thiệt rõ cũng là một từ mà lại mang nghĩa khác nhau giữa các miền , đó là chưa nói đến cách phát âm nữa ! Đúng là tiếng Việt của mình quả rất là phức tạp !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng may nhờ có 2 quyển từ điển tiếng Huế nên mới biết là tiếng Huế giải thích ma le là con mà... le lưỡi, như vậy ma bùn có khi là con ma ở dưới... bùn, ma cô là ma.. con gái chưa chồng. Hihi!
      Cách phát âm giữa những vùng miền còn phức tạp hơn nữa.

      Xóa
  2. Cám ơn bác Hiệp!
    Tôi chịu đọc, nhưng hầu như chưa gặp từ MA LE.
    MA LANH thì có gặp, nhưng hóa ra là từ tiếng Pháp.
    Chuyện Ma thì tôi đã gặp ma trơi. Nhưng vì đi 2 người nên không sợ hãi. Ánh sáng của "ma trơi" soi rực cả bờ tre...Duy nhất một lần trong đời gặp MA, khi đi đêm qua nghĩa địa làng.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong những quyển từ điển tiếng Việt bây giờ chỉ có từ ma lanh để chỉ kẻ ranh mãnh, không thấy từ ma le (ma lanh là phát âm theo miền Bắc).
      Bác nói duy nhất một lần đi qua nghĩa địa làng gặp ma là gặp ma trơi bác vừa nói hay gặp ma thứ thiệt, nếu gặp ma thiệt hôm nào bác nhớ lại viết coi rùng rợn ra sao :-)

      Xóa
    2. Đầu tuần vui quá . Tưởng bác Hiệp đưa chuyện Ma ly kỳ rùng rợn ra doạ cả nhà , nhất là doạ mấy Bà trong nhà này , ai dè không phải Ma thật mà là Ma sống . Bây giờ người ta cũng hay chửi " Đồ cô hồn trắc đảng " nhưng cũng không phải là Ma , loại Ma sống này bây giờ người ta còn sợ hơn cả Ma thật , chuyên phá làng phá xóm
      Cũng nghe nhiều từ định nghĩa về Ma nay từ " Ma le " mới nghe lần đầu , được Bác dẫn chứng rất thuyết phục . Cũng có thể do cách gọi của từng vùng , miền . Miền Bắc gọi " Ma lanh " cùng đồng nghia với người Nam gọi " Ma le " . Còn người Huế gọi " Ma le " là con Ma thắt cổ lè lưỡi lại hoàn toàn khác , thấy cũng hay hay
      Good night

      Xóa
    3. Chuyện ma cỏ này là tụi con nít "phái" lắm đó bạn Salam.

      Xóa
    4. Tui thì già rùi nhưng vẫn phái chiện ma cỏ nè bác Phạm! hehe...

      Xóa
    5. Vậy thì chẻ cứ già gì Giáo?

      Xóa
  3. Nói chuyện ma thì nói cả ngày cũng chẳng hết chuyện. Ngày trc tụi con còn nhỏ sợ mà nhưng lại thích nghe ngừoi lớn kể chuyện ma. Đúng là có những thằng nhát gan nghe xong ko dám đi tè. Ma thì con lại ko sợ, con chỉ mong được gặp ma một lần coi thế nào mà ko được. Chỉ gặp ma men nhiều. Hì hì.
    Chuyện ma thì con có 1 kỷ niệm cũng đáng nhớ. Chẳng là hồi còn nhỏ nghe các bà trong xóm kể chuyện ma. Rồi thì các bà hù ở miếu ngoài xóm ngoài có con "ma nồi cang", nó xoay tròn lông lốc. Ai đi qua là nó bay lên đập vào đầu. Nồi cang. Ở đây là một cái chum, vại, hay chậu dùng để hứng nước tiểu. Ở quê thưở truớc vệ sinh là vậy đó bác. Con thì tò mò. Tối ra để rình coi con ma nồi cang ra sao? Con leo lên cây hoa đại (hoa chăm pa). Chưa kịp nhìn thấy ma thì con đã đụng đầu vào tổ ong vàng. Thế là ong "tiêu" cho con vào mặt, tay, chân không biết nhiêu mà đếm. Rớt bịch từ trên cây xuống, may mắn là không gãy cái xương nào. Chỉ trẹo chân. Kêu la, người ta ra coi. Chưa kịp nhìn thấy ma thì đã bị "ma ong" làm việc. Hic. Về nhà thì bị "ma cây" quất cho vào mông vài con chạch. Đến bây giờ kể lại con vẫn rùng mình. Từ nhỏ tới giờ bị ong đốt nhiều lần, nhưng lần đó là bị ong đốt dữ nhất. Giờ vẫn để lại một "giai thoại" trong xóm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là anh bạn trẻ HT sau khi bị con ma ong chính thị bị con ma cây chơi tiếp vào mông, hihi!

      Xóa
    2. Dạ. Đúng vậy bác. Cầu được ước thấy. Mong gặp ma là có ma liền.

      Xóa
  4. Ngoài " Ma men " mà bạn Trường nói còn một con Ma sống khác mà từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mău, từ miền núi xuống miền biển có chung một tên gọi không phân biệt vùng miền mà nhắc tới ai cũng sợ đó là " MA ĐỀ " . Không phân biệt sang hèn , nhà nào vô phúc bị nó nhập vào thì thôi rồi Lượm ơi 90% khăn gói ra gầm cầu ở

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con ma đề này mà nhập thì... tán gia bại sản.

      Xóa
  5. từ ma lanh ( phát âm theo miền Bắc ) và ma le ( phát âm theo miền Nam) có nguồn gốc từ '' malin '' tiếng Pháp , để chỉ người láu lỉnh thì đã biết , nhưng còn hiểu theo người Huế , M thử hỏi người Huế trong nhà , thì được trả lời làm gì có chuyện con ma lè lưỡi , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy ra 2 ông người Huế soạn từ điển về Huế là... dzỏm, hihi!
      Đấy, như tôi đã nói với NangTuyet, nếu hiểu ma le là con ma... le lưỡi, thì phải nói ma bùn là con ma dưới... bùn, và ma cô là ma... con gái chưa có chồng mà :-(

      Xóa
  6. Bu tui có ông bạn thân làm nghề viết văn tên là Hoàng Bình Trọng (bu có viết về anh này trong bài Khổ vì cười). Một buổi tối mặt mày Trọng hớt hải đến nhà bu nói: Ông ơi tôi đã từng gặp ma.
    Dạo này này nóng quá tôi hay ra bờ sông Nhật Lệ ngồi hóng gió. Cứ khoảng 12 giờ đêm thấy một thằng bé đi đi lại lại dưới mép nước như đang tìm cái gì. Đột nhiên cậu ta ngồi bên cạnh tôi, rồi lên tiếng: Này cậu, tôi khẩn thiết nhờ câu giúp tôi một việc. Tôi cáu, mày trẻ con mà vô lễ dám gọi tao bằng cậu à. À thì thưa ông, ông cố gắng xin cho tôi một quyển sách dạy tiếng Việt thời xa xưa hồi còn bình dân học vụ. Tôi chưa kịp nói gì nhưng quay lại nhìn thì cậu bé đã biến mất. Cả mấy tháng trời tôi kiếm được quyển sách cực hiếm đó ra bờ sông ngồi chờ thì không thấy cậu bé đâu. Tối nay tôi lại ra bờ sông thì thấy dưới gốc liễu loáng thoáng vài bóng người sì sụp quỳ lạy trước một bàn thờ mâm cỗ hương đèn nghi ngút. Tôi lân la hỏi chuyện một người bằng tuổi tôi thì anh ta bảo: Tôi có ông anh hơn tôi hai tuổi chết đuối ở nơi này cách nay trên 40 năm. Cứ đến ngày giỗ anh gia đình tôi phải làm tại đây, vì linh hồn anh ấy rất thiêng nhưng không về nhà được. Tôi kể lại câu chuyện gặp cậu bé nhờ xin sách và đưa quyển sách cho anh ta xem, Anh ta hoảng hồn bảo, đúng rồi, dạo ấy anh tôi đi học về, bỏ sách vở trên bờ nhảy xuống sống tắm…Thế là tôi và anh ta xé sách ra từng tờ đốt cháy thả xuống sông Nhật Lệ.

    Bu tui bảo Trọng, thiên hạ nói rồi, nhà văn nói láo nhà báo nói không, ông bịa tài lắm. Trọng văng tục, kéo bu ra bờ sông xem tàn tích vụ đốt sách và nơi đặt bàn thờ còn vương vãi lại vài thứ. Đến lượt bu tui dựng đứng tóc gáy. Sau này Trọng Viết truyện ngắn “ Người bạn đồng tuế” đăng ở tạp chí sông Lam và tạp chí Nhật Lệ và vài tạp chí nữa. Trọng còn sống ở Quảng Bình, mới gọi vào khoe bu “Tao đang viết Trường ca Nguyễn Huệ…mà mi đã đọc hết Trường ca Võ Nguyên Giáp tao gửi tặng chưa”

    Trả lờiXóa
  7. Hồi ấy miền Bắc còn chiến tranh. Tàu xe đi lại cực khó khăn. Tôi từ Thái Nguyên về thị xã Ninh Bình. Gặp một anh bạn cùng học cũng về quê. Thế là hai người quyết cuốc bộ 30 cây số từ Thị xã về làng. Đêm gần Tết mưa bụi lắc rắc. Khi đi qua cánh đồng lúa và nghĩa địa làng thì...thấy MA. Cả hai đều nhìn thấy hình dáng Ma tựa như một chú bé, phát sáng. Chú đi như là bay là là trên mặt ruộng lúa xanh. Phải nói là về lí thuyết thì cũng biết Ma trơi chẳng qua là phốt pho cháy...Nhưng cả hai cũng thấy RỢN tóc gáy vì...giữa đồng không mông quạnh lại quá nửa đêm. Tôi cởi áo mưa đang khoác và nói với anh bạn: Nếu NÓ mà đi thẳng lại chỗ ta, tôi sẽ dùng áo mưa này chụp lên. Ông phải sẵn sàng hỗ trợ. Cốt nhất là cần tỉnh táo...Nhưng Con Ma không đi lại phía chúng tôi mà nó đi theo con đường về làng. Tôi và anh bạn đi theo. Đến gần sát làng, ánh sáng của nó chiếu rực cả bờ tre. Lúc này gần làng, nên cả hai...mạnh bạo hơn. Tôi với một hòn đất và quát: Con Ma kia, đợi các ông với! Đoạn ném thẳng về phia...cái hình sáng chỉ rõ chân mà không thấy mặt. Một lát thì ánh sáng tắt. Chúng tôi đi lên, không thấy dấu vết gì. Về nhà, tôi kể cho cả nhà chuyện Ma...dẫn đường. Mọi người bảo hai đứa thế là bạo đấy. Anh bạn ở làng bên, nhưng không dám về, phải ngủ lại nhà tôi. Cả làng đều biết chuyện chúng tôi gặp MA mà không sao cả...

    Trả lờiXóa
  8. Hôm ấy có bạn đường chớ một mình chắc bác Vũ Nho hãi hùng lắm nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu, bác Vũ Nho.

      Những chuyện nghe các bác kể về ma rợn tóc gáy nhỉ. Ngày xưa tôi ở trong quân đội đi nhiều nơi, đêm hôm khuya khoắt có mà chẳng thấy gì cả.

      Thời gian tới có việc bận có lẽ tôi sẽ ít lên blog.

      Xóa
  9. Ma chỉ nhát người yếu bóng vía thôi . Còn bác Hiệp gan cóc tía thì Ma nào dám đụng . Cũng kỳ thiệt Bác đưa Ma ra mà không ai sợ , nhưng bác Bu , bác Nho kể chuyện thì hơi ớn lạnh
    Tôi thì nghe chuyện ma nhiều nghưng chưa gặp , nhưng có chuyện này cũng chưa giải thích được vì sao ?
    Hồi ở quê nhà gần cánh đồng " không gần nghĩa trang " mẹ tôi hay mơ thấy một chú bộ đội cụt tay vào nhà xin đồ đạc tội lắm , còn chỉ chỗ nằm của ổng . Cả gia đình không ai tin cứ nghĩ Mẹ nhớ anh trai đang ở trong Nam nên nghĩ lung tung , không ai để ý
    Miếng đất ấy người chủ đầu tiên ở , cũng tan đàn xẻ nghé . Đời chủ thứ hai cũng chẳng khấm khá gì ,cũng banh ta lông hết . Vợ chòng bỏ nhau con cái lâm vào vòng lao lý . Đến đời chủ thứ ba , họ biết hay sao ấy , nên mời thầy về trấn yềm , gọi hồn áp vong ba ngày , cả khu kéo đến xem ,đêm dến họ đào được một hài cốt bộ đội đúng nơi Mẹ tôi chỉ khi xưa " Mẹ tôi đã mất " lúc bấy giờ hàng xóm mới nói với nhau " Bà Trung nói đúng " còn chi tiết cụt tay như lời Mẹ nói khi xưa chưa được kiểm chứng , vì đông người quá , mà người ta không cho vào . Họ bốc xong đưa ra nghĩa trang liệt sĩ . Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao Mẹ tôi lại biết được những chuyện như vậy ?
    Đó là câu chuyện có thật , mà tôi đã chứng kiến. Good night

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu chuyện bạn Salam kể cũng rất ly kỳ, hình như trong cuộc sống có những điều không thể giải thích được bạn Salam nhỉ?
      Chúc bạn ngủ ngon.

      Xóa
  10. còn hiện tượng bị đè trong giấc ngủ thì sao bác Hiệp ơi???
    cảm giác không thể la lên, nhúc nhích cho đến một lúc la hoảng lên thì mới dứt cảm giác bị đè...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm giác đó đôi khi tôi cũng bị, thường là gặp trong giấc mơ, nhưng đôi khi nửa mơ nửa tỉnh, cũng không hiểu sao.

      Xóa
    2. cứ mơ mơ, tỉnh tỉnh... biết là mình bị đè mà chẳng làm gì được,
      hét lên vợ tát yêu cho một cái mới hoàn hồn rồi ngủ tiếp đc bác ạh :)

      Xóa
    3. Hì hì, cú tát yêu của vợ thì rõ phải không Bố susu?

      Xóa
    4. dzạ, nhớ chứ bác, sáng thấy mấy dấu tay còn nguyên :)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))