Dĩ nhiên bóng đá thì chẳng liên quan gì đến Ca trù cả, chẳng qua bây giờ quá chán chê chuyện thế sự nên lấy chuyện thời sự bóng đá và nghe, đọc âm nhạc dân gian làm vui.
Sáu trận đầu của vòng 1/16 Word Cup đã qua, đã xác định được 6 đội đi tiếp vào tứ kết, vẫn là những đội bóng lừng danh thế giới. Brasil, dĩ nhiên tuy "hút chết" trước một đội bóng Nam Mỹ khác là Chile, Brasil mà không vào được vòng tiếp theo thì nước này đại họa. Colombia vượt qua Uruguay vì đội Uruguay đã bị đuổi mất cầu thủ biết ghi bàn duy nhất trong đội (cầu thủ có tuyệt chiêu "cẩu xực" Suarez). Tiếp đến là đội Hòa Lan cũng "trở về từ cõi chết" trước một đội Châu Mỹ khác là Mexico, rồi đến đội Costa Rica cũng vượt qua nghẹt thở trước đội bóng Hy Lạp.
Hai cặp mới đá đêm qua và rạng sáng nay (30-6 và 1-7) là Pháp-Nigeria (2-0), và Đức-Algeria (2-1) với kết quả đi tiếp cho 2 đội bóng hàng đầu Châu Âu tuy khá nhọc nhằn. Vậy là 2 đại diện cuối của bóng đá Chậu Phi cũng đã nói lời chia tay với Word Cup sau những đội bóng Châu Á, đúng với thực lực của bóng đá thế giới.
Tôi có được mấy quyển sách viết về âm nhạc dân tộc, của GS Trần Văn Khê, Lê Mạnh Thát, Toan Ánh... Trong đó nổi trội hơn cả là những biên khảo, nghiên cứu của GS Trần Văn Khê. Chúng ta có thể đọc được những bài viết rất hay về Ca trù, Quan họ, Hát xẩm... của miến Bắc, Ca Huế, hò Huế, hát Bài chòi... của miền Trung, đến Hò Lô tô... Rồi ca Vọng cổ, Đờn ca tài tử, ca Cải lương... của miền Nam.
Đọc về Ca trù, hiểu qua chút đỉnh, rồi nghe Ca trù mới cảm thấy được phần nào cái hay của Ca trù. Theo GS Trần Văn Khê Ca trù là một loại hình nghệ thuật thanh nhạc đặc biệt tại miền Bắc Việt Nam, thuộc thể loại nhạc thính phòng tức là loại âm nhạc do một số ít diễn viên đờn ca, cho một số nhỏ người nghe trong một không gian không rộng lớn.
Ca trù còn được gọi là hát Ả Đào, hát Nhà tơ, hát Cửa quyền, hát Nhà trò, hát Cửa đình, hát Cửa đền, hay hát Cô đầu... Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 1-10-2009. Về lịch sử Ca trù không có sách vở nào chép rõ ràng, sách Vũ Trung Tùy bút của Phạm Đình Hổ có nhắc đến Ca trù, nhưng ở vào thời Cảnh Hưng (1740-1786) đào nương không còn biết hát những điệu cổ của thời Hồng Đức (1470-1497). Một số thông tin cho biết Ca trù đã thịnh hành từ thế kỷ XV.
Nghệ nhân Ca trù. Ảnh Internet.
Tên gọi Ca trù có cách giải thích, chữ "trù" trong Ca trù là tấm thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi sẵn số tiền, hoặc quy định ngầm số tiền cho mỗi thẻ, thẻ dùng để thưởng cho Đào nương trong khi hát. Cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ Đào nương có được để tính thành tiền thưởng cho Đào nương hoặc cho Giáo phường. Người quyết định cho việc thưởng này chính là vị quan viên nghe hát, là người cầm chầu (sử dụng trống chầu).
Trong hát Ả Đào thì người hát được gọi là Đào nương. Có ý kiến cho rằng "Đào" là cô gái họ Đào xuất phát từ một tích xưa, thời vua Lý Thái Tổ trong cung có một cung nữ hát rất hay gọi là Đào thị. Sau mỗi lần thưởng thức giọng hát nhà vua lại thưởng cho Đào thị hậu hĩ. Về sau dân gian gọi những người con gái hát hay là "Ả Đào".
Cũng có một sự tích khác về tên gọi Ả Đào. Trong sách "Công dư tiệp ký" (ghi chép nhanh lúc rảnh rỗi việc công) của Vũ Phương Đề (1697-?), viết vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Vào cuối đời nhà Hồ quân Minh sang xâm chiếm nước ta. Giặc đóng tại làng Đào Xá, buổi tối khi ngủ thường chui vào bao bố để tránh muỗi và nhờ người cột bao lại. Trong làng có một ca nương họ Đào hát rất hay được quân giặc tin tưởng giao cho cô nhiệm vụ cột miệng bao. Thừa dịp đêm đêm cô phục rượu chờ chúng chui vào bao bố ngủ say bèn cột chặt miệng bao, rồi báo cho trai làng đến mang đi dìm xuống sông. Sau một thời gian giặc Minh hoang mang khi thấy quân số hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân nên hoảng sợ rút khỏi làng. Sau người dân nhớ ơn ca nương họ Đào ấy nên đặt tên thôn nơi ca nương sinh sống là thôn Ả Đào.
Trong hát Nhà tơ thì "tơ" là đọc trại của "ty" có nghĩa là cửa quan, vì vậy còn có tên là hát Cửa quyền. Cũng còn có tên khác là hát Nhà trò, vì ngày xưa người hát còn có cả múa nữa. Còn hát Cửa đình, Cửa đền là khi được hát ở đình, đền trong tín ngưỡng dân gian, hát Cửa đền thường là hát những bài hát ca ngợi công đức của tiền nhân, có người đã hiển thánh như đức Thánh Trần....
Trong hát Cô đầu thì có người cho rằng "Cô đầu" là do "Cô đào" nói trại ra. Nhưng thật ra từ "Cô đầu" trong giới Ca trù xuất phát từ tục lệ những ả đào sau khi ra nghề nhớ ơn thày, nên khi nhận được thù lao đều trích ra một ít tiền đầu để tặng lại cho thày, từ đó có từ hát Cô đầu. Ngày xưa hát Cô đầu có Cô đầu hát và Cô đầu rượu. Cô đầu rượu là phường bán phấn buôn hương đã làm cho nhiều người hiểu lầm về nghệ thuật Ca trù.
Một nhóm Ca trù thường gồm ba người, người ngồi giữa là đào nương vừa hát vừa nhịp phách. Phách là một thanh tre hay một miếng gỗ được gõ bằng 2 cái dùi, một dùi tròn có chuôi nhọn và một dùi chẻ làm hai, tượng trưng cho âm dương. Gõ phách là một nghệ thuật rất cao, âm thanh phát ra một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng mạnh một tiếng nhẹ, tức là một tiếng dương một tiếng âm.
Ngồi hai bên đào nương là một nghệ nhân đờn đáy và một người đánh trống chầu. Theo truyền thống người đờn và người hát thường có quan hệ mật thiết, như chồng đờn vợ hát, anh đờn em hát, cha đờn con hát... họ phải tập luyện nhuần nhuyễn ăn ý cách đờn và nhịp phách, để ra vào câu hát cho phù hợp. Đờn đáy là một nhạc cụ vô cùng độc đáo của người Việt, thùng đờn hình thang hay chữ nhật ba tấc bề dài hai tấc bề ngang, mặt đờn bằng gỗ cây ngô đồng, đặc biệt gọi là đờn đáy nhưng đờn lại không có đáy, Đờn có cần rất dài khoảng 1,2 mét, có 10 hoặc 11 phím, phím đầu gắn chính giữa đờn. Đờn đáy có 3 dây: dây hàng (dây to), dây trung và dây tiếy (dây nhỏ). Đờn được nghệ nhân gảy bằng dăm tre, tay phải gảy tay trái nhấn nhá.
Người đánh trống chầu xưa thường là khách thưởng thức (quan viên), là một người am hiểu Ca trù, thông thạo lề lối đánh trống. Trống có hình ống, bề cao và đường kính mặt trống là 22 phân. Cách ngồi, tay vịn, tay cầm roi phải đúng phong cách. Roi đánh xuống phải nằm ngang mặt trống. Trống dùng để chấm câu, phải đánh đúng lúc không bịt miệng ả đào. Có nhiều khổ trống để khen giọng hát tiếng đờn, mang tên Liên châu, Chánh diện, Thượng mã, Phi nhạn. Thùy châu, Xuyên tâm.
Những bài Ca trù quen thuộc mà ta thường gặp trong những buổi biểu diễn là Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê, Tỳ bà hành một bài thơ của thi hào Bạch Cư Dị, Tràng An hoài cổ của Cao Bá Quát...
Mời các bạn nghe Đào nương Vân Mai với bài Tràng An hoài cổ được post lại từ Youtube.
Tham khảo: những sách viết về âm nhạc dân tộc của GS Trần Văn Khê:
- Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam (NXB Trẻ-2004).
- Trần Văn Khê & Âm nhạc dân tộc (NXB Trẻ-2000).
- Văn hóa với âm nhạc dân tộc (NXB Thanh Niên-2000).
"Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại"
Trả lờiXóaPhải công nhân Tây cái gì cũng giỏi, họ hiểu đựợc CA TRÙ còn người của quê hương ca trù thì đa số u u minh minh . Trong 90 triệu dân được mấy người như ông Trần Văn Khê ..Giáo sư bảo hay thì bu tui nhận là hay, sau đó ngả mủ chào về ôm cây ghi ta tập lại bài trống cơm của Tạ Tấn soạn hihi
Tây vậy mà người ta giỏi, gì người ta cũng rành, kể cả âm nhạc Cung đình, Hát bội, Chầu văn đến Kiều của mình. Họ giỏi vì họ không định kiến, không cho họ là nhất. Hì hì.
XóaMuốn nghe ca Huế, Hò Huế, Ca trù, Chầu văn, Quan họ, Hát bội, Cải lương, Vọng cổ... Chỉ còn một cách là ráng tìm hiểu về nó, qua những người viết và bài viết có giá trị, rồi nghe nhiều lần những lúc thật rảnh rỗi. May ra ta sẽ "cảm" được một chút gì :-)))
Hihi ...dòng nhạc này ...chắc hỏng phù hợp với thế hệ ngày nay quá anh Hiệp nhỉ ? Buổi tối mà ngồi nghe ...chắc là em ngủ mê tơi quá ...âm điệu nghe là lạ ...nhưng dù sao đi nữa , mỗi dòng nhạc của nó đều toát lên nét văn hóa đặc trưng của mỗi thời kỳ anh nhỉ ? Còn nói về từ " Ả đào " ...từ nào đến giờ , em cứ nghĩ đó là từ ngữ nói về các ả buôn hương bán phấn ngày xưa ....càng đọc , càng thấy hay anh ạ ! Cảm ơn anh Hiệp đã chia sẻ bài viết này nhiều lắm nhé !
Trả lờiXóaNangTuyet chắc đi du lịch về rồi, tôi chờ xem hình đấy.
XóaCó lẽ mỗi một tuổi mỗi khác đó NangTuyet, cũng may nhờ có Internet cho nên chúng ta có thể tiếp cận được đủ mọi loại hình nghệ thuật. Bây giờ có thể tìm thấy đủ hết trên mạng, Ca trù, Chầu văn, Quan họ, Hát xẩm, Hát chèo, Trống quân... Hò Huế, Ca Huế, Vọng Cổ, Cải lương... Cộng với những thông tin cũng trên mạng, sách vở... nên tôi mới nghe và đọc được, chứ như ngày xưa thì chịu chết.
Hiểu thêm được một điều gì thì thật thích, tôi cũng thế :-)))
Dạ , em đi chơi về rồi anh ạ ...hihi ...hình nhiều quá chừng , thế nên em sẽ phải chọn lọc thứ tự của chuyến đi mà post đó cơ . Do đó , tạm thời em chỉ post hình vườn hoa ở nhà đó ...anh Hiệp qua ủng hộ em là em vui lắm đó nhoa ...
XóaChúc mừng chuyến đi nghỉ hè của NangTuyet, tôi sẽ qua xem hoa, và chờ xem hình :-)))
XóaCó một cô bé đào nương đang được lăng xê để thừa kế nghệ thuật ca trù của các tiền nhân. Hình như cô là người Nghệ An, vẻ ngoài rất hay, vẻ mặt đẹp mà buồn, đôi mắt sâu thẳm, hát cũng hay, gõ phách điêu luyện lắm. Ko biết sau này cô bé có góp phần chấn hưng nghệ thuật ca trù ko.
Trả lờiXóahehe... anh Phạm lại ghép 2 đề tài chẳng nhập nhĩ gì cả. Chắc anh ko quen viết ngắn đây mà!
Tôi cũng thấy và có nghe trên Youtube, cô bé nhỏ người, giọng hát hơi trầm, quên tên rồi. Ở Saigon nghe nói cũrng có vài nhóm Ca trù, còn ngoài Bắc thì nhiều hơn, sinh hoạt thường xuyên và có nề nếp, cũng mừng.
XóaBóng đá và Ca trù, hai đề tài chẳng nhập nhĩ gì, đúng quá cô Giáo, nhưng mà sống tới tới tôi lại cảm thấy hình như những cái chẳng nhập nhĩ nó lại rất "ăn nhập: với nhau, hìhì!