Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Bánh bông điên điển.

Bông điên điển. Ảnh Internet.

Tôi đọc trong quyển Bên lề sách cũ của học giả Vương Hồng Sển, có nói đến một món bánh đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, đó là Bánh bông điên điển. Một loại bánh "đặc sản" của người Thổ (tiếng gọi người Miên ở vùng Sốc Trăng quê ông khi xưa),  hình như món bánh bông điên điển này đã lâu không còn nữa, bánh tuy dân dã nhưng ngon còn hơn cao lương mỹ vị.

Những bạn nào quê ở miền Tây Nam bộ như bạn Marguérite, Mùa Thu Buồn... chắc chắn biết bông điên điển, như hình tôi đã post. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của viết như sau: Cây điên điển: tên cây xốp hay mọc theo dải đất bưng. Điên điển có bông nhỏ kết chùm màu vàng tươi, cùng loại với cây so đũa, lá trâu bò thích ăn, trái dài có nhiều hột. Điên điển là loại mọc dại, dễ sống, phát triển tốt trên đất bưng biền, đúng như từ điển đã viết hay mọc theo dải đất bưng.

Ảnh Internet.

Bông điên điển phải hái khi trời vừa chạng vạng tối, lúc búp mới nở. Người dân Nam bộ học nơi người Thổ món bông điên điển nấu canh chua, làm dưa ăn với thịt kho nước dừa ngon hết biết. Theo sách của cụ Vương bánh làm bằng bông điên điển ngày xưa mẹ của ông hay làm ăn rất ngon. Cách làm cũng đơn giản, bột gạo trộn đường vừa đủ ngọt, thêm mớ hột vịt tươi, trộn, nhồi thật đều tay trong một cái tô hay cái vịm. Đến đây tôi tạm thời ngắt để nói về cái vịm. Ở comments của bài trước, khi nhắc đến những đồ vật ngày xưa như cái tĩn, lu, khạp, hũ... Bạn Marguérite đã nói đến cái diệm (bạn nói không biết có dùng chữ đúng không?)  ngày trước dùng để đánh trứng, quậy bột làm bánh ngày giỗ, tết... Thú thật đây là lần đầu tiên tôi nghe đến tên một đồ vật như thế, tôi đã thử tra chữ diệm hay diện nơi đủ loại từ điển trong Nam ngoài Bắc mà không thấy. Đến khi đọc tiếp quyển Bên lề sách cũ của cụ Vương Hồng Sển, thấy ghi nhồi bột trong cái vịm thì tôi hiểu ngay... sự tình. Người Nam bộ hay nói chữ v thành chữ d, từ vịm thành dịm, rồi chẳng mấy hồi thành ra diệm.

Khi bột nhồi đã nhuyễn người ta thả bông điên điển vào, lại nhồi nữa cho đều, bột không đặc quá cũng không lỏng quá, lượng sao cho vừa bột vừa bông điên điển. Kế đến bắc chảo mỡ thật sôi, lấy vá múc bột bánh thả vào chảo, dùng đũa tre đảo qua đảo lại bánh đến khi chín vàng thì vớt miếng bánh gác lên trên cái vỉ sắt trên chảo cho nhểu bớt mỡ. Thế là đã có một cái bánh bông điên điển ăn vừa ngon vừa lạ. Bánh bông điên điển ăn lúc còn nóng vừa thơm vừa giòn, cụ Vương nói ngon gấp mười lần bánh Tây bánh Tàu. Nhưng bánh để qua ngày hôm sau ăn cũng có cái ngon của bánh cũ, khi ấy bánh ăn đã hết giòn nhưng lại dẻo dai, và khi đã về già viết về bánh bông điên điển cụ Vương vẫn còn nhớ mẹ, và tiếc cho tuổi hoa niên thuở nào.

Chèo ghe hái bông điển điển. Ảnh internet.

Bánh làm từ bông điên điển như thế nghe đã đặc sắc, nhưng chưa, hãy nghe cụ Vương kể chuyện bánh bông điên điển của mấy cô thôn nữ người Thổ, cúng dường cho các sãi Miên. Cụ Vương kể:

Người Miên có mùa như lễ Thanh Minh của ta, thời xưa đến mùa các sãi Miên có lệ ban đêm ra ruộng tụng siêu độ cho các oan hồn uổng tử, sãi Miên họ gọi là "lục", lục cụ (louk kru) là sãi cả, họ theo Tiểu thừa (Théravada), mỗi ngày chỉ được dùng một bữa đúng ngọ với những gì khất thực được, ai cúng gì ăn nấy không kiêng cử thứ gì kể cả cá thịt như bên phái Đại thừa. Vào buổi chiều tối các sãi Miên chặt nhánh trúc tìm cắm nơi các mộ hoang không ai thăm viếng, và ở đó suốt đêm tụng thuộc lòng, tụng không đèn, siêu độ cho các mồ hoang lạc. Nhiều khi họ tụng như thế cho đến tận ngày hôm sau không đi khất thực được, như thế các sãi này sẽ chẳng có gì ăn và bị đói.

Không lo, đã có các cô gái Miên lo bánh bông điên điển cho họ, và cái cách họ làm bánh cúng dường các sãi mới tuyệt vời làm sao. Không phải các cô làm bánh sẵn ở nhà đợi đến ban ngày chèo xuồng dâng cho các sãi. Cụ Vương kể, các cô đã chuẩn bị cái vịm bột đã nhồi sẵn như đã kể bên trên, cùng chảo mỡ, cà ràng ông Táo. Sáng sớm trời còn nhá nhem các cô đã bơi xuồng với đầy đủ các thứ, mỗi xuồng có hai cô, một cô chiên bánh một cô giữ xuồng cho khỏi tròng trành. Xuồng ghé vào những cây điên điển ven bờ kinh, bờ ruộng, lựa những nhánh bông điên điển vừa tầm (nhánh vẫn còn bông), vít nhánh ấy xuống nhúng vào vịm bột. Bột sẽ bám vào chùm bông trên cành và các cô nhanh tay nhúng cành bông điên điển đã bám bột vào chảo mỡ đang sôi trên xuồng, đến khi bánh đã chín các cô buông nhẹ tay để cành cây điên điển có chiếc bánh mới chiên vàng hượm trở về vị trí cũ trên cây, các cô gái cứ chiên bánh như thế cho đến khi hết cái vịm bột. Các sãi tụng kinh xong chỉ việc bơi xuồng lấy xuống ăn những bánh bông điên điển ấy.

Cụ Vương Hồng Sển nói thời trước cứ đến mùa thanh minh của họ như thế, sáng ra trên những nhánh cây điên điển ngoài bờ kinh, bờ ruộng lắc lơ những cái bánh bông điên điển, và thời còn nhỏ cụ Vương nói đã vô lễ ăn hỗn bánh trước các ông sãi, và "không biết đến kiếp nào mới có dịp ăn bánh này lại nữa?".

Thật là một món bánh quá độc đáo phải không các bạn?



18 nhận xét :

  1. ôi, e mới nghe tên bánh này lần đầu tiên trong đời luôn đó bác Hiệp ơi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thỉnh thoảng về miền quê Nam bộ mà tôi chưa thấy món này bao giờ :-)

      Xóa
  2. Aha, nếu bác H nói lần đầu nghe nói đến từ "diệm" là không đúng đâu . Chắc hẳn là bác đã nghe đâu đó cụm từ "chun vô diệm" rồi đúng không , hihi ... Người ta hay nói người đẹp chun vô diệm đó ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, "chun vô diệm", người đẹp "chun vô diệm", hay hay, có nghĩa là người đẹp chun vô cái "diệm" đánh bột. Từ này thì đúng là có nghe rồi. :-)))))

      Xóa
    2. Chị Marguerite Bantam thông cảm , vì 2 Bác Hiệp có phải người dân miền Tây Nam Bộ như Chị em mình đâu, nên Chị nói cái diệm là Bác hiệp " đau đầu" là thế.......Hihi

      Xóa
    3. Vậy chứ rành Nam bộ lắm à nha :-)))

      Xóa
  3. Cách làm món bánh điên điển trên cành quá ngộ . Xem ra các cô gái Miên thật là ... lãng mạn , hihi ... Bây giờ ở miền Tây có làm bánh xèo với bông điên điển ăn cũng rất ngon

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những cô gái Miên này rất lãng mạn và sáng tạo, khéo tay nữa, đâu có dễ gì chiên được một cái bánh trên xuồng giữa trời đất gió lộng như thế. Có nghe quảng cáo bánh xèo bông điên điển mà cũng chưa được thưởng thức.

      Xóa
  4. Khi còn bé sống với bà nội của em ở Đồng Tháp , em có ăn món canh chua bông điên điển rồi ...bé quá nên chẳng biết thưởng thức mùi vị của nó ...nhưng nhắc đến tên thì em nhớ ..giờ nghe thêm món bánh của loại bông này cùng câu chuyện kể về các cô gái người Thổ chiên bánh ...thật độc đáo và lạ nữa ...nghe thích thật anh Hiệp ạ ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Canh chua bông điên điển chắc ngon, còn cô gái Thổ trong chuyện bánh bông điên điển hay quá xá :-)))

      Xóa
  5. Nghe anh kể như chiện đời xưa. Mà cũng xưa thiệt rồi mà! Có những cái đã mất dần, chỉ còn trong hoài niệm, tiếc nuối thôi, đâu cứ gì bánh điên điển của cụ Vương. Phải chi anh Phạm có thời gian và sức khỏe đi sưu tầm hết những cái xưa ấy cho bà con và giới trẻ sau này thưởng lãm, để khỏi làm mất cái hồn thiêng dân tộc bao đời. Rùi blogger nhà mình cứ mỗi năm kéo đến... nhà bảo tàng của anh để du ngoạn thì hay biết bao ha anh Phạm? hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người già ưa kể chiện đời xưa, hihi, nói vậy chứ tui bạ đâu nói đó, cái "lốc" của tui là đủ thứ linh tinh hết á :-)))

      Xóa
  6. Bác Phạm ơi, sẵn dịp, bác tìm dùm Nô hai chữ Cao Miên bắt nguồn từ đâu, bác nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cao Miên 高棉, người Việt còn gọi là Cao Mên, Cao Man, hay trong bài Gia Định Phú cụ Vương Hồng Sển sưu tầm còn chép là Con Miên (cầu Con Miên, cầu Bông ở Saigon bây giờ), là âm Hán Việt của tên Khmer gọi nước Cambodia (theo tiếng Anh), hay Cambodge (tiếng Pháp), hoặc người Việt quen gọi là Campuchia (Kampuchia) (âm Hán Việt là Giản Phố Trại 柬埔寨). Chữ Miên 棉 có nghĩa là cây bông.

      Xóa
  7. 1- Lối làm bánh có lẽ độc đáo nhất thế giới
    Người nào nghĩ ra cách làm này đáng được phong tặng nghệ sĩ Nhân dân
    2- "hình như món bánh bông điên điển này đã lâu không còn nữa, bánh tuy dân dã nhưng ngon còn hơn cao lương mỹ vị." ...hihihi không còn nữa sao biết được là ngon hơn cả cao lương mỹ vị
    3- Mọi người khoái bánh này vì lạ, vì tính trử tình làng mạn dân dã, chớ ngon thì cũng như ăn bánh rán thôi chăng??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Đúng là độc đáo nhất thế giới.
      2- Ấy là theo cách nói của cụ Vương. Bánh không còn làm, nhưng cái hương vị mà cụ Vương đã được thưởng thức vẫn còn, cụ ấy khen bánh hết lời, ngon hơn bánh Tây bánh Tàu, và cụ ấy tiếc rẻ không biết kiếp nào mới được thưởng thức lại.
      3- Chúng ta, những người biết được món bánh này (nhưng có lẽ chưa ai được ăn), vì thấy lạ và trữ tình, chứ cụ Vương thì khen rất ngon đấy. Nếu chỉ bằng bánh rán (bây giờ còn bán đầy ở chợ), chắc cụ ấy chẳng khen ngon làm gì? Sinh thời cụ này nổi tiếng ăn chơi thưởng ngoạn sành sỏi.

      Xóa
    2. Giáo xin mạn phép nói leo chút. Những món người ta ăn ngày xưa, nhất là do chính tay người thân thương (như Má) làm thì cái hương vị ấy ko bao giờ tìm lại được, dù họ có được người khác làm lại cũng y như công thức đó và cũng ngon như vậy. Nhưng người ta ăn ko cảm thấy ngon nữa vì nỗi nhớ, nhớ quê, nhớ người... Những món ăn ngày nay thiếu mất cái hồn quê đậm đà thuở xưa rồi nên người ta cứ tiếc thương mãi là vậy.

      Xóa
    3. Chính xác đó cô giáo, và đó là cái đặc điểm nơi con người (tôi không dám nói nơi các loài khác, vì không biết các loài khác... suy nghĩ ra sao?). Cái ngon này không còn bó hẹp trong cái ý nghĩa "ngon dở theo cách nấu" nữa. Bản thân chúng ta cũng vậy, có những món ăn ngày xưa người mẹ đã đi xa nấu ăn sao nó ngon tuyệt vời thế, chẳng hạn với tôi vào dịp giỗ tết được ăn bát canh thịt gà nấu với bóng (da heo chiên khô) mẹ tôi nấu, ba tôi cắt cổ làm lông gà. Bây giờ đã được ăn đủ thứ lẩu cao cấp nhà hàng, vậy mà vẫn thấy không ngon bằng bát canh mẹ nấu ngày xưa.

      Đúng là ngon ở được ăn "cái tình" chứ nào phải ăn món ăn :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))