Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Về miền Tây - Những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng.


Cuối tuần qua tôi có việc đi về miền Tây huyện Giá Rai gần tới Cà Mau. Sáng sớm thứ bảy khởi hành từ Saigon, buổi trưa đến Sóc Trăng, ở Sóc Trăng có khá nhiều người Việt gốc Khmer và người Việt gốc Hoa, nhân tiện nghỉ ăn cơm trưa tôi ghé xem mấy ngôi chùa Khmer, mà người Việt quen gọi là chùa Miên  thấy ghi trong sách du lịch, như chùa Kh'Leang, chùa Dơi, một  ngôi chùa nữa không biết tên..., ngoài ra còn mấy ngôi chùa có tiếng khác như chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn), chùa Bốn Mặt... có đi ngang qua mà không ghé được.


Chánh điện chùa Kh'Leang với những cây thốt nốt đăc trưng của người Khmer.

Chùa Kh'Leang là chùa tôi ghé đầu tiên có nguồn gốc rất xưa, khởi đầu chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI bằng vật liệu nhẹ (gỗ lợp lá), đến khoảng giữa thế kỷ XVI chánh điện và nơi hội họp của chùa (tiếng Miên là sala) được xây lại bằng gạch lợp ngói, qua nhiều lần trùng tu chùa Kh'Leang có kiến trúc như ngày nay. Chùa đã được công nhận là Di tích nghê thuật cấp quốc gia từ năm 1990. Đây là ngôi chùa yên tĩnh và đẹp nhất trong mấy ngôi chùa tôi đã ghé với khuôn viện rộng khoảng 3.800 mét vuông, bên trong trồng khá nhiều cây thốt nốt là loại cây đặc trưng của người Khmer.

Chánh điện nhìn từ mặt hông.

Tượng Thích Ca nơi chánh điện.

Tên Kh'Leang (đọc là Khơ Leng) của chùa theo tiếng Khmer có nghĩa là "kho". Tỉnh Sóc Trăng (theo học giả Vương Hồng Sển chữ Sóc phải đọc là Sốc) là phiên âm tiếng Việt của từ Srok, và Sốc Trăng là phiên âm của Srok Kh'Leang có nghĩa là Xứ Kho. Cũng như tất cả các ngôi chùa Khmer khác, chùa theo hệ phái Phật giáo nguyên thủy (Theravada , còn gọi là Tiều thừa), trong chùa chỉ thờ Đức Thích Ca Mâu Ni khác với chùa của người Việt đa số theo hệ phái Đại thừa.

Một nhà sư ngồi nơi ngạch cửa chánh điện.

Thăm chánh điện xong tôi ra sân chùa, nơi góc sân thấy có một cây xoài trái tròn vo khá ngộ, trông trái xoài tròn vàng như quả thị, chẳng có gì giống như xoài. Tôi đến gần chụp hình thì thấy một ổ ong mật to... bành ky treo lủng lẳng trên cây, bám vào ổ ong cơ man là ong, dày đặc. Ổ ong này mà đụng đến nó túa ra chích là chỉ có nước... theo ông bà ông vải.

 Ổ ong mật trên cây xoài to như cái mặt bàn.

Trái xoài tròn như quả thị.

Một ngôi chùa Khmer khác rất nổi tiếng ở Sóc Trăng là chùa Wathsêrâytecho Mahatup, cũng còn gọi là chùa Mã Tộc (phiên âm của Mahatup) hay chùa Dơi vì trong sân chùa có nhiều cây cao ban ngày có rất nhiều dơi về trú ngụ. Mahatup tiếng Miên có nghĩa là cuộc kháng cự lớn, nơi đây ngày xưa đã xảy ra cuộc khởi nghĩa của những người nông dân chống lại chủ đất. Trong khi các nơi khác thất bại thì ở nơi đây những người nông dân giành thắng lợi, và họ đã cho xây chùa thờ Phật xin che chở.

 Chùa Dơi với những cây cổ thụ cao vút trong khuôn viên.

Một vị sư đi giữa những cây sao cổ thụ.

Chùa Dơi được xây dựng cách nay khoảng 400 năm bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu được xây lại bằng gạch ngói như ngày nay. Chùa Dơi có khuôn viên rất rộng, với những cây sao cổ thụ cao vút là nơi trú ngụ của những con dơi quạ rất to. Dơi là loài động vật kiếm ăn vào ban đêm, ban ngày chúng bay về trú ngụ nơi những tán cây của chùa đến cả ngàn con. Chùa Dơi đã được công nhận là Di tích Nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1999.


Hình ảnh của... ngày xưa với những con dơi quạ treo lủng lẳng trên cây, sải cánh của dơi bằng sải tay người. Ảnh Internet.

Năm 2007 do bất cẩn, một cây nến to thắp trong chánh điện ban đêm đã bắt vào màn cửa và bốc cháy, thiêu rụi toàn bộ nội thất kể cả những bức tượng cổ, chỉ còn trơ lại bốn bức tường. Một sơ sẩy thật tai hại. 

Hình ảnh nội thất ngôi chùa bị cháy rụi. Ảnh Internet.

Hôm tôi ghé chùa Dơi ra ngoài vườn nhìn lên cây chẳng thấy một chú dơi nào. Chùa Dơi hiện nay lúc nào cũng tấp nập khách thâp phương và những người buôn bán ồn ào náo nhiệt. Bên trong chùa có đến hai... ban nhạc của người Khmer chơi nhạc cụ dân tộc của họ với trống đàn inh ỏi. Một ban nhạc của trẻ con chơi bộ gõ và một ban nhạc của người lớn. Hai ban nhạc này chơi nhạc liên tục, nhất là khi có du khách, và du khách thường gởi một ít tiền vào cái khay trước mặt họ. Phải chăng chính sự ồn ào náo nhiệt này đã khiến những con dơi bỏ đi nơi khác?


Hai ban nhạc trong chùa Dơi.

Ngoài hai ngôi chùa Khmer kể trên tôi còn ghé vào một ngôi chùa Khmer khác cũng rất lớn không nhớ tên, chùa có một tam quan hoành tráng sơn màu vàng cam chói lọi. Bên trong chùa gồm điện thờ Phật Thích Ca, trên tường có những phù điêu tạc hình các vị thần của họ trông rất tinh xảo, ngoài sân có một tượng Phật nhập Niết bàn khá lớn sơn son thếp vàng.

Tam quan.


Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong chánh điện.

 Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn.

Phù điêu các vị thần của người Khmer.

Trên đây là ba ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng tôi đã ghé, ngoài kiến trúc và văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, thì chùa của người Khmer tôi nhận thấy khác với đền chùa của người Việt ở chỗ... thùng công đức. Trong chánh điện của họ chỉ có mỗi một thùng công đức, trong khi chùa của người Việt có rất nhiều thùng công đức, mỗi một bàn thờ (một bức tượng) là hai thùng công đức hai bên, như đền Đức Thánh Trần ở Saigon trong chánh điện tôi đếm được cả chục thùng công đức...




16 nhận xét :

  1. vậy là lần này bác Hiệp ghé những ngôi chùa này rất vội, phải ko bác?
    chứ ko là đã có thêm nhiều tấm hình đẹp và nhiều câu chuyện thú vị rồi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là khá vội Bố susu, trên đường đi tranh thủ ghé qua thôi chứ không chủ đích đi thăm chùa, hình ảnh thì tôi chụp khá nhiều nhưng chỉ đưa lên những tấm đặc trưng của chùa Miên. Có lẽ Bố susu đã ghé mấy ngôi chùa này rồi :-)))

      Xóa
  2. "Cưỡi xe hơi xem chùa" mà viết chi tiết với nhiều hình ảnh đính kèm thì thiệt đáng ngã mũ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, trước khi ghé thăm những ngôi chùa Khmer này tôi cũng đã tham khảo nơi sách vở, sách viết về du lịch cho nên cũng biết qua. Công nhận chùa của họ không mấy "khôn ngoan" như đa phần chùa người mình. Ngay cả chùa rất tấp nập người đến như chùa Dơi mà không thấy họ có những hoạt động "tích cực" trong việc thâu nhận cúng dường, hay cúng sao giải hạn, cầu an... Nguyên cả một khu vực chùa rộng lớn mà chỉ một hai thùng công đức...

      Xóa
  3. Đi theo anh Phạm thăm chùa Miên... mệt đứt hơi! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa, kỳ sau xuống Bạc Liêu thăm nhà Công tử Bạc Liêu, hehe!

      Xóa
    2. Giáo thix trái xoài tròn quay, dễ thương quá!

      Xóa
    3. Trái xoài trông ngộ nhỉ? Chuyện trái xoài này mà suýt mang họa. Số là nhìn xa thấy trái xoài ngộ bác tài chở đi xin phép sư ở chùa hái một trái, không hiểu sao đến mấy người trái xoài thì thấy mà cái tổ ong to như cái phản thì chẳng hay. Bác tài người miền quê Nam bộ giỏi leo trèo phóc một cái đã tuốt trên cây cái đầu đã sát với tổ ong, lúc đó tôi đang đưa máy hình lên ngắm chụp mới thấy, vội hô hoán bác tài leo xuống, may mà chưa đụng đến cái tổ, chứ không ong mà túa ra thì cả đám chạy không kịp, hú hồn!

      Xóa
  4. Vô chùa dơi mà không thấy dơi , vẫn cứ phải gọi là chùa dơi , hihi ...
    Tấm hình nhà sư ngồi nơi ngạch cửa chính điện trông rất hay .

    Trả lờiXóa
  5. Trong chùa chơi nhạc trống đàn ồn ào dơi cũng phải chạy. Bấm chụp ngay được lúc vạt áo của nhà sư đang tung bay :-)))

    Trả lờiXóa
  6. Chỉ một lần ở Cần Thơ tôi vào chùa Miên. Ao ước ngày nào đó được thăm miệt Sóc Trăng. Cảm ơn bác cho thăm trên blog.
    Ước mong là ước mong, khi mình đã già.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ở miền Bắc nên ít có dịp dạo chơi miền Nam, tôi thì ngược lại, còn chưa biết Hà Nội, cũng chỉ qua sách vở.
      Còn ước mong là còn trẻ trung bác ạ, hìhì! Chúc bác luôn khỏe :-)))

      Xóa
    2. Còn đâu xứ Đoài quê bác nữa. Hanoi 2 rồi.

      Xóa
    3. Nghe nói Huế cũng đang "lên" thành phố thuộc trung ương và sẽ mở rộng thêm cho... xứng tầm, hihi, rồi đây tất cả sẽ là thành phố hết, chẳng còn đâu thôn Đoài thôn Đông nữa bác VanPham ạ :-(((

      Xóa
  7. Chùa Kh'Leang đẹp quá, nhưng hậu điện lắp kiếng, thêm cái đèn chùm do Phật tử nào đó cúng vô làm chất Khmer bị sai lạc mất rồi... Chùa Dơi hết dơi. Cứ đà này thì những vẻ đẹp truyền thống mất dần anh H nhi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng Toro, hôm tôi ghé vào thăm chùa Kh'leang, vị sư ngồi ở bậc cửa mời vào chánh điện tôi xin phép chụp hình, ngài rất vui vẻ, còn đi bật sáng trưng mấy cái đèn chùm, tôi phải nói tắt vì muốn lấy ánh sáng tự nhiên.
      Có lẽ do Phật tử cúng. Người Khmer có cái rất hay, họ làm lụng vất vả, không mấy khá giả, nhưng có tiền thường cúng chùa. Cho nên chùa của họ rất đẹp còn nhà cửa, ăn mặc của họ thì tuềnh toàng. Cũng bởi cuộc sống tinh thần và cả vật chất của họ hoàn toàn gởi gắm nơi nhà chùa.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))