Tuần trước tôi rời Saigon đi Bạc Liêu vào lúc 5g sáng khi trời còn tối, con đường ngắn nhất đến Bạc Liêu là đi qua đường cao tốc Saigon-Mỹ Tho rồi chuyển sang quốc lộ 1 thẳng một đường qua Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu, lòng vòng thêm một vài nơi, đoạn đường dài gần 400 cây số, xêm xêm Saigon-Đà Lạt.
Đoạn cao tốc Saigon-Mỹ Tho mờ trong sương sớm.
Sáng sớm trên đường cao tốc mờ sương mù, những ngôi nhà ẩn hiện trên ruộng vườn, và khi bình minh thì mặt trời tháng 3 chói lọi vươn lên khỏi những hàng cây.
Bình minh nhìn từ đường cao tốc.
Đa phần đoạn đường mấy trăm cây số đi từ Saigon xuống Bạc Liêu bây giờ nằm trên quốc lộ 1A, trước năm 1975 gọi là quốc lộ 4. Xem lại sách vở thì ngày xưa gọi là con đường Thiên lý, hay con đường Cái quan. Con đường Thiên lý theo như tên gọi, là con đường chạy suốt theo chiều dọc của đất nước dài cả ngàn dặm, được đắp từ thế kỷ XIV đời nhà Trần, nối Thăng Long và Thanh Hoa (Thanh Hóa). Đến đời nhà Hồ đầu thế kỷ XV, đường Thiên lý đã đến Thuận Hóa. Dưới đời các chúa Nguyễn và các vị vua nhà Nguyễn, sau những cuộc chinh phục Chiêm Thành, những cuộc chiến tranh với anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, con đường Thiên Lý được kéo dài tới Bình Định, Phú Yên, Biên Hòa, Saigon, Vĩnh Long, rồi đến tận Cà Mau. Đoạn cuối cùng đã đến Hà Tiên vào năm 1757.
Dưới thời Gia Long nhà vua cho sửa sang và mở rông nhiều đoạn, xây thêm cầu cống, đặt nhiều trạm nghỉ, cứ khoảng 15 cây số có một trạm để làm nơi nghỉ (gọi là một cung đường), đổi ngựa, cho quan lại đi lo công việc nước, hoặc các phu trạm chuyển công văn, khiêng cáng cho quan, vì thế con đường Thiên lý còn được gọi là con đường Cái quan (*).
Cầu Cần Thơ bắc qua một nhánh của sông Hậu, ngày trước muốn qua phải đi bằng phà.
Về miền Tây là vùng chằng chịt sông rạch, ngày xưa qua khỏi Mỹ Tho là gặp những chuyến phà, bắc ngang qua sông Tiền và sông Hậu. Đi Bến Tre (trước năm 75 là tỉnh Kiến Hòa) phải qua phà rạch Miễu ngang qua Cồn Phụng nơi ông Đạo Dừa đóng đô một thời. Hoặc muốn đến Vĩnh Long phải qua phà Mỹ Thuận, đến Cần Thơ phải qua tiếp phà Cần Thơ... Ai có quê nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không bao giờ quên cảnh lên xuống, buôn bán tấp nập ở hai bên bờ lên xuống của một bến phà, có nhiều khi kẹt phà hàng giờ đông hồ, hành khách tha hồ có thời giờ ngắm dòng sông đục ngầu phù sa... Những chuyến phà về miền Tây giờ đây chỉ còn là ký ức.
Hình ảnh của một chuyến phà. Ảnh Internet
Ngoài những chuyến phà bắc qua những con sông lớn, ở miền Tây ngày xưa còn vô số những cây cầu sắt lót ván khá ọp ẹp, chỉ có thể chạy một chiều. Hai bên đầu cầu ngày trước có bót lính canh gác, vừa để giữ an ninh cho cây cầu vừa hướng dẫn giao thông. Khi có làn xe bên này cầu di chuyển thì làn xe ngược lại bị chặn ở đầu cầu bên kia, giống như kiểu đèn xanh đèn đỏ ở thành phố. Và khi xưa thời chiến tranh về miền Tây thường mất rất nhiều thời gian vì kẹt phà, cầu. Nhất là khi gặp những "convoi" (đoàn xe) nhà binh chuyển quân, có khi mất cả nửa ngày chờ đợi để qua một chuyến phà, hay cả giờ để qua một cây cầu sắt...
Hôm bữa đi Bạc Liêu buổi trưa ghé vào chùa Dơi, phía trước chùa là những hàng quán, tôi ghé mua mấy cái giỏ nhỏ đan bằng tre, năm, mười ngàn đồng một cái, thấy bên cạnh có chiếc xe đẩy bán bánh "tai yến" nhưng đề là "tay yến", hihi, cũng một kiểu viết đúng chánh tả Nam bộ.
Những cây cầu sắt như thế này thỉnh thoảng vẫn còn thấy ở miền Tây Nam bộ.
Hôm bữa đi Bạc Liêu buổi trưa ghé vào chùa Dơi, phía trước chùa là những hàng quán, tôi ghé mua mấy cái giỏ nhỏ đan bằng tre, năm, mười ngàn đồng một cái, thấy bên cạnh có chiếc xe đẩy bán bánh "tai yến" nhưng đề là "tay yến", hihi, cũng một kiểu viết đúng chánh tả Nam bộ.
Giỏ đan bằng tre.
Bánh tay yến.
Cũng ở Sóc Trăng khi buổi trưa ngày hôm sau trở về ghé lại, nghe nói món bún nước lèo Sóc Trăng nổi tiếng, tôi đã hỏi thăm người dân bán hàng bên đường xem có nơi nào ăn bún nước lèo ngon không?. Sau khi được tận tình chỉ dẫn xe chạy đến một quán rất bình dân bên bờ sông Maspéro còn gọi là sông Cầu Quay, dòng sông hằng năm diễn ra cuộc đua ghe ngo hào hứng của người Khmer Sóc Trăng. Quán "Cây nhãn" nằm bên cạnh một cái đình nhỏ có vẻ cổ tên gọi là đình "Ông Bắc", quán Cây nhãn, nhưng đây chỉ là cách gọi của người dân địa phương vì không thấy có bảng hiệu, bàn ghế nhựa thấp đặt dưới tán của một cây nhãn thấp cong queo có một vẻ già cỗi.
Tô bún nước lèo giá cả bình dân (chưa đến 30 ngàn đồng, so với Saigon là quá rẻ) rất ngon, gồm đủ thứ, thịt quay, một miếng cá lóc phi lê không có đến một cọng xương dăm, mấy con tôm..., đặc biệt trong tô bún nước lèo chỉ có hẹ và một ít rau chuối xắt sợi, không có hành lá như ăn phở... Quả thật tô bún nước lèo Sóc Trăng có vị thơm của mắm, ăn ngọt ngào, khác hẳn mùi vị của tô bún nước lèo Saigon. Buổi trưa ghé trời nắng nóng, ngồi dưới tán cây nhãn hứng gió mát từ bờ sông thổi vào, xì xụp húp tô bún nghe chiếc máy hát trong quán "mần" một bản cải lương "mùi mẫn" thật đúng điệu miền Tây Nam bộ... Có điều hơi tiếc, xuống xe không mang theo máy chụp hình nên tôi không chụp được cây nhãn ở quán.
Tô bún nước lèo Sóc Trăng. ảnh Internet.
Về miền Tây, cái còn đọng lại trong tôi là người dân miền Tây Nam bộ vẫn còn giữ được rất nhiều vẻ chất phác. Nhưng một kinh nghiệm là khi đi xa dù là du lịch hay không chủ đích du lịch, nếu có thể được đừng hỏi han mua bán gì ở những nơi thờ phượng đông đúc khách hành hương (như khi đến Bà chúa Xứ Châu Đốc), hay những hàng rong, hàng quán có người níu kéo, chào mời du khách, ở những nơi đó ít gặp được người đàng hoàng. Trái lại, ở những nơi bình thường khác, khi về miền Tây, tôi luôn bắt gặp những nụ cười, những chỉ dẫn rất tận tình của người dân, từ đám trẻ em mặt mũi đen nhẻm nhếch nhác ven đường, cho đến những người dân buôn gánh bán bưng, bác xe ôm... Họ rất tử tế.
Nhà thờ Sóc Trăng.
Khi dừng lại hỏi đường, tôi luôn gặp được những chỉ dẫn tận tâm, hình như họ rất vui khi được tiếp xúc, giúp đỡ người khác. Có bác tài xe ôm dọc đường sau khi chỉ đường còn cẩn thận dặn, đoạn đường ấy xe chỉ được chạy 40 cây số giờ thôi, chạy quá công lộ nó phạt giữ giấy xe phải quay lại lấy mệt lắm... Ngày xưa người dân Nam kỳ lục tỉnh đã nổi tiếng hiền hòa, hiếu khách, "tứ hải giai huynh đệ". May thay điều này vẫn chưa phai nhòa trong lòng những người dân Nam bộ...
(*) Theo Từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa, Trần Ngọc Bảo, NXB Thuận Hóa - 2005.
Saigon, những ngày nắng cuối tháng 3 - 2014.
Saigon, những ngày nắng cuối tháng 3 - 2014.
hehe... đi mệt ăn một tô bún Sóc trăng, quá đã! Nhưng tiếc là chỉ có anh Phạm ăn, còn G thì... ngóng rùi thèm! hic...
Trả lờiXóaKhổ thân, chừng nào bạn Giáo có đi ngang hay đến Sóc Trăng nhớ ghé xực bún nước lèo Cây nhãn, bảo đảm ngon bổ rẻ :-)))
XóaCũng một lần được ghé thăm miền Tây...hàm thụ. Bỗng nhớ bài hát "Về miền Tây" (có ai về là về miền Tây, ruộng đồng xanh bát ngát...) thiệt dễ thương như sự vồn vả, thiệt lòng như một truyền thống ngàn xưa của người dân vùng sông nước hiền hòa này,
Trả lờiXóaHìhì, cũng như tôi sang bên nhà bác HN được đi Thái Lan miễn phí. Bài hát bác HN nhắc "có ai về miền Tây, ruộng đồng xanh bát ngát...", bây giờ không đúng gì mấy nữa nếu mình không quen biết ai ở sâu trong ruộng. Giờ đi xe từ Saigon đến Cà Mau hai bên đường chỉ thấy nhà là nhà, ruộng vườn ở đâu xa xa.
XóaNhưng nhìn chung người dân vùng sông nước Cửu Long vẫn còn hiền hòa lắm :-)))
Tiếc quá , bác H không đem máy để chụp hình lại tô bún nước lèo bác thưởng thức ở gốc cây nhãn xem nó ra sao , hihi .
Trả lờiXóaCó cái giỏ tre , nhìn làm nhớ mấy bà già trầu xưa ((-:
Thế mới dở, về nhà mở computer lên mạng gõ "Bún nước lèo Sóc Trăng", chỉ thấy nói về quán Cây nhãn này, lạ thế. Hôm ghé ăn thấy có những người dân địa phương ăn mặc lịch sự, đi xe tay ga đắt tiền ghé ngồi ăn thì biết ngay quán thuộc loại đặc biệt.
XóaMấy cái giỏ tre cái nhỏ 5 ngàn, cái vừa 10 ngàn, cái lớn 15 ngàn, còn có mấy cái dù đồ chơi màu sắc sặc sỡ 15 ngàn... :-)))
Ký sự giang hồ của anh H luôn hấp dẫn vì đạm chất văn hóa, có nhiều kiến thức trong đso.
Trả lờiXóaNgười dân ở nơi có tôn giáo lại gian manh, không chất phác như chỗ khác. Đúng rồi vì đó là chợ.
Hihi, văn hóa và kiến thức là cái cần thiết trong cuộc sống. Ngày xưa từ thời phong kiến vua chúa, đến thời Pháp thuộc, kể cả thời Mỹ ngụy, quan lại người làm việc nhà nước có bằng cấp luôn là người có văn hóa và kiến thức. Thời nay có vẻ như ngược lại.
XóaThời... buôn thần bán thánh :-(((
Nghe bác kể, phát thèm!
Trả lờiXóaLâu lâu giang hồ một chuyến :-)))
XóaTôi cũng đã dăm lần qua miền Tây.
Trả lờiXóaVẫn cám ơn bác Hiệp về chuyến đi ghé này!
Bác Vũ Nho đi như vậy cũng là khá, chắc những chuyến về miền Tây với bác luôn có những kỷ niệm?
Xóa