Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

"Em đến thăm anh một chiều mưa".


Tôi đọc tin nhạc sĩ Tô Vũ, một tác giả từ thời Tiền chiến đã từ trần từ hôm qua trên trang báo mạng. Có lẽ các bạn ở Saigon từ ngày xưa chắc còn nhớ nhạc sĩ Tô Vũ, ông nổi tiếng với các bài hát Em đến thăm anh một chiều mưa, Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu (*)..., trong đó có lẽ bài hát Em đến thăm anh một chiều mưa được nhiều người biết đến nhất. Hôm nay báo giấy cũng đưa tin, sáng đang ngồi ở nhà với tách cà phê nghe bà xã tôi hỏi: "Ủa, nhạc sĩ Tô Vũ mất rồi, mà sao có hai ông Tô Vũ mất cùng lúc?".

Nghe lạ quá, tôi ghé mắt nhìn vào tờ báo Tuổi Trẻ ngày 14-5-2017 bà xã tôi đưa. Bài báo nói về nhạc sĩ Tô Vũ có đoạn ghi: (Tôi chép lại nguyên văn)

"Tại TP.HCM, lễ viếng nhạc sĩ Tô Vũ bắt đầu từ 8g ngày 14-5 tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 13g ngày 14-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Tại Hà Nội, lễ viếng tại gia đình (số 3 ngách 75, ngõ 173 đường Hoang Hoa Thám) vào ngày  16 và 17-5; an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, TP Hải Phòng lúc 8g ngày 18-5".

Bài báo chỉ nói về việc nhạc sĩ Tô Vũ mất và việc an táng ông như thế. Tôi đọc hết cả bài báo và đọc đi đọc lại đoạn viết về tang lễ của ông, suy đoán, lễ truy điệu ông tại Nhà tang lễ TP.HCM vào ngày 14-5 sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, còn lễ viếng ông tại gia đình (Hà Nội) vào ngày 16 và 17-5, an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, TP Hải Phòng lúc 8g ngày 18-5, là sau mấy ngày. Có lẽ (tôi đoán thế), ông mất tại TP. HCM (bài báo chỉ thông tin ông mất, không thấy nói mất ở đâu?), sau lễ truy điệu vào ngày 14-5 rồi hỏa táng tại TP.HCM, tro cốt của ông sẽ được chuyển ra Hà Nội, để làm lễ viếng tại gia đình, rồi mới an táng ông tại nghĩa trang Phi Liệt (Hải Phòng) vào ngày 18-5.

Tôi nói với bà xã là tôi đoán thế, chứ làm gì mà có hai ông nhạc sĩ Tô Vũ? Khi mất, một ông hỏa táng trong Nam, còn một ông an táng ngoài Bắc.

Mục đích cao nhất của báo chí là thông tin, thông tin càng rõ ràng, càng minh bạch càng tốt, mà ở đây việc thông tin xem ra mù mờ quá!


(*) Theo trang Wikipedia, nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú sinh ngày 9-4-1923, mất ngày 13-5-2014 (cập nhật ngày mất rất nhanh). Ông là em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả bài hát Cô láng giềng cũng rất nổi tiếng tại miền Nam vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước). Nghệ danh Tô Vũ là do bạn bè đặt cho ông, mượn tên Tô Vũ của nhà ngoại giao thời Hán Vũ Đế (Trung Hoa).









13 nhận xét :

  1. Vĩnh biệt một nhạc sĩ tài năng của tân nhạc Việt Nam
    Cụ ra đi để khỏi thấy bọn Tàu nó làm nhục đát nước...Thôi thế cũng đành.
    Cháu có chép tay quyển Phân câu trong âm nhạc của cụ bây giờ thành ra kỉ niệm sâu sắc gắn bó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều nhạc sĩ tài danh thời Tiền chiến sau năm 1954 vẫn sống ở miền Bắc, nhưng trong miền Nam nhạc của họ vẫn được lưu hành, như Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Văn Cao, Hoàng Giác... và được người dân yêu thích.
      Quyển sách con gái bác Bu chép là của hiếm đấy :-))

      Xóa
  2. Đúng là nhà báo anh Hiệp nhỉ ? Về thông tin báo chí cần phải rõ ràng và chính xác để người dân nhờ , chứ lập lờ như vậy ...ai mà hiểu nỗi anh há ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, mục tiêu cao nhất (và cũng cao quý nhất) của báo chí là thông tin, trung thực nhất khi có thể, và người dân chỉ cần thế thôi, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu (không cần thêm thắt những "danh hiệu cao quý", như "giáo dục quần chúng" chẳng hạn, để làm gì?).

      Có lẽ tại người viết bài kia "non tay" trong nghề nghiệp quá đó NangTuyet :-)))

      Xóa
    2. Em hỏng biết báo chí ở nước mình khi đăng sai sự thật thì sẽ thế nào ? Chứ ở bên đây , tùy nội dung nhất là về vấn đề đời sống cá nhân thì có khi cũng bị kiện ra tòa nữa đó anh Hiệp ạ ...

      Xóa
    3. A, thường là họ lờ tịt, ngay cả chuyện đính chính cái sai cũng rất khó khăn.
      Người Pháp có cái hay là rất tôn trọng cá nhân, ít khi nào "nhảy bổ" vào chuyện đời tư người khác, khác với VN, rất hiếu kỳ, :-)))

      Xóa
    4. Cũng chưa chắc đâu anh Phạm ui. Báo chí Âu Mỹ lu bù, nhưng cũng chỉ có vài tờ uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều tờ báo thuộc loại lá cải đó anh. Hỏng tin, anh lên hỏi ông Gu gồ coi.

      Xóa
    5. Lá cải thì ở đâu mà không có Giáo? Nhưng tôi có cảm tưởng đa số họ lá cải, họ lu bù, theo cái "cách mà họ muốn thế", tức là họ "biết mình đang làm gì?", còn ở xứ mình (tôi cũng có cảm tưởng), nhiều người viết báo (cũng như làm nhiều công việc khác), không biết mình đang làm gì? Giáo cứ nhìn sự việc xảy ra trong xã hội ta vài ngày qua thì biết? :-)))

      Xóa
  3. 1. Tự nhiên thấy buồn khi nghe tin một nhạc sĩ mà âm nhạc của ông gắn bó sâu sắc với đời sống tình cảm thời trai trẻ của mình qua đời dầu vẫn biết chuyện chết sống là quy luật thường tình như mưa nắng! HN có kỷ niệm rất dễ thương với "Em đến thăm anh một chiều mưa", đã viết và đã đăng nhưng không trên blog này bác ạ! Thành tâm cầu mong linh hồn nhạc sĩ Tô Vũ tiêu diêu miền cực lạc!
    2. Rất mừng vì trong tình trạng đầu óc lùng bùng vì những tin tức không tốt đẹp gì với đất nước như hiện nay mà bác NHP còn đủ minh mẩn để suy nghĩ và giải thích việc này cho bác gái rất thuyết phục. Gặp HN chắc sẽ phán ngay rằng: "Ồ, chuyện của bọn ngốc ấy mà, từ từ sẽ rõ" nhưng chuyện bác nhận định về cái trí, cái tâm của nhà báo bây giờ quả không sai. Có lần báo đăng thông báo của một cơ quan trung ương về thời hạn và nơi nộp hồ sơ về một cuộc thi tầm quốc gia đại để là: "Từ Quảng Trị trở ra nộp ở... Hà Nội từ ngày...đến ngày... , từ Quảng Trị trở vào nộp ở TP Hồ Chí Minh từ ngày...đến ngày...". Lẽ ra nhà báo phải thấy, ai ngờ HAI THẰNG NGU NHƯ NHAU! Nếu bạn đọc chú ý đến loạt bài viết về phóng viên, biên tập viên kể cả lãnh đạo báo Tuổi Trẻ trong thời gian gần đây thì hiểu ngay điều bác NHP nói.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Nhạc sĩ Tô Vũ cùng thế hệ với Phạm Duy, Trần Văn Khê, Nguyễn Văn Tý... nay cũng ra đi, những người có tài rồi ra đi gần hết. Các cụ lại họp nhau vui chơi ca hát đâu đó :-)))

      2. Hihi, bác HN thấy đấy, một cái tin mà viết thế, cùng một ông mà hỏa tảng một nơi, lại an táng một nẻo, viết rất vô tư. Cám ơn bác HN, tôi biết chỉ những người "nhiễu sự" như tôi, bác, hay cụ Nô, mới để ý đến ba cái... vớ vẩn này (những người nay đã sáu mươi ngoài, và phải sống qua hai, ba thời kỳ, hai, ba chế độ). Những cái mà ta tưởng "chẳng có gì to lớn đại sự", thế mà lại rất quan trọng, nó làm cho xã hội hoàn thiện.
      Một câu chuyện rất nhò, hôm qua tôi chở bà xã đi mua mấy cái kin đan móc của Nhật, chỉ mấy cái kim thôi bác ạ mà khác hẳn với kim TQ, VN..., từ cái bao bì cho đến cây kim, sao người Nhật họ cẩn thận, tỉ mỉ, chi li thế, bao bì rất trang nhã, đạp mắt, cầm lên đã muốn mua, kim cũng thế, về nhà bà xã mang ra đan nói, cầm "sướng tay"... Thì ra thế đấy, họ chú y từ cây kim mũi chỉ, chứ đâu có phải chỉ lo chuyện đại sự quốc gia... :-)))

      Khi coi chuyện chữ nghĩa câu cú trên báo chí chỉ là chuyện... nhỏ, nó dẫn đến những văn bản pháp quy trở thành... phạm quy, cỡ bộ trưởng, thứ trưởng cũng phát ngôn lơ ngơ... Ngán!

      Xóa
    2. Bác HN. Tôi mới đọc một tin trên báo TN Online, về tàu TQ trên biển, bài báo viết "Tàu TQ ngang ngược truy đuổi và bắn vòi rồng vào tàu kiểm ngư VN". Bác thấy báo của mình mà dùng chữ "truy đuổi" để chỉ... mình, người ta chỉ dùng chữ "truy đuổi" khi nói về kẻ xấu, như cảnh sát truy đuổi tội phạm, người dân truy đuổi kẻ cướp trên đường phố... Tại sao không dùng chữ "ngăn cản" chẳng hạn, "Tàu TQ ngang ngược ngăn cản..." có phải hơn không? :-(((

      Xóa
  4. Bác bắt lỗi đúng quá, bây giờ câu chữ cẩu thả, nông cạn, dùng sai nhan nhản... Nẫu lòng ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy Toro ạ, tôi đọc thấy báo TT, TN cứ viết tàu cảnh sát biển TQ truy đuổi tàu Kiểm ngư VN mà chán quá, giống như cha cảnh sát truy đuổi thằng ăn trộm vậy, nhà báo có ý kiến với đồng nghiệp đi chớ :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))