Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Coda (*).




Tình cờ đi ngang qua "chiếu sách  lạc xoong" vỉa hè, tôi "lụm" được một quyền sách in đã lâu của GS. TS Trần Văn Khê, quyển sách có tựa là Tiểu Phẩm do NXB Trẻ xuất bản năm 1997. Quyển sách GS. viết dưới dạng hồi ký, GS. Trần Văn Khê viết tản mạn về nhiều thứ, như lần GS. từ Pháp về Việt Nam từ năm 1976, gặp các nghệ nhân Ca trù, Chèo, Quan họ... bà Quách Thị Hồ, ông Đinh Khắc Ban (đàn Đáy), cụ Trúc Hiền Nguyễn Như Lâm (trống chầu)... Để ghi âm về ca nhạc truyền thống Việt Nam cho UNESCO. Trong sách cũng có một bài GS Trần Văn Khê viết về lần được mời tham dự việc bảo vệ luận án Cao học của cô gái Nhật Bản Michiko Yoshii (**) tại Đại học Paris VII (còn gọi là Đại học Juissieu), vào năm 1991 ở Paris, thủ đô nước Pháp nơi GS. Trần Văn Khê đang sống lúc bấy giờ.

Michiko qua nét vẽ của TCS - 1988.

Đề tài luận án Cao học của cô gái Nhật Michiko là "Nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn". Theo GS. Trần Văn Khê thì đây là lần đầu tiên âm nhạc của một nhạc sĩ Việt Nam được dùng làm đề tài cho một luận án Cao học, do một nghiên cứu sinh ngoại quốc bảo vệ tại nước ngoài. Trước một Ban giám khảo gồm: GS. Philippe Langlais, trưởng khoa "Ngôn ngữ và Văn học Đông Á" (gồm các Phân khoa: Trung Quốc, Nhật Bổn, Triều Tiên, và Việt Nam) của trường Đại học Paris VII, và GS. Phạm Đăng Bình. GS. Nguyễn Phú Phong chỉ đạo luận án nhưng do đang công tác điền dã tại Việt Nam nên GS. Phạm Đăng Bình thay thế. Ngoài Ban giám khảo còn có các GS. giảng viên của Phân khoa Việt Nam như GS. Đặng Tiến, các GS. Georges Boudarel, GS. Võ Quang Yến, và các bạn bè Việt, Pháp của thí sinh Michiko đến tham dự.



GS. Trần Văn Khê viết, trong buổi bảo vệ luận án Cao học, theo yêu cầu của Ban giám khảo, mở đầu cô gái Nhật Michiko hát hai bài hát "Đại bác ru đêm" và "Ca dao mẹ" của nhạc sĩ TCS bằng tiếng Việt, với tiếng đệm của đàn Lục huyền cầm do chính của cô thực hiện, và khi cô dứt tiếng hát thì cả Ban giám khảo chấm luận án lẫn những người đến dư thính đều vỗ tay tán thưởng.

Chân dung Michiko - TCS.

Phần tiếp theo là cô gái Nhật Michiko bảo vệ luận án của mình, với những ý chính:

- Tại sao cô nghĩ đến việc nghiên cứu những bài ca phản chiến của TCS.
- Định vị trí của nhạc TCS trong các loại nhạc Việt Nam.
- Trong hơn 160 bài hát của nhạc TCS có bao nhiêu tình ca, bao nhiêu bài nhạc phản chiến, bài nào hay, bài nào chưa đạt.
- Nhận xét về thái độ của nhạc sĩ đối với chiến tranh... Và những ảnh hưởng của nhạc phản chiến TCS đối với nước ngoài...

Cô gái Nhật Michiko kết thúc phần thuyết trình bảo vệ luận án bằng 3 bản nhạc của TCS, những người đến nghe và cả Ban giám khảo cũng hát phụ họa theo... Trong 3 bài hát có bản nhạc Tình ca người mất trí, "Tôi có người yêu chết trận Pleime, tôi có người yêu ở chiến khu D chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội, chết vội vàng dọc theo biên giới...". Một bản nhạc đúng nghĩa phản chiến, bài hát này nhạc sĩ TCS làm vào khoảng nửa cuối của thập niên 1960, nói lên cái tàn bạo của chiến tranh, khi chiến tranh đang leo thang rộng khắp. Ở miền Nam đêm đêm hỏa châu thắp đỏ, tiếng đại bác dội về thành phố, người Mỹ đã ném bom miền Bắc, và những cái chết phi lý chẳng từ bỏ một ai, ở bất cứ nơi đâu...

Nhạc phản chiến của nhạc sĩ TCS là một dòng nhạc trong toàn bộ gia sản âm nhạc của ông, có thể tạm kể: tình ca (Ướt mi, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Nắng thủy tinh, Biển nhớ, Cuối cùng cho một tình yêu, Quỳnh Hương...), những bài hát về thân phận con người trong cuộc sống, trong chiến tranh (Người già em bé, Ca dao mẹ, Cát bụi, Cho một người vừa nằm xuống, Đại bác ru đêm, Gia tài của mẹ, Hát trên những xác người, Hãy sống giùm tôi, Tình ca người mất trí, Đàn bò vào thành phố...), những bài hát phản kháng chiến tranh (Chính chúng ta phải thấy hòa bình, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Một ngày vinh quang, Nhân danh Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Ta quyết phải sống, Những ai còn là Việt Nam...), và cuối cùng là những ca khúc mang hơi thở của thiền (Nguyệt ca, Đóa hoa vô thường, Ở trọ, Ra đồng giữa ngọ, Một cõi đi về, Em đi bỏ mặc con đường, Con mắt còn lại, Bống không là Bống...).

Có một điều khá đặc biệt, trong một bài viết nhạc sĩ TCS nói "Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa...", nhưng "càng lớn" thì nhạc của ông lại càng bàng bạc chất thiền, những bản nhạc mang hơi thở về thiền của ông, đa số được ông sáng tác sau này.

Điểm số mà Ban giám khảo dành cho thí sinh Michiko là 17, đó là điểm số tối đa mà từ khi Phân khoa tiếng Việt của Đại học Paris VII thành lập chưa ai đạt được. Cô gái Nhật Michiko đậu hạng "Tối ưu" (Très bien).

Từ những thập niên 1960, 1970... âm nhạc của nhạc sĩ TCS luôn được người Nhật yêu thích, nhiều bản nhạc của ông đã được dịch sang tiếng Nhật, một bản nhạc dịch sang tiếng Nhật rất nổi tiếng của ông là bản Diễm xưa. Năm 1972 ông được giải Đĩa vàng ở Nhật với bản nhạc Ngủ đi con (trong tập Ca khúc da vàng), đã phát hành ở Nhật trên 2 triệu bản.

Có người nói cô gái Nhật Michiko cũng là một người mà nhạc sĩ TCS yêu mến. Không rõ nhạc sĩ có những bài viết (thơ, văn, nhạc) viết về cô gái Nhật này không, nhưng trong mấy chục bức tranh vẽ của TCS mà đa số là về chân dung bạn bè, người thân của ông, có ít nhất 3 bức tranh ông vẽ về cô gái Nhật Michiko Yoshii, có lẽ điều này cũng đủ nói lên tình cảm của ông với cô gái Nhật nhỏ nhắn, cũng luôn quý mến ông và những ca khúc của ông.


Saigon, những ngày đầu tháng 4 - 2014.


Ghi chú:

(*) Coda: đoạn kết của một bản nhạc.
(**) Michiko Yoshii: là GS. giảng dạy tại đại học Mie miền Trung nước Nhật, đã có gia đình từ năm 1994, chồng bà cũng là một người Việt du học tại Pháp. Bà cùng chồng đã có thời gian 13 năm sống tại Việt Nam, ông bà đã thực hiện những công tác từ thiện cho nhiều vùng nông thôn.






17 nhận xét :

  1. Một người Nhật nghiên cứu về nhạc sĩ VN, bảo vệ Luận văn tại Pháp... đã cho thấy sự hấp dẫn. Hẳn nhiên để đạt được điểm cao nhất, Michiko đã gặp TCS nhiều lần, chắc hẳn có đồng cảm lớn.
    Một câu chuyện thật hay anh H ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ trong nhạc của TCS (tiết tấu, ca từ...) có gì đó người Nhật đồng cảm. Nhạc sĩ TCS được cả thế giới biết đến, trong chiến tranh, nhạc phản chiến của ông đã "bị" lợi dụng, hết chiến tranh nghe nói ông "xém" bị đi cải tạo, hìhì!
      Người Nhật coi hiện đại thế mà thật tình nghĩa.

      Xóa
  2. Mà không hiểu sao TCS vẽ Michiko như không có quần áo, cái sơn dầu còn vẽ rõ bầu ngực kìa... Chắc TCS tưởng tượng... Hii.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này thì chỉ có tác giả mới rõ đó Toro :-)))

      Xóa
  3. Trước kia Giáo cũng đã có đọc bài báo viết về cô Michiko mê nhạc TCS. Còn có tin đồn ông mê cô bé nữa. Nhưng đó là điều bình thường của nhạc sĩ. Ông thường yêu thích những cô gái đã gợi cảm hứng nghệ thuật cho ông. Và có lẽ cái yêu ấy ko bao gồm ý nghĩa chiếm hữu. Ai mà lại ko rung động trước cái đẹp, kể cả chúng ta! Cái này thì thông cảm được mà! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người nghệ sĩ thường yêu cái đẹp, cái Mỹ trong Chân - Thiện - Mỹ. Cho nên những nghệ sĩ (đích thực) có yêu nhau, yêu cái tài hoa của nhau cũng là bình thường phải không bạn Giáo? :-)))

      Xóa
  4. Một bài viết rất hay của PNH
    Bu hâm mộ GS Trần Văn Khê nên sưu tập được hai hồi kí của ông, riêng quyển mà PNH mua được ở chiếu sách "lạc xoong" thì bây giờ mới nghe bạn nói đến.
    Trong một chương trình truyền hình cách nay chưa lâu, một nhà báo hỏi chuyện hai cô em gái TCS về cô gái người Nhật có tên Michiko. Nghe hai cô trả lời thì Michiko và TCS yêu nhau say đắm, khi gia đình TCS sang Nhật gặp gia đình Michiko để bàn chuyện hỏi cưới thì chuyện tình hai người đi vào kết thúc. Gia đình nhà gái thách hỏi thách cưới cao quá nhà trai chịu hết nỗi.
    Rất nhiều sách vở báo chí nói về tài năng TCS, về sự ngưỡng mộ của quần chúng đối với TCS nhưng chưa thấy một ai nói cho rốt ráo tâm trạng TCS khi chế độ mới quy kết ông thiếu quan điểm lập trường, không phân biệt phi nghĩa và chính nghĩa trong một số ca khúc phản chiến. Câu "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" làm ông sống mà không yên....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện tình cảm của nhạc sĩ TCS, chẳng hạn như chuyện đi hỏi vợ thấy nhắc đến nhiều, kể cả chuyện ngày xưa nhạc sĩ đã làm đám cưới rồi đêm tân hôn... chạy mất dép :-(((

      Có lẽ TCS viết nhạc cho ĐẤT NƯỚC, cho CON NGƯỜi VN nói riêng và CON NGƯỜI nói chung chứ không viết cho, hay để tung hô một ISME (Chủ nghĩa), câu nhạc "Hỡi 3 miền vùng lên cách mạng" (bài hát Huế - Sài Gòn - Hà Nội), mà than ôi người "Trí" thì nói "Kẻ không chống ta là bạn ta", nhưng người "U mê" thì lại "Ai không tung hô ta là kẻ thù của ta"...

      Một người Thiền và chắc có phần nào Ngộ như nhạc sĩ TCS có lẽ không "chấp" những định kiến xã hội đã quy cho ông, chẳng hạn về cách sống, hay quan điểm lập trường, có lẽ ông hiểu Chính nghĩa hay Phi chính nghĩa chỉ là cái hơn thua của một trò chơi sấp ngửa, chẳng phải là cái bất biến...

      Xóa
  5. Quên bác Bu, tôi cũng có 2 quyển Hồi ký của GS. Trần Văn Khê, thật thú vị khi đọc Hồi ký của ông, nó là một quyển "Sử", của một giai đoạn đất nước, chứ không còn là những ý nghĩ riêng tư nữa. Ngoài ra tôi còn có những sách này của ông, quyển Tiểu phẩm mới "lụm" như đã nói ở trên, Văn hóa với Âm nhạc Dân tộc, Du ngoạn trong Âm nhạc Truyền thống Việt Nam, Tính Dân tộc trong Âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy-Khê.

    Sách của GS. TVK viết về Âm nhạc dân tộc rất dễ hiểu, quá hay bác ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Mỗi ngày qua thăm anh và được học hỏi thêm những kiến thức thật bổ ích , nhưng có lẽ hay nhất là được nghe các bậc tiền bối đàm luận ...em thật bái phục !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, thấy NangTuyet và các bạn ghé thăm là vui rồi. Tiền bối gì NangTuyet, thỉnh thoảng... lảm nhảm chơi cho vui vậy mà :-)))

      Xóa
    2. Hihi ...Í em quên nữa chứ , mấy bức chân dung trông thật giản dị ...vậy chứ chúng đắt tiền lắm anh nhỉ ?

      Xóa
    3. Ông Trịng Công Sơn vẽ chân dung rất đẹp, có khi chỉ vài nét như bức đầu tiên nhưng lại diễn tả được cái "thần' của người mẫu. Tôi cũng nghĩ như NangTuyet chắc là đắt tiền, vì chắc chắn có những người sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra để sưu tập được chúng.

      Xóa
    4. Nang Tuyet ơi ! Hổm rày ở nhà Bác Hiệp có đãi món gì ngon hem....Hihi

      Xóa
    5. Chừng MTB xuất hiện trở lại tôi mới đi chợ vào bếp Hìhì!

      Xóa
  7. Chúc mừng bác NHP đã viết về Trịnh Công Sơn như đã dự tính. May mà bác LỤM được quyển sách của GS Trần Văn Khê để mọi người còn được biết thêm về việc trình luận án của Michiko.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, ngày xưa nhiều lần tôi đi nghe TCS và KL hát nhạc phản chiến, và ngồi quán cà phê ở khắp nơi nghe nhạc của ông, Saigon, Pleiku, Kontum, Quảng Đức, Phú Bổn, Bình Định, Nha Trang, Phú Yên... Nhạc của ông qua tiếng hát KL phải nghe thời chiến mới thấm...
      Cô gái Nhật Michiko thật hay phải không bác HN?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))