Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Dở như hạch.


Đã lâu tôi không nghe ai nói đến câu này, "dở như hạch" có nghĩa là rất dở, dở tệ, dở quá xá, hay như dân miền Nam nói là dở òm, dở ẹc (ẹt), dở khẹc... Câu nói này hình như của dân Nam bộ, trong nhà tôi không thấy các cụ nói. Thời còn nhỏ đám nhóc tì chơi đùa hay chê bai nhau như thế "nó chơi dở như hạch", mà không phải chỉ đám nhóc, tôi cũng nghe người lớn nói thế. Vào sân Cộng Hòa (sân Thống Nhất bây giờ) coi đội Tổng Tham Mưu đá với đội Quan Thuế, nghe người lớn bình luận "thằng đó hồi này đá dở như hạch, trái đó ngon ăn dzậy mà đá không dzô".

Có một câu tương tự là "dở như cám hấp", cám hấp thì hiểu được, bởi cám mà hấp hay nấu lên chỉ để cho heo, lợn xơi chắc chắn chẳng ngon lành gì, nhưng "hạch" là gì mà dở thế thì phải công nhận từ hồi nhỏ đến giờ tôi không hiểu. Cũng có thắc mắc đi hỏi người lớn chẳng có ai giải đáp, mà trong sách vở kể cả tự điển chỉ thấy giải thích "hạch" có mấy nghĩa. Đại khái hạch là "bắt bẻ, vặn vẹo đòi thế nọ thế kia" (chắc như mấy gia CSGT bây giờ hay đi "canh me" bắt xe cộ để "làm luật"), như hạch sách, hạch họe, hoặc là "cục nổi ở cổ, bẹn, nách" như nổi hạch. Cũng có nghĩa là khảo sát, như sát hạch trong kỳ thi. Gần đây tôi mới biết thêm một nghĩa nữa trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của. Heo hạch, giải nghĩa là: Thứ heo đực, dái lớn mà nhỏ con, có thiến đi nó mới lớn. Tất cả giải thích về chữ "hạch" ở trên, kể cả "heo hạch" trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tôi thấy có vẻ như chẳng liên quan gì đến chữ "hạch" có nghĩa là... "dở như hạch".

Thời may mấy ngày trước đọc trong sách của Vương Hồng Sển(*), cụ có giải thích về câu "dở như hạch". Thời xưa cách nay bảy tám chục năm trong miền Nam có từ "Chà và" phiên âm từ chữ "Java", gọi tắt là "Chà" để chỉ chung bọn người da ngăm đen từ vùng Hạ Châu (còn gọi là Nam Đảo, vùng Indonésia, Malaysia...). Tùy theo cái đặc sắc của họ mà người mình đặt tên:

- Chà chóp, vì đầu có chừa chóp.
- Chà gạch mặt, vì mặt có thẹo có vằn (đúng ra là rạch mặt, bọn Sénégalais).
- Chà tóc đỏ, vì tóc, râu như râu bắp, râu ngô.
- Chà tóc quắn, Chà này thợ cắt tóc ngán nhứt vì hớt mãi tóc vẫn sặt rằn.
- Chà Châu Giang, vốn là người Chàm (Chăm) di cư về miền Hậu Giang và đóng đô tại cù lao Châu Giang, ngang chợ Châu Đốc trên sông Cái.
- Chà hạch, đây là bọn người chuyên môn thức đêm giữ cửa và canh gác hãng buôn. Nguyên lai họ từ xứ Á Rập đến và thường theo đạo Hồi-Hồi cho nên còn gọi là người Hồi.

Tuy nhiên tại sao lại gọi họ là người "hạch", cụ Vương giải thích tiếp bởi thấy danh tánh của họ đều có chữ Hadj đứng đầu (cụ Vương thời trai trẻ đã làm việc thơ ký công văn giấy tờ nhiều năm trong những Tòa bố ở miền Tây, và cả  dinh Thống Đốc Nam Kỳ nên điều cụ nói chắc chính xác), chữ "hạch" là phiên âm của "Hadj", cũng như "Chà và" là phiên âm của "Java". Dân ta bèn đặt luôn cho họ một cái tên rất kêu, gột rửa không ra, đó là "hạch gác cửa". Bọn Chà hạch này ngoài chuyện chuyên môn làm nghề gác cửa, ngày xưa gọi là "gác dan", cũng từ chữ Tây "gardien", họ dở ẹc chẳng biết làm ăn chuyện gì khác, cho nên cái câu "dở như hạch" là từ bọn người Chà hạch này mà ra.

Trong sách của cụ Vương có nói trong danh tánh của người "Chà hạch" đều có chữ Hadj đứng đầu, nhưng không thấy cụ giải thích chữ Hadj có nghĩa là gì? Tên họ chăng? hay là tên thánh, pháp danh?, hay có nghĩa gì khác? Lại mày mò tìm hiểu, thì ra chữ Haj hay Haji, Hadj của người Á Rập có nghĩa là "hành hương". Người theo Hồi giáo có một ước nguyện là trong đời có một lần hành hương đến thánh địa Mecca, và  những ai trong đời đã đến được thánh địa Mecca đều được phong tặng cho chữ đó ghép vào tên họ, được coi như một vinh dự.

Thế là bây giờ tôi mới hiểu được cái công án "dở như hạch" sau hơn 50 năm, trong cuộc sống chỉ một chữ "hạch" là dở tệ thôi mà phải hơn nửa đời người mới biết được cặn kẽ, thật không hề đơn giản, đúng là... dở như hạch!


(*) Quyển Hậu Giang - Ba Thắc, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 2012.





12 nhận xét :

  1. Và mãi bi giờ Giáo cũng mới biết, mà lại biết sau anh nữa, dzị mới đúng là... dở như hạch! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ( - ) với ( - ) thành ( + ), mình dở mà biết mình dở dzị là... giỏi rùi. Tự yên ủi vậy đi Giáo :-)))

      Xóa
  2. Huhu......Dạo này chẳng còn thời gian qua nhà bác hiệp " quậy" nữa rồi...........Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mần kí gì mà bận dữ vậy MTB, thỉnh thoảng qua quậy cho vui cửa vui nhà chớ :-)))

      Xóa
  3. Vậy mà trước giờ vẫn tưởng "dở như hạch" là câu nói xuất phát từ miền Bắc chứ, vì M không nghe ba mẹ mình nói mấy từ đó ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở miền Bắc chẳng rõ có người "hạch" Á Rập này không? Chứ cụ Vương Hồng Sển đã viết thì rõ nó là từ của miền Nam :-)))

      Xóa
  4. Quá hay, mục này nên đăng báo để mở mang dân trí anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thấy cũng trên báo chí bây giờ cũng nên có một mục thỉnh thoảng nêu lên mấy chuyện kiểu này, xem chơi cho biết, hihi!

      Xóa
  5. Chữ nghĩa ly kỳ quá, bác Phạm nhỉ! Bọn tôi hồi nhỏ còn chê nhau : thằng ni dở như hạch ... chuột! Qua Tây nghe người ta nói dân Rệp (nói tắt chữ Arab) nhưng cũng hàm chứa ý chê là tệ như con ... rệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa tôi cũng cứ ngỡ hạch đây là... dịch hạch. Vậy dân Tây với dân Ta nhìn tụi "hạch" hay "rệp" giống nhau nhỉ?

      Xóa
  6. Kính bác Hiệp:
    Trước cuốn Hậu Giang - Ba Thắc: ăn cơm mới nói chuyện cũ, trong Sài Gòn tạp pín lù Vương tiên sanh cũng đã có giải chữ "hạch" nầy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn, tôi cũng có quyển Sài Gòn tạp pín lù lâu rồi mà không để ý.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))