Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Đọc.





Đọc sách là mở cánh cửa để nhìn vào một thế giới thần tiên. F. Mauriac (*)

Sắp tới đây bắt đầu từ ngày 23-3 đến ngày 30-3-2014 sẽ có một tuần lễ sách tại công viên Lê Văn Tám ở quận 1 Saigon, trưng bày và bán sách của một số nhà xuất bản quen thuộc. Trong hội sách cũng có những hoạt động văn hóa như trưng bày sách cổ, giao lưu, hội thảo về sách, đọc sách... Lại sắp tốn tiền rồi đây...

Khoảng đầu tháng tôi có đọc được trên một trang báo mạng một bài nói về buổi tọa đàm ở trường THPT Quốc Học Huế. Trong buổi tọa đàm có nhà ngoại giao, nhà văn, ca sỹ, và khoảng 500 bạn trẻ yêu sách tại Huế. Chủ đề của buổi tọa đàm là chọn sách đọc, dễ hay khó? Sách bây giờ nhiều lắm, vào một nhà sách thì thấy, không như vài thập kỷ trước. Sách được in trên giấy đẹp, trình bày bắt mắt, đủ mọi tác giả, đủ mọi thể loại. Nhưng tôi vẫn thường nghe bạn bè nói bước vào nhà sách bây giờ thấy có rất nhiều đầu sách, nhiều khi đi một vòng chọn lựa rồi trở ra tay không, vì chẳng có cuốn sách nào hay để mua đọc.

Điều này có vẻ như một nghịch lý. Sách có vẻ như nhiều quá, mà cũng có vẻ như ít quá. Bạn có thể tìm được đủ đề tài trong đám sách bày bán. Thơ ca, văn chương nội ngoại xưa nay, lịch sử, triết học, khoa học đông tây kim cổ, cả loại sách xem tướng số, tử vi, chỉ tay, bói bài, đoán điềm giải mộng..., cho đến sách dạy làm vườn, nữ công gia chánh, dạy võ, nuôi chim, cá, gà chọi, và nghệ thuật yêu đương, tâm lý nam nữ... Chưa kể một rừng sách viết về tôn giáo...

Có lần một người bạn đến nhà chơi, thấy kệ sách của tôi người bạn nói, mua làm gì cho tốn kém để chật nhà. Bạn cũng thường xuyên đọc nhưng đọc trên mạng, và hay ngồi quán cà phê để đọc, trước thì trên một cái laptop, nay bằng một cái ipad nhỏ gọn như một quyển sổ tay, rất tiện lợi. Nghe bạn nói tôi chỉ cười trừ, vì đó là sở thích của bạn, có lẽ hợp thời thượng. Nói chung đọc trên sách giấy cổ điển, hay trên mạng bởi những thiết bị hiện đại, đó cũng chỉ là những phương tiện, cái quan trọng là ta đọc được những gì trong đó...

Tôi cũng thường tìm kiếm những thông tin trên mạng, và cũng thường tìm được những trang mạng rất hay, đọc được nhiều điều bổ ích. Nhưng những thông tin trên mạng cũng có một nhược điểm là nhiều khi không đáng tin cậy, hoặc có khá nhiều sai lạc, bởi tất cả những gì liên quan đến từ khóa ta muốn tìm hay dở gì đều hiện lên đó, muốn sử dụng lại phải sàng lọc, chọn lựa, đối chiếu... Cũng có những quyển sách mà trên mạng không có, nếu muốn đọc phải tìm đến sách in.

Nhưng nói thế không phải là ta có thể tìm được tất cả trong sách và cái gì sách viết cũng đúng, cũng tin ngay được. Chẳng hạn sách viết về tôn giáo, vào một nhà sách chuyên về sách Phật giáo, ta có thể thấy cả ngàn đầu sách. Nhưng không ít bạn muốn tìm hiểu về đạo Phật nói thử tìm sách đọc, đụng phải vài quyển rồi... thôi. Có sách viết cao, uyên bác quá đọc không hiểu, ngược lại có những sách do nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản đàng hoàng, nhưng chỉ toàn thấy đề cao những phép lạ kiểu xin - cho, đọc thấy chán...

Nói chi đâu xa từ điển tiếng Việt, do những giáo sư và những nhà xuất bản có uy tín phát hành mà chữ nghĩa trong đó mỗi quyển mỗi khác, như một chữ ta thường gặp, trong Từ điển Chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản (NXB Khoa học Xã hội - 1995) viết là "Bánh giầy" (bánh chưng, bánh giầy), quyền Chính tả tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học - 1999) cũng ghi "Bánh giầy", thì quyển Từ điển Chính tả tiếng Việt của Như Ý - Thanh Kim - Việt Hùng (NXB Giáo Dục - 1995), ghi rõ những từ dễ viết sai lại viết là "bánh dày". Biết tin vào sách nào?

Học giả Nguyễn Hiến Lê (**), người đã viết và xuất bản trên 100 tựa sách từ những năm 50 của thế kỷ trước, ông viết về nhiều thể loại, nổi tiếng về loại sách dịch thuật Hán văn, Anh và Pháp văn có giá trị, và tủ sách Học làm người, có những quyển sách của ông tái bản đến 19, 20 lần. Trong quyển Tự học một nhu cầu thời đại, ông đánh giá cao quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, nhưng đồng thời ông cũng viết, nếu muốn tìm hiểu về sử Việt chỉ đọc một quyển sách của Trần Trọng Kim thì không đủ, cần phải đọc thêm nhiều quyển sử khác, như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, hay Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh... Quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim viết rất kỹ lưỡng, nhưng nếu muốn tìm hiểu về Nho giáo nên đọc thêm tập Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim viết nặng về duy tâm, còn Đào Duy Anh viết thiên về duy vật, hoặc quyển Phê bình Nho giáo của Ngô Tất Tố... Khi có nhiều nguồn tài liệu chúng ta sẽ có một cái nhìn khái quát hơn về vấn đề cần tìm hiểu, và khi đọc sách cần phải biết tìm tòi, chọn lọc, so sánh, suy nghĩ, lý luận... vì "Tin hết ở sách, thà đừng đọc sách" (Tận tín thư bất như vô thư - Mạnh Tử).

Ngày xưa trong 100 người chỉ may ra có 1 người biết đọc chữ Hán, chữ Nôm, và sách cũng không có nhiều để đọc, thì việc "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" là điều dễ hiểu, mà khi xưa cũng không dễ có điều kiện ra khỏi lũy tre làng, cho nên đi cũng là một cách đọc từ cuộc sống. Cho đến tận bây giờ, cuộc sống vẫn luôn là một trang sách mở để chúng ta có thể đọc và học hỏi được rất nhiều điều. Du lịch, hay có khi công việc đây đó chính là con đường để mở mang kiến thức, trí tuệ, học được những sàng khôn. Nhưng hình như đa số người mình không nhận ra điều đó. Khi còn đi làm thỉnh thoảng cơ quan tổ chức du lịch, chừng như mọi người chỉ nghĩ đi để ăn chơi là chính, đến Huế, Hội An, hay ghé thăm một tháp Chàm, ra nước ngoài đến Angkor... chủ yếu là tranh thủ... diện quần áo chụp hình, gần như không có ai tìm hiểu về những nơi mình ghé thăm, về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, cuộc sống của người dân ở nơi ấy... ngay cả với những người trẻ tuổi, họ chú tâm vào việc... nhậu bất kể lúc nào có thể, sáng đêm, đi như thế cũng có phần uổng...

Một lần gần đây tôi ghé một tiệm bán sách cũ, thấy có mấy cô học sinh tuổi khoảng chừng cuối cấp 2 mang một chồng sách đến bán, hoặc đổi lấy sách khác. Đấy là những quyển sách truyện tác giả trong nước có, sách dịch có, là loại sách viết cho tuổi "teen" đọc. Sách còn rất mới, in đẹp, tôi thường thấy bày bán khá nhiều nơi tiệm sách bây giờ. Nhưng chị bán hàng lắc đầu, nói tiệm không mua cũng không đổi, chị ấy nói, loại sách này bây giờ mua đọc một lần rồi bỏ, nếu bán tiệm chỉ thâu lại theo giá giấy cân ký bốn năm ngàn một ký. Mấy cô bé học sinh nói bố mẹ mua cho đến mấy trăm ngàn, rồi khệ nệ ôm về. Khi mấy cô học sinh đi khỏi chị bán hàng nói với tôi, loại sách này ít có giá trị, bán ở tiệm sách cũ chẳng có ai mua...

Đọc, và biết đọc những gì, hình như cũng không phải là dễ...



Ghi chú:

(*) Francois Mauriac (1885-1970), nhà văn Pháp, đoạt giải văn chương Nobel năm 1952.
(**) Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), bút hiệu Lộc Đình, là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, ông viết, dịch rất nhiều sách về đủ mọi thể loại với 120 tác phẩm, nhiều thế hệ ở miền Nam đã đọc sách của ông, sách của ông đã được tái bản rất nhiều lần, mang lại rất nhiều tri thức cho người đọc.



14 nhận xét :

  1. Giáo cũng đồng ý với anh là đọc báo mạng phải biết sàng loc, tỉnh táo để đừng chạy theo số đông, đừng hùa theo phong trào...
    Giáo cũng thích đọc sách báo in, vì ngoài kiến thức, ta còn có cái thú cầm lên tay một cái gì đó thân thiết, quý giá và ngồi nằm nơi đâu cũng đọc được. Hơn nữa, nhưng thông tin được in ra trên giấy dù sao cũng được kiểm chứng khá tốt, là nói về sách có giá trị.
    Đúng là ở nhà sách hiện giờ bước vào dễ hoa mắt trước một rừng sách thiệt đa dạng, nhưng khó chọn được cuốn mình ưng ý. Nhưng rảo qua các kệ sách thì vẫn thú vị lắm anh Phạm à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thú vị quá ấy chứ bạn Giáo, đó chính là lý do thỉnh thoảng tôi vẫn phải đi rảo rảo trước mấy cái kệ sách :-)))

      Xóa
  2. Con gái Mác hỏi bố: Phương châm sống của ba? Mác trả lời: Nghi ngờ tất cả.
    Mạnh Tử nói: Cả tin sách, chẳng bằng không có sách.

    ( 孟 子 曰 : 盡 信 書 則 不 如 無 書 Mạnh Tử viết: Tận tín thư tắc bất như vô thư)
    Hai ông đều có lý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước hết là chào mừng bác Bu đã tái xuất giang hồ.

      Vụ nghi ngờ này thì Tào Tháo là sếp sòng, hìhì!

      Xóa
  3. Lần đầu khám phá trên mạng có một kho sách để đọc , cũng thấy ... hồ hỡi , phấn khởi lắm . nhưng sau đó vẫn trở lại với sách . Cho nên thỉnh thoảng được bạn bè tặng sách cũng thích ( còn hơn là được tặng mấy chai rượu không biết làm gì với nó ... )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ah ..như vậy là em biết gout của chị Marg rồi đó nhé ...

      Xóa
    2. Đọc sách trên mạng nếu tìm được sách hay cũng tốt lắm, có điều có những quyển mình muốn đọc lại không thấy, nhất là loại sách khảo cứu.
      Vậy để có dịp nào sẽ tặng sách :-))

      Xóa
    3. Meilleur gout đó NangTuyet.

      Xóa
  4. Có tủ sách ở nhà anh Hiệp rồi ...vào đọc cũng đỡ ghiền ..hihi ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NangTuyet có đọc... Từ điển không? Từ điển Hán - Việt, Việt - Hán, Tiếng Việt, Điển tích, Điển cố, Tầm nguyên, Phật học... qua nhiều thời kỳ ở cả 2 miền Nam Bắc, và khá nhiều loại từ điển khác nữa, kể cả từ điển nói về Bầu trời và các vì sao, về Đại dương, hì hì...

      Mấy hôm nay tôi đang "đọc" mấy quyển từ điển từ ngữ cổ, điển cố, điển tích... thấy có nhiều chữ hay lắm. Chẳng hạn chữ "Đăm chiêu" bây giờ mình hiểu là "đang bận tâm suy nghĩ về một vấn đề gì đó", thì gốc của nó là "bên phải, bên trái". Đăm là bên phải, còn Chiêu là bên trái. Câu thành ngữ "Chân nam đá chân xiêu" để chỉ mấy ông say xỉn là câu nói sai của "Chân đăm đá chân chiêu"... hì hì! Đọc mới vỡ được nhiều điều.

      Xóa
  5. Làng blogspot heo hắt, chỉ có bác Hiệp là vẫn đều đặt post bài và thủy chung ở đây, trân quý lắm thay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu mới thấy TT, cũng như bác Bu vậy. Đầu óc lung tung cho nên tôi viết được... lung tung thứ, hihi, cũng chủ yếu là vào mạng coi thời sự, tin tức là chính, và thỉnh thoảng ghé qua bạn bè xem sao :-)))

      Xóa
  6. Hii, chả thế các cụ có câu; Đa thư loạn ngôn đó anh Hiệp. Nhưng dù gì thì bánh dày chứ không bánh giầy đâu.
    Còn nghi ngờ tất cả để tin tưởng hoàn toàn, chứ không phải nghi ngỡ mãi đâu bác Bu ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo Đại Nam quấc âm tự vị (tự điển về từ ngữ miền Nam) thì viết là "giầy", còn Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (đại diện cho ngôn ngữ miền Bắc) viết là "dày". Sách giáo khoa dạy học sinh bây giờ viết "giầy" chứ không phải "dày" đâu Toro.
      "Nghi ngờ tất cả để tin tưởng". Đúng đó Toro, "Đa thư loạn ngôn" là với người chỉ biết có "một quyển sách" (cũng có câu "người đáng sợ là người chỉ đọc một quyển sách"). Còn chúng ta cần phải "loạn ngôn" để rồi mới mong có được "chính ngôn". Như thế mới không trở thành những... con cừu :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))