Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Tín ngưỡng dân gian.

Tiếng Việt là Ngũ hành miếu, nhưng dòng chữ Nho ở dưới là Ngũ Hành Nương Nương 

Có bạn hỏi Ngũ hành Nương Nương là ai? Vì sáng bạn đi ngang qua một ngôi miếu thấy có lễ vía Ngũ hành Nương Nương. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam chúng ta thường thấy người Việt có tục thờ Nữ thần (thờ Mẫu). Nếu ở miền Bắc chúng ta thấy thờ những hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống do Mây - Mưa - Sấm - Chớp, được hệ thống hóa thành Tứ Pháp: Pháp Vân (Thần Mây), thờ ở chùa Bà Dâu. Pháp Vũ (Thần Mưa) thờ ở chùa Bà Đậu. Pháp Lôi (Thần Sấm) thờ ở chùa Bà Tướng. Pháp Điện (Thần Chớp) thờ ở chùa Bà Dán. Hoặc thờ Tam Phủ, Tứ Phủ. Tam Phủ có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Mẫu Thủy). Tứ Phủ có thêm Mẫu Địa.

Ở miền Trung khu vực Thừa Thiên có tục thờ Thiên Mụ, Thiên Yana nguyên là một nữ thần của người Chăm đã được Việt hóa... Vào miền Nam chúng ta thấy việc thờ các hiện tượng tự nhiên khái quát như không gian thời gian qua hình ảnh của các nữ thần có biến đổi. Thần không gian được hình dung theo Ngũ hành, dưới dạng Ngũ Hành Nương Nương. Thờ Thần thời gian là Thập Nhị Hành Khiển, là mười hai vị nữ thần điều khiển sự sống, có trách nhiệm coi sóc việc sinh nở, đó là Mười hai Bà Mụ. Ở đây tôi xin nói qua về Ngũ Hành Nương Nương, để bạn có thể nắm bắt được phần nào.

Tượng Ngũ Hành Nương Nương ở chùa Thiền Lâm, quận 8 - Saigon.

Ngũ hành, không chỉ là năm yếu tố mà là năm loại vận động trong cuộc sống, nhất là trong cuộc sống từ xa xưa. Đất để trồng trọt, cây nuôi sống con người, nước tưới cho cây, lửa đốt tro nuôi đất, đá, sắt để làm ra công cụ lao động... Năm yếu tố ấy là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Thủy sinh Mộc (nước giúp cây cối tươi tốt). Mộc sinh Hỏa (gỗ làm nhiên liệu cho lửa cháy). Hỏa sinh Thổ (lửa đốt tro làm cho đất màu mỡ. Kim sinh Thủy (kim loại nóng chảy trở về thể lỏng). Đấy là quan hệ tương sinh của Ngũ hành. Ngũ hành còn có quan hệ tương khắc, như Thủy khắc Hỏa (nước dập tắt lửa). Hỏa khắc Kim (lửa nung chảy kim loại). Kim khắc Mộc (dao chặt cây). Mộc khắc Thổ (cây hút chất màu của đất). Thổ khắc Thủy (đắp đê ngăn nước).

Trong Ngũ hành ThủyHỏa mang tính đối lập âm/dương rõ rệt nhất, tương ứng với màu đenđỏ, tượng trưng cho hai phương bắc - nam. MộcKim cũng đối lập âm/dương nhưng kém hơn tương ứng với màu xanhtrắng. Thổ tương ứng với màu vàng ở trung ương.

Các bạn nào ở miền Nam, ngay ở Saigon chứ không phải đi đâu xa, thường thấy rải rác đây đó những ngôi miếu nhỏ đề Miếu Ngũ Hành (hoặc Ngũ Hành Miếu). Đây chính là nơi thờ Ngũ Hành Nương Nương, là một nữ thần phát xuất từ quan niệm Ngũ hành. Tuy nhiên người Việt Nam có tục thờ đa thần, nên trong miếu thường thờ thêm những vị thần khác như thần Xã Tắc, Thần Nông, Thổ địa, thần Tài... Ngũ Hành Nương Nương thường được thờ nơi những miếu, đình, đền, điện... là nơi thờ phượng của tín ngưỡng dân gian, như ở đình Phong Phú (quận 9), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)... Nhưng cũng có những chùa thờ Phật có ban thờ Ngũ Hành Nương Nương, như chùa Thiền Lâm (quận 8), chùa Vạn Thọ (quận 1)... Tục thờ Ngũ Hành Nương Nương ở miền Nam có lẽ có sau tục thờ các vị nữ thần khác, như thờ Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Linh Sơn Thánh Mẫu (Điện Bà - Tây Ninh), Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Ngọc...

Vía Ngũ Hành Nương Nương thường được cử hành vào ngày 19 tháng 3 âm lịch hằng năm, cũng có nơi cử hành vào ngày 23 tháng 3. Thoạt đầu người ta thờ bằng bài vị viết bằng chữ Nho, nhưng dần dần bài vị được thay bằng tượng của năm vị nữ thần, được sơn màu hay khoác y phục với năm màu tương ứng với Thủy (màu đen), Hỏa (đỏ), Mộc (xanh), Kim (trắng), Thổ (vàng). Theo sách vở chép đời vua Duy Tân thứ 5 (1911), triều đình đã sắc phong cho Ngũ Hành Nương Nương là "Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần), gồm Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi.

Như vậy chúng ta đã thấy, Ngũ Hành Nương Nương bao gồm năm vị  nữ thần phát xuất từ thực tại của cuộc sống, được thờ như những vị thần bảo trợ cho con người, những gì liên quan đến đất đai, cây cỏ, củi lửa, nước nôi, kim khí, cũng chính là những yếu tố trong công việc, nghề nghiệp của những nông dân, ngư dân, thợ tiểu thủ công từ ngày xưa... Thờ Ngũ Hành Nương Nương là người dân mong muốn cho cuộc sống của họ luôn được trôi chảy, sung túc, an lành...


Tham khảo:

- Cơ sở Văn hóa Việt Nam, PGS. TS. Trần Ngọc Thêm, NXB Giáo Dục - 1998.
- Lễ hội Dân gian Nam bộ, TS. Huỳnh Quốc Thắng, NXB Văn hóa - Thông tin - 2003.
- Các thông tin trên trang mạng.









25 nhận xét :

  1. bi chừ thì em đã hiểu :)

    Trả lờiXóa
  2. Vây là miếu Ngũ hành thờ Ngũ Hành Nương Nương . Nào giờ đi ngang Miếu ngũ hành cũng không rõ lắm ở đó thờ gì . Bây giờ đọc bác H đã rõ . Và Ngũ Hành Nương Nương là 5 vị thần , vậy mà đọc nương nương tưởng chỉ là một vị . Cám ơn bác H nhé .
    À mà hình như ở miếu Ngũ hành cũng có tổ chức lên đồng đó bác H

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Miếu Ngũ Hành thì chắc chắn là có thờ Ngũ Hành Nương Nương rồi :-)
      Chính xác đó là 5 vị nữ thần được sắc phong cao nhất là Thượng đẳng thần.
      Thờ Ngũ Hành Nương Nương là thuộc hệ thống Đạo Mẫu, mà lên đồng là một hình thức giao tiếp với Thần linh của Đạo mẫu nên không thể thiếu chuyện lên đồng. Nghi thức lễ vía Bà Ngũ Hành thường là chùi rửa tượng, thay áo mới, mũ mới..., múa dâng bông, hầu bóng...

      Xóa
  3. “NĂM CHẤT” ĐƯỢC TÍN NGƯỠNG THỜ “MẪU” BIẾN THÀNH “NĂM BÀ”

    Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành từ phương Bắc, rồi hòa quyện vào những tín ngưỡng dân gian đã có trước, người Việt cổ đã đưa thuyết này vào thờ phượng với những nhận định thực tiễn, giản dị. Chẳng hạn như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hoả hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; vùng trồng lúa, trồng màu thì thờ Thổ thần v.v… Mặt khác, tại nước Việt xưa, so với các tục thờ Thổ Địa, Tài Thần, Chúa Xứ Thánh mẫu.v.v…, thì tục thờ Ngũ Hành Nương Nương - tức thờ Ngũ Hành (vật chất) như một nhóm năm vị nữ thần – đã xuất hiện muộn hơn. Còn muộn hơn là mãi đến năm Duy Tân thứ năm (tức năm1911), triều đình nhà Nguyễn mới sắc phong chung cho năm Bà là các “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần", phân ra là: Thổ Đức Thánh Phi, Hoả Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người mình giỏi về "chế biến", 5 chất được tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian "chuyển hóa" thành 5 Bà :-))

      Bác Bu trở lại chắc sức khỏe đã khá, bác xem viết lai rai gì cho vui, từ ngày bác vắng blog cũng vắng theo, cả chị Gốc Mai cũng mải lo chinh chiến đâu đó ít thấy xuất hiện.

      Xóa
  4. Chị Tm Gốc Mai đang tả xung hữu đột bên Facebook với bạn bè trẻ thung hùng hậu...PNH à

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi không ở bên đó nên không biết, FB thích hợp với người trẻ vậy chị Gốc Mai tâm hồn còn trẻ trung lắm.

      Xóa
  5. Bài viết của bác Hiệp có nhiều thông tin rất bổ ích. Nhưng BoBi tôi vẫn chưa nghĩ ra điều này: Do tục thờ Mẫu của người Việt nên từ Ngũ Hành của phương bắc đã dần chuyển sang Ngũ Hành Nương Nương. Vậy không hiểu các Nương Nương ngồi cạnh nhau có tương sinh (thuận hòa) hoặc tương khắc (mâu thuẫn) giống như ngũ hành không bác Hiệp ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, câu hỏi của bác BoBi có lẽ phải chuyển đến chính các Nương Nương mới mong có câu trả lời chính xác :-)))

      Xóa
  6. Nhờ đọc bài viết này, mà HL biết được nhiều truyền thuyết trong dân gian rất bổ ích. Cảm ơn tác giả bài nghiên cứu này!

    Trả lờiXóa
  7. Ghé vào đây mong tìm một lời giải đáp và nhận được nhiều hơn mong đợi, cám ơn bạn nhé, chúc bạn vui vẻ an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn, rất vui khi bạn nhận được nhiều thông tin qua bài viết.
      Chúc bạn như ý.

      Xóa
  8. Mới đi PT dzìa hôm qua nè ông anh ui! Mệt quá nên chỉ... dạo chơi ngắm cảnh chút chút hè. Nghe anh nói về 5 bà nương nương Giáo cũng thấy thích, nhưng ở quê G ko thấy thờ 5 nương nương này anh Phạm à!
    À, bạn Hồng Lập này nghe nói cũng ở PT hay sao anh à, hôm nào G phải hỏi kỹ để kết mô đen mí được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa vậy bạn Giáo ở Bình Thuận là đâu? Không phải Phan Thiết? Hình như thờ Ngũ Hành chủ yếu là vùng phía Nam từ Biên Hòa trở vào và của người Việt, chùa người Hoa không thấy thờ mấy vị này.

      Tôi cũng nghĩ anh bạn HL ở PT gần chỗ Giáo.

      Xóa
    2. Giáo ở Phan Rí anh à. Ko biết PT có thờ ko nhưng ở PR thì ko thấy, chỉ có thờ mỗi Phật Bà thôi! Anh qua blog HL mà hỏng để ý hả? Ngừ ta là nữ, chị HL đó ông anh ui! hehe...

      Xóa
    3. Dân gian có câu "Cơm Nai, Rịa/ Cá Rí Rang", để nói gạo vùng Đồng Nai, Bà Rịa nấu cơm ngon, và cá thì vùng Phan Rang, Than Rí là "hết sẩy". Ngày xưa người ta cũng gọi là Phan Lang, Phan Lý, cái này là do phiên âm sang chữ Hán Việt không có vần "R".

      Aha, vậy mà tưởng bạn này là nam, hehe! sory, sorry, sorry :-)))

      Xóa
    4. Xài ké cái máy của cu cậu con trai quên chưa thoát sang trang của mình :-)))

      Xóa
  9. Từ nào đến giờ em cũng hay đi viếng Bà lắm , nhưng em lại không biết rõ gốc tích của Ngũ Hành Nương Nương ...nay nhờ anh Hiệp hôm nay em mới hiểu . Cảm ơn anh nhiều nhé ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi không rõ, thấy Ngũ Hành Nương ương nghe có vẻ ngộ, nhưng hiểu thấy cũng hay hả NangTuyet? Hồi này ít thấy NangTuyet?

      Xóa
    2. Dạ , em có chút chuyện riêng nên không có thời gian vào blog thăm bạn bè đó anh Hiệp ạ ...nay tạm ổn nên bò vào quấy rầy bà kon nữa nè ...hihi ...

      Xóa
    3. Rất mừng khi được NangTuyet quấy rầy, hihi! Ổn chắc khỏe rồi :-))

      Xóa
  10. Trong Nam đúng là rất đa dạng, dung hợp hết mọi thứ tôn giáo, tín ngưỡng do di dân mang đến kết hợp với bản địa. Trong đó còn Cầu Tài, cậu Qúy, mẹ sinh, mẹ dưỡng... Hôm em ra Phú Quốc thấy "Chúa Ngọc nương nương" nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cậu Tài, cậu Quý, hai cậu này được ngư dân thờ như vị thần hộ mệnh, còn Chúa Ngọc Nương Nương (bà Chúa Ngọc)... Nói chung tín ngưỡng dân gian thờ nhiều lắm, Ông, Bà, Cô, Cậu... đủ hết đó Toro :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))