Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Lễ hội.



Tết vừa rồi công chức được nghỉ gần 10 ngày, mấy ngày trước tết và cả tuần lễ ăn tết, học sinh còn được nghỉ nhiều hơn nữa, tha hồ đi du lịch đây đó, gặp gỡ, nhậu nhẹt lu bù... Chẳng bù cho khoảng mấy thập niên trước, trưa 30 mới được nghỉ và mùng 3 đã đi làm trở lại. Đi du lịch mãi cũng chán, làm sao cho hết thời giờ? Thế là phải bày ra lễ hội, đủ mọi thứ lễ hội, khôi phục lại lễ hội cũ xưa xưa, bày thêm lễ hội mới. Lễ hội, dù sao nghe cũng... văn hóa hơn nhậu nhẹt hay cờ bạc, lắc... bầu cua cá cọp.

Lễ hội theo như tên gọi gồm hai phần, một phần là Lễ (rite) có tính chất nghi thức thiêng liêng hướng về những vị thần linh được người dân tôn thờ, trong lễ thường có cúng, rước..., phần kia là Hội (fête) được dành cho mọi người đến dự lễ, vui chơi, vãn cảnh, xem thi tài, nghe hát xướng, giao lưu...  Nhà văn Toan Ánh, một người chuyên nghiên cứu về phong tục tập quán Việt Nam gọi Lễ hội là Hội hè đình đám, ông đã viết nhiều quyển sách về Hội hè đình đám ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc khi xưa, cho chúng ta một cái nhìn về quá khứ. Đấy là những lễ hội ngày xưa, ngày nay theo cuộc sống hiện đại, những lễ hội mới được du nhập từ phương Tây, như ngày lễ Giáng sinh (25-12). Lễ Tình nhân (14-2), ngày Phụ nữ (8-3), Haloween (tối 31-10)... Nếu lễ hội truyền thống được tính ngày theo âm lịch, thì những lễ hội mới được tính theo dương lịch.

Việt Nam là một nước từ xa xưa cuộc sống của người dân đã gắn liền với nông nghiệp, cho nên những lễ hội truyền thống ngày xưa nhất là ở miền Bắc thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu. Người xưa hay nói "Xuân thu nhị kỳ", là dịp người dân rảnh rỗi sau vụ cấy lúa chiêm vào tháng chạp, và lúa mùa vào tháng bảy. Tháng giêng, tháng hai và tháng tám là lúc dân quê được nghỉ ngơi sau khi lúa đã cấy xong, hoa màu phụ cũng đã trồng, chưa đến kỳ gặt hái. Tuy nhiên mùa xuân vẫn là mùa có nhiều lễ hội nhất ở nước ta, chẳng thế mà có câu ca dao:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Theo thống kê thấy ghi trên báo chí ở Việt Nam hiện nay có khoảng 8.000 (tám ngàn) lễ hội lớn nhỏ mỗi năm, nếu chia cho ba trăm sáu mươi lăm ngày vị chi mỗi ngày chúng ta có chừng 22 lễ hội, một con số thật đáng kể (và đáng nể), ấy là những lễ hội ghi nhận được. Không hiểu các nước khác ở khu vực, hoặc trên thế giới tình hình lễ hội của họ ra sao? Có "địch" lại được với nước ta về mặt lễ hội vui chơi này không?

Đọc trong sách thì thấy xưa nay (nhất là ngày xưa) đa số những lễ hội ở nước ta thuộc các tỉnh miền Bắc, như ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định..., miền Nam ít lễ hội hơn. Tôi thử điểm qua một số lễ hội quen thuộc được nhiều người biết đến ở miền Bắc:

- Hội chùa Hương ở Hà Tây (từ mồng 6 tháng Giêng đến 15 tháng Ba), đây là một hội có thời gian dài nhất, và không gian rộng nhất, trẩy hội chùa Hương là để vãng cảnh, đi thuyền trên dòng suối Yến, leo núi với những tên gọi như núi Đụn, núi Soi, núi Quy, núi Phượng, núi Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà... hòa mình với thiên nhiên... với những cảnh chùa Tiên, chùa Giải Oan, động Hương Tích (động Hương Sơn, chùa Trong)... Có lẽ chúng ta ai cũng biết bài thơ nổi tiếng của nhà thơ mệnh yểu Nguyễn Nhược Pháp:

 Hôm nay đi chùa Hương
 Hoa cỏ mờ hơi sương
 Cùng thày me em dậy
 Em vấn đầu soi gương...





Trẩy hội chùa Hương. Ảnh Internet.

- Hội Lim (ngày 10 đến 13 tháng Giêng) ở Bắc Ninh cũng là một lễ hội nổi tiếng với tục hát Quan họ, là một tục lệ hát đối đáp giữa hai bên trai gái, còn gọi là liền anhliền chị. Chúng ta hãy nghe một câu hát giữa những liền anhliền chị:

Liền anh:
Hôm nay là buổi hội Lim,
Nhớ em nên phải đi tìm em đây.
Nhất niên, nhất lệ một ngày,
Đôi ta tỏ nỗi niềm tây tự tình.

Liền chị:
Em xin Trời Phật chứng minh, 
Lòng em vẫn ước ao tình hôm nay.
Trầu ăn ta lại càng say,
Càng say nhớ buổi hôm nay càng nhiều.


Những liền anh, liền chị hát quan họ trong nhà, hay ở bờ ruộng, cửa chùa, bên đình, dưới thuyền, hay trên đồi như ở hội Lim. Họ say sưa hát mặc cho cái giá lạnh tháng Giêng miền Bắc, cho đến chiều tối phải chia tay giã bạn:

Người về bỏ bạn sao đành,
Người về em vẫn đinh ninh tấc lòng.
Người về bỏ vắng phòng không,
Người về, em vẫn nay trông mai chờ.

Cuộc chia tay bịn rịn, đầy lưu luyến, và họ lại hẹn nhau đến kỳ hội sau.



Những liền anh, liền chị quan họ. Ảnh Internet.

- Hội đền Cổ Loa (từ mồng 6 đến 18 tháng Giêng) ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh - Hà Nội. Đền Cổ Loa thờ An Dương Vương, cùng với truyền thuyết Loa thành do thần Kim Quy giúp vua xây dựng, và câu truyện tình đẫm lệ của Trọng Thủy - Mỵ Châu cùng giếng Ngọc. Trong dân gian còn lưu truyền câu: "Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống thì không bỏ mồng 6 tháng Giêng", để nói lên sức hấp dẫn của hội đền Cổ Loa. Hội đền Cổ Loa gồm phần lễ là rước kiệu, với sự tham dự của làng Cổ Loa và các xã lân cận, còn hội là những trò vui như đấu vật, cờ người, chọi gà, chơi đu, tổ tôm, hát chèo, hát tuồng, múa rối nước, hát cửa đình...


Hát cửa đình. Ảnh Internet.

- Lễ hội Phủ Tây Hồ - Hà Nội (xưa hội nhằm mồng 7 tháng Ba, nay từ mồng 1 đến 15 tháng Giêng) tại bán đảo Hồ Tây, quận Tây Hồ. Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công Chúa (Mẫu Liễu Hanh) với truyền thuyết công chúa Liễu Hạnh gặp Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan). Hội phủ Tây Hồ ngày xưa có tục rước mã, gồm có kiệu long đình, kiệu bát cốngkiệu võng, kiệu long đìnhbát cống do các chàng trai khiêng, còn kiệu võng do các cô gái. Lễ hội phủ Tây Hồ cũng có những buồi hầu đồng với những giá đồng trước bàn thờ thánh, và hát chầu văn...


Một buổi hầu đồng. Ảnh Internet.

- Hội chọi trâu ở Đồ Sơn - Hải Phòng (chính hội ngày mồng 10 tháng 8 vào mùa thu) với câu ca dao:

Dù ai buôn đâu, bán đâu,
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng tám thì về chọi trâu.

Tuy hội chọi trâu chỉ mở trong một ngày, nhưng trước đó cả nửa năm hay hơn nữa người được chọn nuôi trâu chọi nơi các làng, xã trong vùng đã phải tuyển cho được con trâu chiến để mang về nuôi dưỡng, huấn luyện rất công phu (trâu được chọn dân làng kính cẩn gọi là Ông trâu), những việc này chỉ dành cho nam phụ nữ không được tham dự. Sau khi hội chọi trâu bế mạc, theo tục lệ tất cả các Ông trâu chọi thắng thua đều được làng mang về mổ thịt khao cả hàng Tổng.



Chọi trâu và tranh dân gian chọi trâu. Ảnh Internet.

- Hội vật Liễu Đôi - Hà Nam (thôn Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, từ mồng 5 đến mồng 10 tháng Giêng, chính hội mồng 5 tháng Giêng). Không khí lễ hội bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp với sự chuẩn bị của dân làng, già trẻ lớn bé, cờ xí. sáng mồng 5 mở đầu là lễ rước Thánh vào dóng. Thánh là chàng trai họ Đoàn người anh hùng chống quân xâm lược phương Bắc được thờ ở miếu cách sới vật khoảng một cây số.

Đặc điểm của hội vật Liễu Đôi là không chỉ có các đô vật trai trẻ thi đấu, trẻ con 5, 6 tuổi cũng cởi trần đóng khố dự thi, các cụ già như trẻ lại tham gia biểu diễn những bài quyền, đao, kiếm... cùng lớp trẻ. Riêng cánh phụ nữ nhiệt tình cổ vũ cho các đô vật "gà nhà". Ngoài đấu vật trong hội Liễu Đôi còn có hát đối đáp, thi tài nấu ăn khéo léo của cánh phụ nữ, với các món ăn dân dã như lươn, gà đồng (ếch), ốc, chè bà cốt...

Hội vật là để cổ vũ cho tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe để bảo vệ xóm làng, đất nước...



Một hình ảnh về thi vật và tranh dân gian về đấu vật. Ảnh Internet.

- Hội pháo Đồng Kỵ - Bắc Ninh (xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, từ Mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng, ngày hội chính mồng 4). Điểm đặc biệt của hội pháo Đồng Kỵ (tên dân gian là hội pháo đình Còi) là thi pháo đại, để tưởng nhớ Thành Hoàng của làng là ông Cương công, một vị tướng có công dẹp giặc thời Hùng Vương. Ở vào thời xưa (1923) dân làng đã làm ra quả pháo kỷ lục dài 15m, đường kính 1,52m. Khi làm pháo thi phải chọn những người tuổi từ 18 đến 50, nhà không có tang, người tán thuốc pháo phải chay tịnh, quy trình làm pháo rất nghiêm ngặt vì rất nguy hiểm. Quả pháo làm ra được trang trí rất đẹp.

Sáng mồng 4 khai hội là lễ rước pháo đến nơi thi là đình làng, pháo được rước trên kiệu để đi đến đình, khi nâng kiệu lên vai một tràng pháo được đốt, và cứ đi được vài thước lại đốt một tràng khác, trong tiếng hò reo của làng xóm. Trong hội pháo Đồng Kỵ cũng có những loại pháo khác như pháo tép, pháo dây... Khi quả pháo đại dự thi được đốt dân làng phải đứng xa vì quả pháo nổ như quả bom, rung chuyển khắp làng.

Hội pháo Đồng Kỵ còn có thi đấu vật, thi bánh giầy, những trò chơi dân gian như đấu cờ người, chọi gà...



Lễ rước pháo. Ảnh Internet.

Trên đây là một vài lễ hội quen thuộc trong dân gian xưa - nay ở miền Bắc. Những lễ hội như hội pháo Đồng Kỵ có lẽ nay không còn nữa (do cấm đốt pháo). Theo thời gian những lễ hội đã có ít nhiều thay đổi, nhưng qua những thông tin truyền thông có điều đáng buồn là nhiều lễ hội đã mất đi vẻ đẹp dân gian vốn có thay vào đó là những bát nháo, với những cảnh giành giựt  (cướp cầu, cướp phết, hỗn loạn chen lấn ở Yên Tử, chùa Hương, nhét tiền lẻ vào tượng Phật..., hát Quan họ không phải giao lưu giữa các liền anh, liền chị mà để... ngả nón xin tiền). Việc cúng lễ không còn là để tưởng nhớ tiền nhân mà chủ yếu là bán ấn để cầu chức, cầu danh... (phát ấn Đền Trần)...


Nhét tiền lẻ vào tay tượng Quán Thế Âm. Ảnh Internet.


Một cảnh giẫm đạp "mua" ấn Đền Trần (Nam Định) năm 2011. Ảnh Internet.

Xem trên mạng thấy bây giờ vào dịp đầu năm (mồng 6 tháng Giêng) có hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Tiên Du - Bắc Ninh). Có nhiều ý kiến không đồng tình lễ hội này, người ta chém lợn, xả thịt ngay tại sân đình, trước mắt trẻ già trai gái, hình ảnh cho thấy rất dã man... Nhà văn Toan Ánh trong tác phẩm Hội hè đình đám của ông có nhắc tới hội Chém lợn, và một lễ hội ở Vĩnh Phú là hội thi Ông Đô được tổ chức vào dịp tháng Giêng đầu xuân. Ông Đô là những chú "ỉn" được dân làng chọn nuôi, vỗ béo, hằng ngày được cho ăn bún và đậu phụ. Đến hội thi những ông Đô được mang tới đình làng chấm giải, những Ông Đô phải có đủ những tiêu chuẩn: đẹp, nặng, lớn, chân tốt..., và một tiêu chuẩn bắt buộc phải là lợn đen tuyền, không có một cọng lông trắng nào. Thi Ông Đô có ý nghĩa để khuyến khích chăn nuôi trong người dân.


Cảnh cho lợn tiền lẻ trong đám rước bây giờ. Ảnh Internet.


Cảnh chém lợn giữa sân đình. Ảnh Internet.

Những Ông Đô sau khi chấm giải được người dân mang về mổ thịt, ngày xưa việc mổ thịt cũng là một nghi thức. Trai tráng mổ thịt phải là thanh tân, thịt mổ xong được phân ra làm nhiều tảng để trên những phên tre mang ra đình làng cúng thần Hổ và Thành Hoàng. Cúng xong mang về hàng Giáp phân chia cho mọi người.

Ngày xưa trong hội chọi trâu cũng thế, trâu thắng thua đều mang ra mổ thịt, nhưng trâu được mang về làng mổ, xong chia cho mọi người cùng hưởng, chứ không giết mổ tại chỗ và bán với giá mấy triệu đồng một ký ăn "lấy hên" như ngày nay...


Mổ thịt trâu chọi tại chỗ. Ảnh Internet.


Quầy bán thịt trâu chọi sau buổi hội. Ảnh Internet.

Ngoài những lễ hội dân gian có ý nghĩa tín ngưỡng, tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, vãng cảnh, thi tài, vui chơi giải trí... Trong dân gian ngày xưa có những lễ hội mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sinh sôi nảy nở, chẳng hạn những lễ hội sau:

- Hội bắt chạch trong chum: ở những địa phương như Tiên Du, Phú Mẫn, Mộ Đạo, Thuận Thành, Vinh Lạc (Bắc Ninh), hay làng Hổ Khẩu xưa (Hà Nội). Vào ngày hội người ta đặt những chiếc chum nơi sân đình, trong chum có một con chạch. Người chơi là một đôi nam, nữ, khi chơi hai tay của nam nữ phải quàng qua ôm eo nhau, tay kia mò vào trong chum để bắt chạch. Con chạch giống như con lươn rất trơn nhớt, khó bắt. Trong lệ chơi thì cặp trai gái bắt chạch không được quá chú trọng về ôm eo, cũng như việc mò bắt chạch, phải "ôm bắt đề huề". Người chơi và người xem rất hào hứng và không phải chỉ có những cặp trẻ tuổi tham dự, cũng có những cặp "sồn sồn". Cặp đôi nào bắt được con chạch sớm nhất sẽ thắng cuộc.


Chơi đu và bắt chạch trong chum trên tranh dân gian. Ảnh Internet.


Trò chơi bắt chạch trong chum. Ảnh Internet.

- Lễ hội nõ nường, đây là một lễ hội có nguồn gốc rất xưa được ghi nhận trên trống đồng Ngọc Lũ, xuất hiện khắp vùng Đông Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam đến khoảng những năm 1939 - 1944 vẫn còn ở vùng Lâm Thao - Phú Thọ. Lễ hội được cử hành ở miếu Trò là một ngôi miếu cổ ở rừng Trám (nay không còn). Miếu Trò thờ linh vật là sinh thực khí nam và nữ, tượng trưng bởi một khúc gỗ đầu bịt vải đỏ gọi là "nõ" (sinh thực khí nam), và một bẹ mo cau gọi là "nường" tượng trưng cho sinh thực khí nữ. Ở nơi khác nõ nường tượng trưng bằng chày và cối...

Trong buổi tối của lễ chính vào dịp đầu năm, đúng nửa đêm có tục Tắt đèn tháo khoán. Khoảng 20 phút đèn đuốc nơi đình miếu được thổi tắt, và mọi người dự lễ hội muốn làm gì thì làm... Ngày xưa phong kiến việc luyến ái rất nghiêm ngặt, phải chăng cũng là một dịp để người dân được "tháo cũi sổ lồng". Ý nghĩa của lễ hội phồn thực cũng cầu cho âm dương giao hòa, mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở...


Nõ nường tân thời trông rất tục. Ảnh Internet.



- Chợ tình Khau Vai, đây là một loại "chợ tình" của vùng cao Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam, diễn ra vào ngày 27 tháng Ba âm lịch. Khau Vai là tên xã, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, còn gọi là chợ tình Phong Lưu hay chợ tình Mèo Vạc, nơi có những sắc dân như Tày, Nùng, H'Mong, Giáy...

Gọi là chợ nhưng không phải đến để mua bán, chợ tình Khau Vai thuộc mọi lứa tuổi, mọi gia đình. Từ mờ sáng mọi người đã ra đi từ những bản làng có khi tận trên núi cao để đến chợ. Chàng trai H'Mong mang theo khèn, bầu rượu nấu bằng men lá trong vắt, những cô gái Tày, Nùng, Giáy... trong những bộ quần áo mới nhiều màu sắc... Có một điều rất đặc biệt người đã có vợ chồng đến để gặp lại, hay mong tìm lại người yêu cũ, có khi ngày này cả ông, bà, bố, mẹ, con cái cùng đến chợ tình. Những ông bà tóc đã bạc, lưng đã còng đến để ôn lại những kỷ niệm cũ, cha mẹ tìm lại người xưa (không ai bắt bẻ ghen tuông trong ngày này), hoặc nhớ lại chuyện tình ngày nào của mình, còn tuổi trẻ thì đi tìm cho mình người vừa ý...

Chiều xuống, ngày dần tàn mọi người lại quay trở lại bản làng, trước khi chia tay họ hát với nhau những lời chia ly và hò hẹn ở chợ tình năm sau...


Trai gái trong chợ tình Khau Vai. Ảnh Internet.


Điệu múa khèn của chàng trai H'Mong trong chợ tình. Ảnh Internet.


Tham khảo:

- Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Lễ hội Việt Nam, nhiều tác giả, PGS. Lê Trung Vũ, PGS. TS. Lê Hồng Lý đồng chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin - 2005.
- Lễ hội dân gian Việt Nam, Vương Tuyển (sưu tầm - tuyển chọn), NXB Văn hóa Dân tộc - 2009.
- Văn hóa phồn thực Việt Nam, Lý Khắc Cung, NXB Dân Trí - Trung tâm Văn hóa Tràng An - 2010.





10 nhận xét :

  1. Những lễ hội (đa số ở miền Bắc) từng có lịch sử rất lâu đời, thế mà những năm gần đây, bị biến tướng, tục hóa, xuống cấp về văn hóa, lên cấp về mê tín... Tại sao???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi bác Nô, cái biến tướng, tục hóa, xuống cấp... nó kinh lắm, tôi không định đưa lên bởi nó tục quá, nhưng bác đã nói tôi sẽ bổ sung trong entry một hình ảnh rất tục trong cái gọi là lễ hội nõ nường bây giờ...

      Còn tại sao ư? Hihi, người không có văn hóa mà làm văn hóa nó ra thế :-(((

      Xóa
  2. Không những biến tướng mà còn đậm chất thị trường. Do vậy, vì mục tiệu kinh doanh và lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm mai một các giá trị văn hóa lẽ ra phải lo bảo tồn cho các thế hệ sau.
    Đúng là... chuyện dài nước Việt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mua mua bán bán trong những lễ hội (nếu có thể gọi là lễ hội), khai ấn đền Trần chẳng hạn, xưa cuối năm ấn được làm lễ niêm phong, đầu năm chọn ngày lành tháng tốt làm lễ khai ấn, chỉ đóng một hai tấm lấy cái hanh thông, may mắn cho cả năm. Bây giờ người ta "bán" ra cả nửa triệu bản ấn, thì lấy đâu ra ấn "khai" đầu năm, nghĩa là những bản ấn này đã được đóng từ hồi... nảo hồi nao rồi, mà những "ông" giành giật cái ấn cũng chỉ mong thăng quan tiến chức có nghĩ đâu chuyện vì nước vì dân...

      Như chuyện dài... nhân dân tự dzận ngày trước :-(((

      Xóa
  3. Bây giờ tìm hiểu về lễ hội xưa cho biết thôi , chẳng hạn như đọc entry này của bác H thì được , chứ bảo đi dự lễ hội thì xin thôi . Sợ nhất là đám đông bát nháo và cách tổ chức lôm côm . Thấy cảnh đi thuyền trên suối Yến vào chùa Hương hay thật, nhưng nhìn cảnh chùa Hương đông đúc là ngán rồi (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là đi lễ hội bây giờ đáng sợ, hôm tết đi "hành hương" mấy cảnh chùa mà tới chùa nào đông, hướng dẫn viên du lịch đều nhắc nhở du khách cẩn thận cái túi với ĐTDĐ, đi chùa thế mất cả linh thiêng. Cứ tới chỗ mấy cảnh vắng vắng như bạn Marg. đi Huế thế mà hay :-)))

      Xóa
  4. Nhiều lễ hội quá anh Hiệp nhỉ ? Nhưng với lễ hội giết heo , giết trâu ...nhìn thấy sợ và tàn nhẫn quá ...em không thích những lễ hội này đâu , hình như chúng không hợp với dân tộc Kinh của mình ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, sáng nay đọc báo thấy người ta mới "chế" thêm ra "Ngày hội tôn vinh áo dài". Aaa, không khéo rồi sẽ có những ngày hội... trời ơi khác như "Ngày hội tôn vinh váy đầm", "Ngày hội tôn vinh áo 3 lỗ", "Ngày hội tôn vinh... quần tà lỏn" vân vân... Đúng là loạn.
      Riêng với những cái lễ hội "lợn đầu trảm" hay "trâu đầu trảm" trông máu me kinh quá... Người ta chém giết, phanh thây con vật trước bàn dân thiên hạ, trách sao xã hội không loạn :-(((

      Xóa
  5. Hầu như tử nhỏ đến giờ, Giáo ko có dịp nào đi lễ hội cả. Cũng ko hay chút nào. Đi để mà tạn mặt tạn mày, để viết lên cảm xúc của chính mình cũng hay, dù tốt hay ko tốt. Tiếc là Giáo ko có điều kiện! Thui thì đi lễ hội... ảo qua những bài viết của anh Phạm dzị. Cũng hay chớ bộ! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng như Giáo thôi, ít có dịp đi du lịch (ngoại trừ ít năm trẻ tuổi nổi trôi theo thời cuộc). Nhưng không hề gì, tìm hiểu "ảo" qua sách vở, qua giao tiềp với bạn bè cũng có nhiều điều thú vị, hì hì! Hy vọng Giáo sẽ "ủng hộ" cho bổn tiệm :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))