Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Đưa Ông Táo (2).

Tranh dân gian hai Ông một Bà Táo. Ảnh Internet.

Hôm nay đúng ngày 23 Tháng Chạp, chính danh ngày đưa Ông Táo về chầu giời. Năm nay rút kinh nghiệm năm ngoái bà xã tôi không mua cá chép cho Ông Táo cỡi nữa, mà chỉ cúng đô la với ơ rô địa phủ để Ông tùy hỉ mua vé xe đò chất lượng cao về Thiên đình. Chắc Ông Táo cũng biết đường mà tránh mấy cái tàu cao tốc cánh ngầm xập ký nình, sau những lần chết máy thả trôi sông trôi biển, bị sóng đánh vỡ kính, rò rỉ nước tràn vào tàu, giờ tàu đang chạy bỗng bốc cháy ngùn ngụt. May mới khởi hành chưa ra sông ra biển còn ủi đại được vô bãi sình để hành khách phi xuống sông thoát thân, bị một phen lên ruột.

Chuyện bà xã tôi phá lệ không mua cá chép nữa chẳng qua năm ngoái ra chợ mua từ hôm trước phải con cá chép đã... lắc lư con tàu đi, người bán cam đoan cá mới vớt khỏe mạnh ai dè mang về nhà sáng 23 chưa kịp cúng thì cá đã xí lắc léo âm thầm du địa phủ. Thôi cứ cúng đô với ơ rô cho Ông Táo muốn đi bằng phương tiện gì thì tùy thích. Mâm cúng cho ông Táo năm nay cũng thế, một hai món mặn ăn thường ngày, ít kẹo thèo lèo, mấy chén chè. Sách vở nói cúng đồ ngọt ngào để lấy lòng ngài, để lúc lên Thiên đình ngài tâu với Ngọc Hoàng sao cho khéo khéo, đừng có báo cáo những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt trong nhà.

Không biết chuyện này nếu gọi đúng là gì? Hối lộ thần thánh để thần thánh báo cáo láo? Nói thế e to tát quá, có gì đâu nhỉ? Ông bà ta đã chẳng nói "Tốt khoe xấu che", chớ "Vạch áo cho người xem lưng" đó sao? Một năm Ông Táo đã có công coi sóc nhà cửa, có đòi hỏi công sá gì đâu, cuối năm cũng phải biết điều với Ông chứ. Ô Sin trong nhà cuối năm về quê cũng phải có lương tháng 13, tiền thưởng tết, cặp bánh chưng hay nửa kí lạp xưởng Mai quế lộ... Chứ không thì ra giêng khó lòng mà... ờ gen, họ sẽ a lê xăng rờ tua, một đi không trở lại...

Lan man chuyện nọ xọ chuyện kia, sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ thấy có bài viết với cái tựa "Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội". Người ta làm buổi tọa đàm đàng hoàng về chuyện này, dĩ nhiên một buổi tọa đàm như thế là phải có đủ thành phần, chức sắc, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo vân vân... Vị chức sắc tham gia tọa đàm nói qua một cuộc khảo sát 30 trường học trên cả nước, đối với học sinh, sinh viên, thì thấy tình trạng nói dối đã "cực kỳ nguy hiểm, trẻ nói dối ít, càng lớp lớn nói dối càng tăng dần". Hihi, điều này đâu có gì lạ. Ấy là chỉ mới khảo sát trong giới học sinh, sinh viên, rồi nói các em nói dối mà tội. Cứ thử ra ngoài đời khảo sát xem sao? Vào công sở, ra chợ búa, hay xem những báo cáo thành tích, những phát biểu rình rang cuối năm, đầu năm các cấp sẽ thấy. Rồi thử xem ngay cái gọi là "tâm linh" cúng bái Ông Táo chầu giời, người ta sẵn sàng "hối lộ" ngay cho thần thánh để các ngài lên Thiên đình... đổi trắng thay đen nói chuyện xấu thành chuyện tốt... Nghĩa là cái chuyện nói dối trong bàn dân thiên hạ nó đã... thâm căn cố đế... ăn vào xương máu mất rồi.

Chuyện này thì chắc là vô phương cứu chữa, hùhù!




2 nhận xét :

  1. Nhắc đến hai chữ " nói dối " mà em nhớ lại lúc trước còn đi dạy ở Trung Tâm trong bộ sách giảng dạy về văn chương của Anh , có một bài học có tựa " Nói dối " . Ngẫm nghĩ nói dối cũng có nhiều cách lắm : nói dối để làm vui lòng người khác , nói dối mà không làm tổn thương đến ai , rồi nói dối để che đậy một sự thật não lòng...nhưng chung qui nếu như nói dối vì mục đích cá nhân mà làm tổn thương hoặc làm hại người khác thì không được rồi ...vì có gieo thì phải có gặt , nhưng mà gặt cái ác nghiệt thì quả là tai ương ...Riêng việc cúng kiến theo phong tục cổ truyền thì ở bên trời Tây , họ hỏng có biết thờ ai hết ...cho nên thấy người Việt mình có nhiều nghi thức cúng quảy là họ tròn xoe mắt mà nhìn ...như ông xã của em , riết rồi anh ấy cũng quen ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói dối đúng là có nhiều đường đó NangTuyet, có nhiều khi người ta buộc phải nói dối, vì lý do nhân đạo chẳng hạn. Không phải cái gì cũng nói thật được. Nhưng cái ọọi là "dối trá" thì bây giờ ở xứ này phổ biến quá. Gian dối, cẩu thả, chỉ chăm chăm đến cái lợi bản thân (tôi nói hiện tượng xã hội). Thời nào, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu nhưng thời nay cái xấu đang "áp đảo tuyệt đối", vì đâu nên nỗi...???

      Tết nhất phong tục cổ truyền ở xứ mình nhiều lắm, đủ thứ tục, lệ... hay có, dở có, người ta phần đông làm vì thói quen chứ cũng không có ý thức gì mấy. Còn Tây phương chắc khác, làm cái gì họ cũng phải hiểu rõ lý do. Đó là cái khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông - Tây...

      Ông xã NangTuyet Tết về VN chắc thấy cái gì cũng lạ?

      Xóa

:) :( :)) :(( =))