Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Đọc sách trong sân chùa.


Những viên đá có vân tự nhiên trong buổi triển lãm "Thạch thiền" tại chùa Phật học Xá Lợi, Saigon.

Tôi hay làm tài xế "xe ôm" chở bà xã đi chùa, khi bà xã vào lễ Phật thì tôi thường chọn một góc trong sân chùa đọc vài trang sách mang theo, thường là một quyển sách viết về Phật giáo mà trên kệ sách của tôi cũng có được vài quyển (đến chùa đọc sách Phật cho nó đề huề). Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp được ngồi uống trà đàm đạo đôi câu với một vị trụ trì, Sư Thày có, Ni sư có. Thấy tôi đọc sách Phật giáo, cũng đôi khi hỏi đôi điều về tôn giáo, có lần một vị Ni trụ trì quen (Ni còn nhỏ tuổi) hỏi tôi: "Sao chú không vào tụng kinh cùng cô?". Tôi chỉ cười trừ.

Tôi cũng hay đến một ngôi chùa để xem những buổi triển lãm về nghệ thuật Phật giáo, như tranh, tượng, những Pháp khí..., trong dịp Phật đản, rằm tháng bảy..., hoặc cũng có khi để nghe một buổi nói chuyện của một vị Thượng tọa, chẳng hạn về âm nhạc Phật giáo, hay cách Tán, Tụng trong kinh sách, cách Lễ bái, thỉnh chuông, thỉnh mõ... Tôi đi xem triển lãm Phật giáo, hoặc đi nghe nói chuyện vì thích tìm hiểu những gì mình chưa biết... Còn đến chùa để tung kinh, hay nghe kinh, nghe Pháp thì thực là chưa có duyên.






Buổi sáng cuối tuần hôm nay tôi chở bà xã ghé một ngôi chùa khá lớn ở Saigon, một ngôi chùa ở gần kế bên sân bay Tân Sơn Nhất. Có một cuộc triển lãm tranh, tượng và sách Phật giáo ở đó, trong khi chờ đợi tôi ghé xem phòng triển lãm, và mua một quyển sách của Giáo sư Cao Huy Thuần. Ông là GS. đại học ở Pháp, gốc người Huế, tốt nghiệp đại học Luật Saigon năm 1960, đã từng dạy ở đại học Huế vào những năm 1962-1964, sau đó ông sang Pháp bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris. Ông cũng đã về Việt Nam nhiều lần tham dự những buổi hội thảo về chính trị, xã hội.

Sách "thấy Phật" của GS. Cao Huy Thuần.

Cuốn sách tôi mua có tựa là "thấy Phật" của GS. Cao Huy Thuần (NXB Tri Thức tái bản-2013), gồm nhiều truyện ngắn, ông viết có khi rất ngắn, nhưng súc tích, cô đọng, viết về triết lý Phật giáo nhưng bình dị, dễ hiểu chứ không cao siêu. Ngoài quyển sách này trước đây GS. cũng đã viết một số sách về Tôn giáo. Trong khi chờ bà xã, tôi tìm một góc trong sân, ngồi xem quyển sách mới mua. Trong chùa cũng có những tán cây cao, mùa này trời oi ả, trên cao nắng chói chang nhưng ngồi dưới những tán cây trong sân chùa, nghe những tiếng chuông và tiếng ve râm ran, giở một quyển sách đọc đôi dòng, thật thú vị...

Câu truyện đầu tiên tôi đọc được trong sách là ông viết về đất nước Bhutan, kể về một cuốn phim của Bhutan, một đất nước Phật giáo nhỏ bé nằm trong lục địa Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan theo chế độ quân chủ. Đất nước không có biển, toàn đồi núi, nằm dài 500 cây số lên tới đỉnh Himalaya băng giá. Họ chỉ có non một triệu dân với thủ đô là Thimphu 30.000 người, dân số ít nhưng người dân của họ thật hiền hòa. Trong truyện ngắn có tựa đề "thênh thang trên xứ non cao" này, GS. Cao Huy Thuần viết:

"Cho đến gần đây, thế giới hãy còn cười mũi, chế nhạo đề nghị của nước này lấy hạnh phúc làm thước đo phát triển. Thay vì lấy tổng sản phẩm quốc nội làm chỉ tiêu và đặt ba chữ GDP để thờ trên bàn thờ phát triển, Bhutan ngược ngạo phản biện: giàu nghèo mà làm gì nếu phát triển kinh tế không đưa đến hạnh phúc? Thay vì đo bằng GDP (Gross Domestic Product), ta hãy đo bằng GNH, Gross National Happiness! Ba chữ lạ hoắc GNH bây giờ bỗng lọt vào mắt xanh của Bộ Ngoại giao Nhật, của báo Mỹ, của đại học Mỹ. Bhutan đề nghị đo hạnh phúc trên bốn tiêu chuẩn: phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm.

GDP của Bhutan là 500 triệu đô la. GDP của Nhật là 4.400 tỉ. Một giọt sương bên cạnh bát nước đầy. Nhưng người Nhật có hạnh phúc hơn ông già nông dân bán táo Bhutan trong phim không?... Bhutan nghèo nhưng không khổ, không có người ăn xin, nhà nào cũng có ruộng vườn, có trâu bò, có khung dệt, đủ ăn, đủ mặc. Họ không phải lo về giáo dục, y tế vì miễn phí. Bhutan là nước nghèo duy nhất  trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy nhất trên thế giới hạn chế tối đa du lịch, là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn, đánh cá. Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan. Không ở đâu trời đất còn nghe tiếng nông dân hát ngoài đồng trong mùa gặt. Trong thế giới càng ngày càng phức tạp, Bhutan lựa chọn sống đơn giản. Người dân không có gì trong tay bởi vì họ có cả thế giới. Họ không tìm kiếm gì, bởi vì tất cả đều ở đấy rồi. Bởi vậy, người trong phim không vội vã. Không vội vã nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc...".

Đọc những dòng của GS. Cao Huy Thuần viết về một đất nước Phật giáo nghèo nhưng hạnh phúc, họ biết cần và tìm những gì trong cuộc sống, họ không chạy theo những phù phiếm. Tự nhiên tôi nghĩ đến hai hình ảnh, một thường thấy trên những chuyến xe điện ngầm của Nhật, hình ảnh những người Nhật ngủ gà ngủ gật khi đi, hoặc trở về nhà, hay trên đường phố, họ đi bộ rất nhanh, rất gấp gáp... Một hình ảnh khác của người nông dân Bhutan, họ ca hát trên những cánh đồng, hoặc hình ảnh vui vẻ của một nhà sư trẻ Bhutan thong thả kể chuyện trên một chuyến xe cọc cạch, chở đầy ắp người và nông sản, trên con đường dốc quanh co của đất nước họ... Họ luôn bình thản, mọi người đều là anh em bất kể thân, sơ, không có ai định lừa ai, không có ai định khủng bố, chiếm đoạt quyền hành, chiếm đoạt của cải kẻ khác... Họ quan tâm đến bình an của người khác, như thế họ đem bình an đến cho chính mình... Và họ hạnh phúc...

Khi nói về đất nước Bhutan đề nghị đo hạnh phúc bằng bốn tiêu chuẩn: "phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm.". GS. Cao Huy Thuần viết tiếp:

"Nói gì bốn cho nhiều, chỉ mỗi tiêu chuẩn thứ tư ấy mà thôi, nếu thực hiện được, đã phước ba đời rồi".


Saigon, mùa Phật đản tháng 5 - 2014.



9 nhận xét :

  1. Giáo cũng đã có đọc về Bhutan trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần và thước đo hạnh phúc của họ. Giáo rất ngưỡng mộ và mong sao VN mình bằng được chừng... một nửa của họ là phước rùi anh Phạm à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừa, cầu cho mình được bằng nửa họ thôi. Người Lào cũng không có đường thông ra biển, họ sùng đạo Phật và họ cũng hiền lành. Nói chung con người cần phải có một tôn giáo để theo (tôn giáo đích thực chứ không phải chủ thuyết). Người có tín ngưỡng ít ra họ cũng còn biết sợ... tội, không dám làm điều ác :-)))

      Xóa
  2. Cách nay khá lâu bu tui được một bạn ảo ở Sài Gòn tặng cho một quyển thấy Phật
    Nàng ảo ấy biến đâu mất tiêu rồi ...Thấy Phật mà không thấy người hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không sao bác Bu, thấy Phật được là thấy tất cả :-)))

      Xóa
  3. Tôi có đọc một vài bài báo viết về quốc gia này. Tôi thấy họ nghĩ đúng : Cốt yếu là hạnh phúc chứ không phải sang giàu.
    Câu này của GS Cao Huy Thuần thật chí lí : "Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan".
    Cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là một quốc gia thật độc đáo phải không bác Vũ Nho? Họ đưa tiêu chí và những tiêu chuẩn về hạnh phúc, chứ không phải là tiến bộ văn minh kịp với thế giới. Nhưng có lẽ họ có được cái lợi thế hơn các quốc gia khác, ở chỗ dân số ít (chưa đến 1 triệu người), xưa nay cách biệt với thế giới. Tôi cũng có đọc một bài viết về đất nước này, họ chỉ có mỗi một sân bay quốc tế, chưa bằng cái sân bay tỉnh lẻ của ta, nhưng thật là một nơi đáng sống.
      Cám ơn bác ghé thăm.

      Xóa
  4. Ôi, Bhutan mới thật sự thấm nhuần tinh thần Thiền từ lãnh đạo đến người dân anh H nhỉ. Nhận xét của GS CHT rất hay: Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đất nước Bhutan quá hay, đâu đâu cũng mở cửa cho du khách vào để kiếm đô la, nhưng họ lại hạn chế. Du lịch là con dao 2 lưỡi, nơi nào có nhiều khách du lịch nơi đó sẽ có lừa đảo, tệ nạn... Ít có nơi đâu lãnh đạo sáng suốt như thế phải không Toro?

      Xóa

  5. Cảm ơn bạn. Những đoạn văn này tôi đọc trong các tác phẩm của tác giả Từ An. Nhân thấy một vài đoạn mình thấy hay, ghi lại. Mời quý bạn xem qua. Phần còn lại trong các quyển Cát Bụi Hồng Trần, Tuần Trăng Vi Diệu…Những sách này mời các bạn vào trang web chuabenhdongian.com để xem và có gì trao đổi xin liên hệ với tác giả theo địa chỉ dưới đây:
    Tác giả: Từ An
    ĐT: 01275934607

    Mê là tâm mê
    Ngộ là tâm ngộ
    Ngộ rồi biết không tâm
    Không tâm còn chẳng có
    Mê ngộ chỗ nào thành!
    $$$
    Tâm chạy theo cảnh
    Cảnh lại sinh tâm
    Đầu? Đuôi? Trụ xứ?
    Chỉ bảo là lầm!
    ***
    ” Ai? ” Là chỗ sống chết!
    Biết được ai, ai biết
    Người này thõng hai tay
    Vào chợ không còn mất!
    @@@
    Liễu sanh tức thoát tử
    Đạt Lý là Sự thành
    Sinh tử vốn không hai
    Sự lý đâu trình thử!
    &&&
    Vô lượng lần sinh diệt
    Dòng nhân quả luân lưu
    Do mê mờ bản tánh
    Thấy có ra có vào!
    @@@
    Chết đây lại sanh kia
    Chúng sanh nhiều hay ít
    Hình dung như bọt nổi
    Biển nước chưa từng lìa
    $$$
    Pháp không sanh chẳng diệt
    Tâm chưa từng đến đi
    Đất bằng luôn dậy sóng
    Chỉ tự mình phân ly

    @@@
    Tâm cảnh như hoa đốm
    Lúc nào cũng lăng xăng
    Chớ cầu tìm an ổn
    Chỗ này hay chỗ kia
    &&&
    Bổn lai vốn là Biết
    Lại muốn biết cái gì
    Nên năng sở vọng lập
    Có Phật có Chúng sinh
    ###
    Không Thiền cũng chẳng Tịnh
    Mật tu theo tâm mình
    Tâm tâm chưa từng dính
    Nói gì tu chẳng tu
    ^^^
    Đạo không có đường vào
    Vì nó không có cửa
    Cửa là do mê lập
    Bỏ vọng liền được vào
    @@@
    Tự tâm bạn bị điều kiện hóa nên sản sinh ra sự sự lý lý, rồi vô số vấn đề sinh ra, bạn bị cột trói bởi nó. Rồi cũng tự tâm bạn tạo tác học tập phương pháp để giải quyết vấn đề rồi cũng tự tâm bạn chứng đắc. Bạn đi tìm đạo sư để ấn chứng cho bạn, vì bạn không biết Đạo sư chính là Tự Tâm bạn, đầy đủ không thiếu thốn dù vô minh hay bất cứ phẩm tính nào

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))