Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Ký ức.



Giọt Mưa Trên Lá (the Rain on the Leaves) with Dalena (copy từ Youtube).


Bìa tập nhạc Dân Ca của Phạm Duy trong đó có bản nhạc Giọt mưa trên lá in bằng hai thứ tiếng Việt - Anh (tập nhạc được phát hành trước năm 1975 tại Saigon).


Nghe lại bài hát Giọt mưa trên lá của nhạc sỹ Phạm Duy được cô ca sỹ Dalena hát bằng song ngữ Việt - Anh làm tôi nhớ đến một chuyến gặp gỡ của một nhóm Sinh viên - Học sinh năm xưa ở Saigon, vào khoảng nửa cuối thập niên 1960, nơi một cô nhi viện với những thanh niên tình nguyện người Mỹ của một tổ chức phi chính phủ. Trong buổi gặp gỡ ấy những thanh niên đồng trang lứa đã ngồi hát chung với nhau bài Giọt mưa trên lá của Phạm Duy, bài hát mới được phát hành trong một tập nhạc của ông. Thanh niên Việt Nam hát bằng tiếng Việt, còn thanh niên Mỹ hát bằng tiếng nước họ.

Lúc ấy chiến tranh đang đến hồi khốc liệt với rất nhiều lính Mỹ tham chiến. Ở một thành phố như Saigon lúc bấy giờ tuy được mang danh "Hòn ngọc Viễn Đông" nhưng đa số nhà cửa còn lụp xụp, thường chỉ nghe được những tiếng mưa rơi trên mái tôn, nhất là những cơn mưa về đêm khi không gian đã im ắng... Một thời gian ngắn sau tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh đó, cùng với nhiều bạn bè. Hôm buổi sáng đầu tiên tôi từ Saigon đi Pleiku đến đơn vị mới trên một chuyến bay quân sự, tôi còn nhớ, mưa tối sầm trời đất.

Rồi tôi cũng đã nghe được những giọt mưa rơi trên lá, thực sự rơi trên lá, trong những khu rừng ẩm ướt và lạnh lẽo tại vùng rừng núi cao nguyên Trung phần, nơi những ngôi làng Thượng heo hút ở Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Buôn Mê Thuột... Hay những giọt mưa không phải rơi trên lá, mà quất xối xả vào cửa kính của chiếc trực thăng chuyển quân, vào một buổi chiều muộn, nơi một phi trường hẻo lánh ở Quảng Đức...

"Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá/ Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về/ Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười/ Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già/ Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì bóng dáng Phật về xoa vết vết thương trần thế/ Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi lúc Chúa vào đời xin đóng đinh vì người..."

Có những ký ức, đã theo ta đi suốt cả cuộc đời...


Saigon cuối mùa mưa 2014.




18 nhận xét :

  1. giọi mưa trên lá nghe sao chua chát quá....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ không hẳn là chua chát đâu Bố susu, âm nhạc của PD có ca từ sâu sắc. Hôm qua tôi ngồi với bạn nơi một quán cafe nghe quán mở loại nhạc mới bây giờ, giai điệu bài hát lê thê, ê a, triết lý vụn vặt... mà sao ngồi nghe hết cả một CD mà chẳng nhớ được câu nào!

      Xóa
    2. nhạc bây giờ chẳng nghe đc đâu bác Hiệp ơi, coi chừng tẩu hỏa nhập ma luôn đó bác :)

      Xóa
    3. Đúng rồi Bố susu, nó cũng tựa như những lời thoại trong phim VN bây giờ, mà lớp trẻ lại nhiều người thích nghe, hichic!

      Xóa
  2. Có giọt mưa... trên đá ko bác Phạm?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ có đó cô Giáo, nhạc của nhạc sỹ TCS: "Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa..." Hì hì!

      Xóa
  3. 1- Dân gian nói trời mưa đất chịu, có nhà thơ nói nắng mưa là bệnh của trời. Vậy mưa là việc thường hằng của tạo hóa như việc hít thở không khí của con người. Những năm chiến tranh bu tui gặp không biết bao trận mưa rừng. Giọt mưa rơi trên lá sao mà buồn, nó gợi nhớ, gợi thương một cái gì không rõ nhưng não nùng da diết. Với nhạc sỹ kì tài Phạm Duy, giọt mưa rơi trên lá không làm ông buồn chung chung mà liên tưởng đến “nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá… nước mắt mặn mà thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…” cùng rất nhiều nỗi ưu tư dằn vặt khác của con người Việt Nam trong nội chiến tương tàn. Không có tình yêu thương quê hương xứ sở, không có sự đồng cảm máu thịt với từng thân phận con người Việt cả bắc lẫn nam, chắc Phạm Duy không có được những ca từ làm rung động lòng người đến như vậy.
    2- Xem mãi, nghe mãi cô ca sỹ Tây bu mới “đặt bút” viết mấy dòng này. Anh phu lục lộ là bu liên tưởng vu vơ về một ca sỹ Tây mặt mũi na ná Việt, hát tiếng Việt sao mà ngọt ngào, cứ như đang nghe từng giọt mưa rơi trên lá, trên cả lòng mình… Hình như nàng cảm thụ Phạm Duy sâu sắc thâm trầm còn hơn cả bui tui nữa. Tuyệt!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Rất đồng ý với bác Bu, ở rừng mà gặp mưa là... não nề luôn, nó lạnh lẽo, ẩm ướt, nhớ nhà... nghĩa là nhớ đủ mọi thứ. Nhưng nhạc sỹ PD biến những giọt mưa ấy thành những giọt nước mắt mẹ già trên xác con, thành nước mắt thiếu nữ mừng vì chồng trở về trong chiến tranh, hoặc những giọt mưa trên lá gợi nhớ đến cái từ bi bác ái của Phật và Chúa thì ông quả là một con người nhân văn, nhân bản...

      2- Cô ca sỹ Dalena này là người Mỹ, sinh trưởng trong một gia đình Mỹ nhưng lại hát tiếng Việt rất "ngọt". năm 2003 cô ca sỹ Mỹ này đã đến VN hát Mưa trên phố Huế, và cả Qua cầu gió bay. Nhìn cô ấy ôm đàn hát Giọt mưa trên lá thật tuyệt.

      Xóa
  4. Bài này là bài hát con rất thích bác à. Con nghe được từ khi con còn là học sinh cấp 3. Bây giờ trong điện thoại, máy tính và máy nghe nhạc con đều có bài này. Bài này tuy hình ảnh giọt mưa nhưng nó nhân văn thiệt. Có từ tín ngưỡng tâmblinh, tình yêu, tình mẫu tử, phu thê. Một trong những bài hát của PD mà con yêu thích nhất. Bài hát theo kiểu song ngữ con đã được nghe trong một đoạn video den trắng từ năm 1966 nhạc sỹ PD hát với 2 thanh niên người Mỹ.
    Ở VIỆT NAM thì có cs Đức Tuấn hát cũng hút hồn lắm. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là một bài hát hay của PD và của một thời, giai điệu lãng đãng như tiếng mưa rơi đều trên lá, ý nghĩa lời ca thật nhân văn.
      Đức Tuấn là ca sỹ trẻ nhưng có chất giọng phù hợp với âm nhạc của PD, trước đây thì có Tuấn Ngọc, Sỹ Phú, Vũ Khanh...

      Xóa
    2. Nói đến nhạc PD là đóng đinh cho tên tuổi Thái Thanh. Sau nữa có Thái Hiền, Thái Thảo, Duu Quang, Tuấn Ngọc. Và đều có "dây mơ rễ má" với ns PD. Hihi.
      Chính nhạc sỹ PD đã lên tiếng thừa nhận lớp trẻ bây giờ có Đức Tuấn là hát hay và hợp nhất các bài hát của ông.
      Kỳ này con đang "say" với các bài hát mà ns PD nói về cái chết như: Những gì đem theo được vào cõi chết, Đừng bỏ em một mình, nắng chiều rực rỡ, đường chiều lá rụng, mùa thu chết, nếu một mai e qua đờivà Tình Kỹ nữ. Hihi. Chắc bác có từng nghe qua chứ ạ.?

      Xóa
    3. Nhạc PD thì tôi nghe cách nay... nửa thế kỷ, lúc còn là một thiếu niên. Thái Thanh hát nhạc PD cũng như Khánh Ly hát nhạc TCS hoặc Lê Uyên hát nhạc của Phương (cặp Lê Uyên Phương) vậy. Tôi biết gần như tất cả những bài hát của PD, từ lúc ông còn ở chiến khu Việt Bắc, cho đến khi ông vào Nam và đi Mỹ năm 1975. Ông có một di sản khổng lồ gồm đủ mọi loại thể nhạc, nhưng như theo ông và những người am hiểu nhạc PD, thì PD viết tình ca là nhất.

      Thỉnh thoảng tôi mới nghe lại nhạc của ông, vì nó gợi lại cho tôi quá nhiều ký ức...

      Xóa
  5. Giọt mưa run trên lá
    Nghe như tiếng thở dài
    Cuộc đời lắm bi ai
    Ai thương đời nhân thế -
    .
    Thời nay không lấy đâu một nhạc phẩm đi vào lòng người như thế này anh ạ -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Trần Minh Lê đã vào chia sẻ. Bây giờ không làm sao có được một bài hát như thế nữa.

      Xóa
  6. Mua mưa tới SG khiến bác Phạm chùng lòng một chút !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ những thứ mà cụ Nô gọi là "ký ức nhỏ" này đôi khi nó "quấy" ta. :-)

      Xóa
  7. Những giọt mưa nặng trĩu trên vòm lá xanh , làn mưa nghiêng nghiêng trên mái tháp đỏ của ngôi chùa hay màn mưa trắng xóa trên sông đều gợi nên chút ngậm ngùi ký ức xưa ...
    Bài hát "Giọt mưa trên lá " của Phạm Duy được đưa vào chương trình dạy nhạc hồi trung học , lớp 7 hay 8 gì đó hồi trước 75 . Có lẻ nhờ vậy mà con người thời đó nó ... nhân văn hơn chăng ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Mưa mang sầu thiên thu đến cho ta...", một câu nhạc khác cũng của PD viết như thế. Mưa ở đâu cũng thế, trên lá, trên đá, trên hoa, trên sông, ngoài sân của một quán cà phê hay trực thăng chuyển quân... với tôi đều mang những kỷ niệm...

      Lớp 7 lớp 8 trước năm 1975 có những giờ học nhạc, học vẽ... không phải để dạy cho học sinh trở thành nhạc sỹ, hoạ sỹ, mà nhờ đó đất nước sẽ có những con người tương lai nhân văn. Thực tế đã đúng như thế đó bạn Marg...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))