Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Hồn phố.


Một đường phố thuộc trung tâm Saigon xưa, cây cối như rừng. 

Có lẽ tôi sẽ đi ngược dòng lịch sử đôi chút khi nói về thành phố Sài Gòn, nơi tôi đã sống hơn nửa đời người (sau đây tôi sẽ viết là Saigon theo kiểu của người Pháp khi xưa cho tiện).

Saigon không phải là một cái tên được đặt mới đây (đọc theo âm Hán Việt là Sài Côn), mà đã có từ khi còn thuộc người Khmer. Năm 1623, khi còn là rừng rậm hoang vu chúa Nguyễn đã cho đặt một "đồn thu thuế" tại đây (áng chừng thuộc khu vực Cầu Kho, quận 1). Sách sử chép: "Năm Giáp Dần (1674) tháng 2, Nặc Ông Đài người Cao Miên, đuổi vua nước ấy là Nặc Ông Nộn. Nộn chạy sang cầu cứu nhà chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm làm thống suất, Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, đem binh đi tiến thảo. Tháng 4, quan quân phá vỡ luôn được 3 lũy là Saigon, Gò Bích và Nam Vang. Nặc Ông Đài thua chạy tử trận. Tháng 6 chúa Nguyễn phong cho Nặc Ông Thu làm Cao Miên Quốc Vương, ngự trị ở thành Vũng Long (Oudong), còn Nặc Ông Nộn làm phó vương ngự trị ở Saigon". Đến năm 1698 chúa Nguyễn đã đặt Saigon thành phủ Gia Định. Nếu lấy mốc 1698 khi Saigon đã chính thức có tên là phủ Gia Định, đã được 316 năm, so với Hà Nội hay nhiều thành phố khác ở miền Nam thì thuộc loại đàn em "sinh sau đẻ muộn".


Tượng Hoàng Tử Cảnh và Giám mục Bá Đa Lộc tại vị trí nay đặt tượng Nữ Vương Hòa Bình trước Vương Cung Thánh Đường Saigon, phía sau của ảnh bên trên là tòa nhà Bưu điện thành phố. 

Trong chừng ấy năm, Saigon đã trải qua biết bao nhiêu biến cố lịch sử, từ những cuộc chiến tranh với người Cao Miên, giữa chúa Nguyễn và anh em nhà Tây Sơn, rồi qua đến đời Pháp, tiếp đến người Mỹ với hai nền Cộng Hòa non yểu, và bây giờ là đất nước thống nhất, Saigon vẫn luôn luôn là một thành phố sôi động, vẫn luôn thay đổi từng ngày. Có thể nói Saigon xưa nay là một thành phố kinh tế, thương mại, là nơi sản xuất hàng tiểu thủ công và công nghiệp nhẹ, là đầu mối tiếp nhận nông sản của miền Tây để phân phối đi khắp nơi, nhưng đồng thời Saigon cũng là một thành phố văn hóa, với đặc thù vừa trí thức vừa bình dân. Trí thức bởi khi xưa những đại học tốt nhất miền Nam đều ở Saigon, với những sinh viên từ khắp nơi đổ về. Bình dân bởi Saigon cũng là nơi tiếp nhận những người nông dân ít được đến trường lớp, phải bỏ ruộng vườn bởi chiến tranh đến sinh sống. Buổi sáng trên phố ta có thể bắt gặp hình ảnh một viên chức (nam và nữ công chức, tư chức) áo sơ mi trắng gài măng sét hay áo dài ngồi ăn tô hủ tíu mì nơi một xe hủ tíu bình dân nơi góc phố, hay "đủ mọi thành phần trong xã hội" ngồi nhâm nhi ly đen nhỏ pha bằng vợt, hay uống ly "bạc xỉu" nơi một quán cóc đầu hẻm.

Xe hủ tíu bình dân lề đường năm xưa...

Và quán cóc Saigon. 

Cuộc sống vẫn luôn thay đổi, chắc chắn là như thế, cũng có những thay đổi tốt và những thay đổi xấu (bây giờ người ta gọi là thay đổi tích cực và thay đổi tiêu cực), điều mà ta có thể thấy rõ nhất là qua cách ứng xử của con người trong xã hội, xe cộ và ở những công trình kiến trúc. Saigon cũng thế, từ "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" của thời phong kiến, cho đến "noble" của thời Pháp, và "gentleman" của thời Mỹ, người Saigon đa số hiền hòa, chòm xóm đối xử rất có tình nghĩa, chuyện thỉnh thoảng sai con trẻ sang nhà hàng xóm xin trái ớt, hay mang qua "biếu bác Tư" đĩa xôi chè nhân nhà có giỗ là bình thường. Có thể chửi thề là câu cửa miệng của giới bình dân, nhưng không mấy khi chỉ vì một vụ quẹt xe nhỏ trên phố mà người ta lăn xả vào đánh đấm nhau chí tử như bây giờ. Giới giang hồ có "luật lệ" riêng của nó, giang hồ khét tiếng như Đại Cathay một thời có cả một huyền thoại kiểu "Lương Sơn Bạc", nhưng chẳng mấy khi đụng chạm đến người lương thiện.

Xe buýt "vàng" và xe tắc xi giữa trung tâm thành phố.

Xe điện chạy đường Saigon - Cholon thời Pháp, trước đầu xe phía trên cao quảng cáo cho hãng hòm... Tobia, thời Tây cho nên chẳng sợ xui xẻo.

Xe điện chạy đường Saigon - Gia Định qua những con đường đất nhà cửa hai bên đường như ở thôn quê.

Thời Pháp Saigon đã có những tuyến xe điện, đi Chợ Lớn và Gia Định, và sang đến thời Đệ nhất, Đệ nhị Cộng Hòa là xe buýt (hồi tôi còn nhỏ tôi còn nhớ hay gọi là "xe buýt xanh, xe buýt vàng" bởi màu sơn của xe), dành cho dân khá giả cũng có xe tắc xi, hình như là hiệu xe Citroen của Pháp, xe nhỏ trông giống như con rùa. Dĩ nhiên còn phải kể đến những loại xe chuyên chở bình dân khác là xe "lam", xe "xích lô máy".

Xe lam giờ tan trường, để tận dụng chỗ ngồi và tăng thu nhập, bác tài chở thêm hai cô nữ sinh bên cạnh.

Một bến xe xích lô máy. Đây là một loại xe được chế biến lại từ máy xe "bình bịch" (mô tô).

Đấy là những xe cộ thời đã bước sang hiện đại, chuyên chở hành khách thô sơ hơn với giới quý tộc thì có xe tay do người kéo, xe "hòm kiếng" do ngựa kéo, giới bình dân thì có xe ngựa kéo gọi là xe "thổ mộ", xe thổ mộ chở đủ thứ, khách cần đi lại, kẻ buôn thúng bán bưng. Vùng Hóc Môn ngày trước nổi tiếng về xe thổ mộ. Sau này có thêm xe xích lô do người đạp gọi là "xích lô đạp".

Xe tay do người kéo trên đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi, quận 1.

Xe hòm kiếng do ngựa kéo đậu trước chợ Bến Thành.

Xe thổ mộ chở người và hàng hóa chạy nơi vòng xoay trước chợ Bến Thành.

Thiếu nữ Saigon năm xưa trên chiếc xích lô đạp trước Tòa Đô Chánh.

Xe cộ cá nhân chủ yếu thời trước là xe đạp, nhất là với giới sinh viên, học sinh, giới bình dân, vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, trước khi xe gắn máy của Nhật tràn vào miền Nam, thì một thiếu nữ Saigon phóng chiếc Vélo Solex, hay một chiếc Mobylette do Pháp sản xuất là "oách hết biết". Sau này, khoảng từ 1965 - 1966 trở về sau xe gắn máy của Nhật tiện dụng và kiểu dáng hiện đại hơn dần thay thế những loại xe của Pháp và Đức

Nữ sinh tan trường với xe đạp, áo dài trắng và nón lá, một hình ảnh khá thơ mộng của Saigon năm xưa.

Những thiếu nữ nhà giàu thời đó mới có xe Vélo Solex phóng như thế này, nhưng cũng không quên chiếc nón lá che nắng, và "mốt" thời đó là thêm cặp kính đen.

Xe Mobylette của Pháp bên cạnh dòng xe Honda dame của Nhật đời đầu.

Về kiến trúc như chúng ta đã biết, trước và sang đầu thời Pháp thì gần như Saigon chỉ có nhà tranh vách lá, dinh thự của quan Toàn quyền cũng được làm bằng gỗ, loại nhà này không bền ở xứ mưa nhiều và ẩm như nước ta, bây giờ chỉ còn sót lại ngôi nhà của Giám mục Bá Đa Lộc, hiện làm ngôi nhà nguyện trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Saigon. Sau này người Pháp đã xây dựng hàng loạt biệt thự dân dụng, thương xá, cơ quan công quyền và nhà thờ theo kiến trúc Châu Âu ở Saigon, đánh dấu một giai đoạn lịch sử của Saigon. Sang đến thời Mỹ cũng thế, kiến trúc của thời Pháp và thời Mỹ rất dễ phân biệt. Kiến trúc Pháp xưa hơn, nhà cao, mái ngói, với nhiều cửa sổ bằng gỗ kiểu lá sách, chủ yếu lấy ánh sáng, thông gió tự nhiên, trong khi kiến trúc Mỹ hiện đại hơn đã dùng nhiều bê tông cốt thép, mái bằng, đã sử dụng máy lạnh nên tầng thấp để tiết kiệm năng lượng, sử dụng cửa bằng kính.

Dinh Độc Lập xưa với kiến trúc Châu Âu nhưng vẫn trồng cây dừa phía trước.

Một biệt thự kiểu Pháp tại Saigon xưa.

Nhưng dù thời người Pháp hay Mỹ hiện diện, họ quy hoạch thành phố Saigon rất hay, rất hợp lý, nhất là ở khu trung tâm Saigon. Không những người ta chú trọng quy hoạch trên mặt đất, mà còn chú trọng cả không gian. Thời Pháp họ chỉ xây dựng tại khu trung tâm Saigon (lấy những trục Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Đại lộ Thống Nhất... làm chính) những căn biệt thự, dinh thự, thương xá chỉ cao khoảng hai, ba, tối đa là bốn tầng lầu, như Tòa Đô Chánh Saigon, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố... thì sang đến thời Mỹ vẫn được chính quyền thời đó giữ nguyên, những công trình gần đó không được xây cao quá, điều này khiến cho không gian được thoáng đãng, không bị tù túng. Đường Catinat ngày xưa, sau là Tự Do và bây giờ là Đồng Khởi, là một con đường nhỏ rất đẹp giữa trung tâm thành phố, bây giờ đi trên đường giống như đi trong... một con hẻm nhỏ, bởi đã bắt đầu mọc lên những tòa nhà không biết bao nhiêu tầng, cao chót vót.

Saigon thay đổi, mới mấy hôm trước thấy báo chí đăng người ta triệt hạ hàng cổ thụ trăm năm tuổi nơi một công viên nhỏ trước Nhà hát Saigon, để lấy chỗ làm nhà ga tàu điện ngầm, thì mấy hôm nay lại thấy tin sẽ phá bỏ thương xá Tax để xây dựng tòa tháp Tax Plaza cao đến 40 tầng. Tại sao người ta lại vẫn xây những trung tâm thương mại to lớn như vậy, khi bây giờ có khá nhiều những "Plaza" kiểu này ở Saigon mới được xây dựng đang sống "thoi thóp" vì ế ẩm?

Nhà hát thành phố Saigon và công viên nhỏ trước mặt...

Tòa nhà GMC (Les Grand Magasins Charner) thời Pháp, là một công trình cổ xưa nhất Saigon được xây dựng từ năm 1880 (đến nay đã 134 năm tuổi), tiền thân của Thương xá Tax, thời xe bò kéo còn tự do đi lại giũa trung tâm Saigon.

Những người lớn tuổi gắn bó với Saigon như tôi hơn nửa thế kỷ nghe mà bàng hoàng ngơ ngác, bởi nếp sinh hoạt, cách ứng xử, xe cộ của con người qua thời gian chắc chắn sẽ thay đổi (như đã nói theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu hơn). Nhưng có thể nói hồn phố của Saigon xưa nay vẫn nằm ở trong những công trình kiến trúc đó, những biệt thự, công thự, thương xá kiểu Pháp, kiểu Mỹ cứ mất dần. Đành rằng cuộc sống mỗi ngày mỗi hiện đại, nhưng tại sao người ta không thể tính toán quy hoạch xây dựng một thành phố Saigon mới nơi quận 2 Thủ Thiêm, như đã từng công bố, mà cứ dần triệt hạ đi những hồn phách cũ của Saigon?

Một thành phố cũng giống như một con người, khi không còn ký ức thì sẽ trở thành gì? Ký ức đâu chỉ ở nơi những trang sách sử? Ngày mai đây thôi, sẽ có những người dân Saigon, sẽ trở nên lạc lõng ngay chính nơi mình đã cả đời gắn bó!


* Ảnh Internet.

15 nhận xét :

  1. Những người già lão đã từng gắn bó với Sài Gòn rồi cũng đi vào ... cát bụi . Chỉ tiếc những công trình mang dấu ấn lịch sử , văn hóa bao đời của Sài gòn đã và đang tiêu tùng . Chỉ xét một khía cạnh nhỏ của phát triển du lịch , những công trình xưa của SG có thể sẽ thu hút người nước ngoài, chẳng hạn kiến trúc kiểu colonial cho họ biết đến một giai đoạn lịch sử đã qua . Vậy mà tất cả đã dần biến mất . Việc xây một thành phố mới hiện đại hoàn toàn có thể làm được , nhưng nên quy hoạch ở một nơi khác
    ( PS: Chắc chờ quy hoạch xây TP mới thì lâu quá , nên cứ ... vét đại cho lẹ , đất trung tâm SG là đất vàng , đất bạc mà , hihi )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bạn Marg. Hiện đại và hội nhập nhưng phải thông minh. Không thể nhét tất cả mọi thứ thập cẩm vào trong một ngôi nhà, cũng như một thành phố, những hồn phách xưa cái nào đáng giữ, cái nào cần bỏ, điều này phải biết suy xét, và muốn suy xét cho tới người lãnh đạo phải thật sự có trí thức, có tri thức chứ không phải có bằng cấp (bằng dỏm bằng giả, hoặc học dỏm học giả tràn lan như hiện nay).

      Cu cậu con trai tôi hướng dẫn du lịch cho khách Tây, Mỹ tại Saigon, người già cũng như trẻ người ta muốn đến chùa Tàu, Chợ Lớn, dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Ngã Sáu, Cha Tam..., những công trình kiến trúc mang dấu ấn của lịch sử một thời, chẳng thấy ai đòi đi đến tòa nhà cao nhất thành phố hay những trung tâm thương mại mới xây dựng.

      Mới thấm thía câu của ông TT Lý Quang Diệu của đất nước Singapore viết trong hồi ký, bây giờ là thời của tri thức, và để bằng với thế giới nước Singapore phải có tri thức.

      Hôm qua đọc tin trên báo TT thủ đô HN đã ngưng tổ chức "Hapy birhday" Hai Bà Trưng, nhưng người ta tuyên bố ngưng là bởi HN bận việc khác, chứ chẳng phải tại các anh nói điều đó không phải là sự thật. Đừng có tưởng bở. Hết biết!

      Xóa
  2. Đọc bài bác Phạm, thật "đã" với tư liệu lịch sử, hình ảnh xưa và những lời "bàn" đầy cảm xúc!
    Chỉ có tí xíu là lạ : bác gọi thời Pháp với thời Mỹ, Nô có cảm tưởng như Mỹ cũng là kẻ thực dân!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ Nô đã khen.
      À, vụ này tôi biết chớ, nếu xét cho "ngọn nguồn" thì người Pháp là kẻ xâm chiếm còn người Mỹ thì là đồng minh, cho nên tôi cũng đã nhắc tới 2 nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Theo tôi thì dân ở Saigon trước đây cỡ như tôi hay cao niên hơn, tức là có biết cả 2 "thời", thì hay nói gọn như thế, tức là "thời hiện diện của người Pháp" và "thời hiện diện của người Mỹ". Chứ thực ra chỉ những người "cách mạng" mới nghĩ người Pháp đô hộ hay người Mỹ xâm lăng. Đa số dân Saigon tôi thấy ngày xưa khá hồn nhiên, thời Pháp hay thời Mỹ gì cũng tốt chán. Họ ít nghĩ đến chuyện đất nước, thời thế... Hì hì!

      Xóa
  3. Bác NHP ơi, HN đọc bài này của bác với bao cảm xúc dâng tràn. Có quá nhiều suy nghĩ buồn, vui, mới, cũ lẫn lộn nhất là cái đề của entry thiệt đã: “Hồn phố”! Những tư liệu mà bác cung cấp về khởi nguồn của thành phố thì rất yên tâm. Chợt nhớ lại những chuyện lặt vặt này:
    - đi xe buýt ở SG ngày xưa rất thích, rất lịch sự và không xô bồ, bát nháo như bây giờ
    - ngày xưa HN ở cây xăng Trương Minh Giảng và ở bất cứ đâu như Gò Vấp, Phú Nhuận, Bảy Hiền.. cũng thế, xuống hoặc qua chợ Bến Thành, khu Nguyễn Huệ, Tự Do người ta bảo: đi Sài Gòn!
    - Thấy tượng Hoàng tử Cảnh và Pigneau de Béhaine HN nhớ chuyện mấy chú bộ đội hồi 75 vào nhà thờ, thấy tượng mẹ Maria hỏi đồng chí này có công gì mà dựng tượng? Hihi.
    - Chừng như trên đường Trần Quốc Thảo đoạn quanh tòa Giám mục vẫn còn giữ được nét ngày xưa phải không bác?
    - Trong chợ Cũ (Huỳnh Thúc Kháng) ngày xưa có một tiệm cơm thố ngon vô cùng!
    - Bác kể về phương tiện giao thông còn thiếu một món: xe cho thuê chở đám cưới chuyên đậu dưới Bạch Đằng, phần lớn sơn màu hồng, màu đỏ. Hihi.
    Thôi, xin mượn lời Văn Cao trong Thiên Thai để kết thúc cmt này và cám ơn bác NHP “nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta?”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác HN, cũng rất cám ơn bác về nhận xét. Tôi có thói quen, khi đã trích dẫn thường tìm trên nhiều nguồn (cũng may tôi có được khá tài liệu, sách vở, chưa kể nguồn trên mạng), nhất là về lịch sử, đối chiếu, so sánh, nhận xét, rồi mới viết, cho nên cũng bớt sai (bớt thôi).

      - Ngày xưa khi đã lên trung học, tôi đi xe buýt, gặp người soát vé dễ tính còn "xính xái" cho 2 đứa học sinh mua một vé, thế là hôm ấy có thêm được 1 đồng ăn quà.
      - Đúng, bây giờ ở Củ Chi, Cần Giờ, đi đâu cũng có thể nói "tôi ở TP. HCM", chứ trước đây ở ngay tại Saigon, nhưng nói "đi Sài Gòn" là từ Lăng Cha Cả, Ngã Bảy, Bảy Hiền... vào trung tâm quận 1, khu Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Chợ Bến Thành.
      - Đúng là góc khu đường Trần Quốc Thảo - Nguyễn Đình Chiểu phía Tòa Tổng Giám Mục vẫn giữ được nét cổ, hàng cây dầu trăm tuổi, hàng rào và Tòa Tổng Giám Mục, trong khuôn viên còn có ngôi nhà nguyện bằng gỗ khi xưa là nhà của GM Bá Đa Lộc.
      - Tiệm cơm Thố rất ngon của người Hoa tên gì? À, Chuyên Ký thì phải.
      - Đúng đó bác HN, tôi quên không đưa đoàn xe Huê Kỳ dài sọc cho thuê đám cưới. Hồi năm tôi học trung học có một giáo sư dạy Việt văn nói là chủ của đám xe đó, không rõ ông ấy nói chơi hay thật. Còn một loại chuyên chở công cộng là "xe lô" màu đen. bến của nó đậu đâu khu nhà chú Hỏa.

      Lâu lâu nhớ về quá khứ se lòng thật.

      Xóa
  4. Ở Pháp người ta cũng quy hoạch khu đô thị mới và cũ. Khu mới thì được quyền xây nhà cao tầng, hiện đại, còn khu cũ thì phải giữ nguyên kiến trúc cũ, ko được quá cao, phá vỡ cảnh quan. Sao dân ngu như mình cũng biết điều đó mà các quan to bi giờ lại nhắm mắt ko chịu nhìn ra khắp thế giới để mà học hỏi? Ngu lâu quá thì hỏi làm sao nước ko nghèo nàn lạc hậu mãi. Đọc mà buồn! Anh Phạm ui, viết truyện... tiếu lâm để cùng cười một chút, ko là cả nhóm chúng mình sẽ càng mau già mau chết vì tủi nhục đó anh à! huhu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon cũng có khu đô thị mới bên quận 2 (Thủ Thiêm) đó chứ, quy hoạch lâu lắm rồi, nhưng "quy" xong để đó, và những tòa nhà dự tính xây mới giữa trung tâm quận 1 như thế này mới là "hoạch" (thu hoạch), hehe! Đây cũng là một loại khôi hài thời hiện đại (khác với loại cười dân gian Ba Giai Tú Xuất, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn...) đó Giáo :-)))))

      Còn chuyện ra thế giới học hỏi thì... ừm, sao lại phải ra nhỉ? Siêu việt như ta thì thế giới phải vào mà học hỏi ấy chứ. Cũng chuyện cười dân gian đương đại đó Giáo, hahaha, cái từ này học ở mấy cái "sô" truyển hình... đương đại!

      Xóa
    2. Các con hãy tự cảm nhận cho bản thân ! Chuyện của Đất nước Vĩ đại lắm , không đơn giản như các Cháu nghĩ đâu nhé ( Saigon trong xây dựng quy hoạch cũng thế ) .
      Các cháu tự xem lại bản thân cùng Gia đình , đã làm và sống hiện nay có khỏe và Gia đình có tốt chưa ? ... Trân trọng cảm ơn . Tôn Nữ Diệu Linh Melbourne , Vic , Australia .

      Xóa
  5. Bu tui nghĩ xây dựng một thành phố hiện đại tầm cỡ châu Á thì cũng phải đi từ truyền thống kết hợp với truyền thống chớ không thể đập bỏ mọi thứ mà người ta cho là cổ xưa. Chính cái cổ
    xưa đó là kí ức người SG, kí ức dân tộc Việt. Dân chúng đã từng kêu trời các công trình tôn tạo ở Thanh hóa "Nếu mà Huế ở xứ Thanh,Lầu son ngói nát cổ thành gạch tan" Liệu các nhà tôn tạo SG có đi vào vết xe đổ đó không. Bu được cái dốt quy hoạchdốt kiến trúc chi biết là các ông Việt cộng cải tạo sao đó mà SG bị ứ nước mưa, thủy triều lên nhanh xuống chậm làm khổ đám dân nghèo..huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon đã và đang đi vào vết xe đó bác Bu. Tôi nhớ ít năm trước cũng ở giữa trung tâm thành phố, người ta đào những viên đá xanh bó vỉa hè lên để định làm lại (những viên đá cũng đã trăm tuổi), thì bị người dân giận dữ chận lại, những viên đá xanh đó là ký ức của Saigon, cũng như cây đa cây gạo đầu làng khi xưa là "Thần cây đa ma cây gạo". Người xưa coi cái gì lâu năm là có thần thánh nhập vào, đấy chính là ký ức, là dĩ vãng của tiền nhân.
      Còn chuyện Saigon ngập đơn giản lắm bác Bu, họ chống ngập bằng cách chỗ nào ngập thì nâng cao (và nâng cao những chỗ ngập xét thấy quan trọng), cho nên nâng chỗ này lại chuyển ngập sang chỗ kia, trong khi kênh rạch và những khu vực ở quận 2, quận 7 xưa thoát nước thì bị lấn chiếm...

      Xóa
  6. Nhìn hình ảnh Sài Gòn trước đây coi vậy chứ rất hay , rất có phong cách và xứng đáng được mệnh danh là " Hòn Ngọc Viễn Đông " . Từ chiếc xe buýt , rồi đến những phương tiện vận chuyển trước đây như : Mobylette của Pháp , xe Vélo Solex , xe lam .....cũng như các sinh hoạt của Sài Gòn trước đây ...tất cả đều toát lên một cuộc sống bình an và thanh thản ...ấy thế mà người Pháp vẫn cứ cứ liên tưởng đến những gì thuộc về quá khứ ở đất nước nhỏ bé này với những hoài niệm khó quên một thời ...thế nên , nếu nói đến Sài Gòn họ đều biết cả ..nhưng nói đến tp HCM thì không ai biết hết ...

    Để đáp ứng đến thời đại văn minh thì nhà nước mình cũng có thể xây một thành phố hiện đại ở nơi khác giống như ở bên đây : Paris vẫn là Paris cổ kính và tp hiện đại khác được xây dựng cạnh bên với tên gọi là La Défense . Vì du khách nước ngoài đến thăm lại Sài Gòn mà hình ảnh ngày xưa không còn nữa ...thì rõ là Sài Gòn không còn là Sài gòn nữa rồi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon xưa, cũng như người Saigon có một nét đặc trưng phải không NangTuyet? Kiến trúc những ngôi nhà lớn đặc trưng Âu Mỹ, dân Saigon xưa cũng tất bật về sinh kế nhưng không vội vã nháo nhào như bây giờ. Từ Saigon đến TP. HCM là một thay đổi chóng mặt, mười điều may ra chỉ một hai xem được, còn lại là... tệ. Đến như tôi sống gần hết đời ở đây mà thỉnh thoảng đi lại con đường đó, khu phố đó còn ngơ ngác, chỉ sợ mình đi lạc.

      Một thành phố mà mất đi cái bản sắc lẫn quá khứ, thì chỉ giống như một gã khờ cho diện thât đỏm dáng và đeo đầy vòng vàng...

      Xóa
  7. Hồn phố, hồn quê,... đấy là tình cảm của con người từng sống và lớn lên của vùng đất ấy với bao kỷ niệm vui buồn và với nỗi nhớ nhung da diết khi phải ly hương. Từng hình ảnh các công trình kiến trúc (thành phố) hoặc cây đa bến nước (làng quê) luôn in sâu dậm trong nỗi nhớ ấy, kể cả những món ăn đạm bạc (Ta đi ta nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống nhó cà dầm tương.) Nhưng có một điều rất quan trọng là tên của những vùng đất ấy không nên thay đổi (trừ khi nó quá phản cảm). Sự thay đổi đó bao giờ cũng phảm cảm, phủ định và giẫm đạp lên lịch sử và làm tổn thương đến tình yêu và nỗi nhớ quê hương. Thành phố Sài gòn bị mất tên là trường hợp như vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật đồng ý với Bác BoBi, một nơi chốn mà ngay thoạt đầu bị mất đi cái tên (tinh thần), rồi dần dần sẽ bị mất đến những vật chất (công trình kiến trúc). Cứ đà này 20, 30 năm nữa, khi lớp người cuối còn chút ký ức về Saigon không còn thì Saigon hoàn toàn bị xóa sổ.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))