Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Lại nói chuyện chữ nghĩa.


 Những cô gái Chăm trên động cát Nam Cương - Ninh Thuận.

Trong quyển Luyện trí nhớ của Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến thời gian ông lặn lội trong vùng Đồng Tháp Mười từ những năm xa xưa của thập niên 30 thế kỷ trước, khi ông còn làm một nhân viên công chánh của chính quyền người Pháp thuở ấy, ông đi khảo sát, đo đạc ở vùng bưng biền này, và ông đã thuật lại trong quyển sách "7 ngày trong Đồng Tháp Mười", sách được xuất bản từ năm 1954, bây giờ không thấy quyển sách này được in lại.

Trong quyển Bên lề sách cũ của cụ Vương Hồng Sển có một chương nói về Đồng Tháp Mười, và cụ có nhắc đến học giả Nguyễn Hiến Lê (sinh thời hai cụ cũng là chỗ thân quen). Ở đây tôi muốn nói tới một từ ngữ trong sách của học giả Nguyễn Hiến Lê mà cụ Vương đã nói đến (tôi chép nguyên văn lời cụ Vương):

Quyển "7 ngày trong Đồng Tháp Mười" có nêu danh từ "Động cát". Tiện đây xin bàn góp. Đó là "đụn cát". Bộ Đại Nam quấc âm tự vị Huình Tịnh Paulus Của giải nghĩa:

Đụn: đồ cuộc làm ra để ví lúa. Tỷ dụ: lúa đụn, lúa bồ. Một nghĩa khác là:

Đụn: đống cao (Cơm chẳng lành, canh chẳng ngon, Dẫu cho chín đụn mười con cũng lìa).

Đụn cát: gò cát cao sát mé biển hoặc ở giữa cánh đồng. (Xin nói luôn và vẫn chưa sai đề: trong quyển tự vị Pháp petit Larousse ghi: "Dine: monticule sablonneux édifíé par le vent. Ông Larousse thêm: Dune, do "dunam" của La tinh và mượn của dân Gaulois, nếu ông thông tiếng Việt, ông sẽ thấy "dune" rất gần "đụn" vậy). (Hết trích).

Như vậy là cụ Vương Hồng Sển viết học giả Nguyễn Hiến Lê đã ghi từ "Động cát" là không đúng, và từ đúng là "đụn cát". Cụ Vương trích dẫn thêm từ điển tiếng Pháp petit Larousse về chữ "dune" (n.f.) trong tiếng Pháp, có nghĩa là "cồn cát" (cụ Vương nói "đụn cát"), và "dune" rất gần với "đụn".



Chuyện chữ nghĩa tôi muốn nói đến là ở chữ "Động cát" học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhắc đến trong sách "7 ngày trong Đồng Tháp Mười" của ông. Có phải ông viết "Động cát" là không đúng, và chữ đúng là "đụn cát" như cụ Vương Hồng Sển đã viết hay không? Một người như học giả Nguyễn Hiến Lê, không những giỏi tiếng Hán (ông là dịch giả nhiều bộ sách chữ Hán có giá trị như Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách...), mà còn giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp... (Ông dịch nhiều quyển sách tiếng Anh, Pháp... trong tủ sách Học làm người xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam, được rất nhiều người đọc, sau này sách được tái bản nhiều lần, quyển Nghệ thuật nói trước công chúng của ông bản in năm 2009 là bản in lần thứ 19). Ngoài ra ông còn là một người viết sách cẩn trọng, ông thường cân nhắc từng câu chữ khi viết. Chẳng lẽ một người như ông lại viết sai từ "đụn cát" thành "Động cát".

Nhưng một người cũng uyên bác không kém, đã viết rất nhiều sách biên khảo, sách cũng tái bản rất nhiều lần như cụ Vương, ông đã viết quyển Tự vị tiếng Việt miền Nam (xuất bản năm 1994 nay không còn kiếm ra được, cũng chưa thấy tái bản), chẳng lẽ ông lại "bắt" sai?



Tôi có quen với một gia đình người Chăm trong làng gốm Bàu Trúc, tôi nhớ cách nay ít năm, trong một lần đi chơi vùng Phan Rang (Ninh Thuận), mấy ngày ở Ninh Thuận tôi có nhờ những cô gái người Chăm hướng dẫn đi thăm một vài nơi, các cô gái Chăm đã mặc những chiếc áo dài truyền thống của họ để chụp hình. Tôi được dẫn đi thăm một số nơi như Tháp Chăm Po Klaung Garai, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, và một đồi cát tương tự như đồi cát Mũi Né ở Bình Thuận, nhưng đẹp hơn vì còn nguyên vẻ hoang sơ. Những cô gái Chăm đã giới thiệu tên của đồi cát này là động cát Nam Cương. Ngay từ khi nghe tên động cát tôi có thắc mắc hỏi tại sao lại gọi là động cát chứ không phải là đồi cát như tôi vẫn thường nghe gọi đồi cát Mũi Né (đến lúc đó tôi vẫn cứ đinh ninh động chỉ có nghĩa là hang động, như động Phong Nha). Tôi được nghe các cô trả lời xưa nay các cô chỉ nghe người Chăm ở Ninh Thuận gọi là động cát, chứ không gọi là đồi cát. Rồi tôi cũng quên đi từ động cát được nghe.

Cô gái Chăm bên tháp cổ.

Bây giờ đọc thấy cụ Vương nói chữ động cát viết đúng là đụn cát, tôi mới sực nhớ tới động cát Nam Cương của những cô gái Chăm thuở nào. Tôi thử tra tìm trong những quyển từ điển tiếng Việt xưa nay mình có (khoảng 10 quyển), thì gần như không có quyển từ điển trong Nam ngoài Bắc nào có từ động cát. Tôi nói gần như bởi may còn duy nhất quyển Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên của Viện Ngôn Ngữ Học (bản in năm 1997 của NXB Đà Nẵng), có giải thích về chữ động tôi muốn tìm (ngoài những nghĩa như hang động, trái nghĩa với tĩnh...). Động: danh từ, phương ngữ: có nghĩa là Cồn rộng và không cao lắm, thường ở vùng ven biển. Động cát. Tôi cũng thử tra tìm thêm trên mạng, thấy trang Wikimapia có nói đến Động cát Nam Cương ở Ninh Thuận, và có những trang mạng giới thiệu về đồi cát Nam Cương Ninh Thuận, trong bài viết có nhắc đến những động cát ở ven biển.



Như vậy đã rõ, từ "Động cát" mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã nói tới trong quyển sách "7 ngày trong Đồng Tháp Mười" của ông, là hoàn toàn chính xác. Có lẽ khi cụ Vương Hồng Sển "bắt" chữ động cát của học giả Nguyễn Hiến Lê cụ cũng không rõ từ động cát là phương ngữ? Câu chuyện này phảng phất một chút gì đó giai thoại nhà thơ Tô Đông Pha đã sửa thơ của Vương An Thạch năm xưa*.

Không rõ có bạn nào đang sống tại những tỉnh miền Trung, như cụ Nô ở Nha Trang, hay bạn Giáolàng ở Bình Thuận (?) có rành phương ngữ động cát này không?



* Giữa Vương An Thạch và Tô Thức (nhà thơ Tô Đông Pha) có một giai thoại lý thú:

Tô Đông Pha đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được?
Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm dưới hoa
Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:
Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi
Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa
(Ghi chú * trích từ trang mạng Wikipédia).



20 nhận xét :

  1. Nô cũng nghĩ từ "động cát" là đúng. Đa số dân miền Trung (xứ có nhiều động cát) đều dùng từ này. Từ Huế đến Hà Tĩnh, phát âm thành đôộng (nghe giống giống từ đụn). Còn đụn bắt nguồn từ dune thì ông Larousse hơi sính ... ta!
    Tiếng Ý cũng chào nhau bằng chao, chắc cũng bắt nguồn từ... tiếng Việt! :))

    Trả lờiXóa
  2. Quê Giáo cũng dùng từ "động cát". Chắc đó là phương ngữ, mà đã là phương ngữ thì đôi khi khác với những từ trong sách vở. Từ "đụn" cũng đúng nhưng nó cho ta hình ảnh một đụn cát nhỏ thôi. Còn động cát ven biển quê Giáo và những xứ ven biển khác thì trải dài và rất lớn rộng. Trong mùa gió chướng gần Tết, nếu ta ở gần những động cát ấy, sẽ thấy được cảnh cát bay như bão cát trong sa mạc, rất đẹp, nhưng cũng rất nguy hiểm vì cát dễ vào mắt mũi.
    Ngày trước, người dân thường đào động cát để bắt con dông để làm món ăn rất bắt miệng (giờ đã trở thành cao lương mỹ vị của giới đại gia). Họ thường bị cát sập chôn vùi và chết vì ngạt thở nếu ko có người cứu kịp.

    Trả lờiXóa
  3. Khi đọc nhiều sách khác nhau, HN không nhớ cụ thể sách nào nhưng quyển thì viết "động", quyển thì viết "đụn" cho cùng một cồn cao. Riêng từ dùng trong các sách địa lý học ở ĐH chỉ thấy ghi là "đụn" cát!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba bạn nói chung một ý, nên tôi sẽ "gộp" để bàn chung.

      Về từ này nói một cách "phổ thông" tôi nhớ bao gồm: đồi cát, cồn cát, đụn cát... Đồi cát được hiểu là to nhất, cồn cát thì trung trung, còn đụn cát đúng như bạn Giáolàng viết hiểu là nhỏ nhất, giống như chúng ta nói "đụn rơm, đụn rạ" vậy.

      Tôi cũng nhất trí với cụ Nô, "đụn" và "động", hay "đoộng" có thể từ nhau mà ra (chưa biết được chữ nào có trước), và vô tình âm của nó na ná như tiếng Pháp "dune".

      Còn từ "động cát" là phương ngữ cho nên cũng dễ hiểu là không được đưa vào sách vở giáo khoa như bác HN cho biết.

      Riêng chuyện đi bắt con dông đào hang nơi những động cát ven biển tôi biết được khi xưa ở Phú yên, những người Thượng trong đơn vị của tôi là "vua" đi bẫy những con dông này, thịt của nó nướng ăn rất ngọt. Bây giờ đúng là đặc sản nhà hàng.

      Xóa
  4. Như thế là đã rõ: hai cụ đều uyên bác, nhưng chỉ có một cụ đúng. Cụ đúng ấy là vì cụ dùng phương ngữ, ghi theo phương ngữ.
    Bác Hiệp so sánh rất hay về cái ví dụ chim Minh nguyệt và sâu Hoàng khuyển!
    Cám ơn bác về cách hiểu ĐỘNG không giống từ phổ thông!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng các cụ đều uyên bác, nhưng đến từ "động" là "động cát" thì cụ Vương thua cụ Nguyễn một bậc. Có lẽ cũng dễ hiểu là cụ Nguyễn xưa làm cán bộ công chánh, đi khảo sát nhiều nơi ở miền Nam nên nắm được chữ "động cát", tôi đã thử hỏi một vài người quen biết không phải dân gốc miền Trung thì chẳng ai biết động cát là gì.
      Miên man ba cái từ ngữ này vậy mà thấy hay bác Vũ Nho. :-)))

      Xóa
  5. Em dốt về chữ nghĩa lắm nên hỏng dám có ý kiến gì , nhưng hôm nay qua thăm anh lại được học hỏi thêm nữa . Cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
  6. A- Bu tui dẫn ra hai chữ Động liên quan đến nội dung bài viết của PNH

    洞 đỗng, động
    dòng, tóng
    ________________________________________
    1. (Danh) Cái động, hang sâu. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Thanh Hư đỗng lí trúc thiên can清虛洞裡竹千竿 (Mộng sơn trung 夢山中) Trong động Thanh Hư hàng nghin cành trúc.
    2. (Danh) Lỗ hổng.
    3. (Động) Suốt, thấu. ◎Như: đỗng giám 洞鑒 soi suốt. ◇Hồng Lâu Mộng 紅樓夢:Đãn đệ tử ngu trọc, bất năng đỗng tất minh bạch 但弟子愚濁, 不能洞悉明白(Đệ nhất hồi) Nhưng đệ tử ngu tối, không thể hiểu thấu rõ ràng.
    4. § Ghi chú: Ta quen đọc là động.

    峒 động, đồng
    tóng, dòng
    ________________________________________
    1. (Danh) Tiếng dùng đặt tên đất.
    2. (Danh) Hang núi.
    3. (Danh) Chỉ các bộ lạc xưa ở nam Trung Quốc (đảo Hải Nam, v.v.)
    4. (Danh) Không Đồng san 崆峒山 núi Không Đồng.
    B- Bạn PNH đã từng nói nhiều về Học Giả Nguyễn Hiến Lê. Bu tui thêm một số tác phẩm do ống trứ tác : Nam Hoa kinh , Khổng tử, Trang tử, Lão tử, Mạnh tử, Hàn Phi tử, Tuân tử, Mặc học… Như vậy NHL là nhà nghiên cứu vô cùng uyên bác.
    C- Cụ Vương Hồng Sển có viết một số sách nhưng ở dạng giới thiệu địa danh, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử vùng miền ở Nam bộ…ông không phải là nhà dịch thuật Hán học, không làm công việc như ông Nguyễn Hiến Lê. Cụ “ Vương Hồng Sển viết học giả Nguyễn Hiến Lê đã ghi từ "Động cát" là không đúng” vì cụ này đứng trên góc nhìn chữ Nôm không chuẩn xác bằng cụ Nguyễn dùng từ Hán Việt
    D- Trước khi nói tiếp, bu tui nhấn mạnh rằng từ điển tiếng Việt bộ mới rất đáng được sử sử dụng, những từ điển trước nó cần có để tham khảo. Vì người sau làm từ điển hẳn phải tham khảo người trước. Càng về sau tinh hoa chữ nghĩa càng được người viết sách đề cập tới…
    E- Từ điển tiếng việt cho rằng “đụn” là vật rời ĐƯỢC đắp cao lên (bu viết hoa để nhấn mạnh) như đụn rơm, đụn lúa... Phải hiểu rằng “được” là công sức con người đổ vào. Cát do gió trời dồn thành đống cao mà gọi đụn là không chính xác.
    G- Động như dẫn trên là từ Hán việt chỉ hang, động, vùng đất người thiểu số ở…Với người Tàu thì vùng dân nào ở phía nam nước họ cùng đều được họ gọi là động. Người vùng biển ở dưới chân các động cát thì cả vùng ấy từ Hán Việt gọi là động. Đồng Hới không có tên trên bản đồ cổ mà chỉ có Động Hải. (Đồng Hới là từ biến thể, các học giả cũng chưa lí giải ra được) Bảo Ninh ở cạnh biển, những dãy cát cao như đồi được dân QB gọi là Động cát Bảo Ninh.
    E- Với cách nhìn của bu thì cụ Nguyễn Hiến Lê Hoàn toàn đúng.

    Trả lờiXóa
  7. Hoan hô bác Bu đã làm rõ nghĩa của từ "động" theo nhiều góc nhìn, và thế là đã rõ, như vậy từ "động" chẳng hạn trong "động cát" là phương ngữ của miền Trung cho nên cụ Vương Hồng Sển là người "rặc Nam bộ" đã không rành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TĐTV:
      Phương ngữ dt Biến dạng của ngôn ngữ toàn dân được dùng ở những người cùng một địa phương hoặc cùng một tầng lớp xã hội.
      Theo định nghĩa trên thì ĐỘNG (trong động cát) là tiếng phổ thông chớ không phải là phương ngữ. ĐỤN có thể là phương ngữ Nam bộ.

      Xóa
    2. Tôi nghĩ TĐTV của Hoàng Phê chủ biên ghi chú chữ Động (Động cát) phương ngữ là đúng, như bác Bu từ Quảng Bình và cụ Nô, bạn Giáolàng cùng ở giải đất miền Trung (địa phương thuộc miền Trung) thì biết chữ Động này, bản thân tôi gốc Bắc sống ở miền Nam từ nhỏ chỉ khi nghe mấy cô gái Chăm nói Động cát mới biết, viết cả tự vị tiếng Việt miền Nam như cụ Vương Hồng Sển cũng không biết. Vả lại trong tất cả những quyển từ điển tiếng Việt trong Nam ngoài Bắc xưa nay, chỉ có mỗi quyển của Hoàng Phê chủ biên mới ghi nhận từ Động (động cát), như vậy khó có thể nói Động (Động cát) là từ phổ thông.

      Còn chữ Đụn thì Từ điển tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức và Từ điển tiếng Việt Văn Tân chủ biên xuất bản tại Hà Nội năm 1967 đều có ghi nhận (đụn rơm, đụn rạ), Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên ghi nhận là danh từ (đụn thóc, đụn rơm). Việt Nam Tân từ điển của Thanh Nghị xuất bản ở Saigon năm 1952 cũng ghi nhận chữ đụn trong đụn rơm, đụn thóc...

      Một từ được tất cả các từ điển xưa nay ghi nhận, không có quyển nào ghi là phương ngữ tôi nghĩ từ ĐỤN mới chính là từ phổ thông...

      Như vậy

      Xóa
    3. Bỏ chữ "Như vậy" cuối cùng.

      Xóa
    4. Nhân tiện đây tôi cũng muốn nói về giải nghĩa của chữ "Phương ngữ" của TĐTV (theo tôi hiểu là bộ do Hoàng Phê chủ biên, vì quyển của Hoàng Phê tôi có cũng giải thích chữ "Phương ngữ" như thế). Tôi xin chép lại bác viết bên trên:

      TĐTV:
      Phương ngữ dt Biến dạng của ngôn ngữ toàn dân được dùng ở những người cùng một địa phương hoặc cùng một tầng lớp xã hội.

      Quyển TĐTV do Hoàng Phê chủ biên tôi thấy hiện nay được trích dẫn nhiều nhất, nghĩa là bộ từ điển có lẽ được nhiều người tin tưởng, bản thân tôi cũng hay dùng bộ từ điển này để tra cứu. Tuy nhiên tôi thấy cách giải thích của từ "Phương ngữ" như trên có gì đó không ổn, ở chỗ:

      1/- "Phương ngữ dt BIẾN DẠNG của ngôn ngữ toàn dân được dùng ở những người cùng một địa phương". Tôi nhấn mạnh chữ biến dạng, điều này KHÔNG SAI chẳng hạn chữ GIĂNG (biến dạng của Trăng), GIỜI (biến dạng của Trời), GIẦU (biến dạng của Trầu)... là phương ngữ của miền Bắc. Nhưng nếu chỉ LÀ CHỮ BIẾN DẠNG như định nghĩa mới được gọi là "Phương ngữ", thì những chữ KHÔNG PHẢI LÀ CHỮ BIẾN DẠNG, chẳng hạn như chữ "LỢN" (người miền Bắc dùng để chỉ con HEO), và chữ "HEO" (người miền Nam dùng đễ chỉ con LỢN). Hay quả NA (người miền Bắc dùng gọi trái MÃNG CẦU mà người miền Nam kêu), sẽ KHÔNG ĐƯỢC GỌI LÀ PHƯƠNG NGỮ? Cho nên giải thích như thế theo tôi là THIẾU CHÍNH XÁC.

      2/- "hoặc cùng một tầng lớp xã hội". Tôi hiểu từ "tầng lớp xã hội" là người cùng một "đẳng cấp", chẳng hạn "Tầng lớp thượng lưu", "Tầng lớp trung lưu", "Tầng lớp hạ lưu", "Tầng lớp trí thức", "Tầng lớp bình dân"... Và những tầng lớp này có mặt ở MỌI MIỀN ĐẤT NƯỚC, không chừa một địa phương nào. Thí dụ Tầng lớp trí thức thích trong Nam ngoài Bắc hay xài những từ mà Tầng lớp bình dân không dùng vì có tính bác học, thì từ đó có phải là "Phương ngữ" hay không?

      Một vài băn khoăn về cách giải thích từ "Phương ngữ" của TĐTV.

      Xóa
  8. Hổm rày hông có gì bỏ bụng hết Bác Hiệp ui.....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời, ở bên Mỹ nghe nói năm nay lạnh quá tuyết đóng dày tùm lum, MTB không đi mua đồ ăn được ư? Hihi, thôi ráng đọc chữ nghĩa, mai mốt gần tết ta tui mời xực bánh tét :-)))

      Xóa
  9. Đọc k hiểu được bao nhiu! anw, chúc a luôn mạnh khỏe vui vẻ! :)



    ________
    quà tết 2014

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))