Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Quên và Nhớ.



Hình chúc sinh nhật của Google.

Tin nhắn chúc sinh nhật của nhà đài Viettel.

Mấy hôm trước là ngày sinh của tôi trên giấy tờ, nôm na dân gian gọi là sinh nhật. Sở dĩ tôi nói "trên giấy tờ" bởi vì ngày sinh này chỉ là "áng chừng". Khi xưa các cụ di cư từ miền Bắc vào miền Nam (định cư luôn tại Saigon), lúc xin cho tôi đi học tiểu học mới hay thiếu tờ giấy khai sinh, cái thiếu giấy khai sinh này cũng rất thường vào thời buổi đó. Khi tôi sinh ra ở miền Băc lúc ấy đang thời buổi loạn lạc, nghe các cụ nói cũng có làm giấy khai sinh đàng hoàng thời đó giấy tờ ghi toàn tiếng Tây. Nhưng gặp lúc chiến tranh, gia đình chạy từ Nam Định về Hà Nội, rồi lên máy bay Tây vào Saigon các cụ nói bao nhiêu giấy tờ tiền bạc thất lạc hết. Bởi vậy khi đến tuổi đi học thì tôi chẳng có một tờ giấy lận lưng, phải đi làm giấy thế vì khai sinh.

Tôi còn nhớ khi đi làm giấy thế vì khai sinh phải ra tòa án, hồi đó gọi là tòa Hòa giải Saigon, khi đi làm giấy tôi được ông bà cụ dẫn đến tòa cùng với hai người chứng. Nghe các cụ nói thì tôi sinh vào tháng Chạp cuối năm Ta, "phiên" sang năm Tây là đầu năm nhưng các cụ cũng không nhớ rõ là ngày nào, đành là phải chọn đại một ngày đầu năm. Cái vụ chọn đại ngày này đôi khi cũng khá khôi hài, hồi tôi còn đi làm trong cơ quan có một chị, trong giấy thế vì khai sinh của chị ghi sinh ngày... 30 tháng 2... Một cái ngày thực tế không bao giờ có, bởi tháng 2 chỉ có 28 ngày, năm nào nhuần mới có ngày thứ 29. Nhân đây tôi post lên tấm hình tòa Hòa giải năm xưa ở Saigon, được in trên tấm bưu thiếp (carte postale), tòa Hòa Giải nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận Nhất, là một tòa nhà 2 tầng xây theo kiểu Pháp, nay không còn nữa mà thay bằng một tòa cao ốc hiện đại.

Tòa Hòa giải xưa ở Saigon trên bưu thiếp. Ảnh Internet.


Tòa nhà Sunwah Tower hiện nay được xây dựng trên đất của tòa Hòa giải năm xưa. Ảnh Internet.

Trở lại chuyện sinh nhật bên trên, thật sự hôm trước tôi cũng không nhớ hôm đó là ngày sinh của mình, một tuần lễ trước tôi có nhận được một món quà dễ thương của bạn tặng sớm, rồi cũng quên khuấy đi mất là sắp đến ngày sinh. Có lẽ cũng như đại đa số những gia đình "tầm tầm" năm xưa, cha mẹ ít khi nhớ và tổ chức sinh nhật cho bản thân mình hay cho con cái (nhưng ngày giỗ, kỵ thì các cụ không bao giờ quên). Ngày trước một gia đình có năm, bảy đứa, có khi cả chín mười đứa con là lẽ thường tình, lo ăn lo mặc cho con cái cũng đủ hết hơi nói chi nhớ sinh nhật của tụi nhóc, đó cũng là thói quen của một thời... Và cho đến bây giờ lớp trẻ năm xưa như tôi già đầu rồi cũng thế, ngày sinh của người thân thì nhớ, chứ ngày sinh của mình chẳng nhớ làm gì cho mệt...

Sáng hôm đó khi mở máy tính thì thấy trên Google có hình bánh kem (nhấp chuột vào đọc được câu chúc sinh nhật của nhà mạng Google). Thoạt đầu tôi cũng không để ý, nhưng đến khi mở tin nhắn trên điện thoại thì thấy nhà đài Viettel mình thuê bao cũng nhắn tin chúc mừng sinh nhật, mới sực nhớ là ngày sinh của mình, thế là copy lại hình chúc mừng sinh nhật của Google và lưu lại tin nhắn của nhà đài Viettel. Hì hì! Máy móc nó giỏi thế!

Ấy, nói về cái sự nhớ và quên thì khôn cùng, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi sinh thời viết nhạc có câu "Từ trăng thôi là nguyệt/ một hôm bỗng nghe ra/ Buồn vui kia là một/ như quên trong nỗi nhớ..." (Nguyệt ca). Cũng nhạc sỹ TCS nói về cái nhớ trong một bài hát khác "không gì vui thì hãy gắng nhớ đôi lần" (Quỳnh hương). Trong một bài hát của nhạc sỹ Phạm Duy có câu "sao quên được đôi mắt/ như ngôi sao trên trời/ Làm sao mà quên được/ đời qua vút như tên/ dăm ba hạnh phúc ngắn/ sao quên được mà quên" (Làm sao mà quên được). Còn nhà thơ Vũ Hữu Định viết một bài thơ về phố núi Pleiku năm xưa, mà nhạc sỹ Phạm Duy đã phổ nhạc, bài hát được yêu thích thời đó. Bài hát nói về phố núi Pleiku, về những buổi chiều lãng đãng mùa đông "ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông", về một cô gái phố núi "má đỏ môi hồng" (con gái phố núi không hề phấn son vẫn cứ má đỏ môi hồng). Rồi từ hình ảnh cô gái "má đỏ môi hồng""ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông..." mà thi sỹ đã lấy đó làm "còn một chút gì để nhớ để quên...".

Hồi đó có lần uống cà phê trên phố núi, nói chuyện với một anh bạn làm chủ một tiệm sách ở Tuy Hòa lên Pleiku trong một chuyến công tác (Tuy Hòa lúc ấy là thị xã của tỉnh Phú Yên, tôi quen với anh chủ tiệm sách khi ở Tuy Hòa, thường đến coi và mua sách rồi quen), nghe bản nhạc này trong quán anh bạn nói: "một chút để quên" còn đáng sợ hơn "một chút để nhớ"...

Con người ta đó, ở đâu và tuổi nào cũng vậy, vẫn luôn luôn có một chút gì... để nhớ, để quên...


Saigon, tháng đầu năm 2015.





2 nhận xét :

  1. Vài năm trước , vào ngày sinh nhật M vào Google cũng thấy dòng chữ Google là bánh và nến chúc mừng sinh nhật . Năm nay sinh nhật của mình thì nhớ nhưng lại quên mở Google vào những ngày nớ , nên mất dịp thấy lời chúc . Đúng là đến tuổi nhớ nhớ , quên quên ... hihi ...
    Chúc bác H tháng sinh nhật đầu năm thật hạnh phúc nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Tuổi nhớ nhớ, quên quên...", tuổi này các cụ ngày xưa gọi là "hồn người tính ma", hì hì!
      cám ơn lời chúc "tháng sinh nhật" của bạn Marg. Đúng đó, không biết ngày chính xác thì tính nguyên... cả tháng vậy :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))