Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Tháng hai.


Năm nay năm con Ngựa, ngày tháng trôi qua cứ như... ngựa chạy, hihi. Thỉnh thoảng bày đặt lên mạng "lướt web" xem sự tình thiên hạ ra sao?, Chuyện giáo dục thì hôm nọ thấy vi đê ô cờ líp thày trò tung chưởng vào nhau như tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, hay phim kung fu Hướng Coỏng ngày xưa có Lý Tiểu Long đóng, hôm nay lại thấy thày "bợp" tai trò đến thủng cả màng nhĩ (Thanh Niên Online 21-2-2014). Y tế thì thấy bệnh sởi, thủy đậu thủy điện gì đó đang quay trở lại trên mấy chục tỉnh thành. Chuyện xã hội hãy nghe nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Viện nghiên cứu văn học) nói (Đại Đoàn Kết 22-2-2014): "Tôi tin chắc rằng chỉ cần siết chặt tiêu chuẩn ngoại ngữ là đã có thể giúp giảm bớt ít nhất hai phần ba số "tiến sĩ" giấy hiện nay, ít ra là trong lãnh vực tôi đang làm...".

Mới đây có tin Bộ GD-ĐT dự định bỏ ngoại ngữ ra khỏi môn thi chính trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nghe mà choáng, không thi thì chắc chắn học sinh sẽ không bao giờ học. Báo Sài Gòn Tiếp Thị Online (22-2-2014) có bài "Không ngoại ngữ làm sao hội nhập?". Tờ báo viết ở các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và ngay cả Cambodia họ đều chú trọng đến ngoại ngữ, thậm chí từ bậc mầm non. Có lẽ cái ý định bỏ ngoại ngữ ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp PTTH là của các ông tiến sĩ không biết ngoại ngữ, mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nói bên trên chăng?

Chuyện văn hóa thấy người ta đang có đề án "Làm gì để Hà Nội thanh lịch?", khi thấy rằng bây giờ Hà Nội càng ngày càng ít thanh lịch. Hìhì, chuyện này làm nhớ mấy năm về trước người ta cũng đã thực hiện việc học tập "Đạo đức Hồ Chí Minh" trên cả nước (bởi thấy đạo đức bây giờ quá lênh đênh), học từ cấp cao đến cấp thấp, cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức, đến từng tổ dân phố, nhà nhà học, người người học, phát biết bao nhiêu tài liệu, giấy má (chắc in ấn tốn bộn bạc), ở cơ quan làm cả bản thu hoạch mỗi người, về tổ dân phố thì mỗi nhà ký bản cam kết phải sống sao cho đạo đức, chẳng biết có đi tới đâu?

Chỉ biết rằng cái thanh lịch mà người ta nói đến trước đây của người Hà Nội mà nay đã mai một, có lẽ không phải hình thành một sớm một chiều từ những đề án học tập hay mệnh lệnh của vua chúa, hay ông tây bà đầm nào cả, mà từ nếp giáo dục của gia đình, của học đường, cho đến xã hội, quan phải ra quan, sư ra sư, phụ ra phụ, tử ra tử, việc nào ra việc nấy... Và phải qua bao nhiêu thế hệ mới có được, mấy chục năm qua có lẽ cái thanh lịch đã theo sông Hồng mà trôi ra sông ra biển, bây giờ xem người ta đi lễ chùa, đi đền xin ấn, đi lễ hội mà giành giật như đi... ăn cướp. Rồi thêm đủ thứ chuyện linh tinh lung tung khác càng đọc càng thêm rối, hoa cả mắt. Xã hội gì như một mớ boòng boong. Chán quá bỏ cái còm piu tơ lại quay qua mấy quyển sách.

Trong một quyển sách viết về  đất Nam bộ khi xưa (Hậu Giang - Ba Thắc)*, cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến câu mà người dân miền Nam của thập niên 50 thế kỷ trước hay nói "hũ bể vịm tan". Hũ là cái... hũ bằng sành, vịm cũng bằng sành tựa như cái tô bự không có nắp, xưa thường dùng để nhồi hay quậy bột làm bánh. Nhưng tại sao người dân Nam bộ lại nói thế? Hũ mà có bể hay vịm có tan thì có gì là lạ? Hũ và vịm chỉ là những đồ dùng rẻ tiền của người bình dân. Thì ra cụ Vương giải thích, người dân bấy giờ nói câu này để ám chỉ một điều khác, người miền Nam khi phát âm câu "hũ bể vịm tan", nghe như "hữu bể diệm tan", ý muốn nói dân đã quá chán ngán cái chánh quyền bù nhìn của Thủ hiến miền Nam (sau là Thủ tướng) Trần Văn Hữu (những năm 49, đầu 50), và chánh quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ.

Không biết có phải là cái vịm không? Ảnh Internet.

Hay cái vịm là cái phía trên cao bên tay trái. Ảnh Internet.

Đọc đến đây tôi sực nhớ trong một entry gần đây tôi cũng viết về một quyển sách khác của cụ Vương Hồng Sển, bạn Marguérite đã nhắc đến cái "diệm" (bạn Marg. viết chữ diệm, nhưng nói thêm không rõ viết thế có đúng hay không?) để nói về cái "vịm" bằng sành nhồi bột, và cũng may là trong quyển sách ấy cụ Vương cũng có nói đến cái "vịm", và tôi đã hiểu ngay cái "diệm" mà bạn Marg. nói đến chính là cái "vịm" bằng sành dân gian xưa hay dùng. Thực ra trong những từ ngữ để chỉ những vật dụng dùng để đựng như lu, khạp, lọ, chum, vại, tô, thố, liễn, cơi (trầu), bình, tích, âu, be, nai, nậm (be, nai, nậm đựng rượu), tĩn (đựng nước mắm nay không còn thấy), vịm... thì tới lúc ấy tôi cũng mới được biết đến cái vịm, nghe lạ...

Trong sách Hậu Giang - Ba Thắc,  cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến một món bánh bình dân ngày xưa thời cụ còn nhỏ đi học trường làng ở Sốc Trăng gọi là bánh xầy, một loại bánh làm bằng bột gạo chiên trong mỡ heo chứ không phải dầu. Bột được cho thêm đậu xanh ngâm để cả vỏ. Dạng bánh như thế ở Saigon người miền Bắc gọi là bánh đậu, cũng có người gọi là bánh tôm (vì có mấy con tôm thường để nguyên cả râu ria chân cẳng bên trên), làm ăn chung với bánh cuốn. Như các bạn đã biết, bánh cuốn của người miền Bắc (có người phát âm là quấn), là loại bánh ăn chơi, (thường ăn sáng, hoặc ăn xế chiều lúc đã ngót dạ), bánh bằng bột gạo hấp bằng hơi nước trên cái xửng vải, loại có nhân cuốn với thịt lợn bằm chung với củ sắn (củ đậu), mộc nhĩ..., loại không nhân thường nghe gọi là bánh ướt, ngày trước xưa xưa nghe nói có bánh cuốn Thanh Trì ăn chấm với nước mắm có pha thêm cà cuống thì ngon tuyệt. Bánh ướt hình như là cách gọi thông thường của người Saigon, còn khi xưa thời tôi còn nhỏ tôi chỉ nghe các cụ ở nhà gọi bánh cuốn nhân, để chỉ loại bánh có nhân thịt lợn bằm, còn loại không nhân (bánh ướt) gọi là bánh cuốn chay. Ở Saigon có nơi ở Đakao đường Đinh Tiên Hoàng bán bánh cuốn nhiều người biết là tiệm Tây Hồ.

Đĩa bánh cuốn nhân ăn chung với bánh đậu. Ảnh Internet.

Bánh ướt. Ảnh Internet.

Thử nghe cụ Vương tả lại cái bánh xầy giá một xu của chị Năm bán ở sân trường tiểu học:

"Lúc ấy bọn tôi ngồi học mà trông cho mau tới giờ ra chơi để chạy cho kịp mua giành mua giựt cái bánh một xu, chan cho ngập nước mắm ớt, không chan kịp thì cứ thả nguyên cái bánh vào tô nước mắm cho nó càng thấm càng hay, bánh cắn nóng hổi và giòn khớu, cắn một miếng nước mắm chảy vào cổ ngọt xớt nuốt tới đâu nó khoái tới đó. Nhứt là gặp buổi trời mưa lâm râm, bà đốc chằn (Mme F. Gros) bắt nhổ cỏ vườn rau, mình sẽ lén như hôm bị phạt, nhổ đại một cây củ cải non, không cần rửa ráy, phủi sơ sịa bằng tay cho sạch cát đất, rồi cắn chung với bánh xầy thì nó ngon thấu trời, không bánh Tây bánh Mỹ nào bằng".


Bánh cóng. Ảnh Internet.

Ở miền Nam vùng Sốc Trăng, Bạc Liêu theo cụ Vương Hồng Sẻn nói xưa gọi bánh này là bánh xầy, không thấy nói là gọi theo người Miên, Việt hay người Tàu, cụ Vương viết cũng không rõ là bánh của người nào làm ra. Ở Saigon tôi đã lâu tôi cũng có lần đi ăn một loại bánh như thế nhưng lại gọi là bánh cóng. Thử tra trên mạng thì thấy trang Wikipédia và nhiều trang mạng khác nói đây là "đặc sản" của người Miên Sốc Trăng, và gọi bằng tên bánh cóng, bánh cống. Có lẽ là bánh cóng, vì tôi thấy bánh được đổ vào những cái cóng (khuôn) bằng nhôm giống như loại làm đá trong tủ lạnh gia đình trước khi chiên.

Lâu lâu có dịp quay lại chuyện ăn uống, hìhì! Cái này chắc đáp ứng được yêu cầu của bạn MTB.


* Hậu Giang Ba Thắc - Ăn cơm mới nói chuyện cũ, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 2012.



26 nhận xét :

  1. Anh Phạm hay thiệt. Từ cái chiện văn hóa lần tới cái chiện ăn uống...
    Khúc trên đọc mà thấy ngán ngẫm, nhưng khúc dưới thì nghe... thơm giòn lắm! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này kêu là "Tiền hung hậu cát" đó Giáo. Khúc trên thấy khô khan mà khúc dưới thơm ngon giòn ngọt, hehe!

      Xóa
  2. Sắp hết tháng hai , bác H lại lai rai từ ông tiến sỹ (giấy) tới món bánh cống ( hihi , Marg gọi là bánh cống chứ không nói "cóng" , hehe ) . Người ta đồn rằng bằng tiến sỹ còn mua được thì cái chứng chỉ ngoại ngữ muốn có dễ ẹt, cho nên mấy vị trách nhiệm của ngành giáo dục thấy không cần cho học sinh thi làm gì nữa đó bác . Nếu không ra nước ngoài để cảm thấy bức xúc khi phải làm người "câm, điếc" ở xứ người , thì cũng cần ngoại ngữ để xem tài liệu , kiến thức nước người . Bao năm rồi , đi một vòng lại tính chuyện trở về khởi điểm .

    Cái "vịm" trong hình giống cái thố hơn . "Vịm" có đáy rộng , chỉ nhỏ hơn miệng vim một ít thôi bác à

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì dân Nam bộ mà "vịm" thành "diệm" còn "cóng" thành "cống", cống nghe dân dã thật, hihi. Có ngoại ngữ thì đúng là như thêm một cặp mắt và một cái đầu nữa. Tiến sĩ mà không rành ngoại ngữ thì đúng như... thày bói sờ voi, nghiên cứu, tham khảo được cái gì?

      Tôi bổ túc thêm hình trongentry, không biết có giống cái vịm không, hay lại giống cái... thau sành? :-)))

      Xóa
  3. "Nghe cụ Vương tả lại cái bánh xầy giá một xu của chị Năm bán ở sân trường tiểu học" mà e chỉ có chảy nước miếng, chỉ muốn đến ngay cái quán bán bánh cóng ngay chợ Gò Vấp mà làm 2 cái cho đã thèm đó bác Hiệp ơi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy hôm nào bố susu ghé chợ Gò Vấp làm một cặp bánh cóng đi chớ :-))

      Xóa
  4. Hình mới đưa lên cũng không phải cái "vịm" , sao bây giờ người ta không sản xuất cái vịm nữa , để cho bác H xem nhỉ , hihi . Chắc tại thau nhựa vừa nhẹ , vừa không dễ bể như cái vịm sành . Cái vịm hình như là giống cái vại sành đó bác H

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chà tôi đã tra tìm trên mạng mà hình như chẳng đâu có được hình ảnh của cái vịm bằng sành, ngay cả tên vịm cũng ít nggười biết. Đồ nhôm, nhựa ra đời thế là mất đi đồ sành, hihi!

      Xóa
  5. Hôm nay em làm vườn để chuẩn bị mùa xuân đang đến dần ...mệt lắm đó ...vậy mà tối đến qua thăm anh , thấy anh giới thiệu toàn mấy món ăn thật độc đáo ...mà anh biết rồi đó , em thèm gần chết ...mà có được ăn liền đâu hè ..ước gì ...úm bà là ...chúng hiện ra cho em xơi thì vui biết mấy ..hay có cánh mà bay về VN để kiếm mấy địa chỉ quán ăn của anh giới thiệu thì thích lắm đó ...hix ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô giáo NangTuyet giỏi quá hả, làm vườn bá cháy, nhìn mấy trái cây ở vườn nhà của NangTuyet bên Tây mê thật.
      Dân Saigon rất giỏi về... ăn uống, bây giờ kinh doanh gì cũng ngắc ngoải, riêng ăn uống cứ phát triển đều đều :-)))

      Xóa
    2. Nang Tuyet muôn ăn món gì, tui ăn dùm cho......Hihi, chỉ người trong cuộc mới hiểu vì sao Bọn mình mới thèm đồ ăn VN như thế Nang Tuyet ha........

      Xóa
    3. Hihi, tui cũng hiểu điều này lắm đó MTB, bởi tui cũng có những người thân hiện đang ở nước ngoài, tui có đứa cháu ở Úc tết vừa rồi về VN ăn cái gì cũng khen ngon, mỗi lần về VN là được đi ăn uống cùng đã luôn... Chừng nào MTB hay NangTuyet về Saigon tui mời thêm món bánh cuốn, ăn với bánh đậu và giò chả... :-)))

      Xóa
  6. Sáng nay đọc trên FB Dung Nobita thấy nói chuyện "Mì Quảng", chừ vào blog của bác cũng thấy chuyện món ăn, đọc thấy vui vui dầu có cái "tiền hung". Mệt. HN vốn hay liên tưởng, thấy chuyện "học tập đạo đức" ngày nào lại nhớ cặp bài trùng Sầm Đức Xương-Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang (ông bí thư này được báo chí khen là một trong số rất ít người giảng rất hay về tư tưởng Hồ Chí Minh). Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái đệ nhất khoái của thiên hạ mà bác HN. Hihi. Cái máy cát sét tua lại đúng bài bản, aha cái này người ta nói là "nói một đằng làm một nẻo" đó. Tôi không "chơi" bên FB, hồi này cũng ít thấy bác HN xuất hiện, chắc vi vu ở đâu rồi :-)))

      Xóa
  7. Từ nào đến giờ em hỏng biết làm vườn cũng như trồng bông , trồng hoa đâu anh Hiệp ơi ...giờ thất nghiệp ở nhà làm cho đỡ buồn đó anh ạ ...

    Thật ra điều đáng buồn là người dân xứ mình coi bộ ăn nhậu là ok nhất bởi lẽ quán xá , bia ôm lúc nào cũng đông nghẹt từ sáng đến tối ...nghĩ mà buồn anh nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này là "Thời thế tạo anh hùng" phải không NangTuyet?

      Dân mình về cái khoản ăn uống chắc hạng nhất thế giới, một năm nghe đâu người ta uống mấy tỉ USD tiền bia, rượu, kinh thật, trong khi y tế, giáo dục cứ lẹt đẹt, hùhù!

      Xóa
  8. Ôi ! MTB ơi ...mình mà nói ra món ăn mình thích ...thì bạn xơi hết của mình sao hè ...huhu ...bạn nói đúng đó chỉ có những người trong cuộc như chúng mình mới hiểu được cái " chết thèm " được ăn món ăn VN cở nào bạn hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai bạn NangTuyet và MTB cứ để dành "xìn" (tiền) đi, chừng nào về Saigon tôi dẫn đi mấy chỗ ăn ngon, bổ, rẻ, người có công kẻ có của, hìhì!

      Xóa
    2. Hihi .cảm ơn anh Hiệp lắm nè ....chuyện gì chứ được thưởng thức các món ăn của người Việt mình là em mê tít luôn hé ...anh Hiệp nhớ nha ...ở bên đây em sẽ thắt cái hầu bao lại để dành " xìn " để khi về VN được anh Hiệp dẫn đi ăn cho đã nè ..bạn MTB ơi , bạn cũng thế nhé ! Nhớ nha bạn ơi !

      Xóa
    3. Gì chứ tôi sẵn sàng để được dắt những cô gái Nha Mân, Câu Lãnh đi ăn quà. Nhưng chờ dịp về Saigon thì entry sau mời các bạn đi thăm vài lễ hội xưa nay nhé, "Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè" mà :-)))

      Xóa
    4. Miễn đừng có Hát Bội thi đi liền Bác Hiệp ui....phải khg Nang Tuyet ui.....Hihi

      Xóa
    5. Có ca trù, hát cửa đền, Quan họ, chầu văn, mai mốt lễ hội phương nam mới có hát bội, :-)))

      Xóa
  9. Cái dĩa bánh cuốn hình như nó đang ngó tui cà Bác Hiệp ui........Haha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MTB xực đỡ đĩa bánh cuốn đi rồi entry sau tui dắt đi lễ hội... :-)))

      Xóa
    2. Nghe Bác Hiệp nói xực dĩa bánh cuồn làm tui buồn " muốn đứt guột " .......Haha

      Xóa
    3. Chắc là chưa "đủ đô" há MTB, híhí!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))