Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Bảo tồn.


Cầu Long Biên xưa. Ảnh Internet.

Đọc trên Thanh Niên Online thấy có mấy bài viết về cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Tôi không ở Hà Nội, ngoại trừ khoảng một, hai năm đầu đời cha mẹ tản cư từ Nam Định về đấy để rồi được bồng bế chạy tuốt vào Saigon, và cho đến nay sáu mươi năm đã trôi qua tôi cũng chưa lần nào có dịp đặt chân đến Hà Nội, cho nên những gì biết được về Hà Nội cũng chỉ qua sách báo, tranh ảnh. Mấy bài viết trên báo Thanh Niên là chuyện người ta đang bàn xem "xử" cầu Long Biên như thế nào trong việc cải tạo, quy hoạch lại chuyện giao thông Thủ đô.

Ba phương án do Bộ GTVT về cầu Long Biên:

1/- Sẽ xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. 

Điều này khá lạ, "di dời để bảo tồn". Có một câu chuyện khác có kết cục tệ hơn là toàn bộ con đường sắt, có những đoạn leo dốc có răng cưa độc đáo cũng do người Pháp làm, từ Phan Rang lên Đà Lạt sau năm 1975 cũng bị tháo gỡ bán... ve chai (sắt vụn) cùng với đầu máy (hiệu Fuka - Thụy Sỹ) chạy bằng hơi nước cho nước ngoài. Thụy Sỹ là nước có nhiều đồi núi, sản xuất ra loại đầu máy ấy, nay không còn làm nữa (thời điểm năm 1975), họ mua lại được, mừng húm, mang về khôi phục lại phục vụ cho du lịch xứ họ.

2/- Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.

3/- Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại vị trí tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Ba phương án này vấp phải sự phản đối của những nhà chuyên môn như GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), GS. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội), GS. Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), KTS. Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích)... Những nhà chuyên môn phân tích cho rằng cả ba phương án trên chỉ là bảo tồn nửa vời, hoặc "làm ra vẻ bảo tồn", là xóa bỏ cầu Long Biên, cái quan trọng không phải chỉ là xóa bỏ một cây cầu, một kiến trúc xưa, mà sẽ xóa đi một phần ký ức của Hà Nội.

Tôi thử tra thêm trên lão Gú gồ, trang Wikipédia thấy ghi: (tôi copy những ý chính):

"Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì nó được bắt qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm). Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1898 -1902 - Daydé & Pillé - Paris...

Dự án xây dựng cầu được Toàn quyền Đông Dương thông qua ngày 4 tháng 6 năm 1897 và đến ngày 4 tháng 6 năm 1897 đã tiến hành đấu thầu và 6 công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp tham dự. Mỗi nhà thầu được phép đưa ra 2 dự án được gọi là dự án A và B, ông Fourès, Thống sứ Bắc Kì được cử làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án. Cuối cùng, Hội đồng mở thầu đã chọn dự án B của công ti Daydé & Pillé với giá 5.390.794 franc Pháp. Cây cầu được thiết kế với kiểu dáng độc đáo do hãng Eiffel thiết kế [cần dẫn nguồn  

(Theo Từ điển Địa danh Thăng Long - Hà Nội của Bùi Thiết thì cầu Long Biên do hãng Eiffel nổi tiếng, một hãng của Pháp thiết kế. Tại thủ đô Paris của nước Pháp còn Tháp Eiffel danh chấn thiên hạ do hãng này xây dựng).

Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác..."     

Như vậy cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 thì hoàn tất, thời gian này nằm hoàn toàn trong triều đại của vua Thành Thái (1889-1907). Ngày xưa Hà Nội là Thăng Long, địa danh Hà Nội có từ năm 1831 thời vua Minh Mạng. Theo sử sách thì chỉ dụ của Triều đình Huế ngày mùng 6 tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 3 (1-10-1888) và Toàn quyền Richaud mang ra áp dụng ngày 3-10-1888, thì Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, sau 10 năm thì người Pháp cho xây dựng cầu Long Biên.

Trải qua nhiều năm chiến tranh với người Pháp trong việc giành độc lập, cầu Long Biên không hề hấn gì, nhưng đến cuộc chiến tranh với người Mỹ, từ năm 1965 đến năm 1972 cầu bị ném bom mười bốn lần, bị phá hỏng nhiều nhịp cầu, và cầu đã được sửa chữa, cải tạo lại như ngày nay.

Có một điều khá nghịch lý là trong khi những nhà chuyên môn về Kiến trúc đô thị, Lịch sử, Bảo tồn di sản... đều cho cầu Long Biên cần phải được bảo tồn như một di tích lịch sử, thì bản thân cầu Long Biên tuy có một "bề dày lịch sử" như thế lại không được xếp hạng di tích, hay di sản quốc gia, cây cầu này chỉ mới được Hà Nội xếp vào loại "Các công trình kiến trúc trước năm 1954 được bảo tồn", thông qua HĐND TP. Hà Nội ngày 4-12-2013.

Một phần cầu Long Biên ngày nay.

Xem trên hình thì quả thật cầu Long Biên ngày xưa đẹp thật, toàn bộ cầu như một con rồng hùng vĩ uốn khúc băng qua dòng sông Hồng. Cầu Long Biên ngày nay còn lại 9 nhịp so với 19 nhịp ban đầu, chắc chắn đã mất đi vẻ đẹp ban đầu. Cái đẹp của cầu Long Biên cũ không phải chỉ do thiết kế của cây cầu, mà nó còn phù hợp với cảnh quan thiên nhiên gắn liền với nó. Đoạn cầu Long Biên ngày nay như hình chụp bên trên trông chẳng còn gì là vẻ đẹp xưa của cây cầu nữa. Tuy nhiên trong lịch sử hơn một trăm năm tồn tại, cầu Long Biên không chỉ là một cây cầu phục vụ cho việc đi lại, mà là một nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của Hà Nội.

Trong chiến tranh bao nhiêu người đã ngã xuống nơi đây. Cây cầu không còn là những khối sắt vô tri nữa, cũng như những cây đa đầu làng, hay cái cổng làng cũ kỹ. Lịch sử đã thổi vào cầu Long Biên một cái hồn. Qua bao nhiêu bể dâu, tôi thiết nghĩ cầu Long Biên xứng đáng được tôn trọng và bảo tồn, ít nhất cũng như một di sản quốc gia như ý kiến của các nhà chuyên môn, cũng như những ai ở Hà Nội đã gắn bó với cây cầu, và với quá khứ của Thủ đô Hà Nội.






        

8 nhận xét :

  1. Ý kiến ý cò gì thì rốt cuộc niềm tự hào về những kiến trúc xưa cũ cũng sẽ tắt ngóm theo những cái chết được báo trước! hic... Cán bộ lãnh đạo mà thiếu tri thức thì trở thành kẻ phá hoại khủng khiếp nhất. Câu đó ai nói Giáo hỏng có nhớ rõ nên lỡ Giáo có bị tai bay vạ gửi vì ngứa họng phát cái câu phạm húy đó thì anh Phạm làm ơn đứng ra làm... luật sư cho Giáo nhe! huhu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là nhà giáo có khác (chắc không phải loại giáo khoái... tung chướng với học trò), cẩn thận quá xá. Một nguyên tắc về bảo tồn đồ cổ mà học giả Vương Hồng Sển, một người ham mê sưu tầm, và là bậc thày về cổ vật có nói: "Đừng sửa chữa, nếu cần sửa càng ít càng hay, không sửa lại càng tốt (có sao để vậy), và vẻ viên lắm lại càng tai hại". Với di tích cũng như đồ cổ vậy. Bao nhiêu di tích ngàn năm, trăm năm tuổi trở thành... 1 năm tuổi cũng vì cái ham sửa chữa cải tạo này... hichic!

      Xóa
  2. Người Pháp ở bên đây lúc nào cũng muốn bảo tồn và gìn giữ những di tích lâu đời , cổ xưa nhất .... trong khi mình thì cứ muốn đập phá để xây dựng lại cho hiện đại , cho tân tiến ...nghĩ thật đáng buồn ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tây khác Ta ở chỗ đó, họ gắng giữ lại những gì cổ xưa, nhất là những kiến trúc mang dấu ấn một thời. ta thì phá tất. Nói theo từ ngữ bây giờ thì phá từ "Văn hóa phi vật thể đến Văn hóa vật thể). Cũng bởi do thói ngu dốt và tham lam mà ra cả, hùhù!

      Xóa
  3. Người ta muốn tháo dỡ cả hồn cốt Hà Nội sao???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồn cốt đất nước mà người ta còn không coi ra gì thì sá chi hồn cốt Hà Nội cụ Nô (chẳng hạn vụ nhảy nhót trên nền nhạc tàu ngày quân tàu xâm lược) :-(((

      Xóa
  4. Lần ra Hà nội vừa rồi , M lại tìm đến cầu Long Biên nhưng không đến chùa Một Cột nữa . Có lẽ do cầu Long Biên có sao để vậy , chưa có bàn tay con người "uốn nắn " . Còn chùa Một Cột , M dị ứng với mấy chậu hoa giả đỏ choét đặt quanh hồ .
    M có chụp hình tấm biển khắc tên đơn vị thi công và ngắm nghía những con tán rivet trên dàn cầu thép , rất mê ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân trong nghề có khác, hìhì. Cầu Long Biên còn lại bi nhiêu, đó là "đồ thật", còn Chùa Một Cột thật ra chỉ mới được xây dựng lại từ năm 1955 theo kiến trúc cũ, chùa xưa bị Tây phá mất từ năm 1954 khi rút khỏi Hà Nội.
      Chỉ nguyên cái bảng đồng đề tên Công ty Pháp xây dựng cầu đã đáng giá rồi. Hôm nào bạn Marg. post hình lên coi chơi :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))