Ảnh Internet.
Đọc trên báo Thanh Niên Online (16-8-2014) cái tựa "Hà Nội tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng" mà... giật mình. Bài báo viết, ngoài việc "Thường xuyên tổ chức kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, song năm nay Hà Nội sẽ tổ chức thêm sinh nhật lần thứ 2.000 của hai vị anh hùng dân tộc".*
Một chùm sự kiện nhân lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng sẽ được tổ chức từ 22 - 24. 8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (H. Mê Linh, Hà Nội) sắp tới đây kéo dài tới 3 ngày, chắc chắn sẽ rất hoành tráng với những phần lễ và hội. Phần "lễ" thì có lễ mít tinh kèm lễ dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng với lãnh đạo TP đọc diễn văn kỷ niệm. Còn phần "hội" thì có Hội thảo và phát huy truyền thống Hai Bà Trưng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các hội thi trình diễn nghề thủ công truyền thống, các hội trại, hội chợ... Nói chung phần lễ và hội đều nghe... quen quen.
Đúng là giật mình với dòng chữ "Hà Nội tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng", bởi tôi chưa từng bao giờ đọc được ở đâu viết về năm sinh của Hai Bà Trưng chứ đừng nói đến ngày sinh của Hai Bà. Trong sách vở xưa nay, cổ tích cũng như sách sử, như Lĩnh Nam Chích Quái (Vũ Quỳnh - Kiều Phú, xuất hiện từ đời nhà Trần), Việt Điện U Linh (Lý Tế Xuyên, viết vào đầu thế kỷ thứ XIV)... Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)... Quyển Các Triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng) cũng không thấy ghi năm sinh. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam (Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quỳnh chủ biên) cũng chỉ ghi nhận năm mất của Hai Bà (năm 43), năm sinh để ngỏ. Như vậy, những trang viết về Hai bà Trưng trong sử sách đều không hề nói đến năm sinh của Hai Bà (năm sinh chứ chưa nói đến ngày sinh). Trong nhiều sách sử còn ghi rõ câu "hiện chưa rõ Trưng Trắc sinh năm nào". Riêng về ngày mất thì trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, và Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng có chép Hai Bà tự trầm tại Hát Giang ngày mồng 6 tháng Hai năm Quý Mão (năm 43 Công nguyên). Trên trang mạng Wikipedia cũng chỉ thấy ghi ngày mất của Hai Bà là mùng 6 tháng Hai năm Quý Mão (43).
Trong quyển Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam, học giả Đào Duy Anh có dành một chương viết về Hai Bà Trưng. Học giả Đào Duy Anh căn cứ vào nhiều sách sử của Việt Nam và Trung Hoa để xem xét về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, cũng không hề thấy viết về năm sinh của Hai Bà Trưng.
Như vậy thì ngày, tháng, năm sinh (sinh nhật) của Hai Bà Trưng ở đâu mà có để Hà Nội tổ chức một chùm sự kiện nhân lễ kỷ niệm? GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng Không nên có một chùm sự kiện kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Ba Trưng như vậy. Chúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo tôi, như vậy là đủ. Vị GS. này cũng đặt câu hỏi về con số 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng mà TP. Hà Nội đã đưa ra.
Vị lãnh đạo của huyện Mê Linh cho biết ngày sinh của Hai Bà Trưng được ghi trong sử sách. Khi H. Mê Linh làm hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Đền thờ Hai Bà Trưng, những con số về ngày sinh, ngày mất cũng đã được ghi trong đó. Hồ sơ này sau đó được Hội đồng khoa học họp thẩm định, thống nhất rồi trình Thủ tướng Chính phủ ký. "Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 11. 8. 14, mất ngày 8. 3. 43". Vị lãnh đạo H. Mê Linh cũng cho biết Hội đồng khoa học chính là Hội đồng Di sản quốc gia.
Theo GS. Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia), đấy là một cách hiểu nhập nhèm về lịch sử. Theo sử sách thì Hai Bà Trưng có tên họ, nhưng khi đó thì người Việt không có họ. Những chuyện đó là do được Việt hóa. Lý lịch đó không phải là lịch sử mà là thần tích. GS. Ngô Đức Thịnh khẳng định, Hội đồng công nhận chỉ là công nhận giá trị của di tích cấp quốc gia, công nhận ý nghĩa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt do phụ nữ lãnh đạo, chứ không phải Hội đồng Di sản công nhận tất cả những truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện mơ hồ trong đó đều là sự thật.
Qua bài bài báo trên đây, với ý kiến của những người trong cuộc, đối chiếu với sử sách, có thể nhận thấy rằng trong sử sách không hề ghi chép về ngày, tháng, năm sinh (sinh nhật) của Hai Bà Trưng. Ngày, tháng, năm sinh mà vị lãnh đạo H. Mê Linh đã đưa ra (sinh ngày 11. 8. 14, mất ngày 8. 3. 43), mà ông nói được ghi trong sử sách, và trong hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia ngày mất của Hai Bà là 8-3-43 khác với sách vở là mồng 6 tháng Hai năm Quý Mão (43), không rõ ngày 8-3 được ghi theo âm lịch hay dương lịch? (cũng nghe quen quá, theo dương lịch là ngày Quốc tế Phụ nữ). Nếu ngày mất của Hai Bà theo như vị lãnh đạo H. Mê Linh nói, được ghi theo âm lịch thì khác và sau ngày mất được ghi theo âm lịch trong sách sử khoảng một tháng. Còn nếu được ghi theo dương lịch thì ghi như vậy cũng không đúng, bởi vì người Việt cho đến tận bây giờ thường vẫn ghi nhớ ngày mất để làm giỗ chạp theo âm lịch chứ không theo dương lịch.
Có lẽ theo như GS. Ngô Đức Thịnh ngày, tháng, năm sinh của Hai Bà là "thần tích" chứ không phải là "lịch sử". Mà không phải lịch sử thì làm sao có ngày này mà làm lễ hội kỷ niệm? Nếu đó chỉ là thần tích, truyền thuyết của Đền Hai Bà Trưng ở H. Mê Linh, nếu muốn "kỷ niệm", thì chỉ nên làm một cái lễ nhỏ ở Đền, tại địa phương. Qua sử sách chúng ta có thể thấy rằng, lịch sử Việt Nam không có thói quen ghi chép cặn kẽ ngày, tháng, sinh và mất của những nhân vật lịch sử. Ngay cả đến vua, chúa thời sau này, cũng chỉ thấy ghi chép năm sinh và mất, chứ ít thấy ghi chép ngày, tháng. Khi đưa một cái ngày, tháng, năm sinh "thần tích" không có thật để kỷ niệm như một sự kiện lịch sử có thật, với quy mô như một quốc lễ kéo dài đến 3 ngày, đúng là như GS. Ngô Đức Thịnh đã nói: đấy là một cách hiểu nhập nhèm về lịch sử. Cách hiểu này có cái nguy hại, lâu dần "thần tích" sẽ trở thành "lịch sử", tức là "cái giả" sẽ trở thành cái thật, dân gian ta hay ví với câu "lộng giả thành chân". Các thế hệ sau sẽ hiểu sai hết về lịch sử.
Tôi lại chợt nhớ đến nhà văn Nguyên Ngọc, trong quyển "Nghĩ dọc đường" của ông, nơi bài "Một câu hỏi mới của Hội An: Nên chăng các lễ hội du lịch?". Ông viết: Bây giờ, như ai cũng biết, đã thành mốt, thành phong trào, liên miên lễ hội khắp nước, mọi lúc, mọi dịp. Cứ chộp được bất cứ cái cớ nào, dù nhỏ nhất, là đẻ ra, bịa ra lễ hội...
Ghi chú:
* Chữ nghiêng là nguyên văn trong bài báo, bài viết.
Tham khảo:
- Lĩnh Nam Chích Quái, Vũ Quỳnh&Kiều Phú - Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Văn Học in lần thứ hai - 1990.
- Việt Điện U Linh, Lý tế Xuyên - Người dịch Trịnh Đình Rư, hiệu đính Đinh Gia Khánh, NXB Hồng Bàng - 2012.
- Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên, NXB Văn Hóa Thông Tin - 2004.
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa - 2006.
- Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh, NXB Văn Hóa Thông Tin - 2010.
- Các Triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên - 1999.
- Thế thứ các Triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục - 2004.
- Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam, Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh cgủ biên, NXB Giáo Dục - 2000.
- Nghĩ dọc đường, Nguyên Ngọc, NXB Văn Nghệ - 2006.
Ý kiến của ông Thịnh và ông Ngọc là xác đáng.
Trả lờiXóaBây giờ nhiều cái giả. Đạo đức giả, độc lập giả, dân chủ giả, lịch sử giả... ngày sinh hai bà Trưng llà một trong những thứ giả đó. Người ta bày ra để có dịp mà chi tiêu, phết phẩy...
Chỉ cần lật vài quyển sách ra là thấy ngay ngày, tháng, năm sinh của Hai Bà Trưng không hề được ghi chép trong sử sách, tức là con số đưa ra là của giả, thế mà một thành phố lớn lại là thủ đô lại hồn nhiên hè nhau tổ chức kỷ niệm đến mấy ngày. Thật sự là tôi không sao hiểu được tại sao người ta lại làm như thế? Lịch sử giả, lễ hội giả... Huhu!
XóaNhững cái giả đó đều nhằm đến cái thật đấy ạ... Dân gian bảo "Tiền tươi, thóc thât".
Xóaôi đất nước tôi, đất nước chuyển sản xuất bánh vẽ, mà bánh nào cũng phải làm to mới chịu... :(
Trả lờiXóalàm cho to để "ăn" cho nhiều.
Bánh... làng vẽ, hihi!
XóaBác NHP ơi, bây giờ không làm những chuyện này thì lấy gì cuối năm mà báo công, không làm thì làm gì có dự trù kinh phí, có xin tài trợ, có liên hoan, có chấm mút?. Đất nước này có hàng tỉ chuyện sai tày trời, bao nhiêu người nói vẫn cứ thế, cứ thế thì sá gì chuyện Hai Bà Trưng là chuyện xa xăm quá! Cái nguy hiểm là phủ nhận đối thoại bác ạ!
Trả lờiXóaTôi rất đồng ý với bác HN "Cái nguy hiểm là phủ nhận đối thoại", tiền dân thì xưa nay mất quá nhiều rồi, ngàn tỷ tỷ cho những Vina..., cho những dự án khủng... không hiệu quả... Nhưng chuyện thấy rõ nhất là người ta hay nói "trân trọng những phản biện khoa học", nhưng một chuyện rành rành, có ý kiến rất rõ ràng của GS. trong Hội đồng Di sản Quốc gia mà chẳng ai thèm nghe, thảo nào mà xã hội giờ hỗn loạn quá :-(((
XóaSinh Nhật Hai Bà ! Ôi thật là hiện đại , cần chi "phản biện khoa học" hở Bác ? Nếu lễ hội thành công , chắc chúng ta sẽ tiếp tục được "ăn" sinh nhật nhiều vị vua, chúa nữa ấy ((-:
Trả lờiXóaSinh nhật rất hoành tráng, sẽ có 2.000 em thiếu nhi thắp sáng 2.000 ngọn nến và đồng ca Hapy birthday to you, haha!
XóaĐúng đó bạn Marg. bây giờ người ta sẽ đến các đình đền lục tìm thần tích các vị vua chúa khác. Mai mốt sẽ được ăn sinh nhật Lê Lợi, Bà Triệu, Lê Thánh Thông...
Kệ mà bác, có Lễ thì có Lộc! Lịch sử không có thì ta "phịa" ra. Vài mươi năm là thành "lịch sử" tuốt tuồn tuột hết! Ưu viêt là ở chỗ đó!
Trả lờiXóaRất... yêu việt, hì hì, chưa thấy một xã hội nào... khôi hài như xã hội này đó cụ Nô.
Xóa@ Các bác, tin mới đây trên báo TT ngày 19-8 như thế này tôi copy nuyên văn:
Trả lờiXóaTrao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Minh Tiến (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội) cho biết buổi lễ sẽ bị hoãn do có việc đột xuất.
Ông Tiến cũng khẳng định những phản ứng của dư luận về căn cứ lịch sử để xác định ngày sinh Hai Bà Trưng cũng như ý kiến về việc tổ chức lễ hội tốn kém không phải là lý do chính của việc trì hoãn này.
Thì ra là HN có việc đột xuất các bác ạ, chứ không phải do người dân mọi giới phản đối vì nó vô lý đến nực cười, hà hà hì hì. Danh hài cỡ Hồng Vân, Minh béo cũng phải chào thua!!!
cháu nghe đồn lý do của việc đột xuất là như thế này:
Xóa"ông trưởng ban tổ chức nằm mơ thấy 2 bà về cảm ơn vì ông đã nhớ được ngày sinh của 2 bà và 2 bà cũng nhờ ông thay mặt 2 bà thổi nến giùm vào ngày sinh nhật. Khổ nổi 2 bà dặn là phải thổi tắt cùng lúc 2000 cây nến không thì 2 bà quở cho mất chức"
ông trưởng ban vả mồ hôi và buổi sáng hôm sau họp thông báo có việc đột xuất nên không tổ chức nữa ạh
trên mạng người ta đồn thế và cháu tóm lược lại :)
Hihi, có khi đúng thế thật, thổi nến sinh nhật là phải thổi tắt một lần mới hên, Hai Bà sống cách nay 2000 năm mà cũng rành tục lệ quá chớ Bố susu :-)))
XóaThật đúng là bịa ra Tổ chức sinh nhật để xài tiền dân đóng thuế. Bị phản ứng thì lại bịa lí do để hoãn chứ sao.
Trả lờiXóaVâng bác Vũ Nho, cả một TP đầu não như HN lại bị "việt vị" vì chuyện "cỏn con" như thế này thì tôi nghĩ lạ quá. Nghĩ xa nghĩ gần rồi đâm nghĩ quẩn, thế làm sao mà làm được chuyện lớn?!
XóaNhững cái giả đó đều nhằm đến cái thật đấy ạ. Dân bảo: Tiền tươi, thóc thật.
Trả lờiXóaLễ hội giả, ấn giả, bằng giả, nhưng tiền tươi thóc thật, hì hì!
Xóa