Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Chữ nghĩa.


Trái quýt bên trái còn xanh, 2 trái phía sau đã chín, ở giữa là trái ương (nửa xanh nửa chín). Ảnh Internet

Mấy hôm nghỉ lễ tuần trước rảnh chiều ghé nhà bạn chơi, trời nóng quá ra trước hiên nhà bạn ngồi uống cà phê. Bạn hỏi, chữ ươn (g) viết có g không? Con bạn mới hỏi mà bạn không biết trả lời ra sao. Tôi chơi với bạn đã lâu, bạn là người gốc miền Bắc, nhưng các cụ của bạn đã vào Nam từ hồi đi "Tân thế giới" năm bốn mươi mấy của thế kỷ trước, sanh bạn ra ở miền Nam, thuở nhỏ bạn lại ở trong xóm chơi với toàn bọn trẻ con cùng lứa miền Nam, nên nói tiếng Nam, bạn cũng hay lẫn lộn từ ngữ kiểu thế này. Tôi hỏi lại, nhưng bạn muốn nói chữ ươn (g) gì? Bạn nói, thì người ta hay nói dở dở ươn (g) ươn (g) đó. À, bạn muốn nói đến câu dở dở ương ương, nếu vậy thì chữ này phải là ương (có g) chứ không phải là ươn.

Chắc bạn đã quên mất câu thơ hồi còn đi học của Tú Xương:

Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quịt
Thổ đĩ lại chơi lường!

(Trần Tế Xương - Tự Vịnh)

Về từ ngữ thì chữ ươnương đều có ý nghĩa, và ý nghĩa của hai chữ khác nhau. Chữ ươnương (trong dở dở ương ương) là từ tiếng Việt, không phải từ Hán Việt. Chữ Nôm viết ươn ), bộ Nhục bên trái (chỉ ý) và chữ An  (chỉ âm) bên phải, có nghĩa là: 1. thực phẩm không còn tươi. 2. Biếng nhác. 3. Khó ở. Và ương (  ), chữ đầu  mượn nguyên chữ ương  của chữ Hán Việt (tai ương, phép Giả tá), chữ sau  gồm chữ ương  (trung ương) của chữ Hán (bên phải, chỉ âm), ghép thêm bộ Tâm (chỉ ý) bên trái, thành chữ ương, có nghĩa là: 1. Gan lì, khó bảo. 2. Trái cây sắp chín.

Tôi cũng lấy giải nghĩa của ba quyển từ điển tiếng Việt qua những thời kỳ là Đại Nam Quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) để làm căn cứ xem xét:

Đại Nam Quấc âm tự vị ghi: 

- Ươn: quá cử, hết tươi, có mùi hôi, dở dang, yếu đuối, không yên trong mình.
- Ương ương: lỡ dở, không được, không không, không ra bề gì.

Việt Nam tự điển ghi:

- Ươn: 1. Nói về cá thịt không tươi, gần thối. 2. Khó ở trong mình.
- Ương: nói trái cây gần chín: ổi ương. Nghĩa bóng: nói tính gàn dở, bướng bỉnh: người có tính ương.

Từ điển tiếng Việt ghi:

- Ươn: 1. (Tôm, cá) không còn tươi nữa, bắt đầu có mùi hôi. 2. (Kết hợp hạn chế). Không được khỏe lắm, hơi ốm (lối nói kiêng tránh). 3. Hèn, kém.
- Ương: (Quả cây) ở trạng thái gần chín.
- Ương: Gàn, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai.

Đấy là giải nghĩa về chữ ươn, và ương, còn về chữ dở trong dở dở ương ương, có nghĩa là dở dang, dở chừng, chứ không phải là hay - dở.

Ở đây tôi chỉ ghi những từ liên quan đến chữ cần nói, không ghi những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa.

Ngoài từ điển giải nghĩa từ, thì những quyển từ điển khác về chính tả, như Từ điển chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản, Từ điển chính tả tiếng Việt của Như Ý, Thanh Kim, Việt Hùng, đều ghi nhận chữ viết đúng là dở dở ương ương.

Thuở nhỏ tôi hay nghe người lớn trong nhà nói "quả này còn ương đấy đừng ăn", có nghĩa là trái cây này chưa chín đừng ăn, hoặc là "quả này ương ương", có nghĩa là quả này chưa chín (thậm chí còn xanh). Hình như chữ ương để chỉ trái cây gần chín, hay ương ương để chỉ trái nửa xanh nửa chín là phương ngữ(*) miền Bắc? Bởi tôi chỉ nghe người lớn trong nhà nhắc bọn trẻ tụi tôi như thế, còn khi nghịch phá leo cây hái trái với tụi nhóc tì "Nam bộ" trong xóm, thì tụi nhóc gọi thứ trái ương, hay ương ương đó là trái "hường hường", hoặc cũng có khi nói thành "hườm hườm".

Trong những quyển từ điển xuất bản tại miền Nam trước năm 1975, như Đại Nam Quấc âm tự vị (Hùinh Tịnh Paulus Của 1895-1896), Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị - NXB Thời Thế Saigon-1951), Tự điển Việt Nam (Ban Tu thư Khai Trí-Saigon 1971), hoặc gần đây là quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính Trị Quốc Gia-2009)..., đều không có từ ương, hay ương ương để chỉ trái cây chưa chín.

Nhưng đến câu thành ngữ dở dở ương ương thì phải hiểu theo nghĩa khác, là nghĩa bóng, không còn nói về trái cây nữa. Chắc chúng ta đã từng nghe câu nói "đồ dở dở ương ương", hoặc "hắn ta dở dở ương ương quá", để chỉ một người theo như nghĩa bóng của Việt Nam tự điển giải thích là người có tính có tính bướng bỉnh, gàn dở. Hoặc của từ điển tiếng Việt là gàn, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai. 

Theo Đại Nam Quấc âm tự vị cũng có thể dùng từ ương ương để nói về một đồ vật lỡ dở, không được, không ra bề gì. Chẳng hạn có lần tôi được anh em ở ngoại quốc gởi cho một cái áo sơ mi, mà màu sắc sặc sỡ, "chim cò" (từ "chim cò" để chỉ sự lòe loẹt trong ăn mặc của quý anh, quý ông, bây giờ ít ai dùng), áo mặc đi làm cũng không được mà đi chơi cũng chẳng xong, đúng là một cái áo dở dở ương ương, (điều này cũng hoàn toàn đúng khi nói về người, một người lỡ dở không được, không ra bề gì, hiền không ra hiền, dữ không ra dữ, khôn không ra khôn, ngu không ra ngu, gàn dở...), nghĩa là... dở dở ương ương, dân miền Nam còn gọi là "đồ cà chớn"...

Như vậy câu dở dở ương ương, viết Ương ương chứ không phải ươn ươn, người ta hay dùng để chỉ người có tính bướng bỉnh gàn dở, chẳng chịu nghe ai mà cũng chẳng giống ai... Hoặc trong chừng mực ít hơn cũng có thể dùng chỉ đồ vật, để chỉ những đồ vật lỡ dở, chẳng dùng được vào việc gì...


Ghi chú:

- Tham khảo các Từ điển đã dẫn.

(*) Phương ngữ: Còn gọi là Tiếng địa phương, được chia ra: Phương ngữ lãnh thổ (tiếng phổ biến ở một vùng nhất định), và Phương ngữ xã hội (Tiếng phổ biến của một cộng đồng, hoặc một nhóm người trong xã hội) (theo Từ điển Giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục-2003).


10 nhận xét :

  1. Không phải người Việt ào cũng rành tiếng việt
    Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam
    Các thầy dạy học trò câu phải có chủ ngữ vị ngữ vậy "Chó treo mèo đậy " thì chủ vị ở đâu.
    Một giáo sư Tây ngâm cứu cả năm trời không hiểu nó là gì !! hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tiếng Việt của mình khó thật, nhất là mấy câu thành ngữ kiểu như "Chó treo mèo đậy" như bác Bu nói. Thành ngữ là câu không hiểu theo nghĩa đen, mà chỉ hiểu theo nghĩa bóng (mục từ Thành ngữ, Từ điển Giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học của Nguyễn Như Ý chủ biên). Chẳng hạn câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần", Tây đọc sẽ không hiểu tại sao phải "bán" anh em xa để "mua" láng giềng gần (láng giềng gần mà gặp như ông TQ là... toi), hay "Trống đánh xuôi kèn thổi ngược"... Tây chắc chẳng hiểu được :-)))

      Xóa
  2. Ôi chữ nghĩa của mình sao mà rắc rối ghê đi anh nhỉ ? Nhất là từ địa phương ở các miền thì khỏi nói rồi . Đọc bài viết của anh làm em chạnh nhớ đến một trường hợp của một em du học sinh VN ở bên đây . Em vốn đến từ Bắc Ninh . Em sang Pháp du học ở tận miền Nam nước Pháp . Mùa hè đến là em chạy về miền Tây để làm ở nhà hàng của bạn em . Thế là cô bé than quá chừng vì lúc đầu không hiểu các từ của ông chủ nhà hàng dùng ( ông chủ vốn người miền Nam chánh tông - quê ở Cần Giờ ) ..riết rồi phải mất một thời gian đầu cô bé mới quen dần !!! Nghĩ cũng buồn cười anh nhỉ ? Cũng là người VN ấy thế mà từ ngữ lại khác nhau ở các miền ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ nguyên chuyện cái dấu (sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng) và thêm dấu mũ như â, ă, ê, ô, thêm râu như ơ, ư... cũng đủ làm mgười ngoại quốc toát mồ hôi, còn người mình với nhau khác miền nói nhiều khi không hiểu. Mấy năm trước tôi du lịch ra Huế, buổi tối đi lòng vòng ngang qua mấy tiệm ăn, mấy "o Huế" ra mời nói một tràng, cứ ngơ ngác như mán ở rừng mới về, hi hì!
      Ối "chời", em Bắc Ninh mà gặp anh Cần Giờ là phải biết, một bên hát quan họ một bên... ca cải lương không hiểu nhau là phải :-)))

      Xóa
  3. Vậy có thể nói, cái tiếng nhà miềng nó cũng "dở dở ương ương" , bác Phạm nhỉ! :p

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, "dở dở ươn ươn" đó cụ Nô! Về cấu trúc câu thì "dở dở ương ương" cũng in hệt "dở dở ươn ươn" :-(((

      Xóa
  4. Hihi, bác nói trái "hườm hườm" thì M hiểu , còn nói trái "ương ương" M không hiểu đâu !!

    Tây không hiểu được thành ngữ của mình thì cũng không có gì lạ, vì Tây cũng có những thành ngữ mà nếu dịch sát nghĩa từng chữ một , mình cũng không thể hiểu được . Thí dụ thành ngữ ngắn gọn không có động từ : " Cog à l' âne " (coq là con gà trống , à là giới từ , l' âne là con lừa , ý muốn nói không mạch lạc , chuyện nọ xọ chuyện kia ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hí hí, vậy là trí nhớ của tôi còn tốt lắm, "hườm hườm", tiếng mà tụi nhóc tì trong xóm ngày xưa nói, cũng hơn nửa thế kỷ rồi chứ ít gì. Vậy "ương ương" chắc là tiếng miền Bắc xưa, giờ ở Saigon chẳng còn nghe nói.
      Con gà trống ra con lừa của Tây, mà hình như tôi đọc trong sách nói cái kiểu người mình viết ngắn, gọn, hiểu ngầm như thế, cũng có khi là do ảnh hưởng của Tây khi xưa đấy. Lối viết văn, câu cú của mình bị ảnh hưởng bởi người Trung Hoa (văn chương Trung Hoa), rồi đến văn chương Pháp, gần đây đến người Mỹ (cách nói rút gọn), và cả "văn chương mạng tuổi teen" nữa :-)))

      Xóa
  5. Thì cái vụ "em buồn" mà diễn tả cái trạng thái "nhột nhột" không ương ương dở dở thì cũng dở dở ươn ươn bác NHP ha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, dở dở ươn ươn kiểu ấy thì chết thật :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))