Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Tục xin xăm ngày Tết.

Hình ảnh ngày xưa các bà các cô xin xăm tại lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh Internet.

Năm nào ngày Tết tôi cũng ghé lăng Ông cùng bà xã. Có lẽ ở Saigon với những người cố cựu lớn tuổi, nói tới lăng Ông hoặc lăng Ông Bà Chiểu không ai lại không biết. Lăng Ông là nơi có phần mộ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, cùng phu nhân là bà Đỗ Thị Phận, lăng có tên chính thức được ghi trên cổng ra vào bằng chữ Hán là    , đọc theo âm Hán-Việt là Thượng Công miếu, nhưng người dân Saigon xưa nay vẫn quen gọi là lăng Ông, hoặc lăng Ông Bà Chiểu, bởi lăng Ông ở vùng Bà Chiểu, và lăng Ông cũng nằm bên cạnh chợ Bà Chiểu.

Tả quân Lê Văn Duyệt quê tại Cái Bè - Tiền Giang, theo phò Nguyễn Ánh từ những ngày chống quân Tây Sơn, được phong nhiều chức tước. Ông đã từng hai lần giữ chức Tống trấn Gia Định (1813-1816 và 1820-1832), và là vị Tổng trấn cuối cùng của thành Gia Định. Ngày xưa, mỗi dịp xuân về lăng Ông là nơi rất nhiều người dân Saigon đến lễ bái, không chỉ có người Việt, mà còn có nhiều người người Hoa, bởi lúc sanh tiền Tả quân đã tạo nhiều điều kiện cho Hoa kiều nhập cư làm ăn buôn bán. Khi ông làm Tổng trấn Gia Định đất Gia Định thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn, kinh tế phát triển. Người dân Saigon xưa coi Ông như vị thần bảo hộ.

Các bà xưa đi lễ lăng Ông ngày Tết. Ảnh Internet.

Khi xưa ngày xuân đến lễ tại lăng Ông, có lẽ các bà các cô không thể bỏ qua tục xin xăm. Xăm, theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải nghĩa: Que thẻ xin thần thánh ứng cho để biết việc tương lai. Xăm ở lăng Ông gồm 100 thẻ tre bỏ vào một ống, trông tựa như những chiếc đũa trong ống đũa, mỗi thẻ đánh môt con số. Trước khi xin xăm người xin quỳ lạy, khấn vái Ông, sau đó cầm nghiêng nghiêng xóc chiếc ống đựng thẻ, cho tới khi rơi ra một thẻ. Thẻ này có ghi số, người xin nhìn và nhớ số rồi ra nói số, người ỏ lăng sẽ phát cho một lá xăm ứng với con số mình được. Lá xăm có 2 măt, một mặt ghi theo âm Hán Việt, một mặt ghi chữ Việt, trong lá xăm có ghi những điều tốt, xấu của mình trong năm về đủ mọi mặt. Nghe nói trong 100 lá xăm (ứng với 100 thẻ trong ống), có 1/3 là lá xăm tốt, 1/3 là lá xăm trung bình có tốt có xấu, còn 1/3 là lá thăm xấu. Người gặp được lá xăm tốt dĩ nhiên rất vui mừng, gặp lá xăm trung bình cũng tạm được, còn nếu gặp lá xăm xấu chắc chắn sẽ không mấy vui, thường người ta mang lá xăm xấu đi hóa (đi đốt). 

Ống xăm và keo (keo trên hình là 2 miếng gỗ một mặt cong, một mặt phẳng úp vào nhau, tượng trưng cho âm, dương). Ảnh Internet.


Một lá xăm tốt.

Ngày xưa gần như chỉ có các bà, các cô dẫn theo con cháu đi lễ lăng Ông và xin xăm, quý ông có đến lăng cũng không tham gia. Ngày nay tục xin xăm vẫn còn thấy tại lăng Ông, nhưng quý ông tham gia xin xăm khá nhiều, cũng thành tâm quỳ lạy và xóc xin thẻ, không kém gì quý bà.

Quý ông xin xăm ngày Tết tại lăng Ông.

Cùng với tục xin xăm còn có tục xin keo, cũng còn gọi là xin âm dương. Ở tấm hình thứ 3 từ trên xuống (hình màu đỏ), bên tay trái là ống và thẻ xăm, bên tay phải là 2 miếng gỗ xin keo (2 miếng gỗ được chập mặt phẳng tượng trưng cho âm vào nhau, mặt cong tượng trưng cho dương ra ngoài), cũng có nơi để 2 đồng tiền xu với 2 mặt khác nhau vào trong một chiếc đĩa. Xin xăm là xin lá xăm có ghi vận mệnh may, rủi của mình trong năm, còn xin keo là khi người ta muốn cầu một việc gì quan trọng, chẳng hạn việc thi cử, lấy chồng lấy vợ, làm ăn buôn bán... cũng quỳ thành tâm khấn vái, và cầm 2 miếng gỗ âm dương lên thả rơi xuống chiếu (nếu là 2 đồng xu thì cầm lên và bỏ rơi vào chiếc đĩa). Nếu 2 miếng gỗ rơi xuống có một miếng xấp một miếng ngửa (2 mặt khác nhau, một âm một dương), hoặc 2 đồng xu ra 2 mặt khác nhau thì coi như mọi việc hanh thông, việc cầu xin của mình sẽ có kết quả tốt. Trường hợp cùng ra một mặt (2 miếng gỗ cùng một mặt cong hoặc phẳng) là thánh chưa đồng ý, người xin có thể cầu khấn và gieo lại, thường trong 3 lần gieo mà không được một mặt âm một mặt dương thì thôi, vì thánh không cho kết quả.

Đây là một tục lệ xưa lâu đời, phát xuất từ Đạo giáo, cũng là một nét văn hóa dân gian, nhưng có lẽ cũng không nên quá tin tưởng vào cái tục mang nhiều nét may rủi này.






10 nhận xét :

  1. Đấy, cả năm, hay hai ba năm, bác cứ viết thế này, là ra được một tập đó bác Hiệp.

    Em mong bác bắt đầu chú tâm và sử dụng bút lực nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, tôi sẽ chú ý đến điều bác Giao góp ý :-)

      Xóa
  2. Cảm ơn anh Hiệp về bài viết này vì đã gợi lại cho em nhớ thời gian khi còn ở Việt Nam . Tết đến em cũng hay đi Lăng Ông bên Nhà Bè để xin xăm lắm . Thật ra có niềm tin vào những quả xăm hay keo chắc là do cái tâm của mỗi người anh Hiệp nhỉ ? Riêng em thì em tin lắm vì khi nhận lá xăm thì quả đúng y như tâm trạng của em lúc bấy giờ và có khi Ông cũng cho lời khuyên nên hoặc không nên nếu em có ý định đó ...có lẽ chỉ có những người mang tâm trạng vui hay buồn mà nhận được quẻ xăm đúng như thế thì ắt hẳn họ mới có niềm tin thật sự hay không ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa, bên Nhà Bè cũng có Lăng Ông sao NangTuyet? Tôi hay nghe nói tới chùa Bà, hay điện Bà chứ chưa nghe Lăng Ông, nếu có thì lăng thờ Ông nào vậy NangTuyet?

      Đúng đó NangTuyet, có lẽ tin hay không là tùy ở tâm trạng mỗi người, càng có nhiều tâm trạng, người ta càng dễ gời gắm niềm tin vào tâm linh, nhưng rõ ràng số người tin tưởng bây giờ nhiều hơn xưa. Ngày xưa đến đền, chùa ngay cả ngày tết đa phần cũng là quý bà, thường là các cụ, các bà, các cô dắt theo con cháu đi lễ, xin xăm, xin keo cũng là để dành cho quý bà. Ngày nay rất nhiều quý ông áo trắng cổ cồn, cũng xì xụp thắp hương, thành tâm lễ bái. xin xăm. Tưởng là ngày xưa tâm linh, bây giờ hiện đại cuộc sống gắn liền với Smartphone, internet còn tâm linh hơn :-)))

      Xóa
    2. Dạ , Đền thờ Ông Quan Thánh Đế Quân đó anh Hiệp ạ . Đền này ít người biết đến lắm mà đường đến đó cũng gập ghềnh . Nếu bây giờ muốn đi đến đó nữa chắc em chịu thua vì không nhớ gì hết ! Đường xá ở TP em còn nhớ mù mờ , huống hồ gì ở nơi xa tít thế thì em thật sự quên mất . Nếu còn nhớ chắc em cũng đến đó nữa vì ngày xưa em hay cầu xin ở đó lắm cơ ....

      Xóa
    3. A, vậy gọi là chùa Ông, hoặc điện thờ Ông, Quan Thánh Đế Quân là Quan Công (Quan Vân Trường), còn Lăng là nơi chôn cất.
      Đúng rồi, bên Nhà Bè tôi nghe nói có chùa Bà, chùa Ông nhiều người đến lễ bái.

      Xóa
  3. Bu tui cũng có lần xin xăm, xin cho vui chớ không thể tin ba điều vu vơ như vậy. Hỏi người chủ xăm Xăm là gì thì được trả lời xăm là xăm có vậy thôi hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi lần đến lăng Ông dịp tết thì bà xã tôi xin xăm, tôi có thời giờ để quan sát và chụp hình. Năm ngoái bà ấy xin được cái xăm xấu, năm nay may hơn được cái xăm tốt.
      Ồ, ở nhiều đình, đền người coi ở đấy không rành tí nào về những gì mình đang trông coi. Năm ngoái tết tôi sang quận 2, đi ngang qua một ngôi đình ghé vào xem, hỏi ông trông coi ở đình Bổn Cảnh Thành Hoàng ở đình này có sắc phong tên tuổi cụ thể không? Ông ấy nói Bổn Cảnh Thành Hoàng là... Bổn Cảnh Thành Hoàng chứ tên tuổi gì nữa, đúng là bó tay.

      Xóa
  4. Tấm hình thứ hai hay quá, các bà vấn tóc kiểu miền Bắc, chắc dân di cư 1954 phải không anh Hiệp. Có điều hình như ngoài Bắc các bà ít mặc áo dài trắng như vậy. Do vào Nam nóng nực và phù hợp với thời trang trong đó chăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là mấy cụ Bắc kỳ, vấn khăn và hay mặc áo dài trắng đi đền, chùa, nhà thờ... Chắc tại miền Bắc một thời gian dài cái áo dài trở thành biểu tượng của... tiểu tư sản. Chứ thời tôi còn nhỏ, các cụ đi lễ nhà thờ hay đền chùa rất hay mặc áo dài trắng. Cũng có thể là do thời tiết trong Nam nóng nực, người ta hay chọn màu sáng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))